Khi nói tới mối quan hệ qua lại giữa các ngành nghệ thuật, tới sự trợ giúp và ảnh hưởng lẫn nhau của chúng; cũng như sự tác động của các loại hình nghệ thuật khác tới sự sáng tạo mỹ thuật ứng dụng thì không thể không đề cập đến một số khái niệm cơ bản chung nhất của nghệ thuật. Trước hết, nghệ thuật là một hình thức do con người tạo ra để lĩnh hội thẩm mỹ về thế giới. Trong quá trình lĩnh hội thẩm mỹ, con người nhận thức và cải tạo thế giới theo các “quy luật của cái Đẹp”. Các Mác cho rằng: sáng tạo theo các “quy luật của cái Đẹp” có nghĩa là phát hiện ra cái Độ vốn có ở sự vật và tính tới cái Độ ấy trong quá trình cải tạo hiện thực. Độ được hiểu là sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng, giữa cái bên trong và cái hên ngoài, giữa tính thẩm mỹ và tính ứng dụng của một sự vật. Tìm ra được “quy luật của cái Đẹp” chính là phát hiện ra Độ và tính đến nó trong sáng tạo nghệ thuật.
Khi một tác phẩm nghệ thuật hay một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng biểu thị được hai yếu tố sau thì chứng tỏ ở tác phẩm đó đã đạt đến sự hài hoà, đã đạt tới tính hoàn thiện :
1/ Toàn bộ thuộc tính tự nhiên của vật thể (từ bên trong bản chất của nó). Một sản phẩm tạo dáng design dù có mang hình thù kỳ lạ đến đâu chăng nữa chẳng hạn như một chiếc ghế salon có hình dáng y hệt chiếc găng tay của võ sĩ đấm bốc, thì các thuộc tính tự nhiên của một chiếc ghế vẫn phải được bảo đảm: phần mặt để ngồi (có thể có lưng dựa hoặc không) và các điểm đặt xuống đất phải đủ chắc chắn để ghế không bị lật và chính thuộc tính tự nhiên này làm cho người sử dụng vẫn có thể nhận ra đó là đồ vật dùng để ngồi chứ không phải là một cái gì khác.
Nghệ thuật là loại hình hoạt động tư duy hình tượng; do đó đặc trưng của nghệ thuật gắn liền với những đặc điểm của tư duy hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật của tác phẩm cũng chính là giá trị của tác phẩm. Vì thế đối với nghệ thuật, hình thức có một vai trò vô cùng quan trọng và hình thức – chính là – nội dung của tác phẩm. Không đẩy được hình thức lên, không tìm được hình thức biểu hiện phù hợp thì cũng có nghĩa là không có một nội dung nào cả. Hình tượng nghệ thuật là sự phản ánh cái chung thông qua cái cá biệt (cá hiệt: chỉ tiêu biểu cho một hiện tượng nhất định, một con người nhất định). Nhưng chính cái cá biệt lại tạo nên ảo giác về tính tồn tại hiện thực của đối tượng phản ánh trong tác phẩm và đó cũng chính là sức hấp dẫn của tác phẩm. Trong nghệ thuật, khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ là ở chỗ tạo ra càng nhiều ảo giác thì tác phẩm càng thành công. Khi ấy, tác phẩm sẽ để lại ấn tượng và đưa đối tượng cảm nhận thẩm mỹ vào sự tưởng tượng phong phú, nhiều chiều, đa nghĩa, từ đó tác phẩm đánh thức được cảm xúc ở con người. Lao động nghệ thuật là lao động nhào nặn, sáng tạo các ấn tượng. Trong nghệ thuật, ấn tượng và cảm xúc là linh hồn của tác phẩm. Nếu không gây được (truyền cảm được) ấn tượng hoặc cảm xúc thì chứng tỏ tác phẩm chưa đạt tới hình tượng nghệ thuật – Bởi, đặc tính của hình tượng nghệ thuật là nhận thức cảm tính trực tiếp (cảm tính trực tiếp: ấn tượng, cảm xúc). Đặc điểm tiêu biểu của hình tượng nghệ thuật là ở tính đa nghĩa của hình tượng nghệ thuật, đã tạo nên sự không phủ định (không bị “bãi bỏ”); tính ngẫu nhiên (tình cờ) tạo nên sự không lặp lại; tính đơn nhất (cá biệt) tạo nên cái không già đi (cái mới) của tác phẩm. Chính vì thế, tính đa nghĩa, tính ngẫu nhiên, tính mới là nguyên tắc sáng tác, là linh hồn của tất cả các ngành nghệ thuật. Mà cũng chính từ đây các ngành nghệ thuật có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho nhau rất hữu hiệu. Ở tất cả những khái niệm chung, phần linh hồn chung nhất của các ngành nghệ thuật (tính đa nghĩa, tính ngẫu nhiên, tính mới) làm cho ranh giới giữa chúng chỉ là tương đối. Từ đây ta có thể thấy ở mỗi loại hình nghệ thuật đều có sự kết hợp và xen quyện của những đặc điểm cho phép ghép nó với những loại hình nào đó của sáng tạo nghệ thuật trên những nền tảng khác nhau.
Qua việc phân tích trên, ta đã phần nào hiểu được những khái niệm chung nhất của các ngành nghệ thuật. Nhưng riêng đối với mỹ thuật ứng dụng thì trước hết cần hiểu rõ đặc trưng của nó. Mỹ thuật công nghiệp chính là nghệ thuật ứng dụng, mà cội rễ sâu xa của nghệ thuật ứng dụng đã được Gorki nêu rõ “những người sáng lập nghệ thuật là những người thợ gốm, thợ rèn, thợ kim hoàn, thợ dệt, thợ đá, thợ mộc, những người chạm khắc trên gỗ và trên xương, những người chế tạo vũ khí, thợ quét vôi, thợ may và nói chung là những người thợ thủ công – những người mà các đồ vật của họ làm ra một cách nghệ thuật, làm vui mắt chúng ta và chứa đầy trong các bảo tàng của chúng ta”. Nghệ thuật ứng dụng trực tiếp lớn lên từ hoạt động lao động của con người, thoả mãn các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người, nên nó phải đáp ứng cho các nhu cầu của con người về mặt công năng để theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Nhưng khi khoa học kỹ thuật đã đạt đến đỉnh cao, sự chênh lệch về chất lượng, nguyên liệu, giá cả không còn là vấn đề lớn thì mục đích thẩm mỹ của sản phẩm lại trở thành yếu tố quan trọng thu hút người dùng. Từ đó sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trở thành phương tiện thể hiện các biểu tượng của con người về cuộc sống, xây dựng thị hiếu thẩm mỹ cho con người; đồng thời là phương tiện thể hiện các biểu tượng của con người về cuộc sống, tạo nên tâm trạng, khơi dậy cảm xúc tích cực, yêu đời. Đặc điểm của nghệ thuật ứng dụng là sự kết hợp hữu cơ giữa mục đích công năng và mục đích thẩm mỹ của đồ vật. Đó là ngành nghệ thuật kết hợp cái có Ích và cái Đẹp với nhau.
Một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng khi giải quyết được triệt để mối quan hệ giữa mục đích sử dụng và mục đích thẩm mỹ là đã đạt tới độ hoàn thiện – đó chính là cái đẹp của nó. Với đặc trưng phục vụ các nhu cầu của con người, mỹ thuật ứng dụng đã trở thành một ngành nghệ thuật ra đời sớm nhất, có ảnh hưởng bao trùm nhất.
Nghệ thuật được xem như một chỉnh thể thống nhất, nhưng thực tế nghệ thuật chỉ tồn tại trong tính muôn vẻ của các loại hình nghệ thuật riêng lẻ. Mỹ thuật ứng dụng là một ngành nghệ thuật tồn tại song song với các ngành nghệ thuật khác. Vì thế, sau khi đã hiểu được đặc điểm chung của nghệ thuật và của mỹ thuật ứng dụng ta cần xem xét sự tác động qua lại giữa mỹ thuật ứng dụng với các ngành nghệ thuật khác như: văn học, âm nhạc, sân khấu, hội họa… Để tạo nên được một sản phẩm, người họa sĩ thiết kế cần phải hiểu được sự ảnh hưởng của các ngành nghệ thuật khác tới mỹ thuật công nghiệp thông qua hai yếu tố:
1/ Chịu sự ảnh hưởng của các nguyên lý thẩm mỹ cơ bản, làm nền tảng cho các sáng tác (kích thước, hình dáng, tỷ lệ, mầu sắc, chất liệu…). Vì mỹ thuật ứng dụng góp phần tạo nên các sản phẩm ứng dụng cho xã hội, nên cùng với sự phù hợp về công năng, kỹ thuật thì nó phải thỏa mãn được mục đích thẩm mỹ của con người, nó cần phải có những phong cách mới, gây ấn tượng và đưa đến cho con người những khoái cảm thẩm mỹ thực sự. Ví dụ: khi sơn các xe ô tô, nhà sản xuất thường tạo ra nhiều màu sắc, ngày nay càng có xu hướng dùng màu nguyên (màu cơ bản) rực rõ, tươi tắn, hình đáng chau chuốt, pha chút ngộ nghĩnh. Do các nhà sản xuất muốn tạo nên sự phong phú, vui vẻ, giảm bớt sự căng thẳng cho con người khi phải tham gia giao thông; đồng thời trong xã hội công nghiệp và nhiều thông tin như ngày nay con người chỉ có đủ thời gian để ghi nhận những sự vật nào đập ngay vào mắt mình bởi màu sắc của nó. Ta hãy tưởng tượng, nhìn từ trên một ngôi nhà cao tầng xuống một con đường, những dòng xe đủ màu sắc như những hòn bi nhiều màu của trẻ em, sẽ đẹp hơn rất nhiều so với những dòng xe chỉ có một mầàu như những chứ bọ hung đang cắm đầu mải miết.
Hay ví dụ về loại hình quảng cáo trên màn hình lớn, với hiệu ứng 3D nổi bật ra khỏi khung hình, gây hiệu ứng thị giác vô cùng bất ngờ và bắt mắt. Sản phẩm mỹ thuật ứng dụng này tạo nên dưới sự ảnh hưởng lớn của các nguyên lý thẩm mỹ cơ bản: màu sắc, ánh sáng, hình khối và dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ. Các tác phẩm này làm cho thành phố đẹp hơn, hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó văn học cũng có nhiều ảnh hưởng. Văn học thể hiện sự cảm thụ, tình cảm trước hiện thực, các hình tượng văn học dễ gần gũi với con người và kích thích trí tưởng tượng, gợi ý cho những ý tưởng sáng tạo. Ví dụ như khi trang trí bìa cuốn truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, người hoạ sĩ đã sử dụng hình ảnh nhân vật chính với những nét vui vẻ ngộ nghĩnh pha chút nghênh ngang của tuổi mới lớn cùng với màu sắc tươi tắn, phông chữ tự do theo lối viết nguệch ngoạc của học sinh. Hoặc chính các hình tượng văn học đã là cảm hứng cho các nhà thiết kế tạo nên các búp bê, đồ vật mang hình dáng của các nhân vật trong truyện như Doraemon, Kitty, Người nhện…
Sự ảnh hưởng của các ngành nghệ thuật khác tới mỹ thuật ứng dụng ở đây là sự ảnh hưởng của các nguyên lý nghệ thuật nói chung, nhằm đáp ứng được nhu cầu của con người về thẩm mỹ đối với bản thân và đối với môi trường sống xung quanh. Để đáp ứng được nhu cầu này, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đã góp phần đáng kể vào việc tạo nên vẻ đẹp cho thế giới loài người mà từ hàng nghìn năm nay họ vẫn vun đắp và mong đợi cho nó ngày càng hoàn thiện hơn.
2/ Các ngành nghệ thuật khác ảnh hưởng tới sự sáng tạo mỹ thuật ứng dụng bởi tính công năng của nó. Mỹ thuật công nghiệp là ngành mỹ thuật ứng dụng, sản phẩm mỹ thuật công nghiệp không chỉ đẹp về hình thức, mà trên hết nó phải thuận tiện cho việc sử dụng, phù hợp với thói quen của con người. Chính yêu cầu về công năng này đã khiến người hoạ sĩ thiết kế, ngay đầu tiên đã phải tính đến và đưa ra lời giải đáp cho hình thức của sản phẩm. Trong mối quan hệ với các ngành nghệ thuật khác, yếu tố này càng trở nên tất yếu vì:
* Thứ nhất là, chính mỹ thuật ứng dụng đã góp phần tạo ra các phương tiện, công cụ cho các ngành nghệ thuật khác.
* Thứ hai là, trong một số ngành nghệ thuật như sân khấu, múa, âm nhạc thì tính thẩm mỹ của các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng (trang phục, phông màn, nhạc cụ trình diễn…) trở thành tính ứng dụng của các sản phẩm dó.
Xem xét khía cạnh thứ nhất, do các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng là phương tiện để các ngành nghệ thuật khác sử dụng, nhưng mỗi loại hình nghệ thuật đều có đặc thù riêng, nên những ngành nghệ thuật đó cần có những sản phẩm với những yêu cầu riêng. Ví dụ như: để tạo ra một chiếc đàn ghita phục vụ cho nghệ thuật sân khấu biểu diễn (kịch nói, múa), người thợ sẽ không cần phải chú ý tới chất lượng âm thanh mà chỉ cần chú ý tới hình thức của nó để trình diễn. Vì yếu tố đặc thù của sân khấu là ánh sáng, thời gian, bối cảnh, các động tác của diễn viên. Còn đối với một chiếc đàn ghita để biểu diễn âm nhạc thì người thợ phải đặc biệt chú trọng tới hình dáng, cấu tạo bên trong của chiếc đàn và chất liệu để tạo nên sự chuẩn xác của từng âm thanh. Vì trong âm nhạc, chiếc đàn chính là phương tiện duy nhất để tạo nên nghệ thuật âm nhạc, người thợ phải làm cho chiếc đàn đạt được một hiệu quả âm thanh tối ưu nhất. Như thế, mục đích của sản phẩm đã chi phối người sáng tạo. Ta có thể lấy một ví dụ khác để thấy được nghệ thuật kiến trúc đã ảnh hưởng như thế nào tới mỹ thuật ứng dụng. Trong việc tạo ra những chiếc ghế cho Nhà hát Lớn thì chiếc ghế cần phải làm cho người ngồi cảm thấy êm ấm, thoải mái như ở nhà mình, và nó còn phải có hình thức phù hợp với phong cách trang trí nội thất kiểu châu Âu của nhà hát. Ở đây, yêu cầu thẩm mỹ của nghệ thuật kiến trúc (phong cách trang trí nội thất của nhà hát) đã chi phối sự sáng tạo mỹ thuật công nghiệp (hình thức của chiếc ghế, chất liệu sử dụng, kích thước). Lúc này, công năng của mỹ thuật công nghiệp đã tạo nên thành công cho nghệ thuật kiến trúc. Ngược lại, phong cách kiến trúc của một công trình đã gợi ý để thiết kế nên chiếc ghế.
Xem xét khía cạnh thứ hai, trong một số ngành nghệ thuật như nghệ thuật trình diễn, âm nhạc, điện ảnh yếu tố công năng sử dụng của sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đã hòa đồng cùng hình thức thẩm mỹ của nó. Ví dụ: để tạo nên trang phục cho một bộ phim, ngoài việc chú ý để bộ quần áo này vừa với dáng vóc của diễn viên, người thiết kế cần phải tạo ra kiểu dáng trang phục sao cho phù hợp với nội dung kịch bản, chất liệu, màu sắc sao cho phù hợp với không gian, ánh sáng của cảnh quay. Các yếu tố này phải tính đến để sau khi dựng thành phim sẽ có khuôn hình đẹp. Vậy ở trường hợp này, tính thẩm mỹ của sản phẩm mỹ thuật ứng dụng (hình thức của bộ trang phục) đã trở thành công năng sử dụng của nó.
Trong việc xem xét mối quan hệ của các loại hình nghệ thuật khác tới mỹ thuật ứng dụng cần phải tính đến mục đích sử dụng của sản phẩm; có khi là công năng, cũng có khi là hình thức. Điều đó phụ thuộc vào đặc thù, yêu cầu của từng ngành nghệ thuật mà sản phẩm mỹ thuật ứng dụng được tạo ra. Một ví dụ điển hình cho sự ảnh hưởng của âm nhạc tới mỹ thuật ứng dụng, đó là chiếc đàn đá. Người xưa đã biết đẽo gọt các hòn đá với hình dáng, kích thước khác nhau để tạo nên những cung bậc âm thanh khác nhau. Những hòn đá to nhỏ này đã tạo nên chiếc đàn đá nổi tiếng độc đáo và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam bởi những âm thanh trong trẻo, kỳ thú. Như vậy, âm nhạc đã quy định hình dáng của các hòn đá (cũng được coi là sản phẩm mỹ thuật công nghiệp thời xa xưa) bằng mục đích sử dụng hay tính công năng của nó.
Ngoài việc xem xét các mối quan hệ này, chúng ta còn cần phải tính đến sự tác động trở lại của mỹ thuật ứng dụng tới các ngành nghệ thuật khác. Khi đó, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng lại trở thành khách thể được phản ánh, thành nguồn sáng tác cho các ngành nghệ thuật khác. Ví dụ: chiếc xa kéo sợi, chiếc khung cửi từ lâu đã là một phần không thể thiếu được trong đời sống gia đình của người thợ đệt hoặc của đồng bào vùng cao; nhưng trong hội hoạ, văn học, sân khấu hình ảnh này được sử dụng để nói lên sự no ấm, hạnh phúc của gia đình. Hình tượng người phụ nữ kéo sợi được sử dụng dễ diễn tả tính đảm đang, chăm chỉ của người phụ nữ nói chung.
Mối quan hệ giữa mỹ thuật ứng dụng và các ngành nghệ thuật khác rất khăng khít, cái nọ chi phối cái kia, cái nọ sử dụng hình tượng, nội dung của cái kia để tạo thành tác phẩm của mình. Trong mỗi sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đẹp luôn có sự hiện diện của các loại hình nghệ thuật khác. Chính điều này làm cho người sử dụng cảm thấy thích thú vì luôn phát hiện thêm được nhiều điều mới từ các công cụ, vật dụng thân quen của mình. Ví dụ như một bộ ấm chén dùng để uống nước có cái ấm hình lạc đà và người kéo làm cho khi sử dụng ta lại nhớ tới câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm” ở đất nước Ba Tư hay bộ ấm chén gia đình thỏ làm ta nhớ đến câu chuyện cổ tích thời thơ bé.
Người sáng tạo ra các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng cần phải hiểu rõ mối quan hệ đó, cũng như các mới quan hệ khác giữa mỹ thuật ứng dụng và đời sống hằng ngày để tạo nên các sản phẩm hoàn chỉnh. Như đã nói ở trên, sự sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng thông qua một cá nhân là chủ thể sáng tạo và tác phẩm bao giờ cũng mang phong cách, đặc điểm của cá nhân đó. Có nhà thiết kế thiên về tính công năng, tính ửng dụng cho các sản phẩm của mình hơn, cho nên đối với họ cái gì tiện dụng là cái Đẹp. Có nhà thiết kế khác lại coi trọng hình thức hơn, họ không tính đến công dụng của sản phẩm mà chỉ dùng nó làm cái cớ để sáng tác chẳng hạn như có những chiếc bình gốm được trang trí rất cầu kỳ, người thợ đã dồn bao tâm sức và tài năng vào đó, làm cho chiếc bình trở thành một tác phẩm điêu khắc trang trí thực sự.
Trong mỹ thuật ứng dụng cũng cần phải nói tới nghệ thuật quảng cáo. Đó là một ngành mới được phát triển mạnh trong những năm gần đây, khi các sản phẩm tràn ngập thị trường và giá cả không có sự chênh lệch nhiều, các nhà sản xuất đều biết chú trọng tới việc nâng cao chất lượng, hình thức của sản phẩm – thì một yếu tố duy nhất trong sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, các công ty là nghệ thuật quảng cáo và càng ngày nó càng được coi trọng như một chính sách kinh doanh của họ. Nghệ thuật quảng cáo chính là ngành nghệ thuật tổng hợp, bao gồm tất cả các lĩnh vực giao tiếp và thông tin, ở đây có sự tham gia của hầu hết mọi loại hình nghệ thuật và dĩ nhiên các sản phẩm quảng cáo biểu hiện được một cách trực tiếp nhất mối quan hệ giữa mỹ thuật công nghiệp và các loại hình nghệ thuật khác. Ví dụ như: quảng cáo cho nước khoáng Lavie, ngoài các áp phích, tờ rơi, tờ gấp dưới nhiều hình thức, ta đã có thể thấy ngay được ở đây có sự đóng góp của nghệ thuật tạo hình: màu sắc, tạo dáng sản phẩm, bố cục; của văn học: các slogan quảng cáo và của âm nhạc… Ngoài ra, hiện nay nhờ các phương tiện khoa học kỹ thuật mà việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông trở nên dễ dàng, phổ biến hơn: quảng cáo trên truyền hình, các màn hình quảng cáo trên đường phố, quảng cáo trên mạng, áp-phích dùng ánh sáng.
Qua việc phân tích trên ta có thể thấy được một số yếu tố cần thiết để tạo ra được sản phẩm mỹ thuật ứng dụng: Việc đầu tiên phải tính đến mục đích, công năng, tính tiện dụng của sản phẩm, nghiên cứu để tìm ra các yêu cầu cơ bản. Tiếp đó cần phải tìm hiểu đối tượng sử dụng, đó là các chủ thể như con người, tự nhiên, xã hội hay các ngành nghệ thuật khác. Sau đó cần phải xét dến môi trường tồn tại của sản phẩm mỹ thuật ứng dụng như không gian, thời gian, thị hiếu thấm mỹ chung, trình độ dân trí… Sau khi nghiên cứu một cách toàn diện, người thiết kế mới tạo ra được một sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, mang dáng dấp thời đại và sự đặc sắc trong phong cách sáng tác. Đó mới là cái đích cuối cùng mà người nghệ sĩ thiết kế cần đạt đến. Trong thực tế sáng tạo càng nhận thấy rõ được mối quan hệ giữa mỹ thuật ứng dụng với các loại hình nghệ thuật khác, tuân theo ba yếu tố cần thiết (tính đa nghĩa, tính ngẫu nhiên, tính mới) khi sáng tác, chúng ta càng nhanh chóng tìm ra hướng đi mới, đúng đắn, chủ động tạo nên nét đặc sắc cho sản phẩm.
Mỹ thuật ứng dụng là một ngành nghệ thuật bao trùm, phong phú, đa dạng và có lịch sử lâu đời. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, qua quá trình lao động sáng tạo, mọi sản phẩm do con người làm ra đều nhằm thoả mãn nhu cầu về thẩm mỹ và nhu cầu sử dụng của chính họ. Đồng thời trong quá trình đó, các loại hình nghệ thuật khác cũng có ảnh hưởng, tác động không nhỏ tới việc sáng tạo mỹ thuật ứng dụng. Là hoạ sĩ thiết kế cần phải hiểu và giải quyết tốt mỗi quan hệ này cũng như mối quan hệ giữa công năng sử dụng và hình thức thẩm mỹ, nhằm tạo ra những sản phẩm vừa tiện dụng vừa đẹp về hình thức. Đó cũng chính là những yểu tố cơ bản tạo nên sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hoàn hảo. Vì chỉ khi đó sản phẩm mỹ thuật ứng dụng mới đạt tới độ hoàn thiện, để lại ấn tượng sâu sắc và tạo ra cảm xúc thẩm mỹ cho người thưởng thức. Một nhà văn, nhạc sĩ, kiến trúc sư hay một bác nông dân ngồi rỗi gọt cái điếu cày đều có thể trở thành một nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng khi họ tạo ra những sản phẩm tiêu dùng, nhưng những người thiết kế chuyên nghiệp cần nhận thức đúng để có thể sáng tạo ra các sản phẩm hoàn hảo hơn, có thẩm mỹ hơn, làm đẹp cho cuộc sống. Đó là niềm vui thích, say mê của mỗi người họa sĩ thiết kế nói riêng và cũng là trách nhiệm của ngành mỹ thuật ứng dụng nói chung.
Bùi Minh Hải