Tiếng cuốc kêu khản đặc, hụt hơi thể hiện nỗi lòng đau đáu “Bờ tre cuốc gọi tàn ngày, trắng đêm”. Có ai thấu hiểu nỗi lòng của tiếng cuốc kêu suốt ngày đêm không nghỉ? Tiếng cuốc trong tập thơ chính là tiếng lòng của tác giả. Anh đã mượn âm thanh tiếng cuốc kêu để thể hiện tình yêu quê hương đất nước, yêu cuộc sống, tình yêu đôi lứa, đến cuồng nhiệt của mình…
Mỗi bài thơ là một hình ảnh âm thanh mang tâm trạng đa sắc màu. Mở đầu tập thơ với lòng yêu quê hương đất nước tha thiết, tác giả như reo lên khi đứng trên ngọn núi Rồng:
” Cờ đỏ sao vàng tỏa ánh hồng tung bay phấp phới
Sông, núi, trời, mây vời vợi
Ngợp trong tám hướng mười phương
Hồn ta lâng lâng
Bay lên từ nóc nhà Tổ quốc”
(Nóc nhà Tổ quốc)
Hình ảnh Tổ quốc bao la rộng lớn được tác giả thu gọn trong tầm mắt, đẹp lạ kỳ. Tác giả ôm trọn Tổ quốc vào lòng lâng lâng choán ngợp cùng đất trời tươi đẹp.
Tình yêu quê hương đất nước còn được Xuân Thu gửi gắm qua hình ảnh con cò và những câu ca dao: “Con cò cắp câu ca dao/ Qua miền cổ tích bay vào giấc mơ” (Con cò và câu ca dao).
Có khi ta bắt gặp nhà thơ thốt lên những câu thơ chan chứa tình yêu quê hương đất nước tình yêu cuộc sống rạo rực, tha thiết:
“Gió hát, chim ca, đất trời xanh mê mải
Đời đẹp vô cùng đâu cũng thấy yêu thương”
(Phải lòng)
Tiếng “cuốc kêu” trong tập thơ phần nhiều thể hiện tình yêu đôi lứa ở những cung bậc tình cảm khác nhau. Khi thì là tình yêu trong trắng ngây thơ của tuổi học trò mơ mộng:
” Chưa hết ngẩn ngơ em đã vù cuối lớp
Bỏ lại tiếng cười và còn đây ánh mắt”
(Tiếng gọi “Anh” đầu đời)
Hoặc trong bài “Bói hoa” ấp ủ một tình yêu học trò vô vọng để rồi:
“Em theo người ấy, sân trường vắng hoe
Cuốc kêu rạc cả đêm hè
Ngậm sương hoa khóc ướt nhòe ánh trăng”
Tác giả lý giải màu tím hoa bằng lăng tuổi học trò cũng rất tự nhiên:
” Phút yêu đầu còn trinh nguyên mãi mãi
Áo trắng sân trường mực tím nhuộm màu hoa”
(Tím thế bằng lăng ơi)
Trái ngược với những bài thơ tình học trò e ấp, mộng mơ là những bài thơ tràn ngập tình yêu đôi lứa, nỗi khát khao được giao cảm hoan lạc cùng đất trời:
“Núi đôi mơn mởn non tơ
Khe sâu nước chảy, bãi bờ mịn hoang
Phập phồng mây thở xôn xang
Lim dim mắt gió mơ màng, chơi vơi…
Rùng mình nhật thực đất trời ăn nhau”
(Cái giấc đêm qua)
Tâm hồn nhạy cảm, tinh tế yêu đến cuồng nhiệt khiến anh cảm nhận được tất cả những hình ảnh núi, khe, bãi bờ, mây, gió… như đang cùng nhau giao cảm lạ kỳ.
Với tình yêu say đắm, nồng nàn, cuồng nhiệt như vậy nên tất cả những vật vô tri, vô giác ngoài cuộc sống bước vào thơ Xuân Thu cũng đều mang hơi thở khát khao yêu thương:
“Nhã My ơi! Tôi thảng thốt gọi tên
Con ong đói, khát khao dòng mật ngọt”
(Hoa Nhã my)
Tất cả cỏ cây, hoa lá mây, trời, sông nước đều được tác giả nhân hóa mang dáng dấp cử chỉ hành động của con người, nhà thơ thổi vào hồn thơ tâm trạng của một con người luôn khát khao yêu đương, khát khao kiếm tìm trong mộng ảo:
Gối đầu lên giấc chiêm bao
Vừa thiêm thiếp núi, đã dào dạt sông
Dập dềnh trên sóng bềnh bông
Khỏa thân ngọn gió, phập phồng ngực mây
…Bàng hoàng choàng tỉnh giấc mơ
Quờ tay mình vần tơ hơ một mình.”
(Giấc chiêm bao)
Hoặc trong bài thơ “Nõn nà xuân” thì sự mời gọi, phơi bày sức xuân không cưỡng lại được, để rồi nhà thơ phải thốt lên:
“Bật cúc áo tân niên, ngực tháng Giêng nõn nà rạo rực
Hớn hở xuân, trời đất ngả nghiêng say
Mơn mởn thế dịu dàng sao chịu được?
Vũ trụ bồng bềnh, hổn hển những vòng tay”
Ta bắt gặp trong thơ Xuân Thu sự đồng điệu của bóng đêm và nỗi nhớ Mỗi khi đêm đến là anh lại thao thức, muốn được bày tỏ niềm khao khát yêu, khao khát nhớ:
Phác thảo giấc mơ
Ký họa đêm cuồng nhớ
…Vắt kiệt đêm ngơ ngác mênh mông
Treo nỗi nhớ bằng muôn vàn dấu hỏi
…Anh hiện về trong giấc mơ
Xuân Thu phác thảo nỗi nhớ bằng những khoảng sáng tối đêm đen, nỗi nhớ người yêu nơi xa cứ đeo đẳng trong tâm trí nhà thơ không lúc nào nguôi, đặc biệt khi đêm xuống:
” Nhớ em đêm trắng tôi tìm trong mơ”
(Mưa cuối năm)
Hoặc trong bài thơ “Đêm qua” tác giả bày tỏ nỗi cô đơn, khát khao yêu đương trong hụt hẫng:
“Em giờ ở phía thương yêu
….Một người ở phía bềnh bông
Một người chết đuối cánh đồng đêm qua”
Mà điểm đỉnh của sự cô đơn hụt hẫng đó được nhà thơ bày tỏ qua tiếng “cuốc kêu” khản giọng, tàn hơi trong thinh lặng.
Thật bất ngờ, khi khép lại tập thơ lại là bài thơ “Em đến”. Một câu trả lời ý nghĩa hơn bao giờ hết “có em” mọi nỗi cô đơn, nhớ nhung, sầu buồn đều tan biến:
…”Bất chợt em đến
…Gọi anh bàng hoàng tỉnh giấc
…Em đem tình yêu, mùa xuân
Kết thành bài ca hạnh phúc
Đất trời hân hoan rạo rực
Từ đây, vang ngân, vang ngân…
Có thể nói tiếng “Cuốc kêu” trong thơ Xuân Thu chính là tâm trạng yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống, khao khát yêu, khao khát nhớ, muốn có một tình yêu say đắm, nồng nàn, cuồng nhiệt; muốn được giao cảm với đời với người là nỗi niềm mà nhà thơ muốn được gửi gắm qua tập thơ “Bờ tre cuốc gọi”.
Tr.L