Giá trị lịch sử
Bài hát của ông sinh ra từ cảm xúc dâng trào trước những thời khắc lịch sử ở thập niên 40 thế kỷ trước. Cảm xúc riêng ấy được cộng hưởng với đồng cảm chung. Vì nói đúng lòng dân, nói hộ cho nhiều người, nên cả hai bài hát đều được cộng đồng đón nhận ngay khi ra mắt: buổi công diễn “premiere” của Diệt phát xít khá đặc biệt, đó là “tiết mục” tự phát của một ai đó trong cuộc mít tinh tháng 8/1945 trước Nhà hát Lớn; còn Người Hà Nội lần đầu tiên chính thức vang lên trên đài phát thanh kháng chiến năm 1947 qua tiếng hát của tác giả và được trình diễn lần đầu tiên trên sân khấu quốc tế năm 1951 trong Liên hoan Thanh niên thế giới tại Berlin, cũng bởi giọng ca của chính tác giả với phần đệm của dàn nhạc Đức.
Cả hai bài hát đều là một trong những tác phẩm khởi nguồn cho hai thể loại ngày càng phát triển vào giữa thế kỷ XX: hành khúc và trường ca. Diệt phát xít là thí dụ điển hình cho ca khúc quần chúng ngắn gọn, đơn giản, thuần nhất, dễ hát. Người Hà Nội là một hình mẫu cho trường ca dài hơi, đa dạng, kết nối nhiều đoạn nhạc khác nhau về tính cách âm nhạc, phù hợp với lối diễn tấu có kỹ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp.
Tính lịch sử đậm nét không chỉ bởi sự gắn kết với những thăng trầm của đất nước. Tính lịch sử còn là dấu ấn mà bài hát để lại trong sự hình thành nền ca khúc cách mạng. Song tác phẩm vẫn được hát được yêu thích sau hơn bảy thập niên qua không thể chỉ dựa vào ý nghĩa lịch sử, mà chính là nhờ vào giá trị nghệ thuật.
Giá trị nghệ thuật
Giai điệu đẹp và truyền cảm, kể cả khi không cần lời ca. Không đẹp, không truyền cảm thì đâu có thể được sử dụng làm nhạc hiệu trong nhiều năm của nhiều đài phát thanh và truyền hình đến vậy chứ! Nhân đây tôi xin mở ngoặc cho một ý kiến chưa có điều kiện kiểm định: nhạc hiệu có thâm niên nhất của nhà đài hình như là giai điệu Diệt phát xít? Kể cũng lạ, một yếu tố học thuật để các chuyên gia âm nhạc có thể bàn luận là tính “khí nhạc” đã ẩn chứa trong bài hát của một tác giả luôn tự nhận mình chỉ mới được trang bị trình độ âm nhạc ở mức… sơ cấp.
Cái đẹp làm nên sức sống bền lâu cho tác phẩm mang tính lịch sử khi mà sứ mệnh lịch sử của nó đã qua đi. Cho đến nay cả hai bài hát vẫn thường xuyên có mặt trong các lễ kỷ niệm trọng đại. Được coi là một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội, Người Hà Nội luôn được đưa vào danh mục các chương trình ca nhạc nghệ thuật lớn nhỏ, các cuộc thi giọng ca chuyên và không chuyên.
Sức sống bền lâu còn biểu hiện ở chỗ motif nào đó của bài hát được “tái sử dụng” trong các tác phẩm khác.
Về motif lời ca: chuỗi tên gọi theo dòng lịch sử “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội” sau này xuất hiện trong không ít ca khúc của các tác giả khác. Lại xin mở ngoặc thêm lần nữa: Hà Nội được mệnh danh là thành phố có nhiều bài hát nhất, không dưới nghìn ca khúc, và lần đầu tiên Thủ đô của chúng ta được gọi tên trong âm nhạc có lẽ là ở bài Người Hà Nội?
Về motif giai điệu: Diệt phát xít là một trong những bài hát thường được khai thác giai điệu ở các tác phẩm giao hưởng hợp xướng thuộc đề tài lịch sử (như Lửa cách mạng của Trần Ngọc Xương, Hồi tưởng của Hoàng Vân, Bất khuất của Đỗ Dũng) và cả nhạc phim (như phim truyện Sao Tháng Tám).
Cái đẹp biểu hiện ở sự sáng tạo, ở nền tảng văn hóa. Người ta vẫn nói “văn là người”, thì nhạc cũng là người. Nếu trong văn ở Nguyễn Đình Thi có một “Người Thơ” độc đáo và tự do, không bị trói buộc vào khuôn mẫu cấu trúc hay âm vần, vào số từ trong câu hay số câu trong bài, thì trong nhạc cũng có một Nguyễn Đình Thi tiên phong, sớm hướng tới cái mới chưa biết đến bao giờ trong cấu trúc và hình thức âm nhạc, cũng như xu hướng tư duy khí nhạc trong ngôn ngữ thanh nhạc.
Mang khí thế tinh thần của Quốc tế ca, nhưng Diệt phát xít không mượn cấu trúc vuông vắn có nhắc lại thường gặp ở hành khúc phương Tây. Và lối phát triển liên tục theo dòng cảm xúc, với cấu trúc tự do không tái hiện càng thấy rõ hơn trong Người Hà Nội.
Về thể loại và hình thức âm nhạc của Người Hà Nội, tôi không có được chút manh mối gợi ý hay chỉ dẫn nào trong suốt 20 năm sống bên tác giả – người cha tinh thần của tôi. Tôi hiểu là ông đã để cảm xúc âm nhạc dẫn dắt chứ không hề chọn trước cho mình một hình mẫu có sẵn. Không phải tác giả nào, vào bất kỳ trường hợp nào cũng nhắm trước hình thức âm nhạc. Xác định hình thức gì vẫn được coi là phần việc sau đó thuộc trách nhiệm của các nhà lý luận. Và nhà-lý-luận-con đã tự tìm kiếm đáp án cho tác phẩm của tác-giả-bố như sau:
“Sự nối tiếp liên tục các câu, các đoạn khác nhau đã đưa bài hát vượt ra khỏi hình thức đơn giản của một ca khúc phổ thông. Lúc tựa như câu chuyện ngẫu hứng được kể theo kiểu ballade, lúc lại có chút gì đó gần với lối sắp đặt các mảng màu tương phản trong suite, kết cấu tự do này thường được xếp vào thể loại trường ca – dạng bài hát dài hơi được ưa chuộng đặc biệt ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
Các đoạn nhạc ở đây khác nhau về nhịp điệu (4/4, 2/4 và 6/8), tốc độ (vừa phải và nhanh), điệu tính (trưởng và thứ) và sắc thái tình cảm (sâu lắng – thiết tha và hào hùng – ngợi ca…). Như một dòng sông nhiều khúc, giai điệu đi qua đoạn mở đầu ngâm ngợi lai láng, rồi trôi theo nhịp sống rộn ràng, và từ đó hòa vào nhịp đi của hành khúc ngày Tuyên ngôn độc lập. Sau những nhịp giãn chậm, dòng chảy lại dâng lên cao trào và cuốn vào khí thế chiến đấu, rồi đi tới đoạn kết nhịp nhàng uyển chuyển trong vũ điệu ngày chiến thắng trở về. Đoạn kết mang trạng thái tinh thần hân hoan như chủ đề Niềm vui trong Giao hưởng số 9 của Beethoven, người mà tác giả Người Hà Nội từng coi như người thầy đầu tiên dẫn dắt ông vào lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật” (trích từ bài Người Hà Nội ơi).
Có thể nói đây là kết quả của tài năng thiên bẩm cộng với sự hiểu biết về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng ở một tác giả còn quá trẻ. Càng hiểu biết càng khiêm nhường. Ông chưa bao giờ xưng danh nhạc sĩ. Dù luôn dành cho âm nhạc một tình yêu sâu đậm, nhưng ông đã không ở lại cùng nàng nhạc – mối tình của tuổi đôi mươi. Có lần tôi hỏi sao ông không sáng tác thêm, ông đáp nếu không học hành đàng hoàng thì không nên viết tiếp nữa.
Lại nói thêm về “nhạc là người”. Một người luôn hướng tới cái mới, luôn nhìn về phía trước hẳn phải là người nhạy cảm, thức thời, lãng mạn và lạc quan. Diệt phát xít hào sảng đến thế lại sinh ra vào đúng năm nạn đói hoành hành, vào những tháng ngày u ám tiền khởi nghĩa năm 1945. Người Hà Nội đầy chất thơ, tràn trề niềm tự hào tin yêu đến vậy, ai ngờ đã nảy mầm từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946, ngay thời điểm ra đi đã tiên tri ngày về.
Ở đây không thể không nói tới câu kết của Người Hà Nội, một cái kết dịu dàng lãng mạn, một cái kết dàn trải mênh mang “ngày về” trong tương lai… Bản thu âm năm 1962 của Trần Khánh, Tuyết Nhung và tốp ca Đài Tiếng nói Việt Nam đã hát đúng như nguyên bản. Không biết từ khi nào cái kết đẹp như mơ được gắn thêm từ “chiến thắng”? Không rõ ai đã nắn giai điệu “ngày về” nhảy lên âm khu cao để kết thúc trên đỉnh điểm chót vót? Chỉ biết là cho đến nay Người Hà Nội luôn được mặc định trình diễn với cái kết hoành tráng, huy hoàng trong cường độ mạnh nhất, dường như không còn ai nhớ đến bản gốc, ngoài một người, là ông – người sinh ra Người Hà Nội.
“Con nhớ nhé, Người Hà Nội không có từ ‘chiến thắng’!” – cho đến những ngày cuối cùng trước khi rơi vào hôn mê, ông vẫn khắc khoải dặn đi dặn lại như thế, để từ đó tôi cứ cố làm mọi cách thay đổi một điều không dễ thay đổi.
Chuyện này tôi đã nói trong cuốn sách Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội (Viện Âm nhạc, 2009), trong bài Người Hà Nội ơi (2013)… Không chỉ nhắc lại nhiều lần trên báo chí, mà cả trên truyền hình trong hội thảo, nhưng vẫn như muối bỏ bể. Thuyết phục ca sĩ hóa ra chẳng dễ chút nào. Ca sĩ này thích khoe giọng, ca sĩ nọ sợ hát như bản gốc “người ta lại tưởng em hát sai” (!).
Trong lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Đình Thi, tôi đã “cưa đổ” được người đệm đàn, vì quả thật kết đúng nguyên bản là trao thêm đất diễn cho người đệm. Để bớt cho ca sĩ nỗi lo bị chê hát sai, tôi liều mạng năn nỉ người điều hành hội thảo, rằng thay vì đọc tham luận, tôi chỉ xin được giải thích đôi lời trước tiết mục Người Hà Nội. Một hội thảo quá nhiều người muốn phát biểu và sự ưu tiên đương nhiên chỉ dành cho quan chức, thấp cổ bé họng như tôi đã bị gạt phăng “ra chỗ khác chơi”. Thế là cô ca sĩ hôm ấy yên tâm gồng mình hô khẩu hiệu “chiến thắng”.
Một lần khác tôi gặp may hơn với người phối khí có tâm: nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã dựng đúng như bản gốc cho tiết mục Người Hà Nội trong chương trình Bài ca không quên 2016. Ca sĩ muốn giữ khí thế hào hùng nên đã thêm một khúc vocalise thế chỗ từ “chiến thắng”, dù vậy tôi vẫn hết sức cảm động và bớt được phần nào cảm giác có lỗi khi chưa làm trọn lời hứa với người đã khuất. Tiếc là sau đó giới nhạc vẫn không muốn trả lại câu kết nguyên bản cho Người Hà Nội như ý nguyện của tác giả.
Nói thêm, ngoài hai bài hát để đời được xếp vào dòng hành khúc cách mạng và ca khúc trữ tình, ông còn có mặt trong cả hài khúc: bài Con voi được chính tác giả hát lần đầu trong một cuộc liên hoan văn nghệ thời chống Pháp để khích lệ pháo ta vào chiến dịch, sau này NSND Trần Hiếu thường biểu diễn gộp chung với bài hát cùng tên của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát.
Còn một hành khúc nữa mà tác giả hầu như không nhắc tới, đó là Du kích quân. Mẹ tôi thuộc bài này từ nhỏ, khoảng năm 1944. Theo trí nhớ của mẹ, tôi ký âm được nửa đầu bài hát và đã đưa lên báo với hi vọng ai đó còn nhớ trọn bài. Ít lâu sau, nhạc sĩ Huy Trân gọi cho tôi xúc động kể rằng đã nhiều năm ông không tìm ra tác giả bài hát mà ông thuộc nằm lòng từ 70 năm trước, ông cũng đồng ý với tiêu đề mà tôi tạm đặt là Du kích quân. Rồi từ ông, tôi đã có nốt phần điệp khúc, nhưng hóa ra câu cuối ông nhớ không chính xác. Tôi chỉ biết điều đó khi có thêm một may mắn tình cờ khác: nhạc sĩ Phan Phương gửi cho tôi photocopy bản in bài hát tại Hà Nội năm 1945 (ghi giá bán: một đồng!) với tiêu đề đúng như cái tên tôi tạm đặt. Rất có thể Du kích quân là bài hát đầu tay của chàng trai 20 tuổi Nguyễn Đình Thi.
Nguyễn Đình Thi còn là tác giả lời thơ của không ít tác phẩm thanh nhạc – từ ca khúc, trường ca đến hợp xướng nhiều bè và hợp xướng với dàn nhạc giao hưởng, trong đó nổi tiếng nhất là hai ca khúc trữ tình của hai “ông Hoàng” trong lĩnh vực phổ thơ: Nhớ của Hoàng Vân và Lá đỏ của Hoàng Hiệp. Bài được phổ nhạc nhiều nhất là Đất nước (Hoàng Vân, Ngô Quốc Tính, Đặng Hữu Phúc, Văn Tiến), Buổi chiều ấy (Hoàng Hiệp, Nguyễn Thị Minh Châu, Trần Văn Tài…). Tôi còn có trong tay một số bài khác: Như dòng sông và Mưa bay của La Thăng, Trên con đường của Trương Tuyết Mai…
Lặng lẽ thu thập những bản nhạc phổ thơ Nguyễn Đình Thi, đã từ lâu tôi vẫn thầm ước tới một ngày đẹp trời có được chương trình âm nhạc Nguyễn Đình Thi với danh nghĩa tác giả nhạc và tác giả lời ca, vào kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (20-12-2024) chẳng hạn, tại sao không?
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu
Theo: http://www.hoinhacsi.vn