Các nhân vật:
1. Bác sĩ Tâm
2. Phương: Điều dưỡng
3. Bác sĩ Tình
4. Hoa: Em gái BS Tâm
5. Mẹ bệnh nhân
6. Con bệnh nhân
7. Bảo vệ (cùng một số quần chúng)
Tại bệnh viện tiếng xe cấp cứu hối hả, có ca cấp cứu mới vào, bác sĩ Tâm đang xem hồ sơ bệnh án, điều dưỡng Phương vào mang cốc nước cam vào.
Điều dưỡng Phương: Anh Tâm, em pha cho anh cốc nước cam này, vừa xong một ca mổ lại nghiên cứu luôn hồ sơ cho bệnh nhân khác, anh không thấy mệt sao?
Bác sĩ Tâm: Sắp hết ca trực, nhưng có một bệnh nhân bị tai nạn mới vào, phải nghiên cứu bàn giao cho chu đáo em ạ!
Điều dưỡng Phương: Anh Tâm có khả năng chuyên môn giỏi sao lại xin về bệnh viện huyện, trong khi có nhiều bệnh viện lớn khác cũng đang muốn thu hút nhân tài như anh?
Bác sĩ Tâm: Thế thì làm sao anh được ở đây uống cốc nước cam này của em? (cười) Phương này!
Điều dưỡng Phương: Dạ!
Bác sĩ Tâm: Anh nghĩ, không có bệnh viện nào là lớn, mà chỉ có tấm lòng của người bác sĩ lớn hay không thôi!
Điều dưỡng Phương: (cười) Anh nói chuyện với em mà giống như hôm giao lưu thanh niên ngành y về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ấy!
Bác sĩ Tâm: Học tập Bác có gì là cao xa đâu em, toàn những điều giản dị và gần gũi trong cuộc sống thôi Phương ạ!
Điều dưỡng Phương: Đó có phải là những điều anh đã và đang làm bây giờ không, em thấy thanh niên bây giờ không phải ai cũng nghĩ và làm như anh đâu?
Bác sĩ Tâm: Em biết không? Muốn học tập và làm theo Bác thì phải cảm nhận bằng cả trải tim mình, như trong ngành y Bác từng nói: Việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào, đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”! Những lời Bác căn dặn chính là phẩm chất, đạo đức của những y bác sĩ chúng ta!
Điều dưỡng Phương: Có lẽ vì vậy mà anh đã xin về một bệnh viện huyện miền núi thế này trong khi tài năng như anh có thể xin được làm việc ở những thành phố lớn!
Bác sĩ Tâm: Bệnh viện mình là nơi đặt niệm tin về chăm sóc sức khỏe của nhân dân, là nòng cốt của ngành y tế toàn huyện và khu vực giáp với tỉnh khác, nhân dân ở đây còn nghèo khó rất cần sự hỗ trợ về mọi mặt trong đó có ngành y tế, anh luôn tự hào mình là bác sĩ được làm việc ở đây em ạ!
Điều dưỡng Phương: Em hiểu, nhưng em vẫn thấy tiếc cho anh, ở bệnh viện lớn hơn chắc chắn anh sẽ đỡ vất vả hơn nhiều!
Bác sĩ Tâm: Phương này! Ngành y tế của tỉnh tuy còn nhiều khó khăn, đời sống cán bộ ngành y chúng ta còn nhiều vất vả, nhưng anh tin mọi thứ rồi sẽ được cải thiện, vấn đề là chúng ta phải đồng lòng, quyết tâm nâng cao uy tín chất lượng của bệnh viện theo hướng ngành y đang phát động, là đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng người bệnh! Có uy tín, có chất lượng thì sẽ có tất cả em ạ!
Điều dưỡng Phương: Anh Tâm, năm nay ngoài ba mươi rồi mà anh không nghĩ gì ngoài chuyện ngành y sao?
Bác sĩ Tâm: À, về chuyện ấy thì… (có tiếng chuông điện thoại) Anh xin lỗi, có điện thoại của em gái anh gọi đến! A lô Hoa à? Sao, mẹ đòi nói chuyện với anh à? Nói với mẹ là anh cũng sắp về rồi nhá!
Điều dưỡng Phương: Bác ung thư giai đoạn cuối sao anh không đưa vào trong viện cho tiện chăm sóc?
Bác sĩ Tâm: Thời gian qua lãnh đạo bệnh viện và anh em đồng nghiệp cũng đã hết sức quan tâm chữa trị, chăm sóc, nhưng biết mình ở giai đoạn cuối mẹ anh nói, nếu mất, chỉ muốn mất tại nhà, nơi gắn bó tình cảm với bố anh trước khi ông hy sinh! (có tiếng lao xao cãi cọ bên ngoài)
Bảo vệ: Này này, mọi người ra mau! Không được vào trong đấy, đi ra ngay!
Mẹ bệnh nhân: (Vào, khẩn thiết) Chị thông cảm cho tôi được vào gặp bác sĩ Tâm ạ!
Điều dưỡng Phương: Có chuyện gì đề nghị bảo vệ mời người nhà ra gặp bác sĩ trực ở ngoài kia ạ!
Bảo vệ: Đã bảo bệnh viện có qui định rồi! Thôi, đề nghị mọi người ra mau!
Con trai bệnh nhân: Quy định cái con khỉ, bệnh viện là để cứu người hay để ra qui định, đừng có mà nguyên tắc cứng nhắc!
Bảo vệ: Này, anh nói năng cho cẩn thận nhá!
Con trai bệnh nhân: Anh định làm gì, đánh tôi chắc!
Bác sĩ Tâm: Nơi khám chữa bệnh xin mọi người nhẹ nhàng, bình tĩnh, tôi là bác sĩ Tâm có chuyện gì thế ạ?
Vợ bệnh nhân: Bác sĩ ơi, chồng tôi bị đột quỵ vừa nhập viện phải cấp cứu, nghe nói bác sĩ là người giỏi của bệnh viện này, gia đình tôi muốn đề nghị được bác sĩ trực tiếp mổ cho chồng tôi ạ!
Bác sĩ Tâm: Trường hợp bị đột qụy của bác tôi biết rồi, tôi sắp hết ca trực, nhưng gia đình yên tâm, bệnh viện huyện hiện có phương pháp điều trị đột quỵ não tiên tiến, hiện đại và các bác sĩ ở đây đều giỏi! May quá, bác sĩ Tình đến đây rồi!
Bác sĩ Tình: Tâm, ca cấp cứu đã hoàn tất thủ tục cậu cứ yên tâm về nghỉ đi! Còn người nhà bệnh nhân xin mời ra ngoài để các bác sĩ chuẩn bị cho ca cấp cứu bệnh nhân!
Vợ bệnh nhân: Con vào nói để bệnh viện cử bác sĩ Tâm ở lại chạy chữa cho bố đi con!
Con trai bệnh nhân: Người ta đã nói thế rồi còn xin xỏ nữa hở mẹ!
Vợ bệnh nhân: Ối giời ơi, thế này thì coi như mất bố con rồi, con ơi… À phải rồi, chắc mải lo cho chồng nên chưa chu đáo, qua sông phải lụy đò! (vào) Bác sĩ, gia đình tôi có chút lòng thành mong bác sĩ quan tâm đến chồng tôi với!
Bác sĩ Tâm: Kìa, bác hiểu sai rồi, tôi không mổ vì hết ca trực chứ không phải là vì cái này… Các bác làm thế là vi phạm qui định của bệnh viện rồi đấy ạ!
Vợ bệnh nhân: Nhận phong bì là vi phạm thì chỉ còn nhận cái này là không vi phạm quy định! Con, làm theo mẹ nào! (quì xuống lạy) xin bác sĩ, hãy ở lại cấp cứu cho chồng tôi!
Bác sĩ Tâm: Trời ơi, sao mọi người lại làm thế này… đứng lên đi, được rồi tôi, tôi sẽ ở lại! Bác sĩ Tình, đây là ca cấp cứu phức tạp, tôi xin được ở lại cùng tham gia kíp này!
Bác sĩ Tình: Kìa bác sĩ Tâm, ca cấp cứu này anh không phải chịu trách nhiệm, anh cứ về đi!
Điều dưỡng Phương: Với lại, mẹ anh ở nhà cũng đang ốm nặng cơ mà…
Bác sĩ Tâm: Tôi biết, nhưng mẹ tôi ở nhà đã có người chăm sóc, còn ở đây, chỉ thêm ít thời gian để bệnh nhân và gia đình yên tâm, tôi nghĩ nếu tôi có về muộn thì mẹ cũng không trách! A lô Hoa à, nói với mẹ là anh về muộn vì có một ca cấp cứu nặng lắm em ạ!
Bác sĩ Tình: Gia đình yên tâm rồi nhé, theo đề nghị của gia đình bác sĩ Tâm đã tình nguyện ở lại, nào mọi người khẩn trương, chuẩn bị các thủ tục để tiến hành ca cấp cứu!
Các bác sĩ: (Tất cả) Vì sự sống còn của người bệnh, chúng tôi xin sẵn sàng!
(Bảo vệ đưa người nhà ra ngoài, điều dưỡng, bác sĩ đi lại tấp nập điều dưỡng Phương từ trong vội vã đi ra)
Hoa: Chị Phương ơi, anh Tâm em đâu, sao em gọi mãi anh ấy không nghe máy! Anh ấy hết ca trực rồi cơ mà?
Điều dưỡng Phương: Anh ấy tham gia ca cấp cứu đột quỵ theo đề nghị mong mỏi của gia đình bệnh nhân nên không nghe được điện thoại em ạ! Kìa hình như ca cấp cứu xong rồi! (BS Tình ra, mọi người cùng người nhà vào)
Bác sĩ Tình: Xin thông báo với mọi người, ca cấp cứu đột quỵ tuy phức tạp nhưng đã thành công, nhờ được cứu chữa kịp thời và bằng phương pháp tiên tiến hiện đại nên bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm! Xin chúc mừng gia đình… (mọi người vỗ tay)
Vợ bệnh nhân: Lạy trời lạy Phật chồng tôi được cứu sống rồi, gia đình tôi cảm ơn công lao trời biển của các bác sĩ!
Bác sĩ Tình: Thưa bác, chữa bệnh, cứu người là trách nhiệm và bổn phận của bác sĩ, nhưng bác sĩ Tâm thì xứng đáng được nhận lời cảm ơn vì anh ấy đã nhiệt tình ở lại tham gia ca cấp cứu theo yêu cầu để gia đình yên tâm, trong khi mẹ bác sĩ ở nhà cũng đang bị ung thư giai đoạn cuối đấy ạ. (BS Tâm ra)
Hoa: Anh Tâm ơi!
Bác sĩ Tâm: Hoa, sao em lại đến đây? Mẹ thế nào rồi?
Hoa: Lúc em đi mẹ yếu lắm cứ nhắc đến anh luôn! Và muốn em đến gặp anh ngay sau khi anh xong ca mổ cấp cứu!
Bác sĩ Tâm: Gặp anh ngay sau ca mổ cấp cứu… để làm gì?
Hoa: Để đưa lá thư mẹ viết cho anh từ lúc còn tỉnh táo! Mẹ bảo trong này có những điều mẹ muốn nói với anh!
Bác sĩ Tâm: Không lẽ mẹ trách anh, vì thời gian qua mẹ ốm anh đã không chu đáo với mẹ?
Tiếng bà mẹ: Con trai của mẹ, mẹ thật tự hào vì con đã trở thành một bác sĩ như bố mẹ hằng mong ước. Trước khi ra chiến trường hy sinh bố con từng nói: bố đi chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, và muốn con sau này được học ngành y để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Mẹ đặt tên con là Tâm bởi ngành y chỉ thực sự cao quí khi luôn đi cùng với chữ tâm con trai ạ. Mẹ sắp được đi gặp bố, chắc là bố sẽ rất vui khi các con và đồng nghiệp đã và đang làm được điều đó! Hãy ghi nhớ suốt đời lời Bác Hồ đã dạy: Lương y phải như từ mẫu con nhá!
Bác sĩ Tâm: Mẹ ơi, thì ra không phải là mẹ trách con, con xin lỗi mẹ!
Hoa: A lô, sao, mẹ tôi, mẹ tôi đã… anh Tâm ơi. Mẹ, mẹ chúng mình mất rồi anh ơi…!
Bác sĩ Tâm: Mẹ, mẹ ơi, vì nhiệm vụ cứu người, con đã không được ở bên mẹ trước lúc mẹ ra đi… nhưng con đã hiểu điều mẹ muốn nói, muốn nhắn nhủ với chúng con rồi… Mẹ ơi! Mẹ ơi! (gào lên)
Mẹ bệnh nhân: Con ơi, các bác sĩ đã phải vất vả đấu tranh với tử thần để giành lại sự sống cứu được bố con, sẵn sàng chia sẻ đến từng giọt máu, thậm chí phải trả giá bằng cả nỗi đau không kịp vĩnh biệt người mẹ thân yêu như bác sĩ Tâm, thế mới biết nghề y thật gian nan vất vả biết nhường nào!
Con trai bệnh nhân: Tôi xin lỗi vì đã có thái độ nóng nảy, nhưng các bác sĩ đã không chấp nhặt mà vẫn bình tĩnh quan tâm chữa trị cho bố tôi. Gia đình tôi rất biết ơn và xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của bác sĩ Tâm!
Bác sĩ Tình: Để có được những ca cấp cứu thành công, chạy chữa cho bệnh nhân kịp thời, nhằm đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh và gia đình, thì các bác sĩ, cán bộ ngành y sẽ phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều, trong đó có cả việc chấp nhận những thiệt thòi, hy sinh của bản thân! Nhưng dù khó khăn, gian khổ thế nào thì chúng tôi cũng quyết thực hiện, vì lời thề danh dự, vì đạo đức của cả ngành y, phấn đấu học tập và làm theo những lời Bác Hồ đã từng căn dặn!
(Bài hát tự hào về ngành y vang lên thiết tha).
NGUYỄN VIỆT THẮNG