Năm 2007, khi ấy tôi đang công tác ở Sở Văn hóa, Thông tin Phú Thọ thì được nhà báo Cao Định – Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh điện thoại mời dẫn chương trình giao lưu tọa đàm kỷ niệm 55 năm chiến thắng Tu Vũ (1952 – 2007). Lúc ấy quả thực tôi rất bất ngờ vì trước giờ chỉ quen dẫn sân khấu chứ chưa từng dẫn chương trình truyền hình. Đem băn khoăn này hỏi nhà báo Cao Định, anh nói: ”Anh cần một gương mặt lạ”! Thế là tôi nhận lời.
Hơn một tuần sau, anh chuyển cho tôi kịch bản. Thú thực lúc ấy, nhìn kịch bản truyền hình của anh mà tôi như gà mắc tóc, không hiểu mình sẽ nhập tâm như thế nào. Sau rất nhiều ngày trăn trở, tôi ngỏ ý với anh cho tôi được theo anh đi gặp gỡ các nhân chứng để có cơ hội hiểu hơn về trận đánh Tu Vũ, trau dồi thêm vốn sống và nuôi dưỡng cảm xúc với các nhân vật mà mình sẽ đồng hành. Anh đồng ý ngay. Thế là ròng rã hơn nửa tháng trời, tôi, nhà báo Cao Định và phóng viên Duy Khoa rong ruổi ngược xuôi hết Hà Nội, Hòa Bình rồi sang Tu Vũ (Thanh Thủy) gặp gỡ các nhân chứng lịch sử. Từ những người lính trực tiếp tham gia trận chiến đến những người giao liên không quản ngại hiểm nguy để nối liền mạch máu thông tin giữa ta và địch. Suốt chặng đường đi, nhà báo Cao Định vừa gợi ý, vừa hướng dẫn tôi cách tiếp xúc với nhân chứng, cách gợi mở câu chuyện, khơi gợi cảm xúc để có thể chạm đến trái tim người nghe. Tôi lắng nghe anh như nuốt từng lời. Mạch cảm xúc được anh dẫn dắt đã theo tôi trọn vẹn hành trình ấy. Tôi đã đọc đi đọc lại từng trang sách, từng dòng hồi ký của các cựu binh Trung đoàn 88, hình ảnh khốc liệt của trận chiến Tu Vũ như hiển hiện trước mắt. Đúng là không có chiến thắng nào, hòa bình nào mà không phải trả giá bởi sự hy sinh, mất mát to lớn của cả dân tộc, mà Tu Vũ là một trận chiến điển hình cho sự mất mát, hy sinh to lớn ấy. Tôi đã vừa dẫn, vừa khóc. Những giọt nước mắt cứ thế tuôn rơi khi các nhân chứng lịch sử một lần nữa tái hiện lại sự anh dũng hy sinh kiên cường của những người lính Cụ Hồ trong trận đánh mở màn cho chiến dịch Hòa Bình. Lúc ấy vì quá say sưa, đắm chìm trong câu chuyện với các nhân vật mà tôi dường như quên mất mình đang làm người dẫn chương trình. Quan sát bên dưới khán giả, tôi thấy anh Cao Định hua tay, ra hiệu ngắt mạch chuyện mà tôi không sao ngắt được. Phải mất khoảng gần 10 phút quá chương trình, tôi mới trấn tĩnh nói lời kết và chào tạm biệt khi nước mắt vẫn ròng ròng trên má. Ra đến bên ngoài nhà bảo tàng, anh Cao Định mắng tôi té tát, bảo tôi làm vỡ chương trình. Xong anh lại cười xòa, giơ ngón tay đắc ý, bảo: “Làm tốt lắm! Thế anh mới chọn cô”! Bài học đầu tiên trong cuộc đời làm truyền hình của tôi bắt đầu như thế.
Sau này, khi cơ duyên của cuộc đời đưa tôi trở lại với nghề truyền hình có rất nhiều người với những câu chuyện nghề đã khiến cho tôi vỡ vạc được nhiều điều. Một người trong số nhiều người ấy là nhà báo Hồng Tâm. Chị Hồng Tâm hơn tôi 6 tuổi. Vào Đài từ khi còn rất trẻ, là phát thanh viên, phóng viên – biên tập viên và Phó Giám đốc Đài đến khi nghỉ hưu. Trọn vẹn cuộc đời công tác chị gắn bó với Đài. Vì thế Đài như ngôi nhà thứ hai của chị, mọi cảm xúc vui buồn của nghề báo chị đều đã nếm trải. Năm 2018, khi tôi về được tròn một năm thì Đài tổ chức Liên hoan phát thanh truyền hình tỉnh. Người chập chững vào nghề như tôi đều trông cả vào lớp các anh chị đi trước. Trong kỳ Liên hoan ấy, quá trình chấm giải tôi thấy có một tác phẩm đề tài rất hay, nhân vật rất điển hình nhưng cách thể hiện của tác giả chưa thực sự thuyết phục, nếu nâng tầm tác phẩm có thể mang đi dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Tôi yêu cầu tác giả chỉnh sửa, bổ sung theo gợi ý của Ban giám khảo. Tuy nhiên, sau hơn một tháng giao bài, tác giả không thực hiện được. Lúc ấy họp hội nghị giao ban, tôi quyết định giao cho chị Hồng Tâm chỉ đạo, tổ chức sản xuất lại tác phẩm, yêu cầu sau 15 ngày báo cáo kết quả tôi xem. Chị Tâm khi ấy ngồi im lặng, không nói lời nào. Đến khi tan họp, ra cửa, chị thì thầm: “Chỉ còn tháng nữa là đến Liên hoan Truyền hình, chị sợ không kịp. Em cho chị để sang năm làm nhé!”. Tôi kiên quyết: ”Không được! Không làm kỳ này thì không còn cơ hội nữa. Chị làm đi!”. Nói thế là chị bắt tay ngay vào thực hiện công việc. Chị đề xuất thành lập ê kíp tác giả, đạo diễn, quay phim, kỹ thuật dựng… đều là những người ưu tú nhất của Đài (việc chưa bao giờ có tiền lệ). Chị tổ chức đi khảo sát hiện trường, trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện cùng nhân vật, bày binh bố trận các góc máy quay sao cho thu được những hình ảnh đắt giá nhất, chân thực nhất. Xong phần tiền kỳ, chị ngồi dựng cùng biên tập viên, kỹ thuật viên, trực tiếp lựa chọn những khung hình đẹp nhất, những bản nhạc hay nhất để tạo hiệu ứng cho tác phẩm. Có những khung hình chưa thực sự ưng ý, chị tổ chức cho ê kip đi quay lại, bắt bằng được thần thái, khoảnh khắc của nhân vật, đẩy nhân vật đến tận cùng của cảm xúc. Năm ấy, tác phẩm Phim Tài liệu “Nửa thế kỷ thầm lặng” của Đài Phú Thọ đạt Huy chương Vàng – chiếc Huy chương nghề danh giá sau đúng 25 năm Đài phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên và cũng sau 25 năm mới có lại được chiếc Huy chương Vàng thứ hai.
Thành công của kỳ Liên hoan Truyền hình Toàn quốc năm đó đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều hưng phấn làm nghề. Để năm 2019, một lần nữa tôi lại giao chị Hồng Tâm trực tiếp chỉ đạo sản xuất tác phẩm tham gia dự thi. Lần này là một đề tài khó, nói về công tác dồn đổi ruộng đất của một địa phương trong tỉnh, khi ấy, người Bí thư xã đã tiên phong đi đầu, vận động bà con nhân dân tham gia công cuộc dồn điền đổi thửa. Phóng viên Gia Thái ở phòng Chuyên đề rất tâm huyết đề tài này. Em nói với tôi rằng em theo đuổi đã lâu, nay muốn làm cho ra mô ra món ở thể loại phim tài liệu. Tuy nhiên, khi mang dự thi tại Liên hoan Phát thanh – Truyền hình của tỉnh tác phẩm không được như kỳ vọng. Tôi trao đổi với chị Hồng Tâm, muốn chị xắn tay vào cùng anh em hoàn thiện tác phẩm. Trong suốt khoảng một tháng, chị Hồng Tâm gần như sống với câu chuyện của nhân vật. Chị vào mạng tra cứu tất cả các tài liệu có liên quan đến chủ trương, biện pháp dồn điền đổi thửa; các mô hình hay, sáng tạo của các địa phương… để trao đổi, bàn bạc với ê kip đưa vào kịch bản. Chị đốc thúc anh em phải tranh thủ trời nắng đẹp để đi quay cảnh cánh đồng lúa đang độ chín vàng, ánh trăng đêm vằng vặc nơi vùng quê. Phóng viên Gia Thái đến tận bây giờ vẫn không quên được cảm xúc khi cứ mỗi buổi sáng đến cơ quan, nghe tiếng đế giầy lọc cọc của chị Hồng Tâm là giật thót mình “Vẫn chưa đi à?” “Đi ngay đi”! Không ai có thể ngồi yên với một người chỉ huy sốt sắng, tận tâm đến thế. Năm ấy, tác phẩm “Ông Rũ rối” không đạt giải gì tại Liên hoan Phát thanh – Truyền hình, chúng tôi đã rất buồn, đặc biệt là chị Hồng Tâm và phóng viên Gia Thái. Em nói rằng em rất kỳ vọng vào tác phẩm này và đã tự bỏ tiền để mua sẵn hai bộ vest xịn để đi nhận giải. Nhưng câu chuyện cổ tích đã không dừng lại ở đấy! Tại Giải báo chí Toàn quốc về Xây dựng Đảng – Giải Búa liềm Vàng, tác phẩm “Ông Rũ rối” đã đạt giải Khuyến khích. Niềm vui, niềm hạnh phúc chưa kịp vỡ òa thì tại Giải Báo chí Quốc gia, một lần nữa “Ông Rũ rối” lại xuất sắc giành giải A, giải thưởng danh giá nhất cho một thể loại danh giá nhưng cũng khó nhằn nhất – đó là thể loại Phim Tài liệu.
Sau này, cái tên “PTV” đã trở thành tên “hot” trong giới phát thanh – truyền hình cả nước và được những người làm nghề coi như một hiện tượng đặc biệt. Bởi một thương hiệu vốn vắng bóng trong các giải thưởng báo chí lớn nhiều năm nay lại vụt sáng lên giữa bầu trời đầy sao. Mà lại đạt được giải thưởng ở một thể loại nhiều đài lớn, từng giành nhiều giải cao cũng chưa bao giờ chạm tới.
Chúng tôi, cả tập thể PTV đã đi cùng nhau những năm tháng đầy khó khăn và cũng trọn vẹn những cảm xúc ngọt ngào ấy. Cùng nhau làm việc và cùng nhau tận hưởng. Để mỗi trái ngọt thu hái hôm nay đều được chắt chiu, vun đắp, nuôi dưỡng của cả một tập thể luôn đồng sức, đồng lòng. Câu chuyện về nhà báo Cao Định, nhà báo Hồng Tâm chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện mà tôi muốn kể. Bởi hành trình 65 năm xây dựng và phát triển của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ đã có rất nhiều nhà báo tâm huyết, máu lửa, giữ trọn tình yêu với nghề như: Nhà báo Nguyễn Bá Tích, Trần Dư, Thiện Ân, Ngô Lâm, Mai Cử, Thăng Đệ ,Trần Giang… Sau này có các nhà báo Duy Khoa, Xuân Toản, Phan Hiền, Cao Hiền, Mạnh Cường, Gia Thái, Vũ Tuấn, Xuân Ngọc, Quỳnh Hoa, Thanh Bình, Ngọc Tân, Minh Lê… Lớp nhà báo trẻ, kế cận các đàn anh đàn chị có Liên Phương, Lương Minh, Thương Huyền, Thanh Hằng, Duy Thành, Huyền Trang, Hà Dung, Tuấn Việt, Cao Duy, Việt Hưng, Quốc Khánh, Mạnh Hùng, Trung Kiên… và rất nhiều người trẻ khác cũng đang ở tuổi sung sức, chín muồi.
Trong mạch nguồn của cảm xúc, tôi chợt nhớ tới những câu thơ trong bài thơ “Hỏi” của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Tôi hỏi Đất:
– Đất sống với đất thế nào?
– Chúng tôi tôn cao nhau
Tôi hỏi Nước:
– Nước sống với nước thế nào
– Chúng tôi làm đầy nhau
Tôi hỏi Cỏ:
– Cỏ sống với nhau thế nào?
– Chúng tôi đan vào nhau. Làm nên những chân trời
PTV của chúng tôi cũng như thế đấy! Chúng tôi tôn cao nhau, làm đầy nhau, đan vào nhau để làm nên một tổng thể hài hòa, đa sắc màu và luôn tạo sự khác biệt. Ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một công việc phù hợp nhất, áp lực hay nhàn nhã nhất. Nhưng nghề nào cũng rất cần một trái tim nhiệt huyết để nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, cống hiến. Với những người làm báo ở PTV “Lửa nghề” chính là ngọn lửa thiêng liêng nhất!
Nguyễn Thị Tuyết Chinh
Giám đốc Đài Phát thanh & Truyền hình Phú Thọ