Chương 56 cộng
PHẦN TIẾP THEO CHUYẾN ĐI NGA: Hành trình trở về – Riga – Berlin – Buổi biểu diễn Faust – Tiệc tối ở Sans-Souci – Vua nước Phổ
Mùa Chay đã kết thúc, không còn gì giữ tôi ở lại Saint-Pétersbourg. Dẫu vô cùng luyến tiếc, tôi vẫn quyết định rời thủ đô hoa lệ, nơi đã dành cho tôi lòng hiếu khách thật quý báu. Khi ngang qua thành phố Riga, tôi chợt nảy ra ý tưởng kỳ cục là tổ chức một buổi hòa nhạc ở đây. Doanh thu chỉ vừa đủ trang trải chi phí nhưng buổi hòa nhạc đã giúp tôi làm quen với một số nghệ sĩ và người yêu nhạc có tiếng, trong số đó có kapellmeister[1]Schrameck, ông Martinson và giám đốc bưu cục địa phương. Ông giám đốc bưu cục này không hào hứng với kế hoạch tổ chức hòa nhạc của tôi. “Thành phố nhỏ của chúng tôi không phải là Saint-Pétersbourg, – ông phân trần – chúng tôi đều là dân buôn. Giờ mọi người đang bận bán lúa mì. Anh sẽ chỉ có nhiều nhất là một trăm khán giả, toàn là phụ nữ; anh sẽ thấy không có lấy một người đàn ông nào trong số đó đâu”. Ông ấy đã nhầm: có một trăm ba mươi hai phụ nữ và bảy người đàn ông. Tôi tin là mình còn lãi hẳn ba rúp (12 franc)[2]. Ông giám đốc bưu cục cũng một mực cho rằng tôi không ra dáng nhà phê bình: “Anh không hề có vẻ hiểm ác, – ông nói – và theo những bài báo của anh mà tôi thường đọc, tôi đã chắc mẩm mình sẽ thấy một kiểu người khác hẳn. Ôi Chúa ơi, vì anh viết bằng dao găm chứ đâu phải bằng ngòi bút”. Dẫu sao đi nữa mũi dao găm của tôi không tẩm thuốc độc và những Precious villain[3], mà người ta cứ ngớ ngẩn cho là tôi đã cắt cổ, đều đang khỏe như vâm. Ở Riga tôi đã gặp may ngoài mong đợi. Diễn viên ưu tú người Đức Baumeister tình cờ có mặt ở đó trong một chuyến lưu diễn và tôi được xem anh thủ vai… Hamlet[4].
Năm tuần trước ở Moskva tôi nhận được một lá thư từ ngài Bá tước Rœdern thông báo rằng vua nước Phổ muốn nghe huyền thoại Faust và thúc giục tôi dừng chân ở Berlin trên đường về nhà để biểu diễn tác phẩm. Hoàng thượng đã giao Nhà hát Opéra cùng toàn bộ nguồn nhân lực ở đó cho tôi tùy ý sử dụng kèm lời hứa về một nửa lãi ròng. Tôi không thể không ấn tượng trước sự ưu ái này từ Hoàng gia, vì vậy tôi đã lưu lại và dành khoảng mười ngày ở Berlin để tổ chức buổi biểu diễn. Dàn nhạc và hợp xướng thuộc hạng nhất nhưng một số khía cạnh khác lại cực kỳ xoàng xĩnh. Giọng ténor đảm nhận vai Faust và giọng soprano vai Marguerite đã gây cho tôi rất nhiều thiệt hại[5]. Bản ballade Vua xứ Thulé[6] bị huýt sáo (kể từ đó khúc ca này chẳng còn được hoan nghênh ở bất cứ nơi nào nữa). Tôi không rõ những biểu hiện chê bai này nhằm vào nhà soạn nhạc hay vào ca sĩ hoặc là cả hai. Có vẻ như giả thiết cuối cùng là nhiều khả năng nhất. Tôi được kể lại rằng khu sàn gỗ đầy những kẻ bất mãn, phẫn nộ vì một người Pháp đã xấc xược phổ nhạc một kiệt tác dân tộc Đức theo cách méo mó. Cũng có cả những kẻ ủng hộ Hoàng thân Ratziville, người đã tự mình phổ nhạc cho các khúc hát từ Faust với sự trợ giúp của một số nhà soạn nhạc chính hiệu.
Cả đời tôi chưa từng thấy bất cứ thứ gì dữ tợn đến nực cười như sự cố chấp của một số kẻ cuồng tín theo chủ nghĩa dân tộc Đức đã hoàn toàn bị kích động. Lần này cũng vậy, tôi bị một bộ phận dàn nhạc Nhà hát Opéra chống đối khi đánh mất thiện chí họ dành cho tôi do các lá thư tôi viết về Berlin[7] mà Gathy dịch và xuất bản ở Hamburg vài năm trước[8]. Thế nhưng các lá thư đó đâu có công kích gì những nhạc công Berlin như độc giả cuốn hồi ký này có thể tự nhận thấy. Trái lại, tôi đã hết lời ca ngợi họ và chỉ phê bình vài tiểu tiết trong dàn nhạc một cách hết sức dè dặt mà thôi. Tôi gọi đây là dàn nhạc cừ khôi và tuyên bố nó xuất sắc về độ chính xác, độ hòa quện, sức mạnh và sự tinh tế. Nhưng – và tội lỗi của tôi là ở đó – tôi đã so sánh một số nhạc công bè trưởng của dàn nhạc này với các nhạc công bè trưởng ở Paris, và quả thực đã tuyên bố (nghĩ lại mà rùng mình!) rằng không nơi đâu người ta chơi flûte giỏi như ở Paris. Những lời ngây thơ này đã gieo vào lòng nghệ sĩ flûte thứ nhất ở Berlin một trời oán hận; đến mức tôi có thể nhận ra anh ta đã thuyết phục được nhiều đồng nghiệp tin rằng tôi “phỉ báng dàn nhạc”. Bằng chứng mới về những rủi ro mà bạn gặp phải khi viết phê bình nhạc công và về việc không nên tin tưởng vào lòng tự trọng của họ khi ta chẳng may đã làm tổn thương họ ở mức độ nhẹ nhất. Khi bạn phê bình một ca sĩ, bạn không khiến các đồng nghiệp của anh ta chống lại bạn. Quả thật, họ thường cảm thấy rằng bạn chưa đủ gay gắt. Nhưng nghệ sĩ trình tấu nhạc cụ xuất chúng thuộc một tổ chức âm nhạc nổi tiếng luôn cho rằng khi phê bình anh ta là bạn đang “xúc phạm” cả cái tổ chức đó, và mặc dù luận cứ có vô lý đi chăng nữa thì đôi khi anh ta vẫn thành công trong việc khiến cho các nhạc công khác tin vào điều đó. Một dạo trong các buổi tập vở opéra Benvenuto Cellini, tôi có dịp chỉ ra cho nghệ sĩ kèn cor 2 một lỗi trong một đoạn quan trọng. Tôi đã làm như vậy theo cách nhẹ nhàng và lịch sự nhất; nhưng nhạc công Meifred, dù là một người thông minh, đã nổi cơn thịnh nộ và khi hoàn toàn mất trí anh ta hét lên: ”Tôi đang chơi đúng như bản ký âm. Tại sao ông lại nghi ngờ dàn nhạc như thế?” Tôi trả lời, thậm chí còn nhẹ nhàng hơn: “Ông Meyfed thân mến, trước tiên việc này không liên quan gì đến dàn nhạc mà chỉ liên quan đến ông, và thứ hai là tôi không nghi ngờ gì cả, vì nghi ngờ là ngụ ý hoài nghi, còn tôi hoàn toàn chắc chắn rằng ông đã mắc lỗi”. Trở lại với dàn nhạc Berlin, tôi không mất nhiều thời gian để nhận thấy sự thiếu thân mật nhất định trong thái độ của họ đối với tôi suốt các buổi diễn tập Faust. Sự chào đón lạnh lùng mỗi ngày khi tôi bước vào, sự im lặng thù địch theo sau những tiết mục hay nhất trong tổng phổ và ánh mắt giận dữ, nhất là từ các nhạc công flûte chỉ làm mọi chuyện thêm rõ ràng và điều đó được các nhạc công vẫn thân thiện với tôi xác nhận. Bị sự thù địch của đồng đội đe dọa quá nhiều, họ chẳng dám hoan nghênh tôi, và một trong số họ đã lén thì thầm vào tai tôi bằng tiếng Pháp lúc đi qua gần tôi trên sân khấu vào cuối buổi diễn tập: ”Thưa ngài, âm nhạc… thật tuyệt zời!”[9]. Do đó tôi ngờ rằng có thể có mối quan hệ qua lại giữa một số những người đã huýt sáo bản ballade và các nhạc công flûte vô song, không-thể-bị-phê-bình của dàn nhạc Berlin. Tuy nhiên có lẽ tôi phải nhắc lại rằng dàn nhạc cũng như dàn hợp xướng đã biểu diễn hoàn hảo và không chê vào đâu được[10].
Bœtticher hát Méphistophélès như một nghệ sĩ thực thụ đáng ngưỡng mộ; khán giả kêu đòi “da capo”[11] sau cảnh Nữ thần gió, nhưng tôi đang trong tâm trạng tồi tệ và không hề muốn chơi lại khúc nhạc này[12]. Thái tử phi nước Phổ, người hai lần đến Nhà hát Opéra vào lúc tám giờ sáng và ngồi trong khán phòng tối tăm lạnh lẽo để tham dự buổi diễn tập của tôi, nói với tôi những lời nhã nhặn. Đức vua[13] thông qua Meyerbeer đã gửi cho tôi Huân chương Đại bàng đỏ và mời tôi dự tiệc tối trong lâu đài Sans-Souci của ngài hai ngày sau đó. Và nhà phê bình đại tài Rellstab[14], kẻ thù truyền kiếp của Spontini và Meyerbeer, sau khi trực tiếp bày tỏ với tôi tình bạn và lòng quý trọng, đã chỉ trích tôi một cách tàn tệ trên tờ Vossische Zeitung. Nhìn chung, tôi cảm thấy mình đã thành công. Tiệc tối tại lâu đài Sans-Souci rất thú vị. Ngài Humboldt, Bá tước Mathew Wielhorsky và Thái tử phi nằm trong số các khách mời. Sau món tráng miệng, thực khách thưởng thức cà phê trong vườn. Đức vua tản bộ với tách cà phê trong tay. Khi trông thấy tôi đang đứng trên bậc thềm một sảnh đường, ngài gọi từ xa:
– Này, Berlioz! Đến đây cho ta biết tin tức của em gái ta và kể ta nghe về chuyến đi Nga của anh đi.
Tôi hấp tấp chạy tới và chẳng còn nhớ đã tuôn ra với vị chủ nhân uy nghi của bữa tiệc những lời điên rồ gì nữa nhưng vẫn khiến ngài rất vui vẻ.
– Kể ta nghe – ngài gặng hỏi – anh có học tiếng Nga không?
– Hẳn rồi, thưa bệ hạ. Thần có thể nói “na prava, na leva”[15] (bên phải, bên trái) khi chỉ đạo người lái xe trượt tuyết và có thể nói “dourack”[16] khi anh ta rẽ nhầm.
– Và “dourack” có nghĩa là gì?
– “Đồ ngốc”, muôn tâu bệ hạ.
– Ha! Ha! Ha! “Đồ ngốc, muôn tâu bệ hạ!” Hay đó. “Đồ ngốc, muôn tâu bệ hạ”!
Đức vua cười như nắc nẻ và rung tay vô thức mạnh đến nỗi ngài làm đổ xuống lớp sỏi gần hết cà phê trong tách của mình. Cảnh tượng vui nhộn mà tôi tham gia một cách không khách khí này đã lập tức biến tôi thành một nhân vật quan trọng. Từ sảnh đường một nhóm các triều thần, sĩ quan, quý tộc và thị thần chứng kiến tất cả và mong được gặp người đã làm cho đức vua cười khoái chí và chính anh ta đã cười cùng ngài với vẻ rất thân tình. Một lát sau khi trở lại sảnh đường, tôi thấy vây quanh mình là những đại quý tộc hoàn toàn lạ hoắc, những người vừa cúi chào vừa tự giới thiệu:
– Thưa ngài, tôi là Hoàng thân Von *** , tôi rất vui được làm quen với ngài.
– Thưa ngài, tôi là Bá tước Von *** , cho phép tôi chúc mừng thành công rực rỡ mà ngài đạt được.
– Thưa ngài, tôi là Nam tước Von ***, tôi đã có vinh dự được gặp ngài sáu năm trước ở Brunswick, và tôi rất vui mừng, vân vân và vân vân…
Lúc đầu tôi không thể hiểu được điều gì đã khiến tôi có được vị thế bất ngờ này ở triều đình Phổ. Sau đó, tôi nhớ lại cảnh trong màn đầu vở Những người thanh giáo, khi Raoul nhận được thư của Hoàng hậu, thấy mình là trung tâm của đám đông những kẻ nịnh hót ở mọi cấp độ: “Vous savez si je suis un ami sûr et tendre”[17]. Họ tâng bốc tôi vì những ân sủng đầy quyền uy từ Đức vua. Nhiều người ở triều đình mới nực cười làm sao!
Dù chẳng phải là người có thế lực hay là sủng thần, tôi vẫn biết ơn sâu sắc trước thiện chí mà vua nước Phổ thường thể hiện với mình; và ngày hôm đó, trong những lúc trò chuyện nghiêm túc, tôi không hề nịnh hót khi bộc bạch cùng hoàng thượng:
– Bệ hạ là vua của các nghệ sĩ.
– Nghĩa là sao? Ta đã làm gì đặc biệt cho họ ư?
– Muôn tâu bệ hạ, chỉ riêng với các nhạc sĩ bệ hạ đã làm rất nhiều điều. Bệ hạ đã ban vinh dự và phát phần thưởng hoàng gia cho Spontini và Meyerbeer; bệ hạ đã cho trình diễn các tác phẩm của họ một cách tuyệt diệu. Bệ hạ đã cho phục dựng các kiệt tác của Gluck theo phong cách hoành tráng nhất; không nơi nào ngoài Berlin khán giả có thể thưởng thức chúng theo kiểu đó. Bệ hạ đã cho phục dựng vở kịch Antigone của Sophocles và để phục sinh thế giới cổ đại bệ hạ đã đặt Mendelssohn viết một số bản hợp xướng cho dịp này. Bệ hạ đã giao cho cũng nhà soạn nhạc ấy viết nhạc cho vở kịch kỳ ảo Giấc mộng đêm hè của Shakespeare. Vân vân và vân vân. Hơn thế nữa, sự quan tâm trực tiếp mà bệ hạ dành cho tất cả các dự án nghệ thuật cao quý này đã trở thành tác nhân kích thích đối với các nghệ sĩ, là niềm khích lệ không ngừng nghỉ cho sáng tạo nghệ thuật trong tác phẩm của họ; và sự hỗ trợ mà bệ hạ dành cho họ càng giá trị hơn bởi đó là sự hỗ trợ duy nhất thuộc phẩm cấp hoàng gia mà họ có được ở châu Âu”.
– Chà, có lẽ những gì anh nói là đúng. Chỉ là không nên nhắc nhiều đến chuyện đó.
Điều đó chắc chắn đúng. Hôm nay mọi thứ đã khác hẳn. Vua nước Phổ không còn là nhà cầm quyền duy nhất của châu Âu quan tâm đến âm nhạc. Có hai vị khác nữa: đức vua trẻ của Hanover và Đại công tước xứ Weimar. Tất cả là ba vị.
Phần dịch của Nguyễn Tuấn Anh
[1] Từ gốc tiếng Đức chỉ một bậc thầy đảm nhận trọng trách âm nhạc trong một nhà thờ, dàn nhạc, dàn hợp xướng.
[2] Ngày 29/05/1847 (DC).
[3] Tiếng Anh nghĩa là “kẻ hiểm ác quý giá”, cách diễn dạt của nhân vật Othenlo khi nói về Iago (HB).
[4] Cf.CG, III, 432-3: kapellmeister Schrameck đã tập hợp cho tôi một dàn nhạc nhỏ khoảng năm mươi người từ các nghệ sĩ và tài tử địa phương cùng một vài nhạc công từ Mitau. Họ hoàn toàn không tệ và thực sự đã chơi chương cuối của Harold, một trong những tác phẩm khó nhất từng tồn tại, với nhiệt huyết đáng tuyên dương […] Như dự đoán, không có đàn harpe: Schrameck thay bằng một cây đàn piano. Chúng tôi biểu diễn trọn vẹn Harold (với một bè viola độc tấu xuất sắc), ouverture Ngày hội La Mã, hai bài hát với phần đệm dàn nhạc được cô Bamberg từ Nhà hát Opéra hát khá tốt, Hợp xướng của Nữ thần gió (không có dàn hợp xướng!) và Hành khúc Hungary. Khán giả nhiệt tình nhưng thưa thớt; trên sông Riga vào lúc đó có tới 1100 con tàu nhưng mọi người đều bận rộn mua bán ngũ cốc từ tám giờ sáng đến tận mười một giờ đêm. Do đó, buổi hòa nhạc hầu như chỉ có phụ nữ tham dự. Tôi cũng chẳng hối tiếc vì mệt mỏi hay tốn thời gian. Tôi cho rằng mình đã thiết lập được tình bạn vững chắc với dàn nhạc mới này. Hơn thế nữa, tôi đã có may mắn bất ngờ khi được xem Hamlet. […] Như mọi khi, tôi bị choáng ngợp bởi thành tựu phi thường này của thiên tài vĩ đại nhất của nhân loại.
[5] Ngày 19/06/1847. Krause hát vai Faust và Brexendorf đảm nhận vai Marguerite. Berlioz đã chờ ở Berlin một tháng ròng để hội ngộ với Marie, người không cùng tới Nga (DC).
[6] Tên gốc tiếng Đức là “Der König in Thule”. Ballade này lần đầu được xuất bản như một phần của Faust do nhân vật Gretchen hát.
[7] Một thời gian ngắn sau khi trở về Paris từ chuyến thăm Đức lần thứ hai, Berlioz đã viết thư cho Leopold Ganz, gửi một bản sao các lá thư viết về Đức của mình để cố thanh minh: ”Anh có thể xem và cho các đồng nghiệp trong dàn nhạc xem […] những ngữ nào tôi đề cập đến họ và liệu một vài điểm phê bình chi tiết trong đó có thuộc kiểu được tính toán để xúc phạm hay nói xấu không” (CG, III, 440) (DC).
[8] Trên tờ Blätter für Musik und Literatur suốt mùa thu năm 1843. Gathy là một nhà văn người Bỉ có kiến thức âm nhạc và viết lưu loát tiếng Đức (DC).
[9] Nguyên văn: “Monsieur! la mousik… elle est souperbe!..”.
[10] Cf. Berlioz gửi Morel: “Một bộ phận dàn nhạc tỏ ra thù địch với tôi vì đôi lời phê bình mà họ cho là tôi nhằm vào họ trong các lá thư về chuyến lưu diễn đầu ở Đức. Một vài người trong số họ gặp rắc rối vì điều đó, và tất cả đều bị giám đốc chỉ trích nặng nề, người mà trong dịp này ít nhất đã làm đúng chức trách của mình. Nhưng tất cả những chuyện này không hề được thể hiện ra trong buổi trình diễn; ngược lại, dàn nhạc thật tuyệt vời. Đừng nói bất cứ lời nào về việc này nữa”. (CG, III, 435) (DC).
[11] Từ tiếng Ý mang hàm ý “chơi lại từ đầu” bản nhạc.
[12] Nhưng xem bức thư gửi Morel ở trên: “Như thường lệ khúc nhạc [Hợp xướng của Nữ thần gió] được yêu cầu chơi lại; nhưng tôi không đáp lại tiếng hét “da capo” – quy ước ở đây thay cho tiếng “bis” thông thường (mà người ta có thể nghe thấy trong suốt tràng pháo tay hoan hô) – vì vậy tôi đã không cho chơi lại. Tôi được kể lại rằng việc này khiến người Berlin khó chịu. (CG, III, 435) (DC).
[13] Frederick William đệ tứ (DC).
[14] Heinrich Friedrich Ludwig Rellstab (1799-1860): thi sĩ và nhà phê bình âm nhạc người Đức. Ông là tác giả phần thơ của bảy bài đầu tiên trong tập ca khúc Schwanengesang (Bài ca thiên nga), D 957 của Schubert. Biệt danh “Ánh trăng” của bản Sonata piano No. 14 của Beethoven xuất phát từ việc Rellstab, trong một bài phê bình, đã so sánh những giai điệu mượt mà trong chương đầu tác phẩm với một con thuyền bồng bềnh trôi dưới ánh trăng trên hồ Lucerne.
[15] Phiên âm Latin của “Направо, налево”.
[16] Phiên âm Latin của “Дурак”.
[17] Lời một thị thần nói với Raoul nhằm lấy lòng anh trong Màn II cảnh 7 vở Những người thanh giáo. Tiếng Pháp nghĩa là: “Ngài biết tôi có phải là người bạn thân thiết đáng tin cậy hay không mà”.
Tác giả: Hertor Berlioz