Mùa thu năm 2020, tôi được Trần Anh Nhì tặng đứa con tinh thần của anh mới ra đời – tập thơ “Cung bậc trái tim”. Tập thơ gồm 90 bài, bìa đẹp, sách do NXB Thanh Niên xuất bản tháng 8 năm 2020. Đây là tập thơ in riêng thứ ba của anh, sau hai tập thơ: “Giọt mật”, Nxb Hội Nhà văn – 2011, “Mùa hoa lạc”, Nxb Hội Nhà văn – 2012.
Nét nổi bật của tập thơ là cảm xúc trong sáng, dạt dào của tác giả đối với đất nước quê hương, tình cảm gia đình sâu nặng, tình yêu lứa đôi và những vần thơ viết về thế sự.
Hình ảnh “Trái tim” được xuất hiện trong nhiều bài thơ: “Giữ lại tim em, Lửa trái tim, Trái tim đá, Trái tim”.
Về đề tài đất nước quê hương, nhiều miền quê đã được tác giả miêu tả sinh động: Trảy hội Đền Hùng, Về quê anh, Đất Tổ quê anh, Langbiang đêm cao nguyên, Điện Biên mùa mận chín, Nghìn năm Hà Nội, Chiều hồ Vị Xuyên…
Quê hương Phú Thọ – miền quê đất Tổ giàu đẹp, giàu truyền thống lịch sử hiện lên thật ấn tượng: “Em có về Phú Thọ/ Trung du bốn mùa xanh cọ xanh đồng và dào dạt Thao giang/ Nơi giao nhau ba sông phố Hạc/ Hương lúa hương ngô gieo hạt bấy mùa/ Đỉnh Nghĩa Lĩnh nơi vua Hùng hội tướng/ Núi gối núi kỳ vĩ trung du – nhất vùng châu thổ/ Chim Hạc lao xao/ Lục tục mõ trâu hòa cối giã Thậm Thình” (Đất Tổ quê anh).
Thiên nhiên và con người Điện Biên hiện lên thật đẹp, thật gợi cảm: “Điện Biên ơi trời xanh A1/ Mường Thanh mùa này mận trĩu tay em/ Ong tìm mận đậu nhầm vai áo/ Thái, Mường, Dao quay quện làn xòe/ Điện Biên/ Về một miền rừng núi đầy hoa” (Điện Biên mùa mận chín).
Bên cạnh hình ảnh thơ mộng của quê hương Phú Thọ, Điện Biên… là hình ảnh trầm hùng, dữ dội của đất rừng Tây Nguyên:
“Cồng chiêng Đang Jrung-krajan Tham/ Giữa núi rừng âm vang nhớ thuở xưa bộ tộc/ Những chàng trai đầu trần chân đất xăm mình khố vải vắt hông/ Những cô gái ngực trần vòng cổ loang xoang quấn thân thổ cẩm/ Rượu cần vòi vít đến say/ Langbiang tiếng con Nai con Voọc đêm hoang về lởn vởn/ Lửa bập bùng già làng hú tù và vào hội” (Langbiang – Đêm cao nguyên).
Đậm nét trong tập thơ là tình cảm của tác giả đối với mảnh đất Tình Cương, Cẩm Khê – nơi anh đã sinh ra và sống những năm tháng tuổi thơ, là tình cảm gia đình sâu nặng của anh đối với ông bà, cha mẹ và những người thân (Bà về cõi Phật, Bước chân cha, Mẹ cha tình nồng, Mẹ đi lối mòn, Phụ mẫu muôn đời…). Hình ảnh quê hương trong thơ Trần Anh Nhì có những nét riêng: “Quê hương thấm máu thuở nào/ Cầu tre lắt lẻo nghiêng chao cánh cò/ Quê hương nhung nhớ con đò/ Sang sông bến Vực vòng vo bãi bồi/ Quê hương ăm ắp vành nôi/ Lời ru quyện giọt mồ hôi mặn mòi…” (Quê hương).
Hình ảnh người bà được tác giả miêu tả thật xúc động: “Một đời gồng gánh gẫy lưng/ Một đời tước lạt bện thừng uốn quang/… Một đời cam khổ héo hon/ Một đời cho hết chỉ còn tấm thân/ Một đời phiêu bạt xa gần/ Bước đi để lại dấu chân méo tròn” (Bà về cõi Phật).
“Cung bậc trái tim” giành nhiều trang viết về thế sự, về tình yêu lứa đôi, về đất nước và con người Tiệp Khắc, nay là Séc và Slovakia – nơi anh tu nghiệp và công tác (Đêm trắng tuyết trời Âu, Praha đêm say, Người con gái Tiệp…).
Bài thơ “Tắm mưa” viết về những khoảnh khắc thần tiên, rất con người: “Tắm mưa giữa buổi hạ tàn/ Bồng lai ngần ngật mịn màng thịt da/ Đường cong trời phú nuột nà/ Giọt tan từ má giọt sa vai trần”.
Từ bài thơ này, gợi nhớ đến một hình ảnh khác của nữ chiến sĩ Trường Sơn thời giặc giã: “Trường Sơn vương chút nắng vàng/ Suối tôi xuống tắm em đang bơi nhào/ Eo thon con sóng xôn xao/ Nước trong rượi mát rì rào nên thơ/ Sóng vương một chút mộng mơ/ Ngọt ngào êm dịu vỗ bờ vai tôi/ Sóng hôn má, sóng hôn môi/ Sóng hôn tóc, sóng hôn đôi mắt huyền/ Em như từ cõi thần tiên/ Khỏa thân suối nước, tắm miền núi cao” (Tắm suối – Nguyễn Tất Đình Vân). Trong số 4.955 bài thơ dự thi, bài thơ “Tắm suối” đã đạt giải Ba cuộc thi thơ “Lục bát Trường Sơn” năm 2015 – 2016.
Một số bài thơ khác trong “Cung bậc trái tim” đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với tôi như: Cánh hạc lạc chiều, Trảy hội Đền Hùng, Đêm tuyết trắng trời Âu, Tìm người thôn nữ, Gọi tên bên dòng chảy, Tìm trong cái lẫn, Cao nguyên phố lạnh, Lửa trái tim, Điều gì khát cháy… Nhiều câu thơ trong “Tìm trong cái lẫn” mang đậm chất triết lý sâu sắc: “Tôi đi tìm hôm qua/ Giữa hôm nay mới lạ/ Người đi tìm băng giá/ Khi mùa đông tuyết rơi…/ Tôi đi tìm biển khơi/ Giữa vạn trùng sóng vỗ/ Người đi tìm bến đỗ/ Giữa lúc con thuyền neo/ Tôi đi tìm dốc đèo/ Giữa núi rừng ngần ngật/ Người đi tìm sự thật/ Giữa pháp đình uy nghi…”.
Có những câu thơ được thể hiện một cách ấn tượng: “Đêm củi nổ lửa bập bùng xiên thịt/ Rượu vộc ngược giọt vào môi nhoang nhoáng/ Mắt lúng liếng/ Ngực bồng bềnh/ Tung khuy cài đất trời hoang dại/ Điện Biên/ Đêm say múc trăng anh đổ lên mùa hạ”.
Với thể thơ lục bát, một số bài thơ được viết khá nhuần nhuyễn (Lửa trái tim, Điều gì khát cháy…): “Thước đo cao rộng ngắn dài/ Sâu nông cũng thể một hai bến chờ/ Đếm sao thả ước vào mơ/ Xin qua những phút dại khờ xin qua/ Viết tên lên mấy cánh hoa/ Ép vào trang sách ấy quà con tim/ Tháng sáu ta sẽ đi tìm/ Cái nơi ngọt lịm trái sim mọng tròn…” (Điều gì khát cháy).
Có bài thơ lục bát được ngắt dòng một cách sáng tạo: “Say – say gắp mãi hạt mưa/ Trở nên lẫn/ Đang trưa/ Bảo chiều/ Một đằng thấy thế ghét yêu/ Một đằng nhẩm tính bao nhiêu ly còn…/ Mưa… mưa gom lại hạt tròn/ Người ơi/ Sao thế/ Vẫn còn mộng mơ/ Dùng dằng kéo mãi câu thơ/ Rộng dài mắt biếc bao giờ vắt sang…” (Ly say).
Đáng tiếc tập thơ còn một số lỗi đánh máy trong một số câu thơ ở các trang 36, 78, 109 và một vài trang khác.
Có thể nói “Cung bậc trái tim” là một tập thơ giàu cảm xúc.
Chúng ta tin tưởng và hy vọng thời gian tới sẽ được đón nhận thêm những tập thơ mới đặc sắc của Phó Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam tỉnh Phú Thọ Trần Anh Nhì.
ĐOÀN HẢI HƯNG