Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh ngày 04 tháng 1 năm 1941 tại thị xã Phú Thọ – tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ) trong một gia đình nhà giáo. Tuổi thơ của anh gắn bó với miền đất trung du rừng cọ đồi chè, với bầu không khí văn hoá dân gian của miền quê Xoan Ghẹo, với không gian văn hóa vùng đất Tổ. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, thay vì đứng trên bục giảng làm thầy giáo, anh khoác ba lô ra chiến trường. Cuộc đời quân ngũ của anh gắn liền với những con đường, với rừng già Trường Sơn trong nhiệm vụ của người lính vận tải quân sự. Sự cộng hưởng của không khí chiến trận hào hùng cùng với trái tim rực lửa, thiết tha đã thăng hoa thành nghệ thuật thơ ca.
Đến với chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ, anh bộ đội của con đường vận tải Trường Sơn đầy ác liệt vừa cầm súng, vừa làm duyên với bút mực thơ ca. Qua mỗi chặng đường sáng tác, cái tôi trong thơ anh lại có một sắc điệu riêng, độc đáo, hấp dẫn. Những tập thơ đầu tay của anh: Vầng trăng quầng lửa, Thơ một chặng đường hiển hiện một cái tôi trẻ trung, lạc quan, yêu đời, đậm chất lính.
Trở lại những năm tháng đau thương mà hào hùng của dân tộc, ta mới hiểu được cái hồn nhiên, lãng mạn vô cùng đáng yêu, đáng trân trọng của con người thời ấy. Nếu như thế hệ các nhà thơ xuất hiện từ thời kháng chiến chống Pháp bộc lộ một cái tôi có chiều sâu, vươn tới sự khái quát mang tầm với lịch sử, thì thế hệ các nhà thơ trẻ bộc lộ niềm vui khi được đắm mình trong không khí hào hùng của thời đại. Chiến tranh ác liệt, dữ dội là thế, nhưng không thể dập tắt được sự hồn nhiên, tươi trẻ của những tâm hồn giàu lạc quan.
Thơ Phạm Tiến Duật đã đề cập đến những vấn đề trọng đại của dân tộc, ngợi ca những con người lý tưởng của thời đại nhưng theo cách rất riêng của mình. Và có lẽ không có gì hấp dẫn, quyến rũ hơn là sự thật và cao cả nhất, đẹp nhất là sự thật của đời sống tâm hồn. Là người trực tiếp chiến đấu trên những chặng đường gian khổ, nhưng dường như sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh chỉ là cái phông, cái nền cho những phẩm chất cao đẹp của con người hiện ra. Anh là người đã nhìn nhận cuộc chiến tranh, những con người trong chiến tranh bằng cặp mắt rất trẻ, và bằng một trái tim sôi nổi, nồng nàn. Vì thế, trong con mắt của anh, trong cảm nhận của anh đó là nơi “đất rất hồng và người rất trẻ”. Sự trẻ trung đã khiến thơ anh khúc khích tiếng cười hồn nhiên: “Buồn cười mất ngủ mấy đêm” (Lá lạc tiên), “Buồn cười cái nón toòng teng trên đầu” (Cái chao đèn), “Giọng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để” (Gửi em cô thanh niên xung phong).
Không ít những bài thơ, tác giả xưng “anh”. Trong vai của một chàng trai, cái tôi ấy cảm nhận vẻ đẹp ở những người con gái mà anh đã gặp. Bên cạnh một cái tôi công dân, ngưỡng mộ những người con hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước là một cái tôi cuộc đời rất thật, xao xuyến trước vẻ đẹp giới tính: “Cũng như em hoa đến kỳ tươi thắm/ Chỉ như trêu như ghẹo thế thôi/ Sự có mặt đã là câu hỏi lớn/ Hoa như em để rạo rực bao người (Những bông hoa không hỏi).
Bài thơ được viết ở chiến trường, nơi mà sự sống và cái chết kề nhau trong gang tấc, nhưng càng giáp mặt với cái chết, tình yêu sự sống càng bùng cháy. Bởi vì, họ hy sinh cũng vì sự sống trên đất nước mình. Sự khốc liệt của chiến trường không ngăn được nhịp đập rạo rực của trái tim trước cái đẹp của những người con gái như đoá hoa đến thì toả hương, khoe sắc. Một tâm hồn rất trẻ, rất yêu đời đến độ nồng say mới quên đi tất cả để cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp ấy. Đôi khi, sự xúc động trước vẻ đẹp của những người con gái làm “nhoè” đi tất cả những gì có thể: “Có lẽ vì khuôn mặt em xinh/ Nên tiếng hát nhoè đi không nhớ nữa/ Giữa một vùng đất bụi khô rang/ Em bỗng đến như dòng sông đầy nước (Nghe em hát trong rừng).
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ hay chú ý đến dáng vẻ, ngoại hình của những người thiếu nữ, “những người con gái ở rừng”. Những cô gái ấy đang ở độ xuân thì, đang căng tràn sức sống. Vẻ đẹp thanh xuân thì con gái của những người thiếu nữ ấy đã như dòng nước ngọt lành, như dòng sông tràn trề làm xanh tươi những vùng đất khô cằn. Sự xúc động, xao xuyến của nhà thơ là vì thế. Nhà thơ luôn nhìn thấy vẻ xinh đẹp của các cô gái ấy: “Hồng hồng gương mặt xinh quen/ Nón bài thơ cái chao đèn của anh (Cái chao đèn).
Anh nói nhiều đến những người con gái, đến vẻ đẹp của họ giữa khói bom khét lẹt, giữa rừng già thâm u. Điều quan trọng anh nói về họ, anh cảm nhận ở họ nét đẹp của tuổi xuân, điều mà người ta ít quan tâm khi ở giữa chiến trường. Trái tim trẻ trung, khoẻ khoắn, hồn nhiên đến lạ lùng của anh đã khiến anh có được sự cảm nhận như vậy.
Cũng bằng con mắt trẻ trung, xanh tươi như thế, anh đến với đồng đội của mình, đến với gian khổ, đến với ác liệt. Cái trẻ trung yêu đời cứ như trêu, như ghẹo, như thách thức cái sự thật nghiệt ngã mà chính anh phải đối mặt với nó: “Không có kính ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha (Bài thơ về tiểu đội xe không kính).
Cái sức lực của tuổi trẻ, bao nhiêu năng lượng dường như được dồn ra để bù đắp cái thiếu hụt. Không như thế làm sao trái tim của tuổi thanh xuân ấy nhiều khi không lý giải được sự xao xuyến của chính lòng mình: “Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái không nhìn rõ mặt” (Gửi em cô thanh niên xung phong).
Câu hỏi “có lẽ nào” không phải là một nỗi niềm trăn trở mà chỉ là một cách nói làm duyên. Cái tôi nhà thơ đến đây không dừng lại ở việc đi tìm kiếm những vẻ đẹp xuân sắc bề ngoài mà quan trọng hơn chính là thế giới tâm hồn. Chính anh đã tự lý giải điều đó: “Người tinh nghịch là anh dễ thân/ Bởi vì thế có em đứng gần/ Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn?” (Gửi em cô thanh niên xung phong).
Tinh nghịch sôi nổi vốn là đặc tính của tuổi trẻ. Tuổi trẻ thường dễ bộc lộ hết mình, họ muốn khẳng định mình. Anh sống trong thế giới ấy, thế giới của những người tinh nghịch, thế giới của những người chỉ có một niềm mong ước, đó là một ngày mai đất nước thanh bình. Anh đến với đồng đội, với bạn bè của mình cảm nhận nơi họ những gì đẹp nhất để rồi biến nó thành nghệ thuật thơ ca. Anh đã đọc đúng tim một chàng lính trẻ, hay đó cũng là tâm tư của anh: “Cái cậu trẻ măng cất tiếng hát/ Khi biết trong hầm có cô bé đang nghe” (Vầng trăng và những quầng lửa).
Chiến trường, mặt trận được cảm nhận trong sự chan hoà, sự sum vầy của những con người đến từ những nẻo đường khác nhau của Tổ quốc. Anh nhận ra đó chính là “gia đình” của chính mình, gia đình của tuổi trẻ, gia đình của những con người cùng chung mục đích, cùng chung lý tưởng: “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy/ Võng mắc chông chênh đường xe chạy/ Lại đi, lại đi đường xanh thêm” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính).
Có lẽ, trong thơ ca, những bài thơ như thế không nhiều. Những bài thơ mà cái tôi tác giả đắm mình trong niềm vui của đồng đội, cảm nhận sự ấm cúng thực sự sâu sắc.
Cứ như thế, nhân vật “anh” – cái tôi nhà thơ làm một cuộc hành trình dài đi dọc cuộc chiến tranh. Cái hồn nhiên tươi trẻ trong sự cảm nhận về con người, cuộc sống chiến đấu cứ tươi mới, cứ trong trẻo, ấm áp đến lạ thường. Không chỉ coi đối tượng phản ánh như người thân, người yêu để yêu thương, chia sẻ để bày tỏ những cảm xúc có thật trong lòng mình, nhà thơ còn nhìn nhận chiến trường như một địa chỉ của một cuộc hẹn hò: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây).
Hành trình phát triển của thơ ca là hành trình vận động của cái tôi trữ tình. Ở mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc sống, bản sắc cái tôi lại có những biểu hiện khác nhau. Ngay trong mỗi con người cũng vậy, trong quá trình tự ý thức về cuộc sống một cái “tôi” nào đó được lựa chọn, vượt lên tự khẳng định. Cái tôi trẻ trung, tinh nghịch, yêu đời trong thơ Phạm Tiến Duật chính là biểu tượng của sức trẻ, là sự thăng hoa trong tâm hồn của thế hệ các nhà thơ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; chính cái tôi đó đã làm nên sức sống mãnh liệt, để những vần thơ viết về chiến tranh mãi trường tồn cùng năm tháng.
Minh Tú