Thủy là nước, mặc là mực. Tranh thủy mặc được coi là biểu tượng của nghệ thuật hội họa Trung Hoa, kết hợp “thơ, thư, họa, ấn” được vẽ bằng mực nước (mực tàu trên giấy), thường là giấy xuyến chỉ hoặc lụa. Tranh thủy mặc gắn liền với nghệ thuật thư pháp và nhiều khi kèm theo thơ chữ Hán. Chất lượng của giấy, bút, mực, nghiên đóng vai trò khá quan trọng trong việc tạo nên tác phẩm. Dĩ nhiên yếu tố quyết định vẫn là bản thể người họa sỹ. Họa sỹ vẽ tranh thủy mặc đòi hỏi nhiều công phu, đi nét nào chắc nét ấy, thuần thục việc điểm mực nhiều hay ít, tạo hình, khối với những đường nét đậm nhạt…
Nhà của La Hán Vinh ở trong một căn hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Cửu Vân, phường 17, Quận Bình Thạnh (TPHCM). Buổi sáng, Vinh đang dạy học, học trò là một cô gái mảnh mai, mắt sáng. Sau khi thị phạm xong, Vinh pha ấm trà đặc và trò chuyện thân tình, cởi mở với chất giọng nhẹ và ấm.
ـ Vì sao Vinh chọn dòng tranh thủy mặc, nó có điểm đặc sắc nào quyến rũ bạn?
Dòng tranh thủy mặc có nhiều cái hay. Vẽ vừa công bút và ý bút. Ý là vẽ theo cảm xúc. Công là bút vẽ theo nét. Cái nào cũng quan trọng, nếu áp dụng hai cái thì nó hay hơn. Nó đòi hỏi công phu cao trong việc vận hành bút lông. Kết hợp thêm tây họa làm cho tranh vừa thật vừa ảo, không thiên về mảng tả thực, không thiên về trừu tượng mà dựa vào sự vận hành của đầu bút lông, tạo ra nhiều nét bút độc đáo, đòi hỏi phải tập luyện nhiều năm mới đạt được trình độ làm chủ cây bút lông.
ـ Có họa sỹ nào có công bút mà không có ý bút và ngược lại không? Làm sao để có đủ công và ý?
Có họa sỹ được cái này mất cái kia. Để có công lẫn ý phải rèn luyện trong thời gian dài, coi thêm sách, hình dung ra cái hình vẽ. Nhiều khi chưa có cảm xúc thì vẽ ra bị cứng còn nếu khi đặt bút xuống đã sẵn có cảm xúc là nét cứ tự nhiên tuôn chảy.
ـ Mảng đề tài nào Vinh dành nhiều tâm huyết cho nó? Và đề tài nào hợp chất thủy mặc nhất?
Đúng chất thủy mặc là phong cảnh và cảnh ngoài thực tế. Vinh thích vẽ cảnh sinh hoạt ở đời sống làng chài, nhà dân tộc thiểu số. Nói chung Vinh vẽ cả dòng tranh truyền thống và hiện đại.
ـ Vẽ tranh có giúp con người rèn giũa tâm tính không, tỷ như yêu cái đẹp hơn, trầm tĩnh hơn?
Chợt cô học trò bật cười. Và Vinh cũng khẽ cười rồi bảo:
Chắc cũng có. Nhiều khi trong người thấy bực mình chuyện đâu đâu, ngồi xuống vẽ lát hồi tập trung là trầm tính lại. Mà nếu đầu óc lộn xộn, tâm chạy lăng xăng thì không sao vẽ được.
ـ Với Vinh, vẽ là có ý trước hay ý ngẫu hứng nảy sinh trong quá trình vẽ?
Phải có ý trong đầu, cảm nhận dựng hình ra sao rồi mới đặt bút xuống. Và họa sỹ phải có óc quan sát tốt, bên cạnh trí tưởng tượng phong phú. Như mình phải quan sát xem con gà có mấy móng, mắt gà trông làm sao. Mình không cảm nhận đúng, vẽ sẽ sai.
ـ Vinh có quan tâm đưa vào tranh các vấn đề xã hội như đói nghèo, ô nhiễm môi trường, chất độc thực phẩm…?
Có, nhưng chưa nhiều. Họa sỹ cũng là công dân phải có trách nhiệm xã hội, đưa vào tranh những thông điệp xã hội. Vinh thích vẽ những khu phố, khu dân cư nghèo, thời công trình hiện đại chưa được xây dựng nhiều.
ـ Thường một bức tranh, Vinh vẽ bao lâu?
Vẽ thường chỉ vài ba ngày, nhưng suy nghĩ trong đầu vài tuần, thậm chí cả tháng, cả năm. Làm tác phẩm hiện đại mất mấy tháng. Nhiều khi phải đi quanh khu vực ròng ròng hỏi người dân, quan sát cuộc sống của họ rồi mới vẽ đặc điểm khu đó như thế nào, kiến trúc, lối sống đô thị….
ـ Hội họa xếp hàng thứ mấy trong cuộc sống của Vinh, nó có xếp sau gia đình?
Ngoài hội họa, Vinh cũng thích nhiều thứ. Thật khó xếp hạng đam mê của mình.
ـ Màu nào ấn tượng nhất với bạn?
Những màu trầm hơi buồn, không tươi.
ـ Nó có chịu ảnh hưởng từ cuộc sống thăng trầm hay chỉ đơn thuần là thích?
Chắc cuộc sống có những phút buồn nên vẽ tranh buồn theo làm sao ấy.
ـ Tiền và nghệ thuật luôn là vấn đề của nghệ sỹ. Tranh Vinh có bán được không? Và làm sao dung hòa đam mê và mưu sinh?
Lúc vẽ tác phẩm chỉ thấy đẹp là vẽ, Vinh chưa nghĩ nó bán được hay không. Thường người ngoài thích tranh màu sắc nổi bật, có thể treo trang trí hay hợp phong thủy trong nhà. Trong khi tranh của Vinh thường trầm, buồn nhưng mỗi người có một cái nhìn riêng. Khách mua tranh của Vinh thường là đồng điệu với suy nghĩ, tư tưởng của người họa sỹ. Nói chung làm họa sỹ vẽ thủy mặc phải tu tâm dưỡng tính mới tạo được những tác phẩm ấn tượng, có chiều sâu.
ـ Vinh có bao giờ muốn thử sức ở mảng hội họa đương đại?
Thích lắm nhưng phải tìm hiểu kỹ chắc thời gian dài mới ra.
ـ Cám ơn Vinh và chờ đón ở bạn những sáng tạo mới.
Trên 10 năm cầm bút, với một họa sỹ không phải là quá dài, La Hán Vinh đã định hình cho mình một phong cách cá nhân và kiên trì đi theo con đường ấy. Dấu ấn sáng tạo – cái vân tay của người nghệ sỹ bộc lộ rõ nét trên những tác phẩm mang màu sắc thẩm mỹ và chất trí tuệ của anh.
V.V (thực hiện) Số 8, tháng 8/2019 Theo: http://ape.gov.vn/