Khỏa lấp những khoảng trống của lý luận văn học

Lý luận văn học (LLVH) không phải là thế mạnh của khoa học nghiên cứu văn học nước ta. Chính vì vậy, việc tạo nguồn đội ngũ, đào tạo và trau dồi chuyên môn thông qua các dự án, đề tài sẽ giúp khỏa lấp những “khoảng trống” của LLVH hiện nay.

Đây là nhận định của PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu văn học trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Công cụ để tiếp nhận và nghiên cứu văn chương hiệu quả

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết một cách khái quát về đặc điểm của LLVH và tác động của lĩnh vực này đến sự phát triển văn chương?

PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: LLVH là một trong 3 bộ phận của khoa học nghiên cứu văn học, cùng với phê bình văn học và lịch sử văn học. LLVH có nhiệm vụ khái quát bản chất, đặc trưng, cấu tạo, quy luật tồn tại và phát triển của văn học, giúp con người hiểu được mọi hiện tượng văn học, từ tác phẩm, tác giả đến thể loại, trào lưu, phong cách, tiếp nhận, độc giả… LLVH sẽ dần xác lập các khái niệm, phạm trù khoa học chặt chẽ để làm công cụ giúp người đọc, nhà phê bình, nhà văn học sử vận dụng để tiếp nhận và nghiên cứu hiệu quả.

PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn.
PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn.

LLVH không phân tích tác giả, tác phẩm cụ thể mà xem xét sự vận động văn học, các vấn đề bản thể văn học. Để làm được điều này, LLVH sử dụng phương pháp luận trên cơ sở triết học, văn hóa học. Chính vì sự trừu tượng, thiên về làm việc với các khái niệm, phạm trù cho nên người làm LLVH ngoài có kiến văn sâu rộng, tất yếu phải có năng lực tư biện, duy lý. Cho nên, ngay từ những công trình LLVH đầu tiên như “Thi học”, tác giả phải là nhà triết học vĩ đại Aristoteles (năm 384-322 trước Công nguyên). Đại đa số tên tuổi lớn trong lĩnh vực LLVH Đông-Tây-kim-cổ ít nhiều đều mang trong mình phẩm chất của triết gia hoặc nhà triết học.

LLVH không thoát ly phê bình văn học và văn học sử. Thành quả của hai bộ môn này được LLVH sử dụng làm cơ sở thực tiễn để đúc rút các kết quả nghiên cứu. Ở chiều ngược lại, LLVH có vai trò chỉ đạo, định hướng để nhìn nhận phê bình văn học và văn học sử thêm sáng tỏ, sâu sắc. Ngoài ra, LLVH còn có tác động sâu sắc đến sáng tác, làm thay đổi hệ hình sáng tác của mỗi nền văn học, tư duy sáng tạo của nhà văn. Chẳng hạn, với những đúc kết về thể loại thơ ca, vai trò nguồn cảm xúc, quan niệm về cái tôi, phong cách cá nhân… đã định hướng những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới (1932-1945) sáng tác khác với thơ ca trung đại vốn đậm tính quy phạm.

Nhà lý luận văn học, PGS, TS Trương Đăng Dung(thứ hai, từ phải sang)nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Ảnh:THANH TÙNG
Nhà lý luận văn học, PGS, TS Trương Đăng Dung(thứ hai, từ phải sang)nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Ảnh:THANH TÙNG

PV: “Bức tranh” LLVH Việt Nam hiện nay thế nào khi đặt trong bối cảnh so sánh với các bộ môn khác, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: Ở bất cứ nền văn học nào, nếu xét về đội ngũ, người sáng tác bao giờ cũng đông đảo hơn người làm nghiên cứu. Trong 3 bộ phận của khoa học nghiên cứu văn học, những người làm LLVH bao giờ cũng ít hơn người làm phê bình văn học và văn học sử. Để đạt được thành tựu, nghiên cứu lĩnh vực nào cũng không dễ dàng, nhưng LLVH thuộc mặt trận “tầm cao”, đòi hỏi năng lực vượt trội và quá trình tích lũy tri thức lâu dài, không thuộc về đại chúng nên các cây bút khó có cơ hội được biết đến.

Đại đa số người làm LLVH thường được đào tạo ngữ văn bài bản bậc đại học, sau đó chủ yếu công tác ở môi trường đại học, viện nghiên cứu. Điều này khác với người làm phê bình văn học hoàn toàn có thể tự học, tự nghiên cứu vẫn có thể viết được một số tác phẩm giá trị. Rất nhiều người sáng tác cũng đồng thời viết phê bình văn học và sưu tập, khảo cứu văn học sử. Song ít thấy cây bút không chuyên hay người viết văn làm LLVH.

Ngoài những đặc điểm chung, đội ngũ LLVH ở nước ta có những nét khác biệt. Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, người Việt Nam là dân tộc “mạnh” về duy tình, duy cảm, linh hoạt chứ không thiên về tư biện, lý tính. Cho nên nền văn học Việt Nam khó sản sinh một trường phái học thuật liên quan đến LLVH. Thời trung đại, khi mà văn-sử-triết bất phân, có những công trình của các bậc đại nho viết về văn chương nhưng chủ yếu cũng là hợp tuyển, bình giảng, bạt, tựa, thiên về phê bình văn học chứ chưa phải LLVH. Đến thời Pháp thuộc, bắt đầu xuất hiện một số công trình có tính chất LLVH của Phạm Quỳnh, Trương Tửu nhưng chưa đi đến cùng vấn đề. Chính do không có truyền thống nên phong trào nghiên cứu, học tập LLVH ở nước ta nhìn chung không đa dạng, sôi động.

Phải đến thời kỳ sau năm 1954, Nhà nước cử một số người sang Liên Xô và các nước khối xã hội chủ nghĩa đào tạo ngữ văn bài bản như Phạm Vĩnh Cư, Hoàng Ngọc Hiến, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Dân, La Khắc Hòa, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Lê Ngọc Trà, Trương Đăng Dung, Huỳnh Như Phương, Trịnh Bá Đĩnh… mới dần định hình đội ngũ tương đối chuyên về LLVH. Điều đáng quý ở thế hệ này là mỗi người thường đi sâu vào một hướng nghiên cứu và gặt hái thành công đáng nể: Trần Đình Sử nghiên cứu thi pháp học, Nguyễn Văn Dân nghiên cứu văn học so sánh và phương pháp luận, Trương Đăng Dung nghiên cứu tiếp nhận văn học, La Khắc Hòa nghiên cứu ký hiệu học, Trịnh Bá Đĩnh nghiên cứu cấu trúc luận…

Trong 20 năm đầu thế kỷ 21, xuất hiện một lứa những người nghiên cứu LLVH mới như: Phạm Xuân Thạch, Trần Văn Toàn, Phùng Ngọc Kiên, Hoàng Phong Tuấn, Cao Kim Lan, Phạm Phương Chi, Trần Ngọc Hiếu, Đặng Thái Hà… Môi trường, điều kiện làm việc của lứa trẻ này thuận lợi hơn so với thế hệ đi trước, tuy nhiên, họ vẫn cần thời gian học tập, nghiền ngẫm và rất cần tập trung vào từng lĩnh vực, chuyên ngành chuyên sâu, cụ thể.

Tiếp tục tạo nguồn đội ngũ lý luận văn học kế cận

PV: Ông cho biết một cách cụ thể việc ứng dụng thành tựu LLVH hiện nay ra sao để làm sáng rõ các vấn đề văn học Việt Nam?

PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: Điều đáng quý của các thế hệ làm LLVH ở Việt Nam là họ cố gắng vận dụng, soi chiếu, làm sáng rõ nhiều hiện tượng, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam như Hoàng Ngọc Hiến viết về Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đình Sử có những công trình lớn về “Truyện Kiều”, thơ Tố Hữu… Thế hệ trẻ như Cao Kim Lan qua lăng kính tự sự học nghiên cứu tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Xuân Khánh…

Nhà lý luận văn học, GS, TS Trần Nho Thìn(thứ hai, từ phải sang)nhận tặng thưởng mức A của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2019. Ảnh:THANH TÙNG
Nhà lý luận văn học, GS, TS Trần Nho Thìn(thứ hai, từ phải sang)nhận tặng thưởng mức A của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2019. Ảnh:THANH TÙNG

Tính ứng dụng, sự đa năng của những người làm LLVH ở Việt Nam giúp khuynh hướng tiếp nhận, thụ hưởng văn học trở nên khoa học, lành mạnh hơn, đặc biệt, đặt trong bối cảnh lý luận, phê bình văn học ở nước ta có nơi, có lúc xảy ra hiện tượng phê bình “đao búa”, “chụp mũ”, “cánh hẩu” hoặc trở nên lúng túng trong nhận xét, đánh giá trước các sự việc, hiện tượng mới mẻ. Thêm vào đó, hầu hết các nhà LLVH đều làm công tác giảng dạy ở bậc đại học nên họ có điều kiện truyền bá kiến thức, quan điểm mới mẻ, trực tiếp kiến tạo một lớp người nghiên cứu, độc giả có trình độ chuyên môn cao. Điều này góp phần nâng cao vị thế nghiên cứu văn học ở nước ta, đi đầu so với các ngành nghệ thuật khác.

PV: Là lĩnh vực khó, kén người theo đuổi, theo ông, cần có cơ chế, chính sách, đầu tư, quan tâm như thế nào để LLVH ở nước ta phát triển hơn?

PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn: Quan sát đời sống văn học những năm qua, tôi rất mừng khi những công trình LLVH của Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Dân, Trần Nho Thìn, Trương Đăng Dung, Cao Kim Lan… được trao các giải thưởng, tặng thưởng. Điều này chứng tỏ các hội đồng chuyên môn lẫn dư luận xã hội đánh giá cao chất lượng công trình và những nỗ lực thầm lặng, không biết mệt mỏi của các nhà LLVH. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, các nhà LLVH rất cần được quan tâm, hỗ trợ thiết thực hơn nữa trong thời gian tới. Chẳng hạn, cần hỗ trợ kinh phí để hoàn thành các bản thảo chất lượng, hỗ trợ in ấn theo diện Nhà nước đặt hàng. Hiện nay, mới chỉ có Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương là có hỗ trợ. Cần phải có dự án, đề tài dài hơi để tập hợp những người làm LLVH, nhất là những người trẻ tham gia để họ trau dồi, rèn luyện năng lực chuyên môn trong dịch, giới thiệu LLVH nước ngoài, ứng dụng nghiên cứu.

Việc cần làm trước mắt hiện nay là tiếp tục tạo nguồn đội ngũ LLVH kế cận. Ngày nay, không thể có nhà lý luận mà lại không biết ngoại ngữ, không dịch được một trang lý luận nào và đây cũng là một trong những điểm căn cốt để phân biệt nhà lý luận với nhà phê bình. Trong số sinh viên, nghiên cứu viên trẻ, cần chọn người giỏi ngoại ngữ, có tư chất nghiên cứu, có đam mê văn chương cử đi nước ngoài đào tạo như thế hệ trước đây để làm nòng cốt, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ. Khi đó, ắt sẽ có thêm công trình LLVH giá trị.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

Nguồn: qdnd.vn

Bài Viết Tương Tự

Next Post