Có những ngày tháng tôi liên miên ở trong những chuyến đi. Về chưa kịp ấm chỗ lại lên đường. Đi nhiều đến nỗi không dám nói với mẹ vì sợ mẹ lo, sốt ruột. Tôi gọi những chuyến đi là tích trữ kẹo ngọt vào trong túi. Rồi khi về Hà Nội, trong những ngày gió rét, mưa dầm chẳng hạn, thì ngồi thu lu trong nhà và nhẩn nha lấy những viên kẹo ấy ra nhấm nháp.
Rốt cuộc thì những chuyến đi sẽ mang lại cho ta điều gì?
Luôn là những điều tuyệt vời. Hẳn là như vậy.
Khi tôi cùng một người phụ nữ lớn tuổi, người ở thế hệ trước tôi, đứng dưới một gốc cây lê đang trổ hoa trắng muốt và nhìn lên những ngọn núi biếc xanh trước mặt, mây như bông vờn trên đỉnh, cô ấy nói như thốt lên rất khẽ: Đất nước mình đẹp quá! Và tôi chợt nhận ra rằng, tôi đã hạnh phúc hơn cô ấy nhiều. Ít nhất là ở khía cạnh, khi tôi bằng tuổi cô ấy tôi sẽ không phải thốt ra một câu tương tự, vì tôi đã nhận thấy điều đó từ khi còn trẻ tuổi. Rằng đất nước mình thật là đẹp.
Tôi hay chụp ảnh đôi chân mình khi đặt chân đến một vùng đất mới mẻ. Nó giống như là động tác đóng dấu lên bản đồ hành trình về những nơi đã ngang qua, và mình đã thương mến lắm. Có một lần, tôi và vài người bạn quyết định leo lên đỉnh một ngọn núi nổi tiếng trên dãy Tây Côn Lĩnh vào lúc 4 giờ chiều. Đấy là một quyết định liều lĩnh. Vì quãng đường thì không xa lắm, nhưng rất xấu. Những cơn mưa miền Tây đã xói mòn con đường được mở ra từ vách núi, chưa hề rải đá chứ đừng nói đến nhựa hay bê tông. Không ai leo Chiêu Lầu Thi vào quãng giờ đó cả. Nhưng bọn tôi cứ nhất quyết đi bừa, chỉ vì một lí do đầy tính điên rồ: Trên đó, nơi mà chúng tôi sẽ nghỉ qua đêm ấy, không có điện và cũng không có sóng điện thoại. Tức là, chúng tôi sẽ biến mất khỏi thế giới này ít nhất trong một đêm, một ngày. Cái cảm giác được biến mất giữa thế giới đầy những sản phẩm công nghệ siêu phàm của loài người thế kỉ XXI này nó hấp dẫn một cách kì lạ. Và thế là chúng tôi leo núi, trên một chiếc xe bò lồm ngồm như cua qua những hố sâu hoắm. Lúc đầu thì còn hăng hái vì hoàng hôn tuyệt đẹp, những cái cây không có lá, đầy rêu, nghều ngoào chĩa lên trời giữa biển sương mù đặc quánh như múc được. Chốc chốc lại dừng chụp ảnh, ngắm nghía, suýt xoa. Nhưng trời tối sập xuống rất nhanh. Nhanh đến phát kinh ngạc. Và việc vận hành chiếc xe bò đi giữa một bên vực sâu thăm thẳm, một bên vách núi dựng đứng thật là khó khăn. Một người phải xuống đi bộ, hướng dẫn cho người lái nắn chỉnh vô lăng từng centimet một. Không có người ở. Hoàn toàn không một bóng người, không một nếp nhà, không một tiếng gia súc gia cầm. Chỉ có tiếng côn trùng và một loài chim ăn đêm nào đó khúc khắc vang lên. Chín giờ tối mới đến chân núi. Và một nếp nhà hiện ra. Chủ nhà đang nấu nướng bữa tối, đợi đoàn lên. Và trong cái đêm rét buốt ấy, chắc chỉ tầm 5-6 độ, chúng tôi ngồi quây quanh bếp lửa và ăn bữa cơm ngon nhất trong nhiều thập kỉ đã sống trên đời. 4 giờ sáng hôm sau, cả đoàn lục tục gọi nhau dậy để leo núi. Phải leo mất hơn một tiếng đồng hồ thì mới tới đỉnh Chiêu Lầu Thi. Leo sớm để đón mặt trời. Ông chủ nhà nói, có ngắm được mặt trời hay không là do may rủi, tuỳ vào thời tiết. Thế nên cứ leo thôi. Trời nhiều sương đến nỗi sương bay táp qua mặt như mưa.
Và hôm ấy, thật là may mắn, mặt trời đã nhô lên thật rực rỡ và kiêu hãnh, với những tia sáng xuyên qua biển mây lộng lẫy như không có thật. Trong suốt cuộc đời làm một người Việt Nam, có lẽ đấy là một trong những khoảnh khắc tôi cảm thấy yêu đất nước này nhất. Và thấy thật là biết ơn vì đã được sinh ra.
Tôi sinh ra ở rừng, lớn lên ở rừng, trưởng thành bên những ngọn núi. Có những ngọn núi có tên, cũng vô vàn ngọn núi không tên. Núi là thứ mà người quê tôi có nhiều nhất, ai ai cũng sở hữu được, nhưng không đục đẽo ra mà duy trì sự sống được. Nhưng nói thế cũng không phải núi không có ích. Nó đã nuôi nấng bao nhiêu số phận, chiều chuộng và nâng niu bao nhiêu tâm hồn, để rồi dẫu có phiêu bạt đến đâu, cuối cùng chúng tôi vẫn muốn quay về.
Có lần tôi đi xe máy, lao qua một cây cầu treo. Cây cầu treo ngoạn mục nhất mà tôi từng đi qua. Dừng xe ở giữa cầu, nhìn xuống đáy vực, choáng váng vì nhìn thấy hàng trăm phiến đá tròn, to như lưng voi. Bạn cứ hình dung, đá tròn và nhẵn, và có màu như những viên cuội. Chỉ có điều chúng to khổng lồ. Chúng có lẽ đã ở đấy hàng triệu năm. Khó có lũ quét nào có thể khiến chúng lăn đi. Vực sâu hoắm đến rợn người, và đá nằm im lìm như ngủ. Đấy là lối vào một bản người Dao. Khi xưa chưa có cầu thì người ta phải đi vòng rất xa, rất xa, xuống dưới đáy vực để rồi đi qua. Từ đấy ra tỉnh lị còn chục cây số nữa. Người Dao ở đấy trông coi những gốc chè hàng trăm năm tuổi mọc cheo leo trên những đỉnh núi lạnh giá. Đây là nơi chè được coi là ngon nhất vùng Đông Bắc, là bởi vì nó nằm ở trên núi cao, quanh năm mát mẻ, và sườn núi lại quay về hướng đông. Thế nên chè rất ngọt, rất ít chát. Người ta luôn phải hái chè và mang về trước khi mặt trời mọc, để chè trong quẩy tấu chưa kịp héo vì chính hơi ấm của mình. Không ai nhớ hay biết những cây chè có từ bao giờ, tự mọc hay được trồng. Nhưng một người bạn tôi nói rằng: Tất cả những cây chè này đều có linh hồn. Chúng sẽ vui buồn theo ứng xử của người hái chè. Và kì lạ một điều, nếu như người ta không động đến nó, quên lãng nó đi, thì những cây chè ra búp nhiều vô cùng tận. Ra hối hả như thể không ra thì không kịp mất. Dường như chúng thấy hạnh phúc khi được lãng quên, hay là hạnh phúc vì cảm giác tự do? Chè, hay cây cỏ nói chung, cứ không có hơi người thì chúng mướt mát xanh tươi, vui vẻ háo hức mà xanh tươi. Vậy thì, rốt cuộc chúng ta đã làm gì để cây cối phải thu mình lại vậy?
Tôi luôn nhớ nhung những ngọn núi dù là tôi đã từng leo qua với đôi giày rách tướp, hay là chỉ có thể đứng ở chân núi mà nhìn lên. Tôi cũng tin rằng mọi ngọn núi đều có linh hồn, chúng luôn biết vui buồn cùng với vui buồn của muôn loài. Chỉ là, chúng ta đã sống quá vội vã, như thể không vội thì hoang phí mất cuộc đời, và cứ thế chà đạp lên thiên nhiên mà thôi.
Đỗ Bích Thuý