Cuối năm 2006, nhân dân xã Thượng Trưng huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã cùng với Binh chủng Phòng không, không quân, xây nhà bia tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ Võ Sĩ Giáp, phi công lái máy bay Mig 21 đã anh dũng hy sinh để tránh tổn thất cho thành phố Việt Trì và để cứu các em học sinh ở xã Thượng Trưng…
Hành động quả cảm, phi thường của người phi công khiến tôi vô cùng cảm phục. Hơn nữa, phi công Võ Sĩ Giáp quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đồng hương, nên tôi rất tự hào, ngưỡng mộ. Tôi đã đến nhà bia trên cánh đồng Thượng Trưng, cách ngôi trường mà anh cố điều khiển máy bay trườn qua chỉ 300 mét.
Trong cuộc không chiến với hơn chục máy bay Mỹ trên bầu trời Yên Bái, Phi đội máy bay của ta chỉ có 4 chiếc Mig 21. Võ Sĩ Giáp làm nhiệm vụ nghi binh thu hút máy bay của địch, tạo điều kiện cho đồng đội bắn rơi 3 máy bay, bảo vệ an toàn nhà máy thủy điện Thác Bà. Máy bay anh bị rốc két địch bắn trọng thương, Đài Chỉ huy ra lệnh nhảy dù nhưng anh xin phép điều khiển máy bay qua thành phố Việt Trì rồi mới nhảy dù. Nhưng khi định ấn nút nhảy dù thì thấy rất đông học sinh ùa ra tỏ sự vui mừng vì thấy máy bay ta. Anh cố điều khiển máy bay ngóc lên cao rồi lao xuống cánh đồng. Khi được những người dân kéo ra khỏi máy bay, anh hỏi: “Các cháu có sao không? Bà con có ai việc gì không?” Mọi người trả lời không ai việc gì đâu. Nhưng anh chỉ nghe thôi, không nói được gì thêm. Mặc dù được kịp thời đưa vào bệnh viện nhưng chấn thương quá nặng nên Võ Sĩ Giáp đã hy sinh.
Sau khi Nhà bia tưởng niệm Võ Sĩ Giáp được dựng lên, rất nhiều đoàn đại biểu của các đơn vị quân đội và nhân dân địa phương đã đến dâng hương tưởng niệm người anh hùng bất tử. Mẹ anh, cụ Nguyễn Thị Tình, cùng gia đình, người thân đã đến cảm ơn đơn vị quân đội, cảm ơn lãnh đạo và nhân dân địa phương đã dựng bia tưởng niệm. Đoàn đại biểu của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Phú Thọ cũng đã đến nhà bia dâng hương tưởng niệm anh hùng Võ Sĩ Giáp.
Khi về Thượng Trưng chuẩn bị cho đoàn đại biểu đồng hương Nghệ Tĩnh thăm nhà bia tưởng niệm, tôi có nói với các anh lãnh đạo xã, là mình có người bạn ở xã Vũ Di. Các anh nói ngay người đó là Lê Minh Thịnh. Vì anh Thịnh đã kể nhiều về đồng đội của mình ở Sư đoàn 356.
Năm 1980 anh nhập ngũ vào Sư đoàn 356 và được chọn vào Đại đội Vệ binh của Sư đoàn. Ban đầu cảm thấy lạc lõng vì hầu hết là anh em quê ở Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa. Họ có giọng nói nằng nặng, nhiều khi không hiểu. Lại thấy họ hay đi với nhau, anh nghĩ họ có tính cục bộ lắm, nên cảm thấy lẻ loi. Nhưng cảm giác đó qua đi rất nhanh. Lê Minh Thịnh thấy rất thoải mái vì sự chất phác, thẳng thắn và rất tình cảm của người khu Bốn.
Sau 5 năm rèn luyện và phục vụ chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, cuối năm 1985, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Lê Minh Thịnh được Sư đoàn cho ra quân để ôn thi vào trường Đại học. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh về làm kế toán một doanh nghiệp. Năm 1993 anh được điều về làm chuyên viên Phòng tài chính kế toán huyện.
Năm 2007, khi chúng tôi về viếng Văn bia tưởng niệm Võ Sĩ Giáp, các cán bộ ở xã Thượng Trưng cho biết anh đã nhậm chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Tường hơn một năm rồi. Quãng thời gian 10 năm chưa phải là dài nhưng không phải là quá ngắn để Lê Minh Thịnh đưa những kiến thức đã học tập ở nhà trường và hơn cả những kiến thức chuyên môn, là bản lĩnh, nghị lực của người lính, người đảng viên trẻ tuổi được kết nạp ở bên chiến hào Vị Xuyên. Những trải nghiệm trong cuộc sống, chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở nơi mà cái sống và cái chết chỉ cách gang tấc đã luôn nhắc nhở Lê Minh Thịnh phải làm gì để khỏi phụ lòng tin của các đồng đội.
Gặp lại Lê Minh Thịnh sau hơn 15 năm xa cách tôi rất mừng vì thấy anh rắn rỏi, chững chạc hơn nhiều. Nhớ lại khi được điều động về nhà Văn hóa sư đoàn, Thịnh bảo anh cho em làm việc khác thôi. Em nói ngọng mà làm thuyết minh phim người ta cười cho. Chính vì em nói ngọng nên cần làm thuyết minh để bỏ bằng được tật nói ngọng. Không chỉ làm thuyết minh mới bỏ nói ngọng mà làm bất cứ việc gì cũng phải nói thật chuẩn, nhất là làm cán bộ. Và tôi đã giao nhiệm vụ cho cậu ta hàng ngày tập thuyết minh để bỏ bằng được tật nói ngọng. Rồi Thịnh cũng làm được mà lại làm rất xuất sắc. Tuy thời gian đầu, cũng có lúc làm khán giả cười ồ vì nói ngọng. Nhưng sau đó Thịnh là thuyết minh phim được anh em thích nhất. Đặc biệt Thịnh có tác phong nhanh nhẹn. Tuy mảnh mai thư sinh nhưng khá dẻo dai, bền bỉ. Nhiệm vụ của Đội chiếu bóng sư đoàn phải cơ động rất nhiều. Làm thuyết minh nhưng nhiều khi kiêm cả việc điều khiển máy chiếu phim. Có khi vừa chiếu cả ban đêm nhưng ban ngày cũng phải chiếu mấy ca. Phải vượt sông Lô, trèo dốc, khiêng vác máy (và cả súng đạn nữa để nếu gặp địch là chiến đấu) đi lại không dưới 10 cây số. Vừa vào hang đá chiếu phục vụ thương binh buổi chiều, buổi tối phải cơ động về bản gần vùng có chiến sự phục vụ đơn vị chuẩn bị thay phiên.
Nhờ làm thuyết minh phim mà em bỏ được tật nói ngọng. Hơn thế nữa em còn học được nhiều điều – Lê Minh Thịnh đã hơn một lần nói với tôi như thế. Quả thật, khi chọn Lê Minh Thịnh từ Đại đội Vệ binh về Phòng Chính trị Sư đoàn, tôi đặt nhiều hy vọng ở chàng trai nhỏ nhắn nhưng thông minh này. Thịnh khá điển trai, gương mặt sáng, trán rộng, đôi mắt trong veo luôn nhìn thẳng, rất đáng tin cậy.
Bây giờ thì anh đã hoàn thành trọng trách của một Bí thư Huyện ủy. Đảng bộ huyện Vĩnh Tường vừa tiến hành Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Lê Minh Thịnh cũng kết thúc một nhiệm kỳ Bí thư Huyện ủy với nhiều thành công, kết quả rất ấn tượng. Đại hội đã ghi nhận những công lao, những đóng góp to lớn của anh trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như quá trình hơn 30 năm trên các cương vị với những dấu mốc rất đáng nhớ trong quá trình đổi mới và phát triển của huyện.
*
* *
Có thể nói là Lê Minh Thịnh rất may mắn được sinh ra trong một gia đình có 8 người con cả trai và gái đều được nuôi dạy chu đáo, đều tốt nghiệp đại học và đều “Công thành danh toại”. Có người là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh. Có người là Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, là Phó Giáo sư, bác sĩ, là cấp tướng trong quân đội. Bản thân Lê Minh Thịnh là con thứ 3 trong gia đình, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã học tập, phấn đấu trải qua nhiều cương vị. Trước khi nghỉ hưu là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện.
Thịnh và các anh chị, em luôn tự hào về truyền thống của gia đình mình. Ông bà nội đã từng nuôi giấu cán bộ cách mạng thời tiền khởi nghĩa. Bố anh nhà giáo ưu tú, là người thầy của nhiều thế hệ học sinh. Không chỉ học sinh gọi ông là thầy mà người dân địa phương đều gọi thầy Cung với sự trìu mến, nể trọng.
Truyền thống gia đình và truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của người dân quê hương đã hun đúc cổ vũ Lê Minh Thịnh phấn đấu xứng danh là con cháu của quê hương Vĩnh Tường. Trong suốt quá trình hơn 40 năm công tác trải qua nhiều cương vị Lê Minh Thịnh luôn luôn nỗ lực phấn đấu để có được những đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Từ một kế toán lên cán bộ phòng tài chính huyện, được đề bạt làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, nhiều khóa là Huyện ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy. Tháng 7 năm 2015, tại Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Tường lần thứ XXV anh được bầu làm Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020. Được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo và nhân dân huyện Vĩnh Tường đánh giá, ghi nhận đây là thời kỳ triển khai nhiều chương trình, nhiệm vụ lớn phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và đạt được những kết quả hết sức ấn tượng.
Sau khi nghe khái quát những nét chính về tình hình của địa phương, tôi đề nghị anh Thịnh kể về công tác “Dồn điền đổi thửa” một “cuộc cách mạng” vừa diễn ra ở Vĩnh Tường và đạt kết quả khá. Đúng là Vĩnh Tường đã thành công trong nhiệm vụ dồn điền đổi thửa. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2017 – 2018 – 2019. Anh Thịnh kể tiếp:
Xác định dồn điền đổi thửa là tháo gỡ “Nút thắt” quan trọng để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Xóa bỏ tình trạng manh mún về ruộng đất, những thửa ruộng nhỏ bé được dồn lại để hình thành những thửa ruộng lớn thẳng cánh cò bay, đưa cơ giới, khoa học công nghệ vào sản xuất với quy mô lớn, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Tuy vậy, vào thực tế mới thấy cực kỳ khó khăn, phức tạp mà mình chưa hình dung hết. Ai đã ở chiến trường rồi sẽ hiểu, có những trận đánh, có những mục tiêu nhỏ mà đánh lay nhay mãi mới dứt điểm được. Việc quán triệt cho nhân dân thông không phải là việc nhỏ. Vẫn biết tư tưởng không thông suốt thì không thể làm được việc gì. Nhưng quả thật trước khi vào cuộc mình không nghĩ là nó lại khó đến thế. Không phải chỉ một vài cuộc họp là xong. Chỉ nguyên việc giải tỏa, di dời mồ mả đã phải mất hàng chục cuộc họp. Xã ít có vài trăm ngôi mộ, xã nhiều hàng nghìn ngôi. Chuyện kinh phí, lo địa điểm di dời đã phức tạp mà những chuyện thủ tục, tâm linh cũng thật nhiêu khê. Có nơi phiên họp trước thì bà con nhất trí sang phiên sau lại thay đổi thái độ vì bị lôi kéo, bị đe dọa nên lo lắng không muốn xáo trộn.
Nhưng cái khó không bó được cái khôn. Mặc dù đã có lúc tưởng chừng không thành công. Nhờ có nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy đã xác định tư tưởng chỉ đạo, xác định các biện pháp vượt qua các lực cản là huy động sức mạnh của hệ thống chính trị vào cuộc. Các Ủy viên Ban Thường vụ được cử xuống từng thôn, từng chi bộ họp với dân, với chi bộ và có khi là từng tổ đảng. Tính chung cả cuộc vận động đã tổ chức gần 700 cuộc họp. Chỉ riêng chi bộ Phú Đa, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã họp 235 cuộc. Thời gian họp bất kể sáng, trưa, chiều tối. Bất kể ngày lễ, ngày nghỉ. Khi nào dân đồng ý là họp. Bí thư Huyện ủy trực tiếp đối thoại với đảng viên. Chủ tịch Ủy ban nhân dân đối thoại với nhân dân. Phó Bí thư thường trực tổ chức giao ban thứ 6 hàng tuần với các đoàn thể quần chúng. Ban Thường vụ hội ý thường xuyên để lắng nghe và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết những vướng mắc. Phòng làm việc của các Chủ tịch xã Phú Đa, Ngũ Kiên và một số xã mở cửa suốt ngày đêm.
Thành công và hiệu quả của việc dồn điền đổi thửa đã tạo thêm niềm tin của cán bộ và nhân dân các địa phương đối với lãnh đạo, chính quyền. Đây là tiền đề quan trọng để nông nghiệp Vĩnh Tường phát triển sản xuất theo quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường, liên kết chuỗi giá trị…
*
* *
Mùa hè năm 2019 gần 40 cựu chiến binh từng ở Đại đội 23 Vệ binh và Sư đoàn bộ 356 đã đến Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc thăm Lê Minh Thịnh – người đồng đội từng ở biên giới Lào Cai, Hà Giang những năm gian khổ, ác liệt nhất. Anh Thịnh và chị Tú, vợ anh đã mấy lần vào Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa nhưng các đồng đội thì đây là lần đầu “đáp lễ” thăm vợ chồng anh chị bằng một đội hình khá hoành tráng. Tôi không biết còn có cuộc gặp gỡ nào đông vui, cảm động và đáng nhớ như thế không? Không thể tả hết sự phấn chấn, vui mừng, những cung bậc cảm xúc của những người lính gặp nhau sau hàng chục năm xa cách.
Các cựu chiến binh của Sư đoàn 356 lâu nay vẫn tôn vinh Lê Minh Thịnh là một ngôi sao, là người dẫn đầu. Vẫn biết anh là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, là “rất oai” rồi. Khi mục sở thị công trình ĐỀN LIỆT SĨ, biết anh là người đầu tàu để biến ý tưởng thành công trình sừng sững như một điểm nhấn về sự đổi thay phát triển của huyện Vĩnh Tường thì các cựu chiến binh càng bái phục, ngưỡng mộ anh hơn! Phải là người luôn trăn trở vì nhân dân, vì quê hương mới có thể nghĩ được, làm được những điều tưởng như không thể ấy!
Trong khuôn viên Đền liệt sĩ, có phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh khá phong phú và ấn tượng. Tôi và nhiều anh em đồng đội đã gặp từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ai cũng vui mừng, thú vị khi được thăm công trình bề thế trang nghiêm bên cạnh tỉnh lộ 304 giữa trung tâm huyện lỵ. Đại tá Lê Thanh Trâm, nguyên Chính ủy Sư đoàn 326 trước khi nghỉ hưu, cứ xuýt xoa: “Chắc là cả nước chỉ mỗi Vĩnh Tường có được công trình quý giá và thiết thực này”. Ông Thịnh quá siêu anh nhỉ?. Còn Trung tá Thái Ngô Dần, nguyên là cán bộ tỉnh đội Nghệ An thì nói: “Nhìn các hiện vật trưng bày em choáng luôn những cái mũ cối, bình tông đựng nước, bát sắt và những thứ gắn bó một thời, tưởng đã mất hết, bỗng lung linh, sinh động trong những tủ kính trưng bày thật là quý giá”.
Tôi nói: “Quá chính xác. Bộ quân phục cũ của anh hùng liệt sĩ, hay chiếc áo trấn thủ của chiến sĩ Điện Biên để ở gia đình thì chỉ một nhà biết nhưng trưng bày ở đây nhiều người cảm thấy thiêng liêng”.
Được biết trước khi xây dựng Đền liệt sĩ thì chưa có ý tưởng trưng bày các kỷ vật chiến tranh. Nhưng từ thực tế công trình thấy ý nghĩa tri ân bao trùm, Bí thư Huyện ủy Lê Minh Thịnh cho rằng không chỉ là nơi sắp lễ mà cần trưng bày kỷ vật chiến tranh, để Đền liệt sĩ là “Địa chỉ đỏ” bồi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ý kiến của anh được Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đồng thuận và Ban chỉ đạo cuộc vận động sưu tầm kỷ vật chiến tranh được thành lập.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lỗ Tất Chánh nói với chúng tôi là nếu không có sự trăn trở và những giải pháp, những sáng kiến của anh Thịnh, Bí thư Huyện ủy thì không thể có kết quả và tiến độ xây dựng đền liệt sĩ nhanh như thế. Còn việc sưu tầm, trưng bày kỷ vật chiến tranh rất có ý nghĩa, rất có tác dụng giáo dục trực quan sinh động cho người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu giá trị của hòa bình mà ra sức gìn giữ. Ra sức đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh…
Công trình xây dựng Đền liệt sĩ trên diện tích 2.567m2 với các hạng mục: Đền chính, lầu hóa vàng, lầu thông lâu, tả vu, hữu vu… với tổng kinh phí dự toán 65 tỷ đồng. Tất cả đều từ nguồn xã hội hóa. Không có kinh phí từ ngân sách nhà nước!
Xin được kết thúc bài viết bằng ý kiến của đồng chí Nguyễn Đình Đá – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: “Đồng chí Lê Minh Thịnh là người lãnh đạo mẫu mực, có sức quy tụ lớn, có tâm, có tầm và có tài. Trong nhiệm kỳ vừa qua, với cương vị là người đứng đầu cấp ủy huyện, đồng chí đã cùng tập thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đạt nhiều thành tựu, tạo nên dấu ấn nhiệm kỳ rực rỡ. Đặc biệt, quan điểm lãnh đạo của đồng chí luôn thể hiện rõ sự đột phá về cả về tư duy lý luận và thực tiễn, không chỉ trong một giai đoạn cụ thể mà còn mang tính chiến lược với khát vọng cháy bỏng xây dựng quê hương Vĩnh Tường thật sự giàu đẹp, văn minh…”
Bút ký của Nguyễn Hùng Sơn