Tới dự có các đồng chí: Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Đại Dũng – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể, huyện, thành, thị cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Sau 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực quảng bá, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; phối hợp cùng với các bộ, ngành thực hiện đầy đủ cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO về bảo vệ di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo tinh thần Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh Phú Thọ đã tập trung tuyên truyền, quảng bá giới thiệu di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, chủ thể văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy giá trị to lớn, độc đáo của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tạo sức lan tỏa rộng rãi cộng đồng trong nước và quốc tế.
Hiện cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Trên địa bàn tỉnh có 345 di tích gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt; 37 di tích quốc gia; 135 di tích cấp tỉnh; 269 di tích đang thờ tự. 10 năm qua, tỉnh Phú Thọ đã xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho 25 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư cho công tác phục hồi, tu bổ, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và gần 60 di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; trong đó vốn xã hội hóa đạt gần 400 tỉ đồng.
Hằng năm, tỉnh Phú Thọ tổ chức tốt Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10/3 âm lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và các làng xã thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh đảm bảo trang nghiêm, thành kính, đúng nghi thức truyền thống, góp phần bảo vệ các giá trị cốt lõi của di sản, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Chương trình nghệ thuật phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội – Đất Tổ Hùng Vương” được dàn dựng theo hình thức Ca – múa – nhạc, có sự sáng tạo, dàn dựng công phu, các cảnh diễn kết hợp với âm thanh, ánh sáng, màn hình led hiện đại. Chương trình gồm 3 phần chính: Linh thiêng nguồn cội; Trẩy hội Đền Hùng; Rạng ngời Đất Tổ. Nội dung các phần ca ngợi công đức các Vua Hùng, tinh thần đoàn kết, yêu nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc với các tiết mục như: Công đức Vua Hùng, Nổi trống Lạc Hồng, Phong Châu mở hội, Vịnh xuân đất Tổ,… Chương trình có sự tham gia của gần 200 nghệ sĩ, diễn viên của đoàn nghệ thuật tỉnh, tốp múa trường Đại học Nghệ thuật Quân đội Hà Nội, Nhà hát Ca – múa – nhạc tỉnh Vĩnh Phúc, các em thiếu niên Trường THCS Kim Đức và các ca sĩ Trọng Tấn, Lương Nguyệt Anh…
Chương trình nghệ thuật đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách; chuyển tải được nội dung, ý nghĩa nhằm giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa dân gian độc đáo của Đất Tổ. Đồng thời, ca ngợi tinh thần đoàn kết, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Ngay sau chương trình nghệ thuật là màn bắn pháo hoa nghệ thuật tầm cao lung linh, rực rỡ… tạo không khí tưng bừng, góp phần vào thành công chung của các hoạt động dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022.
Nhóm PV báo Phú Thọ