Là một nhà văn lớn, Nguyễn Hữu Nhàn còn là một nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của vùng Đất Tổ Hùng Vương. Những kết quả nghiên cứu của ông đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
* Đôi nét về nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Nguyễn Hữu Nhàn
Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Nguyễn Hữu Nhàn sinh ngày 11 tháng 12 năm 1938, tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Khi mới thoát li gia đình, ông làm công nhân ở Công ty vận tải đường sông Vĩnh Phú. Năm 1962 ông về Ban kiến thiết thành phố Việt Trì, sau đó sang công tác tại UBND thành phố Việt Trì. Năm 1973 công tác tại Hội văn học, nghệ thuật Vĩnh Phú. Năm 1984 ông chuyển đến Sở Văn hóa Thông tin để đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng quản lý xuất bản. Năm 1987 đến năm 2020, ông là Uỷ viên BCH Hội LHVHNT Phú Thọ; Biên tập văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ; Chi hội Trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Phú Thọ; hội viên các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội DSVH Việt Nam, Hội VHNT các DTTS Việt Nam.
Vừa làm công tác quản lý ông vừa sáng tác. Ông đã cho ra đời hàng trăm truyện ngắn, hàng chục tiểu thuyết, kịch bản phim, cùng nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian; được bạn đọc khắp cả nước và các nhà khoa học đánh giá cao.
+ Tác phẩm đã công bố: Văn học: “Chuyện làng Gành” – tập truyện ngắn, 1975; “Dốc nắng” – tiểu thuyết, 1984; “Nữ tướng trên núi” – truyện tranh, 1988; “Làng Cói Hạ” – tiểu thuyết, 1989; “Không cô đơn” – tiểu thuyết, 1993; “Truyện kể trong làng” – tập truyện, 1994; “Phố làng” – tập truyện ngắn, 1999; “Chớm nắng” – tiểu thuyết, 2000; “Người quê” – tập truyện ngắn – 2005; “Tết ở Bản Dèo” – tập truyện ngắn, 2006; “Gió thổi qua rừng” – tập truyện ngắn, 2007; “Rừng cười” – tiểu thuyết, 2008; “Vui như hội” – tập truyện ngắn, 2009; “Nguyễn Hữu Nhàn” – tác phẩm chọn lọc”, 2009; “Tuyển tập Nguyễn Hữu Nhàn” – Nxb Hội Nhà văn, 2013.
– Kịch bản và tác phẩm văn học chuyển thể thành kịch bản phim: “Gió thổi qua rừng” – 8 tập; “Tết sớm” – 1 tập; “Làng Một” – 1 tập; “Người quê” – 2 tập; “Phố làng” – 2 tập; “Chớm nắng” – 4 tập; “Đám cưới làng” – 1 tập.
– Công trình nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian: “Nghiên cứu văn hóa làng Vĩnh Phú”; “Nghiên cứu tục múa Mỡi người Mường”; “Nghiên cứu văn hóa làng Phú Thọ” (phối hợp với Nguyễn Khắc Xương, Giải B – Hội VNDG Việt Nam); “Nghiên cứu mối liên hệ văn hóa Việt Mường” (phối hợp với Nguyễn Khắc Xương, Giải C – Hội VNDG Việt Nam); “Nghiên cứu văn hóa người Dao ở Phú Thọ” (phối hợp với Phạm Thị Thiên Nga); “Nghiên cứu hiện tượng thơ Bút Tre” (phối hợp với Ngô Quang Nam); “Nghiên cứu về văn nghệ kháng chiến chống Pháp ở Phú Thọ”; “Sau bức màn truyền thuyết”, Hội VHNT Phú Thọ – 2012.
* Nguyễn Hữu Nhàn là nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của vùng Đất Tổ cội nguồn
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Tứ Xã ngay cạnh các di chỉ khảo cổ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun, Gò De… là nơi định cư của người Việt thời Hùng Vương dựng nước. Tứ Xã là một làng Việt cổ, có nghi lễ riêng, tiếng nói có chất giọng riêng khác hẳn trong vùng. Tên cổ là Kẻ Gáp (Gáp là gặp), nơi đầu mối gặp gỡ, giao thoa của các con đường văn hóa, văn minh Nam, Bắc, Tây, Đông với trục dọc chính là đường Thiên lý (chạy hướng Bắc – Nam).
Nguyễn Hữu Nhàn là nhà văn của nông thôn đồng ruộng. Viết về văn chương của ông đã có đến hàng trăm bài giới thiệu, phê bình; nhưng viết và giới thiệu về ông với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian mới chỉ có sự lồng ghép chứ chưa có bài chuyên đề. Là lớp hậu sinh của ông, tôi luôn nhắc tới ông với tấm lòng kính trọng bởi Nguyễn Hữu Nhàn không chỉ là nhà văn lớn mà còn là nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu ở Phú Thọ. Tôi được biết ông là người rất say mê tìm hiểu văn hóa, văn nghệ dân gian từ thời còn trẻ, đi điền dã nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều, chịu khó ghi chép và có tài nhập tâm nên có thể nói ông là một kho tư liệu sống về văn hóa dân gian vùng đất Tổ. Công trình nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian của ông có thể tóm gọn trong những nội dung cơ bản sau:
– Nguyễn Hữu Nhàn với những nghiên cứu về văn hóa làng xã
Với 2 công trình nghiên cứu: “Nghiên cứu văn hóa làng Vĩnh Phú” và “Nghiên cứu văn hóa làng Phú Thọ” (phối hợp với Nguyễn Khắc Xương, Giải B – Hội VNDG Việt Nam); Nguyễn Hữu Nhàn đã rút ra kết luận: Làng là nơi tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị tâm hồn và văn hóa đích thực của dân tộc. Văn hóa làng là hồn cốt, bản sắc của văn hóa dân tộc. Trong cuộc chiến chống xâm lăng bảo vệ đất nước, khi nước dù bị mất nhưng văn hóa làng còn; làng còn sẽ giữ được nước; văn hóa còn, dân tộc còn, đất nước còn.
Bằng những kết luận khoa học này ông đã đưa vào sáng tác văn chương của mình vẻ đẹp huyền bí của văn hóa làng. Ông không đi vào những đề tài nóng như chống tiêu cực, tham ô, hối lộ, tham nhũng hay làm ăn kinh tế… mà bằng một cách xuyên suốt nhất quán, ông gắng tâm tìm về khai thác lớp vỉa tầng mộc mạc, gần gựa của văn hóa làng quê.
Ông xác định: Văn hóa làng do cộng đồng sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, phát triển, là những yếu tố làm nên giá trị đặc sắc, tạo bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Văn hóa làng là văn hóa gốc của dân tộc, sinh ra cùng với đời sống lao động của quần chúng nhân dân. Văn hóa làng do người làng là chủ thể sáng tạo đồng thời họ cũng là người thụ hưởng và quảng bá văn hóa. Trải qua hàng ngàn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng đồ sộ các giá trị văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú như ca dao, hò vè, các phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian, các lễ hội, các loại hình diễn xướng như múa rối, Ca trù, hát Xoan, hát Trống quân, hát Ghẹo, hát Ví, hát Đối… và rất nhiều nghề thủ công truyền thống.
Ngày nay, văn hóa làng quê đang hứng chịu những tác động trái chiều từ sự xâm lăng của văn hóa đô thị, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ 4.0…, văn hóa truyền thống đã và đang có phần bị giải thiêng. Yêu cầu mới đặt ra những bức thiết mới, để văn hóa truyền thống thực sự trở thành một cầu nối quan trọng đưa người Việt vào tương lai mà không đánh mất đi cội rễ của mình thì những kết quả nghiên cứu của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Nguyễn Hữu Nhàn đã cho thấy công sức, công phu lao động đáng trân trọng.
– Nguyễn Hữu Nhàn với những nghiên cứu về văn hóa dân tộc Mường, Dao, Cao Lan ở Phú Thọ
Sinh ra trên vùng Đất Tổ cội nguồn dân tộc thấm đẫm truyền thống văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc. Vì thế ngoài viết văn ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian; là kho tư liệu sống về phong tục tập quán, lễ hội và những câu chuyện dân gian trên vùng Đất Tổ, đặc biệt là văn hóa của người Mường, người Dao, người Cao Lan ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy.
Thông qua những tác phẩm, công trình nghiên cứu của ông đã quảng bá lan tỏa khắp trong và ngoài nước về văn hóa người Mường, người Dao, người Cao Lan ở Phú Thọ. Những lễ hội diễn xướng dân gian Phồn thực, tục Chài nèm, tục ngủ thăm, Tết nhảy, lễ cấp sắc, diễn xướng dân gian, hò đu, múa Mỡi, hát sắc bùa, Đâm đuống, Chàm thau, hát Sình ca, Vèo ca, múa Chim gâu, Xúc tép… được nghiên cứu, sưu tầm để chọn lựa kế thừa, bảo tồn, phát huy đã làm cho bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ thêm đặc sắc, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hàng loạt bài viết của ông về lĩnh vực này được báo chí Trung ương và các địa phương đăng tải đã tạo nên một “thương hiệu” mới – thương hiệu “nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Nguyễn Hữu Nhàn”. Tục chài nèm, tục ngủ thăm, lễ cấp sắc, Tết nhảy, diễn xướng cồng chiêng của người Dao; múa Mỡi của người Mường ở Phú Thọ đã đưa chúng ta về với cội nguồn xa xưa của dân tộc, góp phần làm cho bản sắc văn hóa vùng Ðất Tổ thêm phong phú, hấp dẫn du khách, phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân làng bản.
– Nguyễn Hữu Nhàn với việc phục hồi “Lễ hội Trò Trám”
Là người có công lớn trong việc giới thiệu với đồng bào cả nước về bản sắc văn hóa vùng đất cội nguồn dân tộc qua những tác phẩm văn học, các công trình nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, các kịch bản văn học, phim truyền hình, kể cả các bài báo, nhưng ông không bao giờ nhận công lao về mình.
Năm 1991, khi cán bộ Ban quản lý KDT lịch sử Đền Hùng đến Tứ Xã đặt vấn đề về nghiên cứu, sưu tầm tư liệu khôi phục miếu Trò và lễ hội Trò Trám, thì hầu hết người dân đều chối bỏ. Họ chối bỏ âu chỉ vì có một thời kỳ, người dân các địa phương xung quanh biết Tứ Xã có trò Trám thì đều cho rằng đó là chuyện xằng bậy, tục tĩu, mà tiếng địa phương gọi là “nhây nhả”. Hỏi đến lễ hội, các cụ đều lắc đầu: “Không nhớ, không làm trò nhây nhả ấy nữa”. Câu chuyện khôi phục Trò Trám tưởng đã đi vào ngõ cụt vì chính quyền địa phương cũng như nhân dân sở tại chưa thực sự mặn mà với di sản văn hóa do chính mình là chủ thể. Nhưng những ngày sau đó, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Nguyễn Hữu Nhàn đã chủ động tích cực phối hợp với các cán bộ nghiên cứu của Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Phú và Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, cùng cụ Dương Văn Thâm tiếp tục sưu tầm tư liệu, viết bài giới thiệu, tổ chức hội thảo; kiên trì vận động thuyết phục nhân dân địa phương sưu tầm lại những câu ca, phục hồi lại những trò diễn dân gian về “Tứ dân chi nghiệp”, về tục lệ “Linh tinh tình phộc”, về dấu tích miếu Trò, điếm Trám, lễ Rước lúa thần… Và quả là “mưa dầm, thấm lâu”; được nhân dân đồng tình, chính quyền vào cuộc; năm 1992, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản đồng ý cho địa phương khôi phục lại miếu Trò, điếm Trám và Lễ hội Trò Trám. Năm đó cũng là năm đầu tiên kể từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Tứ Xã tổ chức lại lễ hội, với mục đích thăm dò, trình diễn phục vụ nghiên cứu. Thật bất ngờ, trong ngày tổ chức lễ hội, nhân dân, quan khách cùng các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã đến để chiêm ngưỡng rất đông, các đài truyền hình và phóng viên báo chí đổ xô đến. Thế là lễ hội thành công. Chính quyền địa phương và nhân dân trong xã vững tin tổ chức khôi phục lại lễ hội theo nội dung truyền thống. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm, lễ hội Trò Trám đã trở thành một lễ hội văn hóa phồn thực đặc sắc của cư dân lúa nước trên vùng Đất Tổ. Hiện thời đã có một số người đạo văn nghiên cứu, tự cho rằng mình chính là người có công đầu phục dựng lễ hội Trò Trám thì những việc làm lặng lẽ của Nguyễn Hữu Nhàn cách đây mấy chục năm về trước quả là một tấm gương soi để họ sẽ tự hoàn thiện mình.
– Nguyễn Hữu Nhàn với những nghiên cứu về tác giả Bút Tre
Là người viết bài giới thiệu, bênh vực cho ông Đặng Văn Đăng và “trường phái” thơ Bút Tre, ngay từ khi nó chưa nổi lên dư luận và tranh luận. Nguyễn Hữu Nhàn xác định việc đánh giá công lao của Bút Tre cần làm rõ hai mặt là đóng góp của ông về khoa học và đóng góp của ông về văn nghệ.
Về khoa học: Ông đã có công cùng với giới khoa học cả nước phát hiện ra nền văn hóa Hùng Vương trên quê hương Đất Tổ. Những năm 60, 70 thế kỷ trước, Phú Thọ đã thực sự là một công trường cho các ngành khoa học như lịch sử, văn hóa, văn nghệ dân gian, khảo cổ, dân tộc học, ngôn ngữ học… trà đi sát lại và đã thu được những thành tựu vô cùng to lớn. Tên ông Đặng Văn Đăng tức nhà thơ Bút Tre gắn với những thành tựu ấy.
Đền Hùng được ông có ý thức bảo vệ tôn vinh ngay từ thời chống Pháp. Do phụ trách ngành văn hóa ông mới có vị trí can thiệp gìn giữ Đền Hùng không bị phong trào lúc ấy quét sạch. Hòa bình lập lại, bằng con mắt xanh của mình ông cử ngay cán bộ Ty đi học Đại học Sử khóa đầu tiên để về chăm lo gìn giữ Đền Hùng. Nhờ vậy mà ở Ban quản lý Đền Hùng sau này mới có cả một đội ngũ khoa học lịch sử. Họ không chỉ làm ông từ mà là những tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân vừa giữ di tích, vừa sưu tầm, nghiên cứu làm phong phú hơn kho tàng khoa học về lịch sử thời đại Hùng Vương ở Việt Nam. Ty Văn hóa thời ấy đã có cả một đội ngũ cán bộ đi sưu tầm và đã phát hiện ra nhiều di tích khảo cổ học như các ông Nguyễn Lộc, Lê Văn Nhiễu, Lê Tượng. Riêng ông Nguyễn Khắc Xương đã được những người lãnh đạo Ty Văn hóa Phú Thọ, đặc biệt là ông Bút Tre phân công đi sưu tầm nghiên cứu văn hóa – văn nghệ dân gian. Nhờ có ông Bút Tre là người lãnh đạo có tầm hiểu biết cao khuyến khích cổ vũ mà ông Xương mới được tự do tung hoành đi điền dã, đến nỗi bị cán bộ nhân viên cơ quan phản đối vì ông ta đi quanh năm suốt tháng, chỉ thỉnh thoảng đúng hẹn về cơ quan lĩnh lương trợ cấp rồi “lặn” luôn không cả sinh hoạt cơ quan đoàn thể, không chịu tăng gia và lao động tập thể. Ông Bút Tre phải giải thích với mọi người rằng: nếu Nguyễn Khắc Xương cũng tra chân vào gầm bàn như mọi người thì chỉ có vô ích. Nhờ vậy ông Xương mới có những đóng góp xứng đáng với quê hương đất nước.
Ông Nhàn nhấn mạnh rằng: Công lao của ông Bút Tre đối với Đền Hùng là rất lớn. Ông có tri thức, có văn hóa nên ông nhìn thấy trước Đền Hùng cần phải xây dựng to lớn, khang trang làm nơi để tập hợp lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của toàn dân.
Về văn nghệ: Nguyễn Hữu Nhàn nhận định sự đóng góp của ông Bút Tre về mặt văn nghệ là vô cùng to lớn. Bút Tre đã tạo nên trường phái thơ dân gian riêng. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học còn đồng thuận xác nhận có một hiện tượng thơ Bút Tre. Theo ông thì sau năm 1963, Bút Tre cho in tập thơ “Rừng cọ đồi chè”, nhiều người chê thơ ông ngô nghê, thô thiển. Nhân đó, những người không yêu ông được dịp thêm thắt, đưa những cái ngây ngô gán cho thơ ông. Chẳng hạn, ông viết: “Anh lên đồi núi cúi chào/ Đồi vươn nương sắn gò cao cây chè/ Anh đi đồng ruộng lắng nghe/ Lúa mừng phân bắc khoai che mảnh vườn…”, thì bị gán là: “Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh/ Anh về phân bắc phân xanh đầy nhà/ Anh về gà lợn hát ca/ Bao nhiêu lợn nái trâu cà bấy nhiêu”… Bút Tre chịu nhiều tai tiếng từ đấy. Nhưng cũng từ đấy chúng ta có một dòng thơ dân gian Bút Tre chảy mãi đến sau này.
– Nguyễn Hữu Nhàn với những nghiên cứu về di sản văn hóa
Ông đi điền dã nhiều, ghi chép tỷ mỷ, viết nhiều bài giới thiệu về di sản văn hóa. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về Phú Thọ tìm hiểu trải nghiệm không gian văn hóa vùng Đất Tổ cũng chính vì biết được qua những tác phẩm văn học, điện ảnh, những công trình nghiên cứu của ông về những độc đáo của văn hóa dân gian vùng Đất Tổ. Có thể khẳng định ông đã có đóng góp xứng đáng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ, góp phần quan trọng cho việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ” trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cùng nhiều Di sản văn hóa phi vật thể khác được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
* Thay cho lời kết
Nguyễn Hữu Nhàn vừa là nhà văn, vừa là nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Ông đã có công lớn trong việc giới thiệu với đồng bào cả nước về bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ cội nguồn dân tộc qua từng tác phẩm văn học, các công trình nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, kịch bản văn học phim truyền hình, bài viết trên báo chí. Các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian của nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Nguyễn Hữu Nhàn đã giúp ích nhiều cho tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Ông xứng đáng được vinh danh là nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ.
Phạm Bá