Tín ngưỡng Mẹ trong dân gian
Theo ngôn ngữ Hán tộc, những người sinh ra mình được gọi là Phụ, Mẫu. Còn trong tiếng Việt thì gọi là Bố, Mẹ hoặc Cha, Mẹ. Tín ngưỡng thờ Mẫu/ Mẹ là một trong nhiều tín ngưỡng dân gian phổ biến, có lịch sử lâu đời và giữ vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam.
Từ thời nguyên thuỷ, trong quá trình mưu sinh tìm nguồn sống, con người luôn phải dựa vào thiên nhiên, trời đất, nên họ đã tôn thờ các hiện tượng tự nhiên là Mẹ. Mẹ chính là các vị nữ thần đại diện cho thiên nhiên như mẹ Trời, mẹ Đất, mẹ Nước, mẹ Rừng, mẹ Lúa…; Thờ Mẹ, với mong muốn Mẹ sẽ che chở cho cuộc sống của họ được khỏe mạnh, bình an, ấm no, hạnh phúc. Trong văn hóa cộng đồng, Mẹ còn là những người phụ nữ nổi lên với vai trò là người bảo hộ, khi sống tài giỏi, có công với nước, với dân; khi mất hiển linh phù trợ cho dân an, nước thịnh. Những nhân vật này được kính trọng, tôn thờ, được dân gian hóa hoặc thánh hóa để trở thành những vị thần vừa có quyền năng màu nhiệm, vừa là người Mẹ bao dung, trợ giúp cho con cháu muôn đời.
Trong thời đại phong kiến tự chủ ở Việt Nam, bằng việc phong thần của nhà nước, một số người Mẹ đã được cung đình hoá và lịch sử hóa để thành Mẫu Thần với các danh xưng như Quốc mẫu, Vương mẫu, Thánh mẫu, Tổ mẫu. Tới thế kỷ XV, trên nền tảng các Mẫu thần đã được cố kết trong văn hóa tâm linh của người Việt, hình thức thờ mẫu Tam phủ (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải), Tứ phủ (gồm các vị Mẫu đã nói và thêm Mẫu Địa phủ) được định hình và phát triển mạnh mẽ.
Tín ngưỡng thờ Mẹ trong dân gian chính là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng các vị nữ thần với đức tin là có khả năng siêu phàm, có thể điều khiển được các hiện tượng tự nhiên mang tính quy luật nhằm bảo trợ và che chở cho sự sống của con người. Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, tín ngưỡng thờ Mẹ dần trở thành một sinh hoạt văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh người dân Việt. Đến nay tín ngưỡng thờ Mẫu/ Mẹ ở Việt Nam được gọi chung là Đạo Mẫu Việt Nam, bản chất là thờ Tam phủ, Tứ phủ (Tam phủ công đồng – Tứ phủ Vạn Linh).
Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tín ngưỡng Mẹ Âu Cơ trong văn hóa người Việt
Thờ Mẹ là tín ngưỡng dân gian, đậm chất bản địa và chứa đựng những giá trị nhân văn, bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm. Cột mốc đánh dấu sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẹ ở Việt Nam phải kể đến sự xuất hiện của mẹ Âu Cơ cùng với Lạc Long Quân sinh ra bọc “trăm trứng”, nở ra trăm người con trai. Truyền thuyết này nhằm tôn vinh người mẹ đối với vấn đề đoàn kết cộng đồng, là sự kế thừa tín ngưỡng thờ Mẹ trong dân gian.
Ngọc phả lưu tại Đền Quốc Mẫu Âu Cơ chép rằng: Đế Lai lấy Ngọc Nương phu nhân ở động Lăng Sương. Lúc sinh nàng Âu Cơ có mây lành che chở, hương rừng toả ngát. Nàng xinh đẹp lung linh như hạt ngọc trời buông, như “Tiên nữ giáng trần”. Ngọc Nương vui mừng khôn xiết thường gọi con là “Đệ nhất tiên thiên công chúa”. Khi lớn lên, nàng đi đến đâu trời râm, mưa tạnh, chim ca ríu rít, muôn hoa đua nở đến đó. Đế Minh phong cho Đế Nghi làm vua ở phương Bắc, Lộc Tục làm vua ở phương Nam. Lộc Tục lên ngôi vua vào năm 2879 – TCN, xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm năm 2793 – TCN, xưng là Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ là con gái Đế Lai và đưa về núi Nghĩa Lĩnh (Đền Hùng ngày nay). Đến kỳ khai hoa (3 năm 3 tháng 10 ngày) sinh ra 1 bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con trai. Khi các con đã khôn lớn Lạc Long Quân nói với Âu Cơ “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khó hoà hợp…”. Bèn chia 50 người theo mẹ lên núi, 49 người theo cha xuống biển, chia nước ra để cai trị lưu truyền dài lâu. Tôn người con cả lên làm Vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời, trị vì đất nước 2622 năm. Các vương giả đều chia ra các ngả, cùng nhau trấn trị núi sông. Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục được lòng dân. Bà dạy dân cấy lúa, làm nhiều loại bánh, trồng dâu, nuôi tằm dệt vải.
Một hôm bà cùng hai người con là Hùng Trấn Quý Minh và Hùng Trấn Bảo Quốc đến trang Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, trấn Tây Sơn; thấy ba bề sông nước uốn quanh lung linh bóng núi, đất đai màu mỡ, cỏ cây hoa lá tốt tươi, là nơi hội tụ của cá chim, muông thú. Bà chọn nơi này làm chốn dừng chân, liền cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải, làm ra nhiều thứ bánh lạ. Thế rồi từ đó vùng đất này trở nên trù phú, vạn vật tốt tươi. Khi giang sơn thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng. Ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thân bà cùng các tiên nữ trở về trời để lại trần gian dải yếm đa màu trông như một đám mây ngũ sắc bay lơ lửng trên nền trời xanh thẳm. Trong tâm thức của người xưa, dải yếm này như tình mẹ, như ơn đức sâu dầy của mẹ. Từ đó nhân dân đã dựng nên ngôi miếu phụng thờ đời đời hương khói Mẹ Âu Cơ trên mảnh đất Hiền Lương.
Vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 6 (1465) sai Giám Quốc Sư đến Hiền Lương phong sắc và cấp 30 quan tiền tôn tạo miếu thờ Mẹ Âu Cơ. Cũng chính từ thời gian này, tên gọi đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ đã thay thế miếu thờ Mẹ Âu Cơ.
Đền được xây dựng trên một khoảng đất cao rộng giữa cánh đồng, mặt quay về hướng chính Nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác làm tiền án, phía sau là sông Hồng uốn lượn bao quanh. Qua nhiều lần tôn tạo, tu sửa hiện nay đền có kiến trúc chữ Đinh (J), kết cấu vì kèo theo kiểu chồng giường, kẻ bảy, lợp ngói mũi hài. Nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên các đầu dư, đầu bảy, xà ngang, cốn nách, câu đầu, cửa võng được đục trạm hết sức công phu. Trạm tứ linh, tứ quý là đề tài chủ yếu của mỹ thuật đương thời. Các bức trạm này được đục bong, chạm thủng và được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, uy nghiêm.
Thượng cung cao 2,2m là nơi đặt khám thờ Mẹ, diềm xung quanh cửa khám chạm thủng nhiều lớp theo đề tài tứ quý: Tùng, cúc, trúc, mai. Trong lòng khám đặt tượng Mẹ Âu Cơ ngồi trên ngai báu. Mẹ mặc áo đỏ đầu đội mũ lấp lánh kim cương, cổ đeo vòng vàng, bàn chân đi hài. Tượng được tạc vào thời Lê, có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình và thẩm mỹ. Trong đền còn nhiều di vật quý như long ngai, sập thờ… được đục trạm tỉ mỉ và tinh tế.
Ngày 3/8/1991, Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Ngày 23/1/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ Mẹ Âu Cơ là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngày 15/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận Tượng Mẹ Âu Cơ (Niên đại thế kỷ XIX, thờ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) là Bảo vật Quốc gia.
Nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước, cùng nhau hướng về Đền Mẫu Âu Cơ để được dâng lên Tổ Mẫu nén hương thơm tỏ lòng thành kính và biết ơn, để lòng ta lắng lại suy nghĩ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ; xua đi những vẩn đục trong lòng, mở rộng lòng nhân ái để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tín ngưỡng Mẹ Âu Cơ trong xã hội đương đại
Tín ngưỡng về các vị thần có công với non sông gấm vóc đã là nét văn hóa đặc sắc từ ngàn đời của người dân Việt Nam. Cùng với các sinh hoạt thường ngày được lặp đi lặp lại trong lịch sử tới ngày nay, những lễ nghi tôn kính các vị thần đã trở thành phong tục, tập quán thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Các thực hành trong lễ hội, các nghi lễ dân gian, các câu chuyện về các vị thần ấy luôn được cộng đồng gìn giữ và lưu truyền để trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của các vùng quê Việt Nam.
Niềm tin của người dân các thế hệ đã khiến lịch sử ngàn năm của dân tộc trở nên gần gũi, thân thuộc và gắn bó với cuộc sống hàng ngày. Tổ Mẫu Âu Cơ đã trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ đồng bọc trăm trứng nở ra trăm người con trai mạnh khỏe, tài giỏi và đức độ đã đi vào lịch sử dân tộc cùng hai tiếng đồng bào (cùng một bọc sinh ra) trong niềm tự hào là con cháu Rồng, Tiên, dòng dõi Hùng Vương.
Người dân xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa từ bao đời luôn nhớ về các địa danh: núi Nả, núi Giác, gò Cây Thị, gò Cây Dâu, giếng Loan, giếng Phượng,… và họ khắc ghi sâu sắc câu chuyện Mẹ Âu Cơ dạy dân làm bánh Dằng, bánh Ót, về dải lụa đào Mẹ để lại cho con cháu trước khi bay về cõi Tiên vào ngày mồng 7 tháng Giêng năm Âm lịch. Ngày nay, Đền thờ Mẹ Âu Cơ được xây dựng ở nhiều nơi, khắp các tỉnh thành trong cả nước và đó đây còn cả ở nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt đang sinh sống. Hình ảnh Tổ Mẫu Âu Cơ, sự khởi nguồn của Bà Mẹ Việt Nam vĩ đại luôn luôn hiện hữu và đồng hành cùng con cháu, đặc biệt gắn với thời khắc linh thiêng trong các lễ hội của cộng đồng sẽ mãi mãi là nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Sự ghi nhận của quốc tế khi UNESCO ghi danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại càng củng cố thêm niềm tin yêu, kính trọng Mẹ Âu Cơ trong tâm trí và các thực hành văn hóa cũng như đạo lý của dân tộc Việt Nam.
“Tín ngưỡng Mẹ Âu Cơ” nói riêng, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nói chung không chỉ là điểm tựa tâm linh mà còn thể hiện tư tưởng đạo đức, lối sống, ý thức đoàn kết, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc. Việc khai thác giá trị “hồn cốt” các di sản văn hóa Hùng Vương trong đó có “Tín ngưỡng Mẹ Âu Cơ” nhằm phát triển du lịch hay nói theo cách khác, đưa khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các di sản văn hóa Hùng Vương là cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Thông qua hoạt động trải nghiệm, nhận thức của cả du khách lẫn người dân về giá trị di sản văn hóa được nâng cao. Đó chính là nét độc đáo, là bản sắc văn hóa Việt Nam mà Phú Thọ có vinh dự là điểm khởi nguồn.
Phạm Bá Khiêm