Bác Hồ không chỉ căn dặn cán bộ, đảng viên, nhân dân ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xa hoa, mà chính Bác còn là tấm gương sáng về lối sống giản dị, tiết kiệm.
Khi ở chiến khu Việt Bắc, Bác ở nhà sàn bằng tre, nứa, lá, Bác mặc quần áo nhuộm màu chàm như người dân tộc thiểu số miền núi. Bác cùng ăn “cháo bẹ, rau măng” như các đồng chí cán bộ khác. Các đồng chí phục vụ thương Bác tuổi cao, sức yếu đề nghị nấu cơm không độn ngô cho Bác ăn, nhưng Người không đồng ý. Thức ăn chỉ toàn rau rừng, măng nứa, có hôm đồng chí nhà bếp xào thêm cho Bác đĩa rau bí, một đĩa nhỏ cá kho, thấy vậy Bác bảo: “Hôm nay, các chú làm cơm cho Bác nhiều quá, Bác ăn thừa đổ đi, cũng không ai biết, nhưng Bác không nỡ. Đồng bào mình còn đang thiếu thốn”. Áo, gối bị rách, Bác bảo vá lại vì Bác thương nhiều cụ già chưa có áo ấm mà mặc, nhiều cháu nhỏ còn phải cởi trần.
Năm 1954, khi về Thủ đô Hà Nội, Bác vẫn thường mặc bộ quần áo bà ba màu nâu non, hoặc bộ quần áo kaki bạc màu, chân đi dép cao su, đầu đội mũ cát trắng. Đi công tác, Người thường đem theo cơm nắm, muối vừng, cà pháo muối và một ít thịt kho vì thương dân còn nghèo. Bác không muốn làm phiền nhân dân và cán bộ địa phương nơi mình đến. Bác ở trong một ngôi nhà sàn nhỏ bé, giữa một vườn cây, phòng ngủ giản dị, trên giường vẫn có chiếc quạt lá cọ, tự tay soạn thảo tài liệu công văn trên chiếc máy chữ cũ. Bác chỉ dùng chiếc quạt điện nhỏ. Người luôn luôn nhắc nhở phải tiết kiệm điện cho sản xuất và quốc phòng. Suốt thời gian làm Chủ tịch nước, Bác đi công tác chỉ bằng chiếc ô tô cũ. Bác luôn luôn căn dặn các cán bộ, đảng viên: “Phải biết tiết kiệm những đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong cơ quan. Rút bớt hết những việc gì không cần thiết, chớ hao phí giấy má, tiền bạc và các thứ của công. Hao phí những thứ đó tức là hao phí mồ hôi, nước mắt của dân nghèo. Chớ tưởng tiết kiệm những thứ cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người tiết kiệm như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ bớt được một số tiền đáng kể lấy ở mồ hôi, nước mắt dân nghèo mà ra” (Báo cứu quốc số 146 ngày 19/01/1946). Thật cảm động, Bác luôn luôn nhắc đến việc tiết kiệm là vì dân nghèo. Bác Hồ không chỉ nhắc nhở nhân dân ta tiết kiệm vật chất, mà Bác cũng nhiều lần nhắc nhở chúng ta phải tiết kiệm thời giờ: “Một phút của hàng triệu người cộng lại thành rất nhiều ngày và làm được nhiều công việc… Chúng ta thường than phiền không đủ thời giờ để làm việc và học tập. Đó là vì chưa biết quý trọng thời giờ, sắp đặt thời giờ cho hợp lý, còn lãng phí nhiều thời giờ. Muốn tiết kiệm thời giờ thì mọi công việc đều phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ” (Một phút đồng hồ, Báo Nhân dân số 153 ngày 11/12/1953). Thực chất Bác không phải là người quá khắc khổ, quá tiết kiệm. Bác tiết kiệm là vì nước, vì dân ta còn nghèo khổ. Người từng nói: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 629, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002). Ngược lại với tiết kiệm là hoang phí, xa xỉ: “Vì vậy xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đồng bào, một hạt gạo, một đồng tiền tức là mồ hôi, nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác” (Báo Sự thật ngày 02/9/1947). Theo Bác Hồ thì tiết kiệm không chỉ có nghĩa là không hoang phí, không xa xỉ mà cao hơn nữa: “Tiết kiệm là: Một giờ làm xong công việc của hai, ba giờ. Một người làm việc bằng hai, ba người. Một đồng dùng bằng giá trị hai, ba đồng. Cho nên muốn tiết kiệm có kết quả tốt thì phải khéo tổ chức, không biết tổ chức là không biết tiết kiệm” (Bài “Cần, kiệm, liêm, chính” – Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 Nxb CTQG Hà Nội 2002). Bác Hồ luôn luôn quan tâm đến nhiệm vụ giáo dục, ý thức cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ, đảng viên và nhân dân: “Có tiết kiệm không hoang phí, xa xỉ thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí, xa xỉ thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối, thậm chí làm chợ đen, chợ đỏ, thụt két, buôn lậu. Có cần mới có kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính” (Báo Sự thật ngày 02/9/1947). Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi, nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn từ hoang phí, xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, tham nhũng, nhũng nhiễu, đánh mất tư cách đạo đức của người cán bộ, đảng viên.
Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ – Thư ký của Bác Hồ – lương của Bác cao nhất nước, nhưng hàng tháng cũng chỉ đủ chi tiêu. Mọi chi phí cho sinh hoạt của Bác, từ cái chổi lông gà đều ghi vào lương. Lương của Bác, Bác không giấu diếm, Bác đã nói điều này với một nhà báo người Mĩ là Delinger “Khi trở về Mĩ, ông có thể kể rằng tôi đi ở, làm công cho người ta ở Brooklyn với lương tháng 40 đô la, còn bây giờ làm Chủ tịch nước Việt Nam tôi được hưởng 44 đô la…”. Bác vẫn có tiền tiết kiệm, nhưng Bác không để chi tiêu cho riêng mình. Tiền tiết kiệm của Bác là do các báo trả nhuận bút cho Bác. Bác viết báo nhiều, có năm hàng trăm bài. Các báo gửi đến bao nhiêu, Bác đều bảo văn phòng gửi vào sổ tiết kiệm cho Bác. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác đã có tiền tiết kiệm. Đến dịp Tết Nguyên đán, Bác đem chia cho cán bộ các cơ quan chung quanh để mua lợn về đón xuân. Mùa hè năm 1967, trời Hà Nội rất nóng, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:
– Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc Hội trường Ba Đình thì chịu sao được. Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào về cho Bác biết.
Đồng chí Vũ Kỳ lên thăm bộ đội thì thấy trên ấy có một tổ súng máy 14 ly 5, ụ cát sơ sài, nếu địch bắn vào thì anh em sẽ bị thương vong, nên rất nguy hiểm. Đồng chí Kỳ hỏi bộ đội:
– Các đồng chí có nước ngọt uống không?
– Nước chè thường còn chưa có thì lấy đâu ra nước ngọt ạ!
Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng:
– Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc Hội trường Ba Đình rất sơ sài. Chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ trong chiến đấu.
Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác xem còn bao nhiêu tiền. Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ tiết kiệm rồi báo cáo:
– Thưa Bác, sổ tiết kiệm của Bác còn lại tất cả hơn 25 nghìn đồng (lúc đó là một số tiền lớn tương đương với khoảng 60 lạng vàng).
Bác bảo:
– Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng Tham mưu và nói đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ phòng không, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền không đủ thì yêu cầu các địa phương góp sức vào cùng lo.
Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: Số tiền của Bác đủ mua nước uống cho bộ đội Phòng không được một tuần lễ.
Khi nói về Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Chúng ta hãy tìm hiểu một điểm thôi, ví dụ đức tiết kiệm của Bác. Bác rất tiết kiệm vì nước ta còn nghèo. Nhưng tôi nghĩ, hai mươi năm sau, khi nước ta đã giàu lên rồi và Bác còn ở với chúng ta, tôi dám chắc rằng, Bác vẫn tiết kiệm như bây giờ. Theo tôi hiểu, Bác tiết kiệm vì Bác không nỡ phụ người, không đành phụ của. Bác tiết kiệm không phải chỉ vì lý do kinh tế, mà chính bởi tại lòng nhân”.
Bác Hồ đã đem đến cho chúng ta những tư tưởng lớn, một cuộc sống hạnh phúc, ấm no, một đất nước độc lập, tự do. Phong cách sống cao đẹp của Người đã cho chúng ta những bài học lớn: giản dị, tiết kiệm vì nước, vì dân, quên mình vì mọi người. Đó chính là đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh.
VŨ THỊ THANH MINH