Nhạc sĩ Hồng Đăng (1936 – 2022), tác giả của những bài hát quen thuộc nổi tiếng như “Hoa sữa”, “Lênh đênh”, “Biển hát chiều nay”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, theo cánh hạc về trời đã đúng một năm.
Cuốn sách này ra mắt dịp giỗ đầu ông là để tưởng nhớ ông, để thấy lại ông như lúc sinh thời. Tên sách lấy từ một câu hát của ông “Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao”. Người tập hợp bản thảo và thực hiện cuốn sách là Lê Anh Thuý – người vợ tận tụy của ông.
Chân trời ấy hình như đã hé lộ với ông từ thuở thiếu thời, khi ông còn là một cậu bé ở với bố mẹ tại Thị xã Hà Tĩnh. Những nốt nhạc đã tự cất lên trong lòng cậu bé Phan Đăng Hồng (tên khai sinh của ông) xui cậu tìm đến với cây đàn chơi một cách hồn nhiên, bản năng. Không chỉ chơi đàn, cậu còn viết nhạc, sáng tác ca khúc. Để rồi năm 1954 trong đội ngũ âm nhạc cách mạng về tiếp quản Thủ đô đã có một nhạc sĩ mang tên Hồng Đăng.
Từ đó trong chân trời chung của cả một nền âm nhạc ông tìm đến chân trời riêng của mình. Không mạnh mẽ, hùng hồn, nhạc Hồng Đăng man mác, lắng đọng. Ông như lênh đênh trong cuộc đời mình, trong âm nhạc của mình. Mùi hương hoa sữa, con sóng biển khơi, tiếng ve ngày hè… đã cho ông ký âm những suy tư và cảm xúc của một con người, của một nhạc sĩ. Hình bóng hay hình tiếng, nhạc Hồng Đăng cứ phảng phất như cách ông sống. Sinh thời ông đi nhiều, lang thang khắp chốn, rong chơi ngày tháng, phải chăng đấy là cách ông muốn nới rộng không gian sống, tìm tới những chân trời mới. Nhạc ông có nhiều dư ba của sóng biển, sóng cảm xúc, bởi có ở đâu hơn ở biển đường chân trời mãi gọi người đi.
Ngay cả khi phải đảm đương trọng trách Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam ba khoá liền thì Hồng Đăng cũng không để mình quá bị sa vào các việc sự vụ, hành chính. Ông muốn từ vị trí của mình thúc đẩy mở rộng chân trời sáng tạo cho những người làm âm nhạc Việt Nam, dù có vấp phải những trở ngại, khó khăn. Chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” là thế. Những phát biểu tâm huyết, thẳng thắn tại các cuộc gặp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tại các đại hội, hội nghị là thế. Những bài viết về các đồng nghiệp trong nghề, cao niên hay người trẻ, là thế. Tại một cuộc gặp của Tổng Bí thư với trí thức, văn nghệ sĩ ông đã phát biểu như kêu lên: “Chúng tôi đã thắng như thế nào và thua như thế nào”. “Chúng tôi” đây là những người làm âm nhạc, nhất là các nhạc sĩ – người viết ra các tác phẩm âm nhạc. Thắng đây là nền âm nhạc Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, có đóng góp cho cuộc sống và xã hội; thua đây những khó khăn, cản trở cho công việc của những người làm nhạc trong thời buổi kinh tế thị trường, giữa khi hỗn loạn các giá trị.
Trong các bài viết về đồng nghiệp, Hồng Đăng dành đến 4 bài cho Trịnh Công Sơn đầy yêu thương, thấu hiểu. Một sự thấu hiểu nảy sinh từ sự liên tài liên tình giữa hai nhạc sĩ đồng điệu tâm hồn. Đã đành. Nhưng ở vị thế của Hồng Đăng đó còn là một thái độ trân trọng và đề cao Trịnh Công Sơn rất cần thiết cho người đã từng mong ước “nối vòng tay lớn” từ rất sớm. Trịnh “gọi nắng trên vai em gầy” đến Hồng Đăng mở ra “chân trời gọi nắng”.
Phần một của cuốn sách làm sống lại và sống dậy một nhạc sĩ Hồng Đăng như ông đã là vậy trong âm nhạc qua những ca khúc ông sáng tác và những bài viết của ông về lĩnh vực và nghề nghiệp của mình. Đọc những câu chữ ông viết tưởng như còn nghe ông chuyện trò, tâm sự. Phần này cùng bài ông viết về gia đình dòng tộc và gia đình riêng của mình cho người biết hay cả chưa biết ông một hình dung con người Hồng Đăng trong đời và trong nghề.
Bức chân dung đó được bổ sung sống động và chân thật bằng những bài viết ở phần hai của các đồng nghiệp, bạn bè, nhà báo về ông trong suốt sự nghiệp và khi ông nằm xuống. Nhớ về ông, viết về ông mọi người ghi lại những tình cảm đậm đà về một Hồng Đăng thích tặng quà bằng những vật nhỏ, nhất là cái bút bi và chiếc bật lửa. Đấy là cách rất riêng và rất khéo ông muốn truyền chữ và giữ lửa cho người.
Và nói tới Hồng Đăng thì phải nói tới tài xem tử vi đã nổi tiếng khắp nơi của ông. Xem tử vi đoán vận mệnh con người, đó là một vấn đề văn hoá, một bộ môn khoa học – ông khẳng định tại một kỳ họp của Uỷ ban Quốc gia về Thập kỷ Quốc tế phát triển văn hoá: “Khoa học này mang tính “điều khiển học” cực kỳ giá trị, là kho tàng có một tầm vĩ đại thiết thân đối với loài người. Lớn đến mức mà qua bao nhiêu sóng gió, đàn áp, vùi dập vẫn cứ ngấm ngầm phát triển.” Ông chỉ tiếc là nó bị bụi bẩn quá nhiều, khi tỷ lệ bịp bợm ở đây là quá lớn. Nhưng với bản thân mình, ông tin tưởng vào năng lực trời cho của mình trong lĩnh vực này để có thể tuỳ hoàn cảnh cơ duyên mà đoán giúp và giải giúp những bất hạnh có thể của những người thân quen. Đọc những mẩu chuyện kể về tài tử vi của Hồng Đăng do vợ ông ghi lại trong sách này chắc lắm người sẽ kinh ngạc, sợ hãi, và thán phục. Có thể nói đó lại là một chân trời khác của Hồng Đăng mà nếu ông chuyên tâm nghiên cứu kết hợp với thực tế đoán giải của mình thì biết đâu ta lại chẳng có một công trình hay nữa, bên cạnh những giáo trình có giá trị ông đã viết về biểu diễn âm nhạc.
Một năm nhạc sĩ Hồng Đăng đã đi xa. Nhưng lời ca tiếng nhạc ở những bài hát phổ biến quen thuộc của ông thì vẫn mãi ngân nga trên các phương tiện thông tin và trong lòng người. Ông đã hoà vào muôn con sóng của biển xanh, của biển đời, tiếp tục vỗ mãi đến những chân trời gọi nắng. “Những người chết là vô hình nhưng không vắng mặt”, ông cũng như những người đã dâng cho đời những giá trị sống tích cực luôn vẫn hiện diện giữa mọi người. Cuốn sách này rồi sẽ còn có dịp bổ sung để làm đầy đủ hơn chân dung con người – nhạc sĩ Hồng Đăng.
Ngày 21/3/2023, cuốn sách “Nhạc sĩ Hồng Đăng chân trời gọi nắng” sẽ được ra mắt tại Hà Nội đúng một năm ngày mất của ông.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Tác giả: Phạm Xuân Nguyên (Nguồn: https://danviet.vn/)