Con đường dải bê tông ngoằn ngoèo, men theo những đồi chè xanh mát dẫn đến nhà thương binh 2/4 Nguyễn Hữu Hồng, ở khu 10 xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ. Đón khách bằng hương chè phảng phất, bác Hồng niềm nở bắt tay tôi và đồng chí Chủ tịch Hội CCB thị xã Phú Thọ, bác mời chúng tôi vào tham quan mô hình HTX Chè Phú Thịnh đặt trong khuôn viên gia đình.
Chè mới sao xếp thành đống cao như núi, tỏa hương thơm dịu. Những guồng máy chế biến chè đang hoạt động rào rào; hỏi về quy trình chế biến chè chị Bùi Thị Lý thành viên của Hợp tác xã đang đảo, rũ chè cho biết: Để tạo được thương hiệu chè ngon có chất lượng thì quy trình chế biến chè phải đảm bảo theo từng khâu kỹ càng. Búp chè tươi thu hái được gom về tập hợp trong kho để khoảng 4 – 5 tiếng cho lá chè se héo bớt, cứ khoảng một tiếng lại phải đảo rũ một lần để chè được tơi xốp và thoát nước đều. Sau đó đến quy trình diệt men trong lò tôn quay ở nhiệt độ 280 – 300 độ C với thời gian 2 – 3 phút, cho vào máy vò phải đảm bảo đúng kỹ thuật thì nước chè sau này pha mới tươi xanh; tiếp đó cho vào máy sấy, sao rồi đổ ra ủ nguội, phân loại mới đóng gói hút chân không.
Qua trò chuyện tôi được biết, thương binh Nguyễn Hữu Hồng nhập ngũ năm 1972, huấn luyện tại C4TD805 F304 ở Thái Nguyên sau đó được điều động đi B vào tháng 6/1973 ở tiểu đoàn 1(D15E4), mặt trận Bình Trị Thiên Huế, đến 1975 đất nước giải phóng tiếp tục ở lại dò gỡ mìn, xây dựng đập thuỷ lợi, giúp dân phát triển kinh tế ở xã Tíc Tường Như Lệ, thị xã Quảng Trị lúc bấy giờ. Năm 1978 được tăng cường đi học lớp Trung sĩ ở Bình Định, tháng 2/1979 được phong làm Đại đội trưởng C3V1E4F337 Quân khu I, sau đó ra Bắc bảo vệ biên giới phía Bắc đóng quân ở Lạng Sơn thuộc tiểu đoàn 1E4F337 Quân khu I. Năm 1984 trong một trận đánh bác Hồng bị thương vào đầu và cánh tay, vết thương thấu vào phổi được chuyển về bệnh viện 110 điều trị ở Bắc Ninh, sau khi bình phục quay về đơn vị đến tháng 10/1988 xuất ngũ về địa phương, hưởng chế độ thương binh 2/4.
Thương hiệu chè Phú Thịnh được thương binh Nguyễn Hữu Hồng gây dựng trải qua nhiều khó khăn: Sau khi phục viên về địa phương, hoàn cảnh gia đình bấy giờ rất nghèo, bác Hồng phải làm đủ thứ nghề để sinh sống mà vẫn không đủ ăn. Năm 1990 bác Hồng và một số anh em bộ đội phục viên được chính quyền địa phương xã quan tâm giao bảo vệ 10 ha rừng trồng cây bạch đàn thí nghiệm của nhà nước. Sau 10 năm hết chu kỳ khai thác bác đã mạnh dạn cùng anh em trong đội bảo vệ mua lại toàn bộ số gốc bạch đàn đã khai thác để lấy bạch đàn chồi, sau đó nhận lại số đất rừng và bàn với mọi người thay đổi giống cây trồng, kết hợp chăn nuôi phát triển kinh tế. Phá bạch đàn trồng hồng nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhiều đêm trăn trở, tìm hiểu nghiên cứu bác chuyển hướng sang trồng cây chè. Vì đây là một loại cây thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đồi núi trung du Bắc Bộ. Từ ý nghĩ đến việc làm bác đã học hỏi về kỹ thuật trồng chè trên các phương tiện thông tin đại chúng, rồi về các địa phương ở Thái Nguyên có kinh nghiệm trồng chè lâu năm để lựa chọn giống chè thích hợp trồng trên diện tích hơn 1ha, sau 3 năm trồng thấy hiệu quả, bác đã nhân dần trên diện tích đất đồi hơn 3ha của gia đình. Nhưng rồi giá chè bấp bênh sản phẩm chưa có hiệu quả kinh tế cao, phần lớn chỉ bán tươi cho các nhà máy và thương lái. Bài toán làm thế nào để nâng cao giá thành sản phẩm lại làm bác thao thức? Bác lại lần mò về Viện Giống chè phía Bắc tìm hiểu lựa chọn giống chè mới có giá trị kinh tế cao thay giống cũ kém chất lượng. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các lớp tập huấn do Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tổ chức, vượt hơn trăm cây số mày mò sang tận làng chè Tân Cương Thái Nguyên để học hỏi kinh nghiệm chế biến và các mô hình phát triển… Trong đó có việc phát triển các làng nghề sản xuất chế biến chè, bác lại vận động các hộ dân trồng chè trong xã liên kết hỗ trợ đổi công lao động, chia sẻ với nhau về kỹ thuật trồng, chăm sóc sản xuất chè theo mô hình phát triển làng nghề. Tháng 12/2014 làng nghề sản xuất chế biến chè Phú Thịnh được thành lập với 130 hộ tham gia. Tuy nhiên làng nghề hoạt động còn manh mún, đa số bà con sản xuất theo kinh nghiệm cá nhân nên tính tập thể chưa cao. Với mong muốn xây dựng một thương hiệu chè có uy tín, phát triển ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, qua nghiên cứu tìm hiểu bác Hồng cùng một số thành viên có tâm huyết trong làng nghề về Liên minh Hợp tác xã tỉnh xin thành lập HTX chè kiểu mới. Liên Minh HTX tỉnh đã cử đoàn cán bộ của Liên đoàn Hợp tác xã Cộng hoà Liên bang Đức giúp đỡ về khảo sát. Với sự vận động uy tín của người đứng đầu làng nghề chè, ngày 20/8/2016 HTX chè Phú Thịnh được thành lập có 13 thành viên. Các thành viên đã cùng nhau góp vốn mua tư liệu sản xuất với số vốn ban đầu 70 triệu đồng, diện tích trồng chè 15 ha… Sau khi HTX được thành lập các thành viên trong HTX được Liên đoàn Hợp tác xã Cộng hoà Liên bang Đức tổ chức Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia cấp 1 Tổng Công ty Chè Việt Nam giảng dạy 2 chuyên đề chăm sóc, chế biến chè, về cả lý thuyết và thực hành. Qua Hội thảo bà con nông dân trong HTX đã được tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về kỹ thuật chế biến chè mang lại hiệu quả kinh tế bằng việc tổ chức các chuyến đi thực tế tìm hiểu về một số huyện ở tỉnh Thái Nguyên, tham quan học hỏi một số mô hình HTX chè Tân Cương, HTX chè La Bằng, HTX chè Đại Từ, HTX chè Tuyết Hương… Từ đó nhiều phương thức hoạt động chưa hiệu quả được các thành viên trong HTX đã bàn bạc, điều chỉnh rút kinh nghiệm. Cho đến nay HTX chè Phú Thịnh đã sản xuất chế biến được sản phẩm chè sạch có uy tín, đứng vững trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm HTX chè Phú Thịnh sản xuất được hơn 50 tấn chè khô cung ứng ra thị trường trong nước, chủ yếu bán cho lái buôn các tỉnh và các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh. Thương hiệu chè Phú Thịnh được khẳng định có chỗ đứng trên thị trường, là sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng ưa chuộng.
Đồng chí Đinh Công Vĩnh – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Phú Thọ rất vui khi nói về tấm gương thương binh vượt khó vươn lên làm giàu Nguyễn Hữu Hồng: “Hội viên Nguyễn Hữu Hồng là thương binh 2/4 – Chủ tịch Hội CCB xã Phú Hộ đã gương mẫu đi đầu, phát huy tốt bản chất anh bộ đội Cụ Hồ cùng bà con nông dân trong xã giúp nhau làm kinh tế giỏi. Hướng phát triển cây chè là cây trồng mũi nhọn tại địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được công ăn việc làm tại chỗ thường xuyên cho 35 lao động với mức thu nhập từ 5 – 5,5 triệu đồng/người/tháng, giúp người dân trong xã xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu”.
Với sự cố gắng nỗ lực không quản ngại khó khăn, giàu nghị lực, thương hiệu Chè Phú Thịnh của Hợp tác xã do thương binh 2/4 Nguyễn Hữu Hồng làm giám đốc đã được các cấp, ngành trong tỉnh ghi nhận. Hàng năm HTX được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của huyện, tỉnh; đặc biệt sản phẩm chè Phú Thịnh được chọn là sản phẩm tham gia trưng bày ở các Hội chợ giới thiệu sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu có giá trị cao trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh bạn.
Trần Liên