NHÂN VẬT
Nghĩa: Bộ đội
Thắng: Thanh niên – em trai của Phương
Phương: Nữ cán bộ đoàn.
Ông Vinh: Bố của Thắng và Phương
Quốc: Kẻ xấu.
MỞ MÀN
(Chuyện xảy ra trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cơ sở hành chính mới được thành lập nhờ vào chính sách di dân ra định cư, xây dựng kinh tế, giữ đảo của Đảng và nhà nước. Tại nhà của ông Vinh. Nghĩa và Phương bước vào)
Phương: Anh Nghĩa à! Được phối hợp với bộ đội thì chúng em yên tâm nhất rồi, nhưng về cách thức tiến hành cụ thể thì bộ đội phải bày cho Phương nhiều đấy.
Nghĩa: Phương đừng lo. Trước hết là chúng ta sẽ tổ chức một buổi giao lưu đốt lửa trại thật sôi động, với chủ đề “Thanh niên phòng chống tệ nạn xã hội, phối hợp chặt chẽ với bộ đội, quyết tâm xây dựng làng, xã vững mạnh; giữ vững chủ quyền biển đảo”. Lấy trọng tâm là chống sử dụng tàng trữ buôn bán ma túy trong thanh thiếu niên; đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững cuộc sống trên đảo. Tiếp theo là phối hợp tổ chức ra quân thực hiện “Năm công trình thanh niên”. Theo chương trình đã thống nhất chúng ta sẽ làm con đường phía đầu Gành đá để bà con đi lại, trồng rau xanh. Phương thấy có được không?
Phương: Tuyệt quá. Nhưng…
Nghĩa: Còn nhưng gì nữa?
Phương: Thấy dân làng nói ở gành đá, con ma biển lại xuất hiện. Phương sợ lắm.
Nghĩa: Ôi trời! Bí thư Đoàn còn sợ ma kìa.
Phương: Ừ thì… Phương cũng không tin đâu. Nhưng dân làng kháo nhau, nếu làm đường trồng rau xanh ở đó, con ma biển giận sẽ làm sóng lớn; ngư dân ra khơi gặp nguy hiểm, người già và trẻ con ốm không chữa được. Phải làm thế nào bây giờ?
Nghĩa: Chúng ta sẽ gặp bố em là người già và là người có uy tín ở đây để nói với bác và dân làng đừng tin vào chuyện dị đoan, yên tâm ổn định cuộc sống. Phương thấy có điều gì trong vấn đề này không?
Phương: Vâng.. hình như… Phương cũng thấy có gì đó không ổn.
Nghĩa: Thôi bây giờ chúng ta phải bắt tay chuẩn bị cho đêm lửa trại rồi đấy.
(Nghĩa và Phương đi vào. Quốc khoác một cái túi cùng Thắng ra sân khấu).
Quốc: (Kéo vai Thắng) Vào đây! Hay rồi chú mày ơi.
Thắng: (Vẻ ngơ ngác) Anh bảo hay cái gì kia?
Quốc: Tao vừa trúng quả đậm (rút ra bao thuốc loại sang) hút đi.
Thắng: Nhưng… em không biết hút mà.
Quốc: Làm tới đi. Có hút, có hít mới thấy đời còn trên cả hận thù. Mày ra cái đảo này trở nên đần ra nhiều rồi đấy. Tuổi như mày á, trong đất liền đang sướng bỏ mẹ… Ở cái đảo như bị cầm tù này chẳng đi đến đâu. Suốt ngày chỉ sóng với gió.
Thắng: Vâng. Mấy ngày đầu ra đây, buồn phát khóc lên ấy anh ạ.
Quốc: Nhà thằng Lanh hôm trước phải bỏ đảo về đất liền rồi. Bởi vì thằng Lanh là con trai duy nhất. Nó chuồn vào trước thì bố mẹ nó cũng phải theo sau thôi. Thằng đấy mới là thức thời. Khôn vãi…
(Đột ngột Quốc sẵng giọng) Mà này! công việc đến đâu rồi?
Thắng: Ờ… ờ… Em đã rủ cả thằng Biên, thằng Nhật rồi. Nhưng chúng nó còn chần chừ lắm.
Quốc: Tốt. Nhưng phải khẩn trương lôi kéo chúng ngay và phải lôi kéo càng nhiều người bỏ đảo về đất liền càng tốt. Trước mắt nhất định ngăn không được để cho đứa nào lên phía Gành đá làm đường, trồng rau. Đó là bến tập kết thuyền, là nơi đưa mọi người trở về đất liền.
Mày phải nói cho mọi người biết, léng phéng ngoài Gành là ma biển sẽ tức giận. Thanh niên trai tráng đi khơi, đi lộng sẽ bị sóng dìm chết đấy.
Làm tốt sẽ có thưởng, hiểu chưa. Đây; tạm cho mày (rút ra một tập tiền). Phải bắt đầu từ ông cụ nhà mày ấy.
Thắng: Nhưng ông cụ nhà em là… là… một ông cụ… à… à… em không dám đâu.
Quốc: (Gắt) Hừ! Có vậy mà cũng không làm được. Thôi để tao. Nhưng nhớ phải có mặt ở điểm hẹn vào giờ K đấy. Phần thưởng lớn của mày ở trên đó và đừng để ai nhìn thấy nghe chưa.
Thắng: (Nhăn nhó) Nhưng…
Quốc: Thôi! không nhưng gì nữa.
(Ông Vinh ngậm cái tẩu gỗ bước vào, vẻ tư lự, vừa đi vừa nói).
Ông Vinh: Lại sắp bão rồi. Ngư dân mấy ngày này không đi biển. Tàu thuyền phần lớn chưa được đóng mới chưa dám đi khơi. Mà… Tao cho là chúng nó vẽ chuyện. Chứ dân làng biển bao đời nay đánh bắt cá, câu mực, cào ngao, đãi dắt, đập hà… Mùa nào thức ấy. Làm gì có con ma biển nào đâu chứ. Hừm…! Chuyện này lạ thật.
Thắng: Bố đã về.
Quốc: (Giọng nịnh nọt) He he… con chào bố ạ.
Ông Vinh: Hừ! (quay sang Thắng) Thắng! Mấy ngày mày bảo đi và khai hoang cùng với đoàn thanh niên mà sao vẫn loanh quanh đây thế hả?
Thắng: À… ừ…. Con đi làm ở chỗ khác ấy mà bố…
Quốc: (xun xoe) À… à… bố lại nóng rồi (móc ra bao thuốc lá) thuốc ngon đấy mời bố làm điếu cho thơm mồm. He he…
Ông Vinh: (phẩy tay) Hừ! Tao có thuốc tao hút.
Quốc: Là… là… tôi nói thằng Thắng nhà bố, nó không làm chỗ này thì làm chỗ khác, mà làm đường, khai hoang trên đảo trồng cây rau, cây đỗ không đem về tiền thì trồng cây khác đem về tiền nhiều thôi mà. Mà tôi nói thật. Trên đất liền đang sướng các cụ lại kéo nhau ra đây, thiếu thốn đủ đường. Giữ đảo là chuyện quốc gia đại sự, đâu phải việc của các cụ. Hòn đảo này ma thiêng nước độc lắm.
Ông Vinh: Mày nói thế là làm sao tao chưa hiểu thật cái bụng của mày.
Quốc: Ông Vinh này! Tôi là tôi muốn cho dân mình rời đảo, về với đất liền. Về đất liền thì… thì… mới có nhiều xe máy, có nhiều tiền, có ti vi, tủ lạnh, có nhà hàng! Ở đây, tôi cho bố cái xe SH bố cũng đếch có đường mà chạy, chỉ có nước lao xuống biển. Ha… ha…
Ông Vinh: (Quát) Quốc! Cái miệng lưỡi của mày ngày thường như con rắn độc, sao hôm nay mày lo cho dân đảo thế. Tao cũng cho là lạ đấy.
Quốc: Thôi tuỳ bố già. Nhưng việc này tôi vẫn phải hỏi bố. Thế bố có biết chuyện con Ma biển lại xuất hiện không ?
Ông Vinh: Tao biết. Thì sao?
Quốc: Không khéo phen này dân đảo nuôi được con gà, con chó cũng bị chết hết thôi. Rồi đến người cũng bệnh tật mà chết. Thanh niên đi biển cũng coi chừng có đi mà không có về…
Ông Vinh: (Vẻ lo lắng) Mấy hôm nay đã có 2 con chó đầu làng phía Gành đá cũng bị chết. (Ông Vinh đi đi lại lại vẻ suy nghĩ) Lạ thật.
Quốc: Thế mà thanh niên xã này còn định cùng với bộ đội chọc tức nó đấy.
Ông Vinh: Quốc! Mày nói sao?
Quốc: Bố cứ hỏi con gái bố thì biết.
(Có tiếng bên ngoài sân khấu vọng vào)
Tiếng Phương: Anh Nghĩa à. Hôm nay Đoàn thanh niên bắt đầu khai trương khai hoang khu Gành đá rồi.
Tiếng Nghĩa: Vậy à. Vui quá, sáng nay chi đoàn trong đơn vị anh cũng vừa phát động phong trào thi đua, sẽ phối hợp với chi đoàn em đấy.
(Quốc hốt hoảng kéo Thắng cùng nhau đi ra. Quốc vội vàng bỏ đi quên cái túi. Phương và Nghĩa đi vào)
Nghĩa: Đưa dân ra đảo, hải đảo để định cư là một trong những chính sách quan trọng trên nhiều phương diện của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, việc đưa người dân ra hải đảo sinh sống ổn định có ý nghĩa rất lớn đối với an ninh, quốc phòng. Một mặt chính sách này góp phần khẳng định chủ quyền của quốc gia, mặt khác, tạo ra một môi trường sinh sống mới, xây dựng kinh tế mới để tạo ra sự đa dạng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Phương: Vâng! Rồi đây đảo sẽ phát triển như một thành phố du lịch nữa. Việc đi lại giữa đất liền với Hải đảo và cả thông tin liên lạc sẽ không còn là những khó khăn cách trở… Em tin ngày đó không còn xa đâu anh.
Nghĩa: Đúng vậy em. Bây giờ chúng ta vào gặp bố em đi.
Phương: Kìa bố! (Ông Vinh im lặng không trả lời)
Nghĩa: Chào bác Vinh. Sao hôm nay bác có vẻ không vui?
Ông Vinh: Bố hỏi, thế bộ đội với thanh niên đảo định làm gì trên Gành đá?
Phương: Bố à! Đoàn thanh niên phát động phong trào thi đua cùng với bộ đội làm đường dân sinh và khai hoang để trồng rau xanh, bảo đảm nhu cầu của người dân trên đảo thôi mà.
Ông Vinh: Không được rồi ! Hai đứa có nghe chuyện về con ma Gành đá không? Phương à, mày làm cán bộ đoàn bố không cấm, nhưng phải bỏ cái việc ngoài Gành đá thôi. Dân đảo ta từ khi bắt đầu sinh cơ lập địa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đến nay. Con sóng đổ nơi nào, con nước ròng nơi ấy, thì ngư dân cũng có thể đến được. Chỉ có phía Gành đá là chưa ai dám đến. Vậy mà các con động chạm đến chỗ đó là không được rồi.
Nghĩa: Bác Vinh à! Không có con ma biển nào đâu, bác đừng tin.
Phương: Phải đấy bố à!
Ông Vinh: Bộ đội Nghĩa có biết hôm trước con ma biển nó hú ở đầu Gành, sáng ra mấy đàn chó đầu làng đều bị chết không?
Nghĩa: Thưa bác! Việc mấy đàn chó bị chết có dấu hiệu bị cho ăn thuốc độc đấy.
Ông Vinh: (Sửng sốt) Hả? Sao biết?
Nghĩa: Nhất định là có bàn tay của kẻ xấu trong vụ này. Bác Vinh à! Mới đây, đoàn thanh niên đảo ta cùng với bộ đội đã phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm. Qua phong trào đấu tranh cho thấy có kẻ đã lợi dụng thanh niên trên đảo sử dụng chất ma túy và kích động dân làng rời bỏ đảo đấy.
Phương: Nó còn tung tin có con ma Gành đá để phá hoại phong trào thanh niên và gây hoang mang trong dư luận đấy bố à.
Ông Vinh: (Lo lắng) Thằng Quốc… thằng Thắng… Thế thì khổ rồi.
(Tiếng gió rít mạnh và tiếng biển động ầm ào nổi lên. Ông Vinh chợt nhớ ra cái túi của Quốc bỏ quên, Ông Vinh bèn mở ra thấy có một gói những viên thuốc)
Ông Vinh: Bộ đội xem này.
Nghĩa: (Xem xét những viên thuốc) Có lẽ đây là thứ thuốc độc bọn chúng dùng để cho đàn chó ăn vào mà chết đấy.
Ông Vinh: (Vỗ trán hoảng hốt rồi sực nhớ ra) À đúng rồi, để bố cho con gà ăn thử xem sao. (Cầm gói thuốc chạy ra ngoài)
Phương: Anh Nghĩa à. Phải cứu thằng Thắng thôi (khóc). Nó là em trai của em, nó bị lôi kéo mà…
Nghĩa: Phương đừng lo. Chúng ta nhất định phải cứu lấy Thắng khi còn chưa muộn.
(Tiếng Ông Vinh vọng ra: Trời ơi! Chết rồi… chết thật rồi)
Ông Vinh: (Hốt hoảng chạy xách ba con gà chạy ra sân khấu) Chết rồi! Chết thật rồi. Ba con… Phương à, chú Nghĩa à. Bố vừa cho mấy con gà ăn bằng cái thuốc này này. Trời ơi, nó giẫy giãy mấy cái rồi chết như bị cắt tiết thôi.
(Giận dữ) Thắng… mày đi theo nó mất rồi, mày sẽ bị nó cho ăn cái thuốc này mấy thôi.
Nghĩa: Bác Vinh à, chúng ta nhất định sẽ cứu được em Thắng. Nhưng cần phải có kế hoạch để vạch mặt kẻ xấu trước dân đảo đã. Có như vậy mới không để cho bà con dân đảo nào bị nó lừa gạt lôi kéo nữa.
Ông Vinh: Ừ! Chú Nghĩa nói trúng ý của tôi đấy. Vậy thì chúng ta phải đi ngay thôi.
(Tất cả trở vào sau cánh gà sân khấu, ánh đèn mờ nhạt cảnh hoàng hôn. Quốc và Thắng từ 2 phía sân khấu lén lút đi vào. Trong tay Quốc ôm một bọc gì đó. Hắn dừng lại bắt tay lên miệng hú dài trong nền nhạc kinh rợn. Thắng giật bắn người ngã nhào vào Quốc).
Quốc: Hừ … ừ…. Mày làm tao vãi cả linh hồn.
Thắng: Thì em cũng… tè cả ra quần rồi đây này. Anh hú nghe sợ bỏ mẹ.
Quốc: (Ghé tai Thắng thì thầm. Tiếng Quốc gắt) Mày chỉ việc chuyển đến đó thôi. Đặt vào cái hốc đá, thế là xong. Sợ gì nào?
Thắng: Chuyển ma túy à? Em không dám làm đâu. Nguy hiểm lắm.
Quốc: Tao đã cho mày bao nhiêu tiền. Bây giờ không đi hả?
Thắng: Ớ… ơ…!
(Có tiếng ồn ào: “Bắt lấy nó… bắt lấy nó…. “đánh chết con ma đi”. Nghĩa, Phương, Ông Vinh và một dân quân vác gậy chạy ra sân khấu. Quốc bỏ chạy hút vào sau).
Ông Vinh: Kìa các con. Bóng thằng Quốc. Nó đang chạy về phía Gành đá. Trời ơi! Nó sắp rơi xuống vực. (Có tiếng hét thất thanh sau sân khấu vọng ra: “A… a… a…” nhỏ dần rồi tắt hẳn. Đèn bật sáng. Thắng lập cập run rẩy)
Thắng: Bố! Anh Nghĩa! Chị Phương! Em sai nhiều rồi (cúi đầu khóc)
Nghĩa: Thắng à! Em đã lầm lạc bị lôi kéo vào con đường tối. Nhưng dù sao con đường phía trước cũng đủ cho em làm lại và phấn đấu trở thành một thành viên tốt của gia đình và xã hội. Mọi người rất lo cho em đấy. (Đỡ Thắng đứng dậy).
Thắng: (Nhìn sang ông Vinh) Bố! Chị Phương!
Ông Vinh: Bố tưởng mày đã bị con ma Gành đá bắt mất rồi kia đấy. (Cười sảng khoái). Nào bây giờ các con hãy đốt lửa trại lên. Hãy làm cho đảo ta thêm tươi đẹp nào. Ha… ha… ha…
MÀN HẠ
N.V.H