Vũ Văn Viết
Khóc thầy (*)
Thầy phát bệnh chúng con quá bận
Chưa kịp đến thăm thầy
Thầy lâm bệnh chúng con không được ở bên thầy
Nay thầy nhắm mắt buông tay
Những vần thơ cho đời
Những vần thơ về Bác ngừng chảy
Chúng con trong tay cầm những nén nhang đang cháy
Kính cẩn viếng linh hồn thầy
Trái tim se sắt
Vẫn biết rằng sinh tử là quy luật
Mà chim thôi hót, học trò bật khóc.
Thầy đã ra đi về cõi vĩnh hằng
Chúng con xin bái biệt
Sự nghiệp trồng người, sự nghiệp làm thơ về Bác của thầy
Vẫn mãi còn trong trái tim chúng con
Hình bóng của thầy vẫn còn sống mãi cùng chúng con
Thắp nén hương thơm
Chúng con xin bái biệt thầy
Mong thầy yên giấc ngàn thu
V.V.V
Nguyễn Ngọc Tung
Chiều Trung du
Chiều thu xanh Trung du
Những đồi chè mâm xôi những đồi chè bát úp
Cây chè đã cổ thụ
Chị nơi đâu bây giờ?
Tuổi mười tám lên vùng xa vỡ đất
Bàn tay chai nhẵn sỏi
Vun gốc tỉa cành, một đời chăm búp
Tiếng kẻng nông trường có cổ tích mai sau?
Những luống chè như vân tay Trung du
Xanh biếc tuổi xuân tràn khát vọng
Tháng Giêng mưa dầm, tháng Năm nắng sạm
Đêm tắm trăng nghe thổn thức tiếng rừng!
Thời đạn bom cắt ngang lời ước hẹn
Con ra đời, cha không biết mặt con
Bao gốc chè bấy tình người tình đất
Những yêu thương chăm chút màu xanh
Chén chè thơm nhấm nháp vị quê hương
Ướp ánh trăng tình yêu tuổi đôi mươi mười tám
Phố sau đồi khói chiều bảng lảng
Thả lên trời mơ ước Trung du.
N.N.T
KIM DŨNG
Tiếng chuông chùa
Kính tặng chùa Phúc Lâm (Bạch Hạc)
“Làm chùa dựng tượng, đúc chuông”
Thiêng liêng hai tiếng quê hương tìm về
Tiếng chuông là tiếng hồn quê
Từ trong sâu thẳm vọng về ngày xuân
Tiếng chuông thức tỉnh đường trần
Ấy là giác ngộ tri ân cuộc đời
Tiếng chuông người hãy thương người
Rách lành đùm bọc nhớ lời xưa nay
Tiếng chuông thỉnh nguyện đêm ngày
Cầu mong trên trái đất này bình an
Đẩy lùi dịch dã tràn lan
Gian nan chia sẻ lại càng thương nhau
Tiếng chuông trầm mặc lắng sâu
“Tu nhân tích đức” bền lâu ở đời
Sống cho thanh bạch làm Người
Tiếng chuông thánh thiện là nơi cửa Thiền…
K.D
VIÊN NGUYỆT ÁI
Hoa nhân loại
Như giọt ngọc của bình minh
Căng tròn tinh khôi thuần khiết
Như từng màu hoa thắm thiết
Bừng tươi sức sống trong đời
Là duyên xuân của đất trời
Là sen thơm mùa hạ chín
Là nắng hiền thu bịn rịn
Là lửa ngời rọi đông tan
Kìa hiện thân giữa trần gian
Đôi chân, bàn tay không mỏi
Tóc đen nhuộm dần sương khói
Vẫn hoài mỹ lệ thật riêng
Đón vào thiên chức thiêng liêng
Mỉm cười nhận từ tạo hóa
Ấp ôm nồng nàn rộn rã
Sông Ngân trong mắt dâng đầy
Thanh tân năm tháng hao gầy
Nề chi cuộc người trăn trở
Son tâm trước điều hay dở
Yêu thương thành một đức tin
Thăng trầm phủ lấy trái tim
Càng thêm mặn mà không tuổi
Con đường gập ghềnh đến cuối
Không làm phái yếu nhòa đi.
V.N.A
ĐÀM TUẤT
Tháng Mười như mẹ ta ơi
Dẫu thôi rực rỡ chói chang
Thì theo mùa cải mà vàng nắng ơi
Giữa dòng “nước chảy hoa trôi”
Mãi xanh khúc dạo đầu đời của sông
Chân trần dò bước sâu nông
Gặp trong mắt sỏi… cây lồng bóng mây
Câu thơ với nửa thân gầy
Cùng ta… gánh nỗi niềm này qua đêm
Tháng Mười…
Hai tiếng dịu êm
Mấy tàn thao thức! Ai quên nắng rồi?
Tháng Mười
như mẹ ta ơi!
Tiếng thương tự thuở nằm nôi dịu dàng
Giờ thôi rực rỡ chói chang
Thì như mùa cải – mà – vàng – nắng ơi!
Đ.T
NGHIÊM THỊ XUÂN THỊNH
Một mình
Xòe tay hứng giọt nắng rơi
Giăng giăng sợi nhớ tím lời hoàng hôn
Vắng hoe con trẻ, nắng giòn
Sân trường chừng cũng rộng hơn mọi ngày
Ve đàn văng vẳng đâu đây
Vài ba cánh phượng khô gầy gốc xưa
Trống trường thiêm thiếp giấc mơ
Góc phòng cô lặng ngẩn ngơ… một mình!
N.T.X.T
Nguyễn Chí Diễn
Mẹ Sai Nga
Con về thăm mẹ Sai Nga
Giữa mùa gió bấc chảy qua tháng Mười
Hồn quê nón trắng tinh khôi
Nhìn bao lá phẳng thương người còng lưng
Một thời bom xé đạn rung
Hành quân qua đất Vua Hùng nghỉ chân
Nắm cơm thơm mẹ dành phần
Đằm trong lá cọ ân cần nón che
Bàn tay khâu nón buốt tê
Thương con áo rách bốn bề nắng mưa
Mẹ gồi khâu nỗi thiếu thừa
Sương giăng phiến sớm gió lùa cuống đêm
Đông luồn gió bấc rét thêm
Lửa từ tay mẹ ấm mềm tay con
Con đi trăm suối ngàn non
Có tình mẹ ủ giấc tròn chiêm bao
Con về nghe mẹ thì thào
Dạ thưa quyện sóng sông Thao hiền hòa
Nắm bàn tay mẹ Sai Nga
Thấy niềm thương ấm tỏa ra tháng Mười.
N.C.D
GIANG CHÂU
Thị xã
Thị xã Trung du nằm sát bờ sông
Chưa bình minh đã ồn ào Bến Đá
Người đến chợ Mè từ muôn ngả
Nơi giao lưu kinh tế một vùng đồi
Tôi sinh ra đã có Thị xã rồi
Chiếc Cầu Trắng nối hai đầu tỉnh lỵ
Thành quách xưa đã gần hai thế kỷ
Bến Nhà Đoan vẫn lộng gió phù sa
Huyền thoại chống xâm lăng
và huyền thoại vua cha
Thành tượng đá trên công viên mở rộng
Vòm đa xanh, cờ đỏ bay lồng lộng
Những con đường theo phố mới khang trang
Thị xã đổi thay lòng không khỏi ngỡ ngàng
Ngày trở về tóc xanh giờ đã bạc
Chiếc cầu lớn vắt qua phà Ngọc Tháp
Tiếng chuông ngân trên quê mới vùng đồi…
G.C
HÀ PHI HẢI
Đứng giữa quảng trường
Tôi đứng giữa quảng trường Hùng Vương
Nhìn bốn phương đất trời rộng mở
Hướng Nghĩa Lĩnh – Đền Hùng lịch sử
Gió lành đưa mây đẹp bay về
Tôi lắng nghe, lắng nghe
Linh thiêng nơi đất Tổ
Núi hướng về quy tụ
Sông chảy đến hợp dòng
Hào khí của cha ông
Dựng nước và giữ nước
Âm vang tiếng trống đồng
Khiến kẻ thù bạc tóc
Đất Việt Nam anh hùng hào kiệt
Thời thế nào cũng tỏa sáng uy linh
Thành phố ngã ba sông phong cảnh hữu tình
Nơi cát địa sơn chầu thủy tụ
Người muôn phương hướng về đất Tổ
Lên Đền Hùng kính cẩn dâng hương
Hiểu cội nguồn thanh thản tâm can
Hai tiếng đồng bào kết đoàn dân tộc
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước…”
Các thế hệ sau phải giữ nước non này
Trên quảng trường gió lộng cờ bay
Vẫy chào dòng người về lễ hội
Gương mặt Việt Trì đang đổi mới
Hướng tương lai thành phố cội nguồn.
H.P.H
NGUYỄN KHẮC THÔNG
Về cùng anh – mùa hạ
Bằng lăng tím bồi hồi nỗi nhớ
Đáy mắt hoàng hôn trong ánh chiều buông
Mưa trắng trời chợt về qua lối ngõ
Phượng đỏ lối mòn chầm chậm bước người thương
Tôi chợt hiểu hoa có màu thương nhớ
Cũng gửi sắc hương câu đợi, câu chờ
Và chợt hiểu sao cơn mưa chợt đến
Nắng thu mình, mưa dào dạt ý thơ…
Tôi chợt hiểu trong ra rả tiếng ve ngân
Gửi vào gió người ơi đừng lỡ hẹn
Gửi năm tháng người ơi xin chờ đợi
Giọt lệ rơi qua gió bụi thời gian
Mùa hạ đến câu thơ đầy nỗi nhớ
Góc khuất nào thực ảo những cơn mưa
Ta nợ nhau hẹn có ngày gặp lại
Về cùng anh mùa hạ, chín mong chờ.
N.K.T