Trong thời đại số hóa nhanh chóng hiện nay, văn học nghệ thuật đã trải qua sự biến đổi đáng kể. Nhờ có công nghệ số, tác phẩm văn học nghệ thuật không còn bị giới hạn đặc biệt về mặt không gian, tạo cơ hội để văn nghệ sĩ khám phá và sáng tạo ngày càng đa dạng, nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật.
Không gian sáng tạo số đang trở thành một xu hướng lớn và tất yếu trong nền văn hóa hiện đại nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Đây là một không gian kết nối các văn nghệ sĩ với công nghệ và internet…, giúp họ có thể tạo ra các sản phẩm văn học nghệ thuật mới bằng cách sử dụng các công cụ số hóa và phát triển các dự án trực tuyến. Không gian sáng tạo số đòi hỏi các văn nghệ sĩ cần phải tiếp cận với các công nghệ số mới để khám phá các phương tiện mới thể hiện sáng tạo của mình. Đây là một hành trình không chỉ là đưa công nghệ vào việc sáng tác văn học nghệ thuật, mà còn là đưa văn học nghệ thuật vào thiên đường số. Với không gian sáng tạo số, các văn nghệ sĩ có khả năng tạo ra những tác phẩm thú vị và độc đáo bằng cách sử dụng các công nghệ số như máy tính, phần mềm đồ họa, video, âm thanh, hoạt hình, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và internet. Nó giúp người sáng tạo tận dụng và kết hợp các công nghệ số để sáng tạo tác phẩm nghệ thuật sáng tác văn học một cách tối ưu hơn.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”. Thấm nhuần tinh thần đó, thời gian qua, văn nghệ sĩ trong cả nước đã có sự chuyển mình nhất định, đổi mới sáng tạo đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới. Không chỉ xuất hiện nhà hát online mà nhiều công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật được ra đời trên nền tảng số đã tác động và làm chuyển biến đời sống xã hội và văn hóa, văn nghệ nước nhà.
Theo NSND Trịnh Thuý Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Văn học nghệ thuật từ lâu đã phản ánh sự biến đổi của thế giới theo hướng kỹ thuật và số hóa. Từ tác phẩm điện ảnh vĩ đại “2001: A space Odyssey” (Chuyến du hành không gian) sản xuất năm 1968 của đạo diễn lừng danh Stanley Kubrick đã mở ra các khái niệm về tiến hóa, sự sống ngoài hành tinh và trí thông minh nhân tạo cho dòng phim khoa học viễn tưởng, đến tiểu thuyết “Neuromancer” của William Gibson đã mô tả thế giới của hacker và máy tính vào thập kỷ 1980. Hơn nữa, văn học nghệ thuật cũng thể hiện sự tương tác của con người với môi trường số qua việc thể hiện cuộc sống trực tuyến, mối quan hệ qua mạng xã hội và thậm chí những vấn đề về thể chất và tinh thần do ảnh hưởng của môi trường số.
Môi trường số và văn học nghệ thuật còn gắn kết qua việc tạo ra các nền tảng truyền thông và công cụ sáng tạo. Các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay thường kết hợp văn bản, hình ảnh, âm thanh và video để tạo ra trải nghiệm đa chiều cho người đọc.Môi trường số và văn học nghệ thuật cũng có sự tương tác mạnh mẽ và thú vị trong thời đại số hóa. Văn học nghệ thuật không chỉ phản ánh môi trường số mà còn là một phần quan trọng của nó, thể hiện sự thay đổi và tiến hóa của cuộc sống và văn hóa trong thế kỷ 21.
Không gian sáng tạo số đã đem lại nhiều cơ hội mới cho những tác giả để tạo ra những trang văn chương độc đáo, tinh tế và hấp dẫn. Sự phát triển của internet và các công cụ kỹ thuật số đã tiếp thêm động lực cho sự phát triển của các sản phẩm văn học nghệ thuật. Truyện tranh số, truyện tranh động, sách điện tử và trò chơi điện tử đang được phát triển mạnh mẽ với sự hỗ trợ của không gian sáng tạo số. Sự ra đời của các nền tảng như Kindle, iBooks…, đã giúp cho quá trình xuất bản sách điện tử dễ dàng hơn. Các trang web đã cung cấp cho các tác giả một môi trường để chia sẻ tác phẩm của họ với cộng đồng độc giả trực tuyến. Các trò chơi điện tử cũng có sức hấp dẫn đặc biệt với các tác giả, khi các trò chơi này thường có chuyện kể và lối chơi dẫn dắt nhân vật. Các tác phẩm này không chỉ đơn thuần là những sản phẩm số, mà còn là những tác phẩm độc đáo mang lại trải nghiệm tuyệt vời.
Với ưu thế vượt trội về quyền tự do, cởi mở, ít bị kiểm duyệt, tốc độ lan truyền nhanh, phạm vi phổ biến rông, tính tương tác cao…, việc lưu hành và phát triển văn học nghệ thuật trên nền tảng công nghệ số có những thuận lợi đặc biệt lớn.
Tuy nhiên làm sao để tận dụng được những lợi thế của nền tảng số nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật luôn là vấn đề trăn trở của những nhà quản lý và văn nghệ sĩ trong cả nước.
Tại Hội nghị Giao ban công tác văn học, nghệ thuật quý III/2023, nhiều văn nghệ sĩ, đại diện cho các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là cần tăng cường đào tạo cho văn nghệ sĩ cách sử dụng công nghệ số trong việc sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, từ đó tạo điều kiện để tài năng mới có cơ hội thể hiện sáng tạo trên môi trường số. Hiện nay đa số mới chỉ có văn nghệ sĩ trẻ có khả năng và điều kiện tiếp cận công nghệ trong sáng tạo tác phẩm còn thế hệ những nghệ sĩ gạo cội hầu như không biết cách và tận dụng được kỹ thuật số trong sáng tác vì vậy bị hạn chế rất nhiều.
Ngoài ra các đại biểu cũng cho rằng Nhà nước và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cần quan tâm, đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng nghệ thuật và hỗ trợ tài chính cho các tác giả tiếp cận với công nghệ số. Điều này sẽ tạo ra môi trường thúc đẩy sáng tạo và tạo ra những tác phẩm có giá trị vì có sự kết nối giữa tác giả và khán giả tạo ra sự giao lưu hai chiều vô cùng hiệu quả….
Để những tác phẩm văn học nghệ thuật có thể sống được trong lòng bạn đọc không chỉ cần có sự đa dạng về chủ đề, phong cách, quan điểm và chất lượng nội dung, đôi khi cần thêm cả sự tiện lợi trong việc tiếp cận tác phẩm…
Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện đại, việc tiếp nhận, ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực văn học nghệ thuật như thế nào để vừa gìn giữ, phát triển, không để mai một truyền thống bản sắc văn hóa, vừa không được bảo thủ để cởi mở tiếp nhận cái mới luôn là một vấn đề quan trọng với sự phát triển của cá nhân người nghệ sĩ trong dòng phát triển chung của thời đại.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, văn học nghệ thuật đang trải qua một cuộc cách mạng trong môi trường số. Việc nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật đòi hỏi các tác giả phải có sự đổi mới, sáng tạo nội dung và hình thức, nâng cao hiểu biết về công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, cũng cần trang bị cho mình những kiến thức để chủ động đối mặt với những thách thức như bản quyền và sự phụ thuộc vào công nghệ. Chỉ có sự kết hợp của những nỗ lực này chúng ta mới có thể định hình một tương lai hứa hẹn cho văn học nghệ thuật số ở Việt Nam, sao cho giá trị của tác giả, tác phẩm nghệ thuật được tôn trọng, lan tỏa và phát triển bền vững./.
T.T
Nguồn: dangcongsan.vn