Khi cái lạnh bắt đầu tê tái với những cơn gió tràn qua đồi chè mờ sương phủ, những đồi cọ ngả sậm dần màu trước ánh sáng nắng cuối chiều tắt sớm, mùa đông đã chạm ngõ miền trung du quê tôi. Khi mùa đông đến là lúc những cây cọ cho quả chín. Thứ quả màu xanh đen, tròn nhẵn, đem đến một thứ quà quê rất riêng của miền trung du.
Đi vào những rừng cọ, ngước lên cao sẽ thấy những buồng quả sai trĩu thích mắt. Quả cọ nhỏ, lúc non có màu xanh. Sau một thời gian gom góp cái nắng, cái gió của miền đất trung du, quả già dần chuyển sang màu xanh đen. Thân cây cọ khá cao, nhiều gai nên việc hái quả cũng không hề đơn giản. Người dân quê tôi thường buộc liềm vào cây sào để hái. Nếu không cẩn thận sẽ làm quả bị xây xát, sứt sẹo, quả sẽ không được đẹp mắt và ngon nữa. Những cây cọ càng lâu năm và không bị tỉa lá sẽ càng cho những quả cọ ngon.
Quả cọ sau khi hái xuống được rửa sạch, xóc trong chiếc rổ thả vài mảnh nứa hoặc mảnh sành để tróc bớt vỏ, rồi ỏm với nước sôi. Nước ỏm cọ không được quá non hay quá già. Khi quả cọ chín sẽ nổi một lớp váng màu vàng. Đem vớt cọ, trộn chút đường sẽ cho món quà quê bùi bùi béo ngậy, thoang thoảng vị hơi chát đặc trưng. Người vùng khác không biết tới quả cọ thường không phải ai cũng biết ăn. Nhưng đối với người Phú Thọ, đây lại là loại quả gây thương nhớ và ăn sâu vào tiềm thức nhất.
Những nỗi nhớ về nồi cơm nắm lá cọ, những nồi cọ ỏm của mẹ, những buổi trưa theo chân lũ bạn lang thang nhặt cọ chín thưở thơ ấu dường như đi theo tiềm thức của những người con vùng đất Tổ xa quê. Những ngày trời trở lạnh, bỗng nhớ khôn nguôi trái cọ quê hương.
Một đĩa cọ ỏm vàng béo ngậy, một chén nước trà thơm. Chỉ vậy thôi đã thấy trong đó hình ảnh quê hương tôi xiết bao yêu dấu.
Tản văn của Nguyễn Thị Loan