Tối 21/4 (tức mùng 2/3 âm lịch), tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan toàn quốc Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO.
Dự lễ khai mạc có đồng chí Trần Hồng Hà – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.Về phía tổ chức quốc tế có ông: Christian Manhart – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
Về phía tỉnh Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Minh Châu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Phùng Khánh Tài – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Tham dự khai mạc còn có lãnh đạo, đoàn nghệ sĩ, nghệ nhân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận và Đắc Lắc.
* Tôn vinh các tinh hoa di sản
Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang nhấn mạnh: Đây là dịp để hai di sản văn hóa phi vật thể tại Phú Thọ là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cùng với 13 di sản của cả nước được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã tụ hội về Đất Tổ, đây cũng là dịp các nghệ nhân dân gian trình diễn, thực hành, tôn vinh các tinh hoa di sản nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng. Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể lần này đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; là dịp khẳng định những nỗ lực, cố gắng của chính quyền các cấp, đặc biệt là của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản; đồng thời, khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong quá trình thực hiện Công ước.
Cũng trong dịp này, Hội thảo quốc tế về phát huy vai trò của di sản văn hoá với phát triển du lịch bền vững cùng chuỗi các sự kiện văn hóa – thể thao – du lịch đặc sắc, hấp dẫn, mang đậm dấu ấn các vùng miền, trải dài từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, ở mọi miền đất nước chào đón đồng bào và du khách thập phương về Đất Tổ Hùng Vương trải nghiệm, khám phá.
Thay mặt cho UNESCO, ông Christian Manhart – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết: UNESCO rất mừng bởi Chính phủ Việt Nam đã đề cao tầm quan trọng của việc phát huy mọi khía cạnh văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Christian Manhart nhắc lại: Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được các quốc gia thành viên UNESCO thông qua tại kỳ họp của Đại hội đồng vào tháng 11/2003. Việt Nam là quốc gia thành viên đã phê chuẩn công ước chưa đầy hai năm sau đó và hiện đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh.
Nhân dịp này, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chúc mừng Việt Nam vì lần thứ hai trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam vẫn luôn là một trong những thành viên tích cực nhất của UNESCO, đảm nhận những vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của UNESCO và Việt Nam đã chia sẻ bài học thành công của mình với các quốc gia khác trong lĩnh vực văn hóa…
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà khẳng định: Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội – Đất Tổ Hùng Vương” là nơi hội tụ của các tinh hoa di sản văn hóa của mọi miền Tổ quốc, sẽ mang đến cho du khách và nhân dân hành hương về với cội nguồn Đất Tổ những trải nghiệm sâu sắc, để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương tỉnh Phú Thọ trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu; đặc biệt đã cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UNESCO có sáng kiến kết nối các di sản văn hóa phi vật thể nhân dịp.
Đồng chí đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ đảm bảo các điều kiện tốt nhất để các nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian có không gian sáng tạo, biểu diễn; du khách có thời gian trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
* Chương trình nghệ thuật mang đậm sắc màu di sản
Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội – Đất Tổ Hùng Vương” do Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo nội dung, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ chỉ đạo thực hiện. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp thuộc các đơn vị nghệ thuật trung ương và các địa phương cùng lực lượng học sinh, sinh viên các trường phổ thông, đại học trên địa bàn thành phố Việt Trì.
Với tổng thời lượng 90 phút, chương trình nghệ thuật được đầu tư xây dựng công phu, quy mô hoành tráng theo hình thức nghệ thuật tổng hợp, lấy ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật các di sản văn hóa làm chủ đạo; âm nhạc, lời bình làm nhiệm vụ kết nối các tiết mục và diễn giải nội dung mang tính nghệ thuật cao, nổi bật không gian lễ hội, đậm nét văn hóa các vùng, miền.
Chương trình gồm 3 phần: Linh thiêng nguồn cội – Đất tổ Hùng Vương (Phần I), Tinh hoa di sản (Phần II), Khát vọng Lạc Hồng (Phần III). Với điểm nhấn là tôn vinh văn hóa Đất Tổ- Phú Thọ, địa phương có 2 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ, chương trình thể hiện tinh thần, niềm tự hào về truyền thống của miền Đất Tổ, tự hào có 18 đời vua Hùng đã khai sáng Tổ quốc Việt Nam từ bao đời.
Ngoài các phần hợp diễn về múa, nhạc, các ca khúc ca ngợi Đất Tổ Hùng Vương, ca ngợi Tổ quốc, điểm đặc biệt là màn trình diễn của 12 di sản của Việt Nam. Chương trình được kết cấu khéo léo đặc biệt là hình thức biểu diễn các di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, niềm tự hào của người dân Việt đã được UNESCO ghi danh như: Hát Then, Ca Trù, nghệ thuật xòe Thái, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Dân ca Ví- Giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, nghệ thuật Bài Chòi, Đờn ca tài tử, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên…. Các hình thức di sản được trình diễn xuyên suốt liên tục trên sân khấu.
Với việc tham gia trình diễn của các diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian cho và đồng bào các dân tộc, các tầng lớp nhân dân đã tạo nên màn trình diễn hoành tráng và hấp dẫn, đặc biệt hơn khi cả cộng đồng xã hội cùng hợp sức để tôn vinh những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc. Qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc, mỗi người Việt Nam đều là con cháu Vua Hùng… dù đa dạng bản sắc nhưng thống nhất trong sự phát triển, xây dựng một đất nước tươi đẹp, hòa bình, có sức sống hàng ngàn đời, có bản sắc văn hóa vô cùng đặc sắc, không phải quốc gia nào cũng có được. Đó là niềm tự hào của không riêng Phú Thọ mà của cả dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Báo Phú Thọ