Ngày 12-8, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của hơn 30 NXB, công ty xuất bản và phát hành. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Hoàng Vĩnh Bảo. Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ, ngành xuất và các đơn vị xuất bản, phát hành đã đưa ra những đánh giá khách quan, toàn diện về những tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19 đối với lĩnh vực xuất bản và phát hành. Từ đó đưa những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác xuất bản và phát hành hiện nay.
Phát hành “ đóng băng” tại nhiều tỉnh, thành phố
Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và phát hành, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành đã xuất bản được 19.217 cuốn sách, với hơn 334 triệu bản (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020). Ngoài ra, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, 6 tháng đầu năm, mua bán sách trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee… chiếm trên 65% thị trường giao dịch ngành xuất bản. Đây là số liệu cho thấy những nỗ lực rất lớn của ngành xuất bản trong duy trì sản xuất, trước tác động không nhỏ từ đại dịch Covid 19 và những biến động lớn từ nguyên liệu đầu vào ( giá giấy liên tục tăng cao do chuỗi cung ứng gặp nhiều khó khăn do địa phương, quốc gia, thực hiện các quy định nghiêm ngặt trong phòng, chống dịch).
Bên cạnh những nỗ lực của toàn ngành nói chung, từng đơn vị xuất bản và phát hành nói riêng trong 6 tháng đầu năm, nửa cuối năm còn lại được nhìn nhận sẽ là khoảng thời gian không mấy dễ dàng đối với lĩnh vực xuất bản nói chung, công tác phát hành nói riêng. Thậm chí nếu không có những thay đổi trong chiến thuật phát hành thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, nhiều đơn vị xuất bản, nhà sách sẽ đi đến phá sản là không tránh khỏi.
Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid 19 đã lan rộng trên 40 tỉnh thành trong cả nước. Tùy vào tốc độ lây lan của dịch bệnh và mức độ nguy hiểm đến tính mạng người dân, Chính phủ và từng địa phương đã có những chỉ đạo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cụ thể, không loại trừ cả những biện pháp mạnh như: cách ly xã hội, phong tỏa toàn thành phố… Nhiều hoạt động được cho là không thiết yếu buộc phải dừng hoạt động. Trong đó có các cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, sách báo. Cụ thể, Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đã đóng cửa 80/117 nhà sách, doanh thu tháng 7-2021 chỉ đạt 30% so với cùng kỳ năm 2020. Fahasa cũng dự báo tháng 8-2021 có thể giảm sâu hơn. Tương tự, doanh thu 6 tháng đầu năm của Alpha Book đạt 84% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân được công ty này cho biết, do giữa tháng 7-2021, công ty bị phong tỏa do có ca mắc Covid-19, nên doanh thu bán hàng online giảm mạnh. Cũng có chung số phận nhà Fahasa, Alpha Book, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng đã phải đóng cửa 6 nhà sách ( do thành phố Hồ Chí Minh áp thực hiện cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng ở cấp độ cao nhất), doanh thu liên tục sụt giảm chỉ còn 76% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tháng 6-2021 tiếp tục giảm sâu, tháng 7 và 8-2021 chỉ đạt ở mức 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những khó khăn của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách được cho là vẫn tiếp tục kéo dài, khi những dấu hiệu tiêu cực của dịch bệnh vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thậm chí, nhiều tỉnh thành phía Nam còn chưa thể kiểm soát hoàn toàn được nguồn lây. Cuộc sống bình thường mới chưa thể được thiết lập, kéo theo những quy định nghiêm ngặt trong phòng, chống dịch bệnh vẫn chưa thể nới lỏng. Nhiều nhà xuất bản tiếp tục phải cắt giảm nhân công, việc làm, nhiều cửa hàng sách vẫn buộc phải đóng cửa do sách không phải là mặt hàng thiết yếu. Dẫn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, trong khi nhà xuất bản và doanh nghiệp vẫn phải trả toàn bộ chi phí liên quan, lãi vay ngân hàng, thuế thu nhập doanh nghiệp… khiến cho hoạt động xuất bản rơi vào thế khó.
Xuất bản trực tuyến, lựa chọn thời covid
Để gỡ khó cho các Nhà xuất bản, đơn vị phát hành, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, mới đây ông đã trao đổi với Bộ Công thương về việc sách có phải là mặt hàng thiết yếu hay không. Thậm chí mới hôm qua (ngày 11/8), tại cuộc họp của Chính phủ, tôi cũng đã đề nghị Thứ trưởng Bộ Công thương trả lời về vấn đề này. Thông tin đáng mừng là cho đến giờ phút này, sách có thể được coi là mặt hàng thiết yếu. Bởi vì trước đây, khi đưa ra danh mục mặt hàng thiết yếu, có sự lúng túng trong tiêu chí. Còn hiện tại, Bộ Công thương chuyển sang hướng chỉ quy định mặt hàng cấm không được vận chuyển trong lúc giãn cách xã hội, trong đó không có sách. Điều đó có nghĩa là sách được vận chuyển bình thường.
Cùng với những nỗ lực trong việc đề nghị sách là mặt hàng thiết yếu, được vận chuyển và tới đây sẽ được kinh doanh trở lại khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch bênh, kênh phát hành online cũng được xem là hướng phát triển chính để sách đến gần hơn với bạn đọc. Theo chia sẻ của Ông Bùi Tuấn Nghĩa NXB Kim Đồng ngoài 2 đối tác lớn trong phát hành online là Tiki, FAHASA, nhà xuất bản cũng có kênh phát hành trực tuyến của riêng mình. Với kênh phát hành riêng này, trong khuôn khổ chương trình “Ở nhà đọc sách – Không ngại giãn cách” số lượng bạn đọc đặt mua sách tăng gấp nhiều lần so với những ngày trước. Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh kênh online. Bởi đây chính là cách “cứu sống” cho ngành hiện nay. Cũng theo ông Hùng, cần phải tính đến bài toán làm sao có thể đẩy mạnh Ebook bằng phương án có một đơn vị nào đó đủ mạnh để thực hiện phương thức này theo quy mô lớn và tập trung. Đồng thời cũng nên quan tâm đến loại hình Audiobook và phát hành sách nói qua ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos. Tại Thái Hà Books, hướng đi này đã bắt đầu mang lại dòng tiền đầu tiên cho lĩnh vực xuất bản hoàn toàn mới mẻ này.
Trước những lợi thế có thể vượt qua dịch bệnh của kênh bán hàng online so với truyền thống, nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đã nhanh chóng mở rộng hợp tác với các nền tảng trực tuyến để giảm chi phí nhà xưởng, kho bãi mà vẫn có thể bán hàng, phục vụ bạn đọc. Tuy nhiên, do sách vẫn nằm trong danh sách các mặt hàng không thiết yếu, việc vận chuyển sách tại không ít thành phố, địa phương buộc phải tạm dừng. Trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức từ Bộ Công thương và những quy định mới được triển khai tới các địa phương, Sách nói đã được các đơn vị xuất bản phát triển như một kênh phát hành mới đầy sáng tạo. Cụ thể, mới đây Alpha Books và Ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos đã gửi tặng 10 tựa sách nói từ danh sách bán chạy nhất trên ứng dụng Fonos, với tổng cộng 200.000 lượt nghe miễn phí, không phân biệt giữa thành viên cũ và người chưa dùng ứng dụng. Chiến dịch kéo dài trong 2 tuần từ 5/8 đến 20/8/2021. Trong chiến dịch này, 10 tác phẩm sách nói được Alpha Books và Fonos lựa chọn từ lĩnh vực sức khỏe, tâm lý cho đến kinh doanh, nuôi dạy con cái với phương châm: Mỗi tựa sách đều được hai bên cân nhắc và chọn lọc kỹ lưỡng để có thể chạm đến nhiều đối tượng thính giả, độc giả, giúp họ tìm thấy điều hữu ích cho riêng mình. Alpha và Fonos cũng hy vọng sẽ phần nào tiếp thêm sức mạnh cho các bạn trẻ, các gia đình, đặc biệt là những người đang ở khu cách ly, hay lực lượng làm việc trong tuyến đầu chống dịch.
Khi cuộc chiến chống đại dịch Covid 19 vẫn còn ở giai đoạn cam go, trước khi cuộc sống có thể trở lại với trạng thái bình thường mới, sự chung tay của các Nhà xuất bản, đơn vị phát hành qua những ấn phẩm sách sẽ là nguồn động viên tinh thần không chỉ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch mà còn cho cả người dân khu phong tỏa, cách ly và người dân cả nước.Nỗ lực vượt khó của nhà xuất bản, đơn vị phát hành đã và đang góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống Covid 19. Đồng thời đây cũng chính là phép thử để ngành xuất bản, phát hành tìm ra những hướng đi mới, đa dạng hơn trong công cuộc chinh phục độc giả của mình.
—————
Theo số liệu năm 2020, ghi nhận của Tiki, đơn vị lớn nhất trong lĩnh vực bán sách online hiện nay cho thấy, mảng sách bán chạy nhất là: Sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Một số đơn vị khác như Fahasa, Anfabook, Nhã Nam, Thái Hà book đều ghi nhận sự tăng trưởng này với mức từ 20-30%, Phương Nam tăng trên 70%. Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động. Đồng thời, tính đến hết năm 2020, đã có thêm 4 nhà xuất bản trong nước tham gia đăng ký xuất bản điện tử. Góp phần tăng số nhà xuất bản điện tử lên 40 % so với năm 2019
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ