Nguyễn Thế Lượng vốn là một giáo viên dạy Ngữ văn, hiện là Phó hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa, công việc khá bận rộn nhưng thầy giáo vẫn dành thời gian cho việc viết lách: tản văn, thơ, bút ký, tiểu luận phê bình…
“Bếp lửa tuổi thơ” là tập tản văn, 162 trang do Nxb QĐND xuất bản năm 2017, in xong và nộp lưu chiểu tháng 6 năm 2017 với 39 bài tản văn, phần lớn viết về những kỷ niệm một thời thơ ấu, gắn bó với làng quê, đậm chất dân dã, rất Việt Nam.
Ngay từ nhan đề các bài viết trong tập tản văn đã đậm chất dân dã, mang dấu ấn của một miền quê yên ả, với những kỷ niệm ấm áp: Thơm thảo món quà quê, Hơi ấm ổ rơm, Bếp lửa tuổi thơ, Rô đồng chốn quê, Vại dưa của mẹ… Ai đã từng sinh ra, lớn lên trên Đất mẹ Việt Nam hẳn đều gắn bó với những kỷ niệm thân thương ấy. Bên cạnh vại dưa của mẹ là nước vối, trái thị, mùa ấu, mùa dâu da, mùa hoa gạo, mùa gặt… Tôi dám chắc những ai xa xứ, sẽ không thể không nao lòng trước những bài viết của Nguyễn Thế Lượng. Đặc biệt ngày nay, giữa nhịp sống xô bồ, ồn ã của phố xá, có hương vị nước vối do một tay mẹ hái, mẹ ủ, thơm thảo như tình mẹ luôn dành cho con, chắc chắn người Việt Nam xa quê sẽ rưng rưng lệ “Ngày nào, khi thức dậy, tôi cũng thấy nồi nước vối mẹ hãm trên bếp đã sóng sánh màu vàng tươi tỏa mùi thơm lừng lựng….”.
Mùi thơm hấp dẫn đã đành, vị chua cũng có sức hút không kém, đó là vị chua của quả nhót “Sau Tết Nguyên đán, khi người ta đã ngán những món ăn như thịt mỡ, bánh chưng thì tự dưng lại thèm ăn quả nhót chua để lấy lại cảm giác của vị giác”. Chắc chắn ở đây không thể có khoảnh khắc “tự dưng” nhớ vị nhót nếu như trước đó nhót chưa từng là món ăn quen thuộc, chưa từng là món khoái khẩu của thanh, thiếu niên, nhất là các cô thôn nữ.
Thế giới tuổi thơ của tác giả gắn nhiều với hình ảnh bếp lửa. Không hẳn như Nguyễn Duy nhớ “Bếp lửa ấp iu nồng đượm”, hay “Bếp lửa chờn vờn trong sương sớm”… Thế Lượng viết “Tuổi thơ tôi lớn lên bên bếp lửa của mẹ”. Bếp lửa của mẹ gắn với tuổi thơ tác giả không đơn thuần là hình ảnh bình dị, thân thuộc hiểu theo nghĩa đen, không chỉ gắn bó đích thực với tác giả mỗi ngày, mà nó còn mang một ý nghĩa tượng trưng vô cùng trân quý “Mẹ vẫn thường bảo chúng tôi: Trong mỗi ngôi nhà, cần phải có ngọn lửa để duy trì sự sống và mẹ tôi, người phụ nữ quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời ấy đã là người giữ lửa ấm cho mái nhà bình yên của chúng tôi”.
Quả thực, với người dân Việt Nam, nhất là người dân vùng nông thôn thì bếp lửa là hình ảnh gắn bó thân thương hơn bất cứ thứ gì, nó giúp mỗi gia đình duy trì sự sống, giúp sưởi ấm khi giá rét ùa về… bài tản văn của Nguyễn Thế Lượng thu hút người đọc từ hình ảnh thân thương ấy.
Và, cũng thuộc chùm hình ảnh thân thương là vị giác được nếm món ăn khoái khẩu: chè con ong. Viết về bát chè con ong mẹ nấu, tác giả còn mô tả quá trình từ khi gặt lúa về đến lúc mẹ chọn lúa, xay thóc, ra hạt gạo nếp trắng ngần, thơm nồng; đồ xôi trước rồi mới nấu chè để đảm bảo độ ngon, dẻo…
Viết về Mẹ vốn là cảm hứng chủ đạo của nhiều thi sỹ, nhạc sỹ bởi: “Cây có gốc mới nảy cành xanh lá/ Nước có nguồn mới biển cả sông sâu”.
Đó là chưa kể “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Mẹ có công lao trời bể với mỗi đứa con, Mẹ còn là biểu tượng của đức hy sinh, tựa như câu ca thuở nào: “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”.
Xưa kia, trong ca dao, hình ảnh người mẹ được thể hiện như là biểu tượng của đức hy sinh, tảo tần, lam lũ và chịu nhiều thua thiệt, thua thiệt nhưng không kêu ca, phàn nàn; thua thiệt nhưng hạnh phúc khi đem lại hạnh phúc cho chồng, cho con, cho gia đình. Ngày nay, khi xã hội phát triển văn minh hơn, công lao của Mẹ vẫn vẹn nguyên, nhưng hình ảnh biểu trưng về Mẹ không gắn với khổ đau, thua thiệt nữa, mà gắn với kỷ niệm ngọt ngào, ấm áp, yêu thương. Và, các trang viết của tác giả Nguyễn Thế Lượng đã thể hiện được điều đó.
Thế giới nghệ thuật trong tập tản văn của Nguyễn Thế Lượng, bên cạnh những hình ảnh gần gũi, bình dị về đồng quê, gắn với hình ảnh bình dị mà vĩ đại của Mẹ, còn có tiếng trống khai trường mỗi mùa thu đến, có hình ảnh chiếc nón lá – kỷ vật một thời của thôn nữ Việt Nam, có “vẻ đẹp hoang sơ mà quyến rũ của thiên nhiên và mây trời Tây Bắc”, nổi bật là hình ảnh hoa mận trắng. Nhan đề bài viết “Hoa mận Tây Bắc” khiến người đọc hình dung tác giả sẽ tả sắc trắng hoa mận, vẻ tinh khôi của bông hoa hay cả cánh rừng hoa mận, làm nên vẻ đẹp riêng của núi rừng Tây Bắc. Nhưng, đọc kỹ bài viết mới thấy được sự cô đọng, súc tích của trang viết, đan quyện cùng cảm xúc trữ tình, nồng nàn, sâu lắng của tình người dành cho thiên nhiên, cảnh vật. Nguyễn Thế Lượng mô tả việc mận ra hoa vào mùa đông, đặt trong thế song hành, đối lập giữa việc khi đông về, khi giá rét bao trùm đất trời, cảnh vật miền Tây Bắc, khi con người “giữ lửa bếp để giữ ấm cho cả mùa dài” thì cây mận, dù ven suối hay trên đồi, “dù mọc ở vị trí nào cũng rùng mình để bắt đầu một hành trình mới trong vòng đời của nó”. Phải thật sự yêu cảnh sắc thiên nhiên, phải có một vốn từ phong phú, tác giả mới có được cách hình dung ấy, cách viết ấy “Mận đã ngủ say trong một giấc ngủ dài mà chỉ có cái lạnh thấu xương ở vùng cao mới đánh thức nó”. Tiếp đó là tiến trình nụ hoa chúm chím, e lệ, tình tứ, theo với thời gian “mận trắng nở tròn xoe, vụt lên kiêu hãnh”, để rồi, đến đúng thời điểm cả rừng cây phô diễn vẻ kiều diễm “Trắng, trắng và sáng bừng cả bản”.
Tây Bắc không chỉ đẹp vẻ đẹp của hoa mận trắng tinh khôi, còn ấm sáng vẻ đẹp của hoa đào thương nhớ. Mỗi độ xuân về, người Mông, người Tày nhìn thấy sắc đào như thấy sự hồi sinh. “Mỗi khi tết đến xuân về, đào rừng lại ban tặng cho họ một mùa hoa như tấm thảm làm sáng đẹp cả núi rừng, cho cuộc sống của họ thêm ấm áp”.
Đọc tản văn “Bếp lửa tuổi thơ” của Nguyễn Thế Lượng, cảm nhận khá đầy đủ tình yêu thương tác giả dành cho những kỷ niệm tuổi thơ nông thôn Đất Việt. Các giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác đều được thưởng thức hương sắc, hương vị của đồng quê. Từ đó, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào khi ta là người Việt. Bên cạnh đó, sâu hơn, ẩn trong ngôn ngữ mỗi bài tản văn là thông điệp về sự kính trọng, yêu thương dành cho Bà, cho Mẹ, cho những người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh. Dẫu đây đó còn có sự lặp lại về motip, còn có câu văn chưa thật sự trau chuốt… Nhưng vẫn đủ nguyên cớ để khẳng định đây là tập tản văn đáng đọc, đáng nhớ; đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển với nhiều thành tựu đáng kể, con người ta dễ bị cuốn theo cái hào nhoáng, cái xô bồ, cái không thực của thế giới ảo mà lãng quên vẻ đẹp đích thực, làm nên hương sắc, nên hồn quê Đất Việt.
ĐỖ NGUYÊN THƯƠNG