Làng cổ Hùng Lô nằm bên bờ sông Lô xanh trong, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 5km. Miền quê hơn 300 năm tuổi này hiện đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống nguồn cội vừa được tỉnh Phú Thọ chọn xây dựng làm Điểm Du lịch Văn hóa cộng đồng. Ngày 8/4/2022 (nhằm 8 tháng 3 âm lịch năm Nhâm Dần) trước sự chứng kiến của đông đảo cán bộ, nhân dân xã Hùng Lô và thành phố Việt Trì, Phó Cục Trưởng Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) Nông Quốc Thành cùng với lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Thành uỷ, UBND thành phố Việt Trì đã trao Bằng công nhận “Lễ hội Đình Hùng Lô” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; đồng thời công nhận Điểm Du lịch Văn hoá cộng đồng xã Hùng Lô.
Hùng Lô xưa có tên gọi là Khả Lãm trang, sau đổi thành làng An Lão. Theo thần tích của làng thì tên An Lão có từ khoảng năm 1572. Trong suốt thế kỷ XVII, XVIII, XIX vẫn gọi là An Lão xã. Năm 1947, Chính phủ đồng ý sáp nhập An Lão, Kim Đức, Vĩnh Phú thành xã Hùng Lô. Một thời gian sau đó lại chia tách thành ba xã, riêng An Lão vẫn lấy tên xã là Hùng Lô. Có thời gian, Hùng Lô còn được gọi là Kẻ Xốm, làng Xốm, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Xã Hùng Lô có vị trí địa lý cách Khu Di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng khoảng 9km về hướng Đông với diện tích trên 2km2, dân số gần 7.000 người. Với địa hình thuận lợi, Kẻ Xốm xưa sớm đã trở thành trung tâm buôn bán và là vùng đất có bề dày lịch sử. Dấu ấn văn hoá của thời kỳ dựng nước còn lưu lại trên mảnh đất này qua các di sản từ những giai đoạn đồ đá, thời kỳ đồ đồng như cuốc đá, rìu đá, mũi tên đồng, búa đồng… Nhân dân Hùng Lô luôn cần cù, chịu thương, chịu khó và có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa. Trải qua nhiều thế kỷ, trước bao biến động của các cuộc chiến tranh và thời kỳ cách mạng đổi mới những di sản, những tập tục, nếp làng từ xưa đến nay vẫn luôn được người dân Hùng Lô gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Đến với Đình Hùng Lô trong những dịp lễ hội, du khách sẽ được hòa mình trong lễ Rước kiệu quy mô rất hoành tráng của trên 200 nam trung mặc đồng phục gọn gàng, mang theo vũ khí tượng trưng, đi đến đâu trống dong cờ mở, tiền hô hậu ủng sôi động cả một vùng quê Việt. Lễ hội làng Xốm, xã Hùng Lô có truyền thống lâu đời, mỗi năm được tổ chức 2 lần là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch và lễ tiệc Thánh Hóa vào ngày 12/9 âm lịch. Tuy nhiên, lớn nhất vẫn là lễ rước kiệu dâng lễ vật về Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Nghi lễ được chuẩn bị chu đáo, công phu trong nhiều tháng, từ việc sắm lễ vật, nuôi gà thờ, chọn người làm cỗ thờ, chọn trung nam rước kiệu đến lựa chọn ngôi vị Chủ tế. Lễ hội Hùng Lô được tổ chức từ ngày 9/3 âm lịch, tổ chức Tế ở Đình làng với lễ vật là cỗ gà thờ. Sau khi lễ xong, số ván gà to đẹp sẽ được làng trao thưởng, rồi đem về nhà yến lão để làm cỗ mời các quan viên, bô lão. Sau lễ Tế là lễ Rước kiệu về Đền Hùng. Trên đường rước kiệu từ Hùng Lô tới Đền Hùng, đoàn rước có múa Sư tử ở mỗi chặng dừng nghỉ; Rước tới ngã ba Hàng, đoàn nghỉ lại ở đó một đêm, sáng sớm hôm sau, vào đúng ngày 10/3 mới Rước kiệu vào Đền Hùng. Từ xa xưa các làng xung quanh khu vực Đền Hùng đều tổ chức Rước kiệu vào Đền Hùng và Ban Tổ chức chấm giải. Với sự chuẩn bị chu đáo, trang nghiêm và thành kính, đoàn rước của xã Hùng Lô luôn đạt giải Nhất và được rước kiệu cũng như dâng lễ vật lên Đền Thượng. Sau khi rước kiệu lên đền Thượng dự lễ Tế Tổ, kiệu xã Hùng Lô được rước về làng với tinh thần hồ hởi phấn khởi của nhân dân. Để đón đoàn rước về, từ trong làng, các trang đinh rước cỗ kiệu Bát Cống với nghi thức trang nghiêm cùng phường Bát Âm rộn ràng đến đầu làng hòa chung đón đoàn rước kiệu từ Đền Hùng về Đình làng. Dân làng lễ tạ theo nghi thức đại Tế sau đó làm lễ cất kiệu và kết thúc Lễ hội. Ngày nay tại đình Hùng Lô còn lưu giữ một biển thưởng sơn son thiếp vàng với dòng chữ “Kỷ niệm Hùng Vương Đệ Nhất hội” mà kiệu làng được thưởng từ năm Mậu Ngọ (1918).
Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Tỉnh và Thành phố Việt Trì, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Hùng Lô – Kẻ Xốm được xây dựng khang trang, các thiết chế văn hóa, điểm tổ chức các hoạt động cũng được chính quyền, nhân dân đóng góp cùng nhau tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị trước thời gian và thời cuộc. Lễ hội đình Hùng Lô trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hùng Lô và du khách thập phương. Từ đó góp phần xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nối mạch truyền thống đạo lý tri ân công đức tiền nhân của dân tộc, với mục đích khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, nhất là di sản gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, từng bước nâng cao chất lượng tổ chức Lễ hội truyền thống, UBND xã Hùng Lô đã xây dựng hồ sơ đề nghị UBND thành phố và UBND tỉnh Phú Thọ công nhận điểm Du lịch Văn hóa cộng đồng Hùng Lô; đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội truyền thống Đình Hùng Lô vào danh mục xây dựng hồ sơ xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Việc làm này của lãnh đạo địa phương đã nhận được sự đồng thuận, tham gia nhiệt tình của nhân dân, các cụ cao tuổi, Hội đồng Bô lão, sự quan tâm, chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Sau quá trình triển khai thu thập thông tin, ngày 24/9/2021, UBND tỉnh Phú Thọ quyết định công nhận Điểm Du lịch Văn hóa cộng đồng Hùng Lô. Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngày 12/01/2022 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định công nhận đưa Lễ hội truyền thống Đình Hùng Lô, xã Hùng Lô vào danh mục xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Vui mừng trước thành quả giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ và phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc của Hùng Lô, ông Nông Quốc Thành – Phó Cục Trưởng Cục Di sản Văn hoá – Bộ Văn hoá Thể thao và Du Lịch, khẳng định “Có thể nói, nghi lễ rước kiệu của xã Hùng Lô cùng với việc lưu giữ các đồ thờ cúng tại Đình làng thể hiện thái độ hết sức trân trọng đối với lịch sử của các thế hệ người dân Hùng Lô. Tập tục, nếp làng từ đời này qua đời khác vẫn được lưu giữ, chính là giá trị văn hóa độc đáo của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của lễ Rước kiệu, các thế hệ nhân dân Hùng Lô nói riêng, thành phố Việt Trì nói chung đã không chỉ trực tiếp được giáo dục và thừa hưởng truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc một cách thiết thực, lâu dài trong mọi thời đại…”.
Hơn tất cả, việc công nhận “Lễ hội Đình làng Hùng Lô” là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia chính là hành động thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ người dân hôm nay đối với công đức các bậc tiền nhân. Thông qua đó đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của người Việt Nam; góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hùng Lô trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc được ghi nhận. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, khích lệ cộng đồng tự nguyện tham gia các hoạt động bảo vệ di sản, bên cạnh đó, phát huy tính sáng tạo của các chủ thể đang nắm giữ, thực hành di sản văn hóa phi vật thể về giá trị Di sản văn hóa “Lễ hội đình Hùng Lô”, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý di sản văn hóa và góp phần thúc đẩy các hoạt động quảng bá di sản, văn hóa, phát triển du lịch nhằm xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Trung tâm Lễ hội về với cội nguồn các dân tộc Việt Nam.
Kim Liên – Thu Lâm