Tác giả đã cho ra mắt 2 tập truyện và ký “Khúc quân hành vang mãi… vang xa” và “Người đánh thức đồi Nghê”. Mới đây, tác giả vừa cho ra mắt tập truyện và ký thứ 3 “Bác Hồ về thăm Nam Tiến” do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 9 năm 2021. Tập sách dày gần 500 trang chia làm 3 phần với 31 truyện và ký đã thể hiện tấm lòng của tác giả đối với Bác Hồ kính yêu.
Truyện ký “Bác Hồ về thăm Nam Tiến” là truyện ký trong phần thứ nhất: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tập truyện và ký, gồm 5 truyện và ký viết về những kỷ niệm của bạn bè, người dân Lâm Thao và chính tác giả với Bác Hồ. Tác phẩm “Bác Hồ về thăm Nam Tiến” kể lại những giây phút xúc động, cả xã Nam Tiến bất ngờ biết tin được Bác Hồ về thăm, đó là ước nguyện mà người dân Nam Tiến luôn mong mỏi: “Bác Hồ về thăm xã ta!… Bác Hồ về thăm xã ta!… Bà con ơi, hãy ra đón Bác”. Cả xã ai cũng vui mừng, phấn khởi, xúc động dâng trào, cùng ùa chạy ra đường cái, cuốn theo dòng người như nước chảy… chờ đón, để tận mắt nhìn thấy Bác Hồ. Khi Bác vừa bước trên ô tô xuống, cả dòng người cùng reo vang khẩu hiệu đón Bác: “Hồ Chí Minh muôn năm! Bác Hồ muôn năm”. Bác giơ tay vẫy chào nhân dân. Ai nấy đều hân hoan sung sướng ngắm nhìn Bác, gương mặt Người ánh lên hồng hào trong nắng mùa thu, đôi mắt tinh anh, mái tóc và chòm râu bạc trắng bay phất phơ trong làn gió nhẹ. Bác mặc bộ quần áo vải gụ, chân đi đôi dép lốp cao su, thật vô cùng giản dị, thân thiết và gần gũi bà con nông dân. Đó là cảm nhận ban đầu của tác giả Bùi Ngọc Quế – một thiếu niên 14 tuổi được tận mắt chứng kiến hình ảnh Bác Hồ về thăm quê hương Nam Tiến. Rồi ký ức những câu chuyện Bác Hồ kể và nói chuyện trong buổi thăm nhân dân xã Nam Tiến hôm đó được tác giả kể lại bằng tình cảm kính yêu và tâm trạng rất xúc động, qua từng cử chỉ quan tâm đến nhân dân trong xã từ những em nhỏ thiếu nhi, đến bà con xã viên, rồi đến thăm hộ gia đình bà con trong xã… Đi đến đâu Bác cũng quan tâm động viên thăm hỏi sức khoẻ, răn dạy những câu chuyện có ích về đức tính chịu thương chịu khó, cần cù của bà con, Bác nhắc nhở bà con ăn ở phải giữ gìn vệ sinh rồi không được tham ô, lãng phí… Những lời răn dạy đó luôn được bà con, nhân dân Nam Tiến và bản thân tác giả khắc ghi rèn luyện phấn đấu. Ngày nay xã Nam Tiến trở thành thị trấn Lâm Thao, trung tâm chính trị – kinh tế – xã hội của huyện Lâm Thao anh hùng. Từ năm 2006, để ghi nhớ công ơn của Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Lâm Thao đã xây dựng “Nhà văn hoá lưu niệm Bác Hồ” và “Bia đá ghi lời dạy của Bác Hồ” trên chính nơi mà ngày 19/8/1962 Bác Hồ đứng nói chuyện với nhân dân xã Nam Tiến. Đây là nơi in đậm hình ảnh Bác Hồ không thể quên trong trái tim người dân Nam Tiến. Đó là niềm vinh dự, tự hào đối với người dân Lâm Thao nói riêng và nhân dân quê hương đất Tổ Vua Hùng nói chung. Nơi đây đã trở thành Di tích lịch sử Văn hoá cách mạng. Tác giả Bùi Ngọc Quế viết: “Tôi bồi hồi xúc động nhớ lại kỷ niệm sâu sắc nhất trên đời, có vinh dự và may mắn được một lần cùng nhân dân quê hương đón Bác về thăm. Nay dù Bác đã đi xa… tình cảm cách mạng thiêng liêng cao cả và bài học lịch sử quý giá về: – Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, suốt đời cống hiến hy sinh vì nước vì dân” vẫn luôn được bản thân tác giả Bùi Ngọc Quế và nhân dân Lâm Thao nhớ mãi.
Truyện ký “Bác Hồ về thăm Nam Tiến” của Bùi Ngọc Quế là tác phẩm có giá trị tư tưởng sâu sắc, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay cũng như mai sau biết quý trọng những thành quả cách mạng mà cha ông ta để lại. Khắc ghi lời dạy của Bác, phấn đấu học tập, rèn luyện xứng đáng là người công dân tốt, giúp ích cho gia đình, quê hương.
TRẦN LIÊN