Đã về thăm quê Bác nhiều lần, nơi ấy đã để lại trong tôi một vùng quê, một làng cũng như rất nhiều làng trên đất nước Việt Nam. Vẫn luỹ tre xanh, vẫn những cánh đồng thẳng cánh cò bay, vẫn những con ngòi, cái đầm đầy hoa trang, hoa súng và những đầm sen ngập tràn tiếng cười mục đồng dưới nắng hè. Gốc đa, giếng nước, sân đình, luống khoai, rãnh mía, hàng cau rồi những bờ rào cúc tần, bờ rào dâm bụt cho tôi nhiều ấn tượng và thân quen đến khôn cùng. Một làng, một xã có tên chữ là “bông sen vàng” đã luôn thôi thúc tôi trở lại, trở lại cái nơi mà cách đây một 130 năm có một vĩ nhân cất tiếng khóc chào đời. Để bây giờ có một Việt Nam, có một dân tộc đủ khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bằng chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, có một “Ba mươi tháng Tư”, có một “Chiến dịch Hồ Chí Minh” bất hủ.
Tôi đã một mình một xe máy, theo đường Quốc lộ Hai, tôi về Hà Nội, bắt vào Quốc lộ Một qua Hà Nam, Ninh Bình, qua cầu Hàm Rồng, nơi có “Ớ dô, trên đất này có cụ già bắn rơi may bay” mà về nơi Bác. Rồi để buổi sáng trung tuần mùa hạ mà ngẩn ngơ trong cái nắng tháng năm, cái mùi hoa trang, hoa súng dân dã mà quí phái, mùi lúa chín, mùi rơm rạ đồng chiêm khoai lang “củ vàng dây tím” đầy sức lôi cuốn của ấm no, hạnh phúc quê Người. Con đường về quê Bác cứ đẹp như mơ, như thực để tôi thả lỏng tay ga, trong đầu nhẩm lại lời bài hát: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng… Có một mặt trời trong Lăng rất đỏ…”.
Ôi những ca từ cho ta cái rạo rực của nắng hè, cho ta ngọn gió sớm mang sương mai từ cánh đồng lúa vàng mướt mát tới chân trời. Đêm qua trên Quảng trường Hồ Chí Minh tại trung tâm thành phố Vinh, dưới ánh điện rực sáng một vùng trời, cái khoảng sáng từ nơi Người toả vào bầu trời đêm tháng lăm mới rực rỡ làm sao. Để rồi ông Nguyễn Văn Hoàng, một cán bộ hưu trí đang sống tại ven thành phố, dạo mát trên quảng trường hỏi tôi: “Chú là nghệ sĩ nhiếp ảnh hả? Chú vô trong này nhiều lần chưa?…”. “Dạ, tôi không phải là nghệ sĩ đâu, tôi vào đây nhiều lần rồi bác ạ, nhưng lần nào cũng thấy mới, thấy lạ…”. “Đúng rồi, tôi chỉ đi du lịch, nghỉ mát có hơn hai mươi ngày trong Cà Mau, Bến Tre, Cần Thơ… vậy mà về thấy nhiều thay đổi đến không ngờ. Thời đại công nghiệp mà…”. Nói rồi ông dẫn tôi ra bên khối đá Đại Lam Ngọc. Khối đá được đặt nghiêm trang trên thảm cỏ ô hoa ngay trung tâm ngã tư quảng trường. Đại Lam Ngọc phát ra nhiều ánh sáng đến diệu kỳ mà tôi không thể biết viết, biết kể thế nào cho rành rẽ.
Đứng bên Đại Lam Ngọc dưới trời đêm nhìn lên nơi tượng đài Bác vút cao trên nền những ánh sao trời mới thấy thành Vinh và Quảng trường Hồ Chí Minh đẹp lộng lẫy tới mức nào.
Đêm chầm chậm về khuya, tôi chia tay ông Hoàng, xách máy ảnh lên núi Chung được mô phỏng hình ảnh núi Chung ở Kim Liên quê Người mà khi nãy nghe bác Hoàng nói là rộng bốn héc ta, chỗ cao nhất là mười một mét, chỗ thấp nhất là chín mét. Rừng cây hai bên núi Chung đang vào mùa xanh tốt, đó là những cây đại diện cho sáu mươi mốt tỉnh thành trong cả nước về đây hội tụ. Dưới kia, công viên vẫn rạng rỡ ánh đèn. Ở nơi đây cho tôi một sự cảm nhận như có gió từ biển Cửa Lò, từ núi Hồng, núi Quyết, có cái ngọt ngào của điệu hò trên sông Lam, Bến Thủy và chiều qua có cả sắc nắng ba miền hội tụ.
Xã Kim Liên, “Bông Sen Vàng” nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn, nơi ấy có núi Chung nhô lên như thần “Kim Qui phù đạo” tạo dựng một khí thiêng mang hồn sông, thế núi. Phía Bắc xã Kim Liên là các xã Nam Xuân, Nam Lĩnh, Nam Giang, phía Nam là Hồng Long, Nam Cát, phía Đông là xã Hưng Đạo và thành phố Vinh, còn phía Tây là thị trấn Nam Đàn. “Địa linh sinh nhân kiệt” hay “Nhân kiệt tạo địa linh”, tôi đứng lặng nhìn ra bốn phương, tám hướng ở một làng quê mình đã đến nhiều lần mà vẫn không hiểu hết, rồi cũng chẳng biết suy ngẫm thế nào cũng đúng.
Nhiều lần tìm trong sử sách và địa lý, núi Chung cao gần lăm mươi mét ở vị trí trung tâm xã. Làng Sen, Hoàng Trù, Mậu Tài, Nguyệt Quả, Tính Lý, Ngọc Đình, Vân Hội là bảy làng của xã Kim Liên đều nằm quanh chân núi. Núi Chung với thế chữ Vương, “kim qui phù đạo” nên đã nổi tiếng khắp đất nước, ở mọi thời đại.
Từ núi Chung nhìn về hướng Tây có dãy Hùng Sơn, có thành Vạn An, đền thờ Mai Hắc Đế, nhìn chếch lên hướng Tây Nam có dãy Thiên Nhận có thành Lục Niên bản doanh của Lê Lợi, hướng về Đông Nam là núi Lam Thành bên sông Lam, nơi có Lam Thành với truyền thuyết “ăn cỗ đầu người” của Nguyễn Biểu, quay lên hướng Bắc nơi có núi Đại Huệ, đó thành quách nhà Hồ. Xung quanh xã Kim Liên là quê hương của những chí sĩ, những anh hùng yêu nước, như Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Công Trứ và đại thi hào Nguyễn Du…
Đủ thấy bốn phương xung quanh núi Chung đều được các đấng quân vương, tướng lĩnh chọn làm bản doanh để báo cầu đất nước và những danh nhân, anh hùng hội tụ. Bởi thế mới có thơ “Chung sơn tam đỉnh hình vương tự, kế thế anh hùng vượng tử tôn” hay trong hát phường vải đã có lần tôi nghe được ở đâu đó: “Kim Liên có cánh sen vàng, chào chàng nho sỹ tới làng Kim Liên. Mừng người bước tới cửa tiên, bạch liên trắng bạch hồng liên đỏ hồng…”. Để bây giờ ở Kim Liên còn những cánh đồng mang tên “sen” như đồng Sen cạn, đồng Sen sâu, bàu Sen, chợ Sen…
Theo đường cũ, lối xưa tôi tìm về làng Hoàng Trù, quê ngoại Bác nhưng lại là nơi Bác cất tiếng khóc chào đời và lưu giữ cả tuổi thơ của Người. Nơi ấy có ngôi nhà của cụ Hoàng Đường và cụ bà Nguyễn Thị Kép thân sinh ra thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Hoàng Thị Loan. Nơi đây cũng có ngôi nhà thờ họ Nguyễn Xuân và ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác, quần thể chỉ rộng khoảng bảy sào Trung bộ.
Đứng trong khoảng sân rộng trước ngôi nhà dưới cái nắng mùa hạ, trong hương cau man mác để được nghe tiếng thuyết minh của cô gái xứ Nghệ, một giọng nói trầm mặc, cứ tự nhiên thấm sâu vào lòng người, như uống vào tôi ở không gian linh thiêng có tuổi thơ của Bác: “…Cụ Hoàng Đường sinh năm 1835, mất năm 1893, cụ là ông ngoại của Bác Hồ, làm nghề dạy học. Cụ bà Nguyễn Thị Kép làm ruộng và dệt vải, đây cũng là nghề mà cụ bà truyền cho con gái đầu lòng Hoàng Thị Loan.
Tết Nguyên đán Mậu Dần, năm 1878, cụ Hoàng Đường đi chúc tết đã vô tình gặp một chú bé ngồi trên lưng trâu mê mải đọc sách. Dừng lại cụ Hoàng Đường hỏi chuyện mới biết hoàn cảnh của cậu bé Nguyễn Sinh Sắc ở làng Kim Liên cùng xã với cụ, cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm bốn tuổi, ở với anh cùng cha, khác mẹ. Thương cảm trước hoàn cảnh của cậu bé hiếu học, cụ Hoàng Đường đã sang làng Kim Liên xin phép họ Nguyễn Sinh đưa cậu Nguyễn Sinh Sắc về nuôi và cho ăn học. Năm ấy Nguyễn Sinh Sắc tròn 15 tuổi. Với trí thông minh lại hiếu học, được sự dìu dắt của cụ đồ Hoàng Đường càng ngày cậu bé họ Nguyễn Sinh càng sáng dạ, thông minh, nổi tiếng khắp vùng, được ông bà đồ Hoàng Đường yêu quí như con đẻ. Năm 1881, khi Nguyễn Sinh Sắc tròn 18 tuổi, gia đình cụ đồ đã thể hiện tình yêu thương nhất mực của mình bằng cách cho Nguyễn Sinh Sắc hứa hôn với con gái đầu lòng Hoàng Thị Loan và hai năm sau đó, 1883 hai người chính thức thành vợ, thành chồng.
Cũng trong ngôi nhà của cụ đồ Hoàng Đường là nơi chứng kiến sự miệt mài đèn sách của anh học trò nghèo Nguyễn Sinh Sắc, sự tần tảo thuỷ chung của bà Hoàng Thị Loan và ba đứa con ra đời, trong đó có cậu con trai Nguyễn Sinh Cung. Năm Giáp Ngọ 1894, Nguyễn Sinh Sắc đỗ cử nhân trường Nghệ, để rồi đến năm 1895, ông “lều chõng” vào kinh đô Huế dự kỳ thi Hội, khoa Ất Mùi, xong không đỗ, nên ông quyết tâm ở lại Huế để ôn luyện. Được sự đồng ý của cụ đồ Hoàng Đường và cũng là để lo cho chồng, bà Hoàng Thị Loan, đã đưa các con vào Huế để chăm sóc chồng. Đây cũng là thời điểm gian truân vất vả nhất mà bà Hoàng Thị Loan phải gánh vác. Con nhỏ, chồng luyện thi, bà đã làm tất cả mọi việc miễn là có tiền nuôi sống gia đình, từ việc bán hàng, dệt vải, chăm con. Khi sinh hạ người con thứ tư, sau vài ba tháng bà đã qua đời vào tháng hai năm 1901 ở tuổi ba ba, lúc ấy cậu bé Cung mới tròn mười một tuổi.
Vợ mất, con thơ dại, chàng cử nhân xứ Nghệ rời kinh đô Huế về lại Hoàng Trù, Kim Liên sinh sống để các con có nơi nương tựa. Cũng chỉ sau ba tháng trở lại quê hương, Nguyễn Sinh Sắc đã gửi các con cho ông bà ngoại, quay lại kinh đô Huế dự kỳ thi Hội khoa Tân Sửu 1901. Trong khoa thi này ông đã báo đáp được công dưỡng dục của ông bà đồ Hoàng Đường và nhất là sự tần tảo, thuỷ chung vượt qua mọi khổ ải của người vợ thảo hiền đã quá cố. Ông đã đậu Phó Bảng và được vua Thành Thái ban cho tấm hoành phi “Ân tứ ninh gia”. Theo truyền thông khi đỗ đạt, Nguyễn Sinh Sắc phải về quê nội tức làng Kim Liên, là làng Sen bây giờ để làm lễ “Vinh quy bái tổ”…
Cứ đi, cứ ngắm cái thanh bình êm ả một làng quê, rồi như lắng sâu vào ngôi nhà của cụ đồ Hoàng Đường mà nghe cái thâm uyên trong lời giảng giải về nhân tính, nhân đức nơi văn đàn, chữ nghĩa để thành đạo, thành người. Rồi sang ngôi nhà nhỏ của ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan mà nhìn ngắm chiếc võng đay đung đưa, ngắm cái khung cửi nhẵn bóng tay người, thấm đẫm mồ hôi của bà Phó bảng, mà ngày ấy bà đâu đã được chứng kiến ông trở thành Phó bảng. Ngôi nhà trên đất ngoại Hoàng Trù này đã gắn với tuổi thơ của Người, nơi Người đã nhận được tình yêu thương của gia đình, làng xóm, hiểu cái nhọc nhằn của người dân mất nước. Để rồi qua năm tháng cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã nhân những giá trị ấy thành một khát vọng lớn lao, muốn tận mắt nhìn thấy chủ nghĩa thực dân trên đất thực dân phía trời Tây, muốn nhìn thấy chủ nghĩa Mác – Lê nin trên đất Mác – Lê nin. Người đã hành trình qua bốn biển, năm châu để tìm con đường cứu nước…
Ngắm bờ rào dâm bụt quanh năm nở hoa đỏ thắm, ngắm hàng cau cao vút vẫn cho những chùm thơm, ngắm cây mít gần 150 tuổi mà năm nào cũng chỉ cho đúng một quả, rồi quả chín vào đúng ngày sinh nhật Bác. Để tôi như được nghe tiếng võng đay kẽo kẹt với lời ru còn vẳng xa đâu đây, được nghe tiếng thoi đưa nhẹ tênh trên nền sợi bố. Bóng đa còn thả xuống con ngòi đầu xóm ăm ắp nước, xanh rì những ngọn rau dừa dại và những ngọn rau muống bè sau mưa đưa cái ngon ngọt của đồng chiêm vào nắng. Có phải ở cái tuổi mục đồng Người đã từng ngồi đó thả câu với tiếng cười, tiếng nô đùa làm rung bóng tre bên ngõ nhỏ.
Từ Hoàng Trù tôi ngược lên hướng Tây Bắc để tìm sang làng Sen, cũng là làng Kim Liên để được đặt chân trên mảnh đất nghĩa tình, ngắm ngôi nhà tình nghĩa mà người dân Kim Liên, bà con làng Sen dành cho ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khi ông vinh quy bái tổ vào năm 1901. Ông Phó Bảng dùng gian nhà giữa để thờ bà Hoàng Thị Loan và cũng là nơi ông tiếp khách hàng ngày và đọc sách. Đây cũng là nơi ông coi mình sẽ được gần gũi với người bạn đời đã quá cố hết lòng vì sự nghiệp của ông và vì sự trưởng thành của những đứa con ông…
Một câu chuyện thật rạch ròi nhưng cũng đầy cảm động, lần đầu tiên sau nhiều năm đi tìm đường cứu nước và đã giành được độc lập, tự do cho nước nhà. Người đã dành hết thời gian cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc để rồi mãi đến ngày 14 tháng 6 năm 1957, tức năm Đinh Hợi sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ hai năm, đất nước vừa bước qua thời kỳ khôi phục kinh tế, văn hoá, hàn gắn vết thương chiến tranh, Người mới thu xếp thời gian về thăm quê lần đầu.
Trong chuyến thăm quê lần này, Bác về làng Kim Liên trước khi về thăm quê ngoại Hoàng Trù. Vẫn bộ quần áo ka ki bạc màu, vẫn đôi dép cao su đã mòn, Bác thoăn thoắt bước đến bên chiếc cổng tre, Người nhìn thấy tấm bảng viết “Nhà Bác Hồ”, Bác quay lại bảo mọi người đi cùng và đông đảo nhân dân đến đón Bác: “Đây là nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chứ có phải nhà Bác Hồ đâu?”.
Rồi Người đứng tần ngần bên chiếc cổng tre mới được làm, nhìn bao quát hai ngôi nhà, ngắm kỹ mảnh sân với khu vườn. Khi nghe tiếng người cán bộ hướng dẫn mời Bác vào nhà, ngập ngừng một thoáng rồi Người thong thả đi dọc theo hàng rào vào đến tận cuối vườn, Người rẽ phải đi bên hàng hoa dâm bụt để vào sân. Người quay lại: “Các chú mở lối đi vừa rồi là sai, cổng nhà Cụ Phó bảng ở hướng đông này chứ…”.
Một câu nói của Người vừa là lời nhắc nhở, vừa là câu hỏi nhưng đầy tính hài hước và chân thực, chỉn chu trong công tác bảo tồn văn hoá truyền thống dân tộc.
Bốn năm sau, ngày mồng 9 tháng 12 năm 1961, Bác lại có dịp về thăm quê, nhưng lần này Bác về quê ngoại Hoàng Trù trước. Bác bước từng bước chậm rãi, đưa tay vào từng cây cột, từng phên vách quanh nhà, những đồ vật mà những ngày thiếu thời đã đi vào tuổi thơ của Người. Đến trước cái rương gỗ cũ kỹ trong gian buồng của thân mẫu là cụ Hoàng Thị Loan, Người đứng lại thật lâu, rồi rút khăn mùi xoa lau mắt.
Cụ Nguyễn Sinh Vinh, người được dòng họ giao trọng trách hương khói và chăm nom nhà thờ cụ tổ Nguyễn Sinh Nhậm kể lại: “Cụ Hồ cứ đi, cứ ngắm, cứ sờ vào từng chỗ, từng đồ dùng trong ngôi nhà đã gắn bó cả thời thơ ấu của Người. Đến khi nghe tiếng hô vang ngoài sân “Hồ Chủ tịch muôn năm”, Cụ mới như sực tỉnh, dứt ra khỏi ký ức tuổi thơ của mình, rồi bước nhanh ra sân, đi một vòng, nắm tay mọi người và nói chuyện cùng hàng nghìn người dân trong thôn, trong xã, thậm chí là cả các xã, các huyện lân cận chỉ mong được nhìn thấy Cụ một lần…”.
Tiếng cô hướng dẫn viên như se lại, một người cả ngày nói đến những câu chuyện về Bác hàng chục lượt mà vẫn cảm động đến không cầm nổi lòng mình. Vẫn giọng trầm trầm nhưng vang của người xứ Nghệ: “Trong lần về thăm quê lần đầu năm 1957, trước hàng nghìn người dân mong muốn được gặp Bác, được nhìn thấy Bác, hàng chục người được Bác hỏi thăm gia cảnh, thế mà Người chẳng quên chuyện của ai. Sau chuyến về thăm quê lần ấy, hơn một tháng sau, khi giáp Tết Nguyên đán, ông Quế nhận được giấy mời đến nhận tiền Bác gửi. Trong thư Bác viết: “Chú Quế đưa cho cụ Mợi, cha ông Xơng để ăn tết. Đây là tiền lương của Bác, Bác tiết kiệm được, không phải tiền của Chính phủ”. Ông Xơng nhận tiền Bác biếu mà rưng rưng, rồi ông cứ hối hận mãi là đã nói thật quá với Bác để Người phải phiền lòng. Ông bảo khi Bác hỏi chuyện, ông cũng cứ nói thật những gì mình có, nào là chuyện chưa có trâu cày, phải cày bằng bê, nào là chưa chuẩn bị được gì ăn tết…”.
Vẫn trong lần thăm quê ấy, khi về tới Kim Liên, một đồng chí lãnh đạo tỉnh trịnh trọng mời Bác vào nhà khách, Người quay lại bảo: “Tôi xa nhà, xa quê đã lâu, nay mới có dịp trở về, tôi phải về thăm nhà tôi trước đã. Nhà tiếp khách là để dành cho khách, tôi có phải là khách đâu…”. Trưa hôm ấy, chính quyền mời Bác ăn cơm, nhưng Người từ chối, Bác bảo: Bác đã xa quê hơn 50 năm, bây giờ được về thăm quê, Bác muốn thăm hỏi và trò chuyện với thật nhiều người. Và trong lúc nói chuyện cùng nhân dân, Bác cũng bảo: “Người ta đi xa lâu ngày về quê thì mừng mừng, tủi tủi, còn tôi thì chỉ mừng chứ không tủi. Khi tôi ra đi nước nhà còn nô lệ, bây giờ về nước nhà đã được độc lập, tự do”.
Ngọt ngào xứ Nghệ là thế, nơi ấy có một vĩ nhân, một lãnh tụ vĩ đại, một nhà văn hoá lớn, một danh nhân văn hoá của nhân loại là Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là con Lạc, cháu Hồng, ẩn sâu trong hai tiếng “đồng bào” mà Người thường gọi.
Bút ký của Nguyễn Quang