Đề tài chủ đạo mà nhà văn thường nhắc tới là hồi ức về chiến tranh, về công cuộc xây dựng quê hương đổi mới của đồng bào các dân tộc miền núi… Vừa qua, nhà văn lại cho ra mắt tập tiểu thuyết “Lốc rừng”. Đây là tập sách thứ 9 viết về công cuộc đấu tranh chống lại những thế lực xấu, xây dựng quê hương đổi mới của đồng bào dân tộc H’Mông ở bản Nùng Xín.
Bản Nùng Xín là bản của người dân tộc H’Mông thuộc xã Bình Thanh là một xã nghèo, bà con dân tộc nơi đây đói ăn quanh năm. Kỹ sư nông nghiệp loại ưu Trần Quốc Hoàng là con trai duy nhất của Anh hùng liệt sỹ Trần Quốc Trường. Nơi đây cũng là nơi những người bạn thân thiết đã từng chiến đấu với liệt sỹ. Noi gương cha, Trần Quốc Hoàng đã dám dời xa nơi phồn hoa đô thị, tình nguyện xung phong đến mảnh đất rừng núi hoang vắng nhận công tác ở Bình Thanh để đem sức trẻ và năng lực của mình góp phần xây dựng mảnh đất vùng biên viễn này trở nên giàu có. Bà con dân tộc bản Nùng Xín từ khi có kỹ sư Trần Quốc Hoàng về công tác đã được anh hướng dẫn cách áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, thay đổi giống cây trồng với giống ngô “nồi đồng cối đá” có năng suất cao chưa từng có và giống “CH -X” bông to và hạt chắc năng suất gấp hai lần giống cũ. Từ đó đời sống người dân bản Nùng Xín đã no đủ, chăn nuôi phát triển, lợn, gà, trâu, ngựa đầy đàn béo mập. Người dân Nùng Xín ai cũng rạng rỡ, tươi vui.
Cuộc sống người dân trong bản đang yên ổn thì những thế lực xấu lợi dụng tín ngưỡng để gây chia rẽ, hòng phá chính quyền của ta bằng việc tập hợp các giáo dân H’Mông ở khắp nơi về Nùng Xín để lập nên “Vương quốc H’Mông”. Các thế lực cầm đầu tự xưng là tổ công tác của Đức Vua nằm trong đường dây do bọn phản động nước ngoài tổ chức. Chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào H’Mông ở Bình Thanh, tung tiền xúi giục họ chống đối chính quyền. Chúng vận động đồng bào H’Mông các nơi, hù dọa họ bằng cách tuyên truyền chỉ vài ngày nữa cả thế giới sẽ chìm ngập trong trận đại hồng thuỷ, ai đến Nùng Xín sẽ được thế lực siêu nhân xuất hiện dùng đám mây bốc tất cả đến miền đất hứa, ở đó mọi người sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc rồi đưa mấy nghìn người đến Nùng Xín đòi thành lập vương quốc H’Mông.
Để giải quyết vấn đề tụ tập đông người, chống đối chính quyền này trực tiếp Phó Công an huyện Bàn Văn Lung cùng lực lượng tăng cường của tỉnh và huyện về Bình Thanh phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ đạo, vận động nhân dân tập trung sản xuất làm ăn, không theo bọn phản động. và “Gấp rút điều tra ra những kẻ cầm đầu tổ công tác của Đức Vua H’Mông đang có mặt tại Nùng Xín”. Trong cuộc họp bàn chớp nhoáng, trung tá Bàn Văn Lung khẳng định: “Hiện nay tình hình trên địa bàn xã Bình Thanh rất phức tạp, chúng ta chưa nắm được những người H’Mông ở khắp nơi kéo về đây đông đến thế nào? Chưa biết những kẻ cầm đầu tổ chức lôi kéo, dụ dỗ đồng bào là những ai? Cần phải kiên quyết với những thế lực phản động chống đối chính quyền, nhưng cũng phải nắm vững chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước với nhân dân để thuyết phục họ…. tự giác giải tán về quê yên ổn làm ăn…”.
Người H’Mông các nơi đổ về Nùng Xín vì tin và nghe theo những lời xúi giục mua chuộc của nhóm người gọi là Tổ công tác nhân danh “Đức Vua” được Trưởng bản Vương Thụ bao che. Chúng lợi dụng chính sách dân tộc và tự do tín ngưỡng của Nhà nước ta để làm càn, làm bậy. Sau một thời gian tìm hiểu xác định rõ căn cứ và đối tượng cầm đầu, Ban chỉ đạo vào cuộc tìm hiểu nghe ngóng, nắm bắt tình hình lường trước được những khó khăn, hậu quả hàng nghìn người dân về sinh hoạt, tụ tập ở bản sẽ không tránh khỏi bệnh tật để tìm phương cách ứng phó. Trưởng Ban chỉ đạo Bàn Văn Lung đã kết nối xin cấp trên chi viện với phương án lập các bệnh xá dã chiến, bổ sung thêm y, bác sỹ và cấp dự trữ thuốc men, nước và lương thực về bản để sẵn sàng cứu trợ cho dân khi gặp nạn. Sau vài ngày ở Nùng Xín, những người tụ tập cầu nguyện để được Đức chúa trời đưa về miền đất hứa, chủ yếu trẻ nhỏ và người già do nắng nóng, thiếu nước, thiếu lương thực dẫn đến nhiều người bị ốm, sốt … lan nhanh khắp Bình Thanh. Lúc này lực lượng bộ đội, công an đang làm nhiệm vụ nơi đây đã giúp đỡ người dân thoát khỏi cơn “bĩ cực” và tóm gọn toàn bộ bọn cầm đầu phản động.
Người Nùng Xín đã biết đứng dậy sau vấp ngã, nhân dân đồng lòng cùng chính quyền xây dựng lại Bình Thanh ngày một giàu đẹp. Người có công nhiều nhất được nhắc đến là Trần Quốc Hoàng, một cán bộ tài năng, dám nghĩ dám làm thay đổi giống cây trồng nâng cao đời sống cho dân với tấm lòng tận tuỵ cùng bản Nùng Xín phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng quê hương đổi mới. Nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước, Nùng Xín giờ đây đã no ấm, có đường bê tông chạy vòng quanh bản, có hệ thống nước dẫn về bản, đường sá được vệ sinh sạch sẽ, đường điện về bản như những vì sao nhấp nhánh giữa núi rừng. Nếp sống sinh hoạt của người dân được thay đổi, văn minh. Con người sống với nhau chan hoà, đầm ấm gắn kết cùng nhau qua việc làng, việc xã. Người bản Nùng Xín có nhà văn hoá, hệ thống thông tin liên lạc được nâng cấp thông suốt, con em đồng bào được cắp sách đến trường… Khắp bản Nùng Xín được phủ xanh một màu no ấm.
Tiểu thuyết “Lốc rừng” của nhà văn Vũ Quốc Khánh viết về quá trình đấu tranh vươn lên của người dân bản Nùng Xín chống lại những luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, vươn lên làm giàu, thoát nghèo xây dựng quê hương đổi mới. Tập thiểu thuyết có nội dung cốt truyện giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhiều chi tiết độc đáo đã tạo nên sức hấp dẫn của “Lốc rừng” mà nhà văn gửi đến bạn đọc.
TRẦN LIÊN