Rời HQ 996, bước chân tôi loạng choạng khi chạm đảo. Những người lính biển vừa đỡ tôi lên khỏi xuồng trung chuyển lại vội vàng đỡ chiếc ba lô trên tay tôi. Cảm giác say sóng đã sợ, cảm giác say “đất” khi được lên bờ kinh hãi hơn rất nhiều. Trong cái loáng choáng nửa mê, nửa hư nửa thực của một người nhận biết rõ ràng rằng mình vẫn thức, rõ ràng mình đang bước đi trên đất bằng mà vẫn thấy như đang ở trên tàu, đang rung lắc, chao đảo theo nhịp điệu của sóng khiến tôi không khỏi hoảng hốt. Đã đến Song Tử Tây, đã qua Sơn Ca, và đây đã là Nam Yết, đảo nổi thứ ba trong hành trình đến Trường Sa lần này, sao mỗi lẫn tiếp đất vẫn không thể bỏ qua được cái cảm giác say đất lạ lùng ấy. Trung tá Nguyễn Kim Dũng, quê Hồng Phong – Nam Sách, Hải Dương, người cùng tàu ra Nam Yết thay quân lần này động viên: “Lần đầu ra đảo, chúng em đều bị thế cả. Rồi quen dần chị ạ”. Dũng ra Nam Yết lần này nhận quyết định làm Chính trị viên cụm chiến đấu số 3, sau mấy năm công tác tại các đảo chìm Đá Lát, Đá Thị… Đang dật dờ vừa bước vừa chuyện cùng Dũng, hy vọng vơi dần cái cảm giác say đất đáng sợ, bên tai tôi bỗng ngân nga: “Boong! Boong! Boong…oong… oong…”. Tiếng chuông lảnh lót vang lên giữa nắng, giữa gió, giữa sóng, giữa cồn cào gan ruột. Và dường như, giai điệu của thanh âm ngỡ chỉ có trong đất liền ấy ngân nga hơn khi cất lên ngoài đảo, khi ngân giữa bạt ngàn sóng gió của Trường Sa. Cái cảm giác chung chiêng say đất của tôi biến đâu mất. Không biết có phải tại tôi có thói quen khi gặp chuyện buồn hay vào ngồi một mình trong vườn chùa lúc ở đất liền hay không mà giờ đây nghe tiếng chuông chùa giữa Trường Sa, lòng bỗng thư thái lạ. Thay vì đi về nhà khách của đảo, chúng tôi xếp gọn hành lý, ra ngay trước cột mốc chủ quyền làm lễ chào cờ rồi lên chùa thắp hương.
Chùa trên các đảo ở Trường Sa như Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử, Sinh Tồn, Trường Sa… đều được dựng theo phong cách truyền thống, với số gian lẻ – thường là một gian, hai chái hoặc ba gian, hai chái, với mái cong, có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý, chịu được độ mặn của nước biển… Các chùa đều có tam quan, chính điện, tả, hữu vu, sân vườn… trong một khuôn viên gọn gàng, ngăn nắp và ở vị trí có địa thế đẹp nhất trên các đảo, luôn hướng mặt ra biển Đông, hướng về thủ đô Hà Nội. Trong các ngôi chùa của Trường Sa, chùa trên đảo Song Tử Tây – hòn đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa được coi là điểm cực Tây của Tổ quốc trên biển – là ngôi chùa lớn với tam quan hai tầng tám mái, chính điện ba gian, hai chái, tả hữu vu cùng hệ thống sân vườn được quy hoạch đẹp.
Ngược dòng lịch sử, không chỉ bây giờ, trên các đảo mới có chùa. Từ rất xa xưa, dù rất xa đất liền, liên lạc cách trở, những ngư dân người Việt trong những chuyến đi biển khai mở lãnh hải, đánh bắt hải sản đã dựng những am, miếu trên các bãi đá nổi, đá chìm giữa biển làm chỗ dựa tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, tôm cá bội thu, cuộc sống no ấm. Dấu tích của những am, miếu cổ đó còn lại rất nhiều trên các đảo. Và từ nền tảng ấy, những ngôi chùa lớn trên các đảo nổi ở Trường Sa được xây dựng. Mới đây nhất, trong năm 2013, chùa trên đảo Sơn Ca, Nam Yết được dựng trên khuôn viên 1.000m2, khung dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, có không gian như một ngôi cổ tự trong đất liền đã thực sự trở thành điểm tựa tâm linh an bình cho lính đảo, là nơi tổ chức các lễ cầu siêu cho những chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giữ gìn chủ quyền biển đảo của dân tộc, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa cho ngư dân đi biển… Ngoài chức năng thờ Phật, trong khuôn viên các chùa ở Quần đảo Trường Sa đều có ban thờ các anh hùng liệt sĩ – những người đã hi sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo dân tộc… Không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng truyền thống của cư dân, chùa trên quần đảo Trường Sa còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo, với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng hành trong chuyến đi này với chúng tôi, ngoài những tấm áo nhiều sắc màu của phóng viên, quân phục của những người lính biển còn có cả dáng áo cà sa của các nhà sư được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử ra trụ trì tại các chùa Sơn Ca, Nam Yết – Những ngôi chùa mới được khánh thành cuối năm 2014. Nhìn những nhà tu hành tay nải gọn gàng, hành trang không khác những người lính ra đảo là thấy đáng khâm phục. Các thầy đã không chỉ làm tốt bổn phận của kẻ tu hành, các thầy còn đang góp phần thực hiện nghĩa vụ công dân trong việc gìn giữ chủ quyền biển đảo dân tộc. Và cũng ngay trong chuyến đi này, lễ khai đại hồng chung, lễ nhập tự tại chùa Sơn Ca của Đại đức Thích Như Đạo – trụ trì, Đại đức Thích Nguyên Tâm – Phó trụ trì đã được tổ chức trang trọng mà ấm cúng. Mỗi sáng, mỗi chiều, tiếng chuông chùa ngân nga khiến đất liền gần lại với những người lính đảo. “Tâm chí thành, nguyện chí thiết” vốn là những tiêu chí đầu tiên mà mỗi người con Phật như các nhà sư đang trụ trì trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa luôn tâm niệm. Tròn bổn phận với Phật pháp, trọn vẹn với việc đời, họ luôn giữ cho tâm mình sáng. Họ cảm nhận được trách nhiệm công dân của mình gắn trong vai trò, vị trí của chư tăng. Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa không chỉ là bóng dáng của đất mẹ Việt Nam, không chỉ là hồn nước non thiêng liêng neo giữa biển mà thực sự trở thành một phần không thể tách rời của chủ quyền dân tộc. Những người con “đặc biệt” của dân tộc đang cùng với toàn dân khẳng định chủ quyền bất khả xâm phậm của dân tộc Việt Nam giữa biển Đông.
Giữa cái nắng cồn cào của Song Tử Tây, giữa cái mưa ồn ào, xối xả của Sơn Ca, giữa thông thốc của gió biển trên Nam Yết, những ngôi chùa Việt đã thực sự trở thành nơi gắn kết những cư dân trên đảo lại với nhau. Mái cong của mỗi ngôi chùa dường như trở thành nơi tụ hội của hồn Việt trên các đảo. Ngồi bên bờ sóng, trên bờ kè kiên cố của đảo, dõi mắt ra xa, trong cái chạng vạng của những buổi chiều trên biển, tôi cứ hình dung, bao linh hồn những người con anh hùng của dân tộc đã hòa máu xương vào sóng biển, biết đâu giờ đây đang có một đội hùng binh sau khi giao ca, đổi gác ngoài mênh mông kia đang tụ lại bên mái cong của ngôi chùa trên đảo, để rì rầm trò chuyện về nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê hương, về những điều thầm kín của lứa tuổi đôi mươi mà chỉ họ, mái chùa cong và tiếng chuông trong mỗi ngôi chùa mới hiểu hết… Họ đã và đang tạo nên những cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm trên những hòn đảo của Tổ quốc này.
Thêm một tiếng chuông chiều thong thả buông vào thinh không. Thêm một lần thanh âm của cõi Người, cõi Phật ngân nga trên sóng biển, loang xa giữa đại dương… Ấy là thêm một nơi chốn để người lính đảo Trường Sa gửi gắm tâm tình với quê mẹ, với đất liền. Thêm một tam quan ẩn hiện dưới những tán phong ba, bàng vuông, mù u… là thêm một lần chủ quyền dân tộc được kết chắc như bức thành đồng. Thêm một làn hương trầm ngào ngạt quấn theo bước tuần tra của người lính khi đêm xuống là thêm một lần người lính thấy tâm hồn mình thanh thản, thư thái khi nghĩ tới hậu phương.
Tôi không thể quên, dù đã cách xa Trường Sa cả gần nghìn hải lý hình ảnh đám trẻ bên bờ sóng đảo Song Tử Tây chiều ấy. Giữa ánh hoàng hôn đỏ lựng đang dần lặn sâu vào chân sóng, nhìn những con tàu đang neo đậu mãi khơi xa, các em đã cố cất thật cao tiếng hát của mình ca ngợi vẻ đẹp bình yên của những hòn đảo mà các em là thế hệ tiếp theo đang lớn lên và gìn giữ. Và giữa những ánh mắt ngây thơ, giữa những cái chỉ chỏ của cánh tay nhỏ xíu không hề toan tính, giữa những thanh âm trong trẻo trong câu chuyện về bồ câu con mới nở, về bông hoa tí xíu vừa giành nhau bên mép đảo, về miếng bánh bẻ nhỏ chia đều… chúng vẫn dành một vị trí hết sức đặc biệt cho những… ngôi chùa khi chúng gào thét đua cùng sóng biển: “Tàu này của Ba, tàu này của Mẹ, tàu này của bác Hồng (Thượng tá Hồng – Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy xã đảo Song Tử Tây), còn tàu đẹp đẹp kia của Chùa!”. Tàu vốn là vật kỳ diệu nhất trong chúng, là thứ duy nhất có thể đưa chúng vào đất liền với ông bà, cô bác. Ấy vậy, mà vẫn có phần cho Chùa! Chùa trong chúng vẫn là những điều không thể không tính đến nếu cần kể ra những điều quan trọng nhất mỗi khi chúng cần phải tính đếm, cần dành ra để “chia phần”. Trẻ con không biết nói cho vừa lòng người khác! Chúng chỉ nói những gì chúng nghĩ! Và trong trái tim non trẻ, trong tâm hồn ngây thơ của chúng, Chùa là một điều rất quan trọng, rất thiêng liêng, ngang với Ba, với Mẹ, với bác Hồng – người luôn dành những gì tốt nhất trên Song Tử Tây cho chúng! Ai dám bảo, Chùa trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa không là điểm neo giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ mai sau?
Sóng vẫn lừng lững táp vào chân cầu cảng. Gió vẫn ào ạt xốc muối vào đảo. Và cây bồ đề được mang từ đất liền ra được trồng bên tam quan chùa vẫn ngày một vươn cao. Cây bồ đề ấy sẽ lớn, sẽ tỏa bóng bên mái chùa cong vút để ngày ngày vi vút cùng hàng dừa Nam Yết, sẽ tỏa bóng cùng tán lá tròn xoay của những cây phong ba, cây tra biển trên đảo Sơn Ca, cùng hàng phi lao hút gió trên Song Tử Tây giữa biển.
Những cây bồ đề ấy sẽ tỏa bóng bởi nó được chăm sóc bằng tấm lòng của quân dân huyện đảo, bằng sự đồng tâm của người dân cả nước, bằng tâm nguyện của những người con theo đạo tu hành nhưng vẫn không quên trách nhiệm công dân. Họ, nói như Thượng tọa Thích Giác Nghĩa – Trụ trì trên đảo Trường Sa lớn: “Tôi cảm nhận ngày càng rõ trách nhiệm của mình với quốc gia, dân tộc, quyết ý đồng hành cùng nhân dân bảo vệ chủ quyền dân tộc, giữ bình yên quốc gia. Sự có mặt của chư tăng – trong đó có tôi – nơi Trường Sa là một sự khẳng định chủ quyền rất chắc thật rằng đó là mảnh đất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, được nhiều đời cha ông hy sinh, tốn xương máu giữ gìn”.
“A Di Đà Phật!” Mọi người ở Hà Nội hay ở nơi đâu trên đất liền mà cùng hướng tâm về Trường Sa thì cũng như là cùng chúng tôi niệm Phật ở Trường Sa vậy. Xin hẹn ngày khác có duyên chúng ta tái ngộ. Nam mô A Di Đà Phật!”. Lời xưng niệm thong thả mà đĩnh đạc các nhà sư trụ trì trên những chùa nơi quần đảo Trường Sa khi nhẹ nhàng nói lời chia tay chúng tôi mà như một sự trải lòng.
Xa Trường Sa đã cả nghìn cây số! Tiếng sóng biển đêm đêm vẫn vọng về mỗi khi tôi áp con ốc biển lên tai, nhưng giữa tiếng sóng ấy, nghe như văng vẳng tiếng chuông chùa từ Trường Sa vọng về! Nghe như hồn non nước đang dấy lên trong tim! Tâm thành, nguyện thiết! Trường Sa vụt gần, thân thuộc! Giữa bốn bề mênh mang, thực sự không có khoảng cách giữa trái tim những người yêu nước, yêu dân tộc mình.
A Di Đà Phật!
Hồn Việt thêm một lần được neo giữ tại những ngôi chùa giữa sóng nước Trường Sa!
TRƯƠNG THỊ THƯƠNG HUYỀN