Tôi nhớ sinh thời tác giả của Bỉ vỏ từng “phán” về đồng nghiệp của mình rằng: Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn. Thật không chê vào đâu được lời “truyền thần” ấy của nhà văn Nguyên Hồng! Sự nghiệp và những quan niệm về văn chương của tác giả Vợ nhặt qua những lần chúng tôi tiếp xúc và ghi lại đáng để những người đi sau suy ngẫm.
CHẤT LIỆU SỐNG TỪ BẢN THÂN, GIA ĐÌNH VÀ QUÊ HƯƠNG
Giống như Đoàn Chuẩn trong âm nhạc, Kim Lân là nhà văn viết ít nhưng hầu như truyện ngắn nào của ông cũng để lại dấu ấn nhất định trong lòng bạn đọc. Ngày 1-8-2016 vừa qua sinh nhật lần thứ 95 của nhà văn Kim Lân, một bậc tài hoa của làng Chợ Giàu thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ khoảng năm 1940, ông có truyện ngắn đầu tiên Đứa con người vợ lẽ đăng ở tờ Trung Bắc Chủ nhật. Từ đó, truyện của Kim Lân đăng khá đều trên tuần báo này cùng với tờ Tiểu thuyết thứ bảy, đề tài chủ yếu là chuyện về thú chơi tiêu khiển gà chọi, chó săn, chim bồ câu…, những sinh hoạt văn hoá truyền thống ở thôn quê. Ngoài bối cảnh là ngôi làng Chợ Giàu quê hương, thì nhân vật trong những truyện ngắn đầu tiên ông viết đều nói về bản thân mình, gia đình mình. “Truyện Làngtôi viết về làng Chợ Giàu, nhưng chẳng có ai là Lão Hai cả. Lão Hai chính là tôi. Viết đi viết lại hình như cuối cùng câu chuyện cũng là mình. Khỉ thế! Từ tình cảm đến lời ăn tiếng nói, tính nết, cách xử sự việc đời của nhân vật, đều chính là mình” – sinh thời nhà văn thổ lộ với chúng tôi.
Ngay cả truyện ngắn đầu tiên Đứa con người vợ lẽ, nhà văn Kim Lân cũng phản ánh chính nỗi cơ cực tủi hờn của mẹ con mình. Khi truyện in báo, ông anh Cả (con bà Cả) đọc được cứ mãi theo chất vấn hạch sách Kim Lân. Nhà văn nhớ lại: “Mẹ tôi là vợ ba của bố tôi, lại là dân ngụ cư quê gốc ở Kiến An, Hải Phòng làm thợ cấy phiêu bạt khắp nơi. Cho nên mẹ bị gia đình chồng hết sức coi thường. Mẹ phải hầu hạ như một vú em trong nhà. Không ai xem mẹ là vợ của bố cả! Những người con hai bà lớn của bố tôi đều gọi mẹ tôi là “chị Tam”. Hồi nhỏ, tôi cứ đinh ninh Tam là tên thật của mẹ, chứ không hề biết do mẹ tôi là bà Ba. Sau Cách mạng tháng Tám, tôi mới biết mẹ tên là Náng (ông ngoại tôi tên Nếnh), còn dì tôi tên Mủng. Dì Mủng cũng chính là nhân vật dì Hân trong truyện Người chú dượngcủa tôi. Nếnh, Náng, Mủng – chỉ cái tên thôi cũng thấy cái thân phận thấp hèn, trôi nổi của dân ngụ cư lúc đó”.
Có thể nói việc khắc hoạ thành công hình tượng người phụ nữ với những tính cách, số phận điển hình trong những hoàn cảnh điển hình chính là yếu tố quan trọng giúp nhà văn Kim Lân dựng nên những truyện ngắn đặc sắc. Điều thú vị là trong số những hình tượng phụ nữ được ông xây dựng thành công với nguyên mẫu chủ yếu là người thân của mình. Trong truyện ngắn tiêu biểu nhất của Kim Lân là Vợ nhặt thì nhân vật bà cụ Tứ chính là hình ảnh của mẹ ông. Còn người vợ trong truyện cũng có nguyên mẫu chủ yếu là vợ ông, nhưng giống hoàn cảnh thôi, còn vợ ông ngoài đời được cưới xin đàng hoàng chứ không phải… vợ nhặt!
Nhà văn Kim Lân cho biết, thời trẻ ông là con nhà nghèo ở trong một cái làng giàu, người lại gầy gò xấu xí, nên dù mê nhiều cô gái nhưng ông không dám tỏ bày. Say mê người đẹp, nhưng vì mặc cảm ông thường lánh họ, càng mê càng lánh, càng ít dám trò chuyện, thậm chí không dám nhìn vào mắt họ. Kim Lân hay đến chơi nhà người bạn thân là Nguyễn Đăng Bảy, một người cũng có máu văn nghệ ở làng Chợ Giàu, sau này trở thành người tham gia sáng lập xưởng phim truyện Việt Nam đầu tiên, được phong Nghệ sĩ Nhân dân. Bấy giờ, ông Nguyễn Đăng Bảy có người em gái ruột khá xinh xắn, Kim Lân thấy thích nhưng không dám nói. May mà, theo lời ông: “Bà ấy chắc cũng thích tôi nên chuyên môn dúi cho tôi… mận! Sau anh Bảy biết, anh ấy “ghép” cho, thế là chúng tôi nên vợ nên chồng. Nhưng cũng phải mất gần bốn năm tôi mới cưới được bà. Bà ấy giúp tôi rất nhiều. Bà ấy cũng con nhà nghèo, nghèo lắm, nên dễ thông cảm. Tôi đi kháng chiến, viết văn, còn chuyện gia đình thì phó thác cho bà. Bà làm đủ thứ nghề, từ buôn bán hàng rong với từng quả mận quả cau quả bí quả bầu tới may vá, mở hàng bán nước kiếm từng đồng từng cắc để nuôi chồng nuôi con. Chúng tôi được bảy đứa con, mà hết năm là hoạ sĩ. Tôi nghiệm thấy vợ các nhà văn đều tốt, lại “nghiện” chồng lắm. Điển hình như bà Nguyên Hồng, bà Nguyễn Tuân, nhất là bà Tuân”.
SÁNG TẠO TRÊN CÁI NỀN HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG
Đối với nhà văn Kim Lân, cách mạng không chỉ mang lại sự thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình, mà còn giúp đổi thay sự nghiệp cầm bút của ông. Khi tham gia hoạt động văn hoá cứu quốc, ông được gặp và trao đổi nghề nghiệp với các nhà văn Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài,… Từ đó, cách viết của nhà văn Kim Lân bắt đầu đổi khác, như lời ông nói: Trình độ một anh nhà quê viết theo bản năng, cảm tính mới dần dần thấy được công việc thực sự của người viết văn chuyên nghiệp. Và bài học mà ông rút ra: “Theo kinh nghiệm của tôi, những chuyện thật mà tôi ghi lại được thì đều nhạt nhẽo và khô cứng. Nhưng sự thật cũng có giá trị của sự thật, rất giá trị, rất cần thiết nữa. Tất cả những truyện Vợ nhặt, Ông lão hàng xóm, Con chó xấu xí đều dựa trên cái nền là sự thật. Còn những truyện khác, kể cả Làng, hầu hết là tôi bịa. Bịa cả nhân vật lẫn tình tiết. Bởi không có sự thật nào như thế cả. Nhưng cái bịa ấy là cái điều mà chính tác giả muốn nói. Và chính tác giả muốn nói nên mới sinh ra cái bịa. Gọi là bịa chứ kỳ thực chính là sáng tạo”.
Cái bịa hay sáng tạo trong tác phẩm văn học đôi khi lại trở nên thực, thậm chí rất thực hơn đời thường. Đó cũng chính một điểm mấu chốt thể hiện tài năng của nhà văn. Hiện thực chỉ là chất liệu thô, qua lăng kính nhà văn thì hiện thực được thăng hoa. Như nhà văn Kim Lân lý giải: “Vì sao phải bịa? Người viết muốn nói một việc gì, một ý nghĩ gì thì chuyện đời thường hàng ngày tự thân đã có tiếng nói riêng của nó, còn tiếng nói của chính tâm linh người viết chỉ có bịa mới ra được. Nhưng như vậy không có nghĩa là nó tách rời hoàn cảnh xã hội, tách rời đời sống, mà hình như nó thực hơn. Chính vì vậy mà tôi cũng thường nói bịa lại thực hơn. Vì nó thực với chính mình trước tiên. Và kỳ lạ khi mình bịa ấy, mình viết say mê hơn nhiều. Không biết khi mình say sưa bịa ấy có phải là những giây phút thăng hoa nhất của người viết không?”.
Một điều nữa mà nhà văn Kim Lân trăn trở khi trò chuyện với chúng tôi, đó là trong mấy mươi năm nhiều cây bút thường viết chạy theo thời sự, nói về chính sách hay một cuộc chiến đấu nhằm cổ vũ cho chính sách hay cuộc chiến đấu đó. Nếu so với hàng ngàn năm lịch sử dân tộc trước đây chỉ có một số ít bài thơ yêu nước và thể hiện tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu,… thì trong khoảng nửa sau thế kỷ XX văn học Việt Nam xuất hiện cả một bề dày tác phẩm đồ sộ viết về đề tài này. Ông nói: “Theo tôi, kháng chiến và mọi chính sách chỉ nên quan niệm là cái nền của con người đang sống. Con người vẫn là quan trọng. Ngòi bút của tôi hướng về cái đời thường, diễn ra hàng ngày, về quan hệ vợ chồng, con cái. Qua đó, tôi cũng có thể thấy được chính sách hay cuộc chiến đấu nó có tác động vào đời sống như thế nào”.
Từ quan niệm như trên, nhà văn Kim Lân tỏ ra không thích kiểu dùng lý lẽ trong những trang viết mang tính thời sự, một căn bệnh mà một số nhà văn từng mắc phải. Theo ông: “Dùng lý lẽ để thuyết phục trong văn chương cũng là một thứ cưỡng chế. Những lý lẽ ma giáo ấy nhiều khi nó làm cho người ta không giữ được chính mình. Nói một cách khác hết sức mềm mại thì người cầm bút phải viết như chơi, viết thoải mái bằng tấm lòng của mình, hướng vào cái thật, cái đẹp, giúp cho con người sống thật, sống đẹp với nhau. Và khi nhà văn gặp cái gì trái với cái thật, cái đẹp thì phải biết bất bình, phải dám lên tiếng nữa”.
NGẪM CƯỜI TAI NẠN VĂN CHƯƠNG
Vào năm 1958, nhà văn Kim Lân viết truyện ngắn Ông lão hàng xóm để nói về những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Vốn là người trong cuộc, hiểu được những khuất tất sai trái đằng sau vấn đề này mà ông đã quyết tâm thể hiện bằng văn học. Nhà văn cho hay: “Tôi viết về cái sự thật ấy nhưng khác mọi người. Người ta viết như hằn học, thù ghét cái sai lầm, còn tôi thì thể hiện sự đau lòng! Vì cái sai ấy là cái sai của Đảng mình. Tôi viết với tinh thần sửa sai chứ không hằn thù. Lúc tôi mới cho ra mắt Ông lão hàng xóm, dĩ nhiên có không ít cái nhìn giận ghét, coi mình như là một người không vững vàng, thậm chí như một kẻ bôi đen chế độ”.
Ngoài truyện ngắn Ông lão hàng xóm của nhà văn Kim Lân, thì hai nhà văn khác lúc bấy giờ là Nguyễn Huy Tưởng và Đoàn Giỏi cũng có tác phẩm bị “đánh” tơi bời. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết Một ngày chủ nhật, tái hiện hình ảnh đi dạo hồ Gươm một ngày chủ nhật thấy nó luộm thuộm rác rưởi do con người thiếu ý thức. Còn nhà văn Đoàn Giỏi viết truyện Thao thức thể hiện tình cảm của một người miền Nam trằn trọc nghĩ ngợi về quê hương đang bị chia cắt. Điều thực tế mà bây giờ nhìn vào tưởng bình thường nhưng bấy giờ lại không bình thường và bị giới phê bình văn học phê phán nặng nề. Nhà văn Kim Lân cười vui nhớ lại: “Cả ba đều bị đập tới số. Vì thế tôi mới viết một vế đối, thách ai đối được thì tài: Một ngày chủ nhật, ông lão hàng xóm, thao thức. Tưởng, Kim Lân, Giỏi. Như vậy đủ biết chúng tôi sợ những nhà phê bình như thế nào”.
Nhân dịp nói đến giới phê bình văn học, nhà văn Kim Lân còn nhìn nhận: “Các nhà phê bình gần đây đỡ hơn các nhà phê bình thời bao cấp. Nhưng đỡ thôi, chứ thật tình mà nói nhà phê bình đích thực thưởng thức được cái hay cái đẹp của văn chương một cách sâu sắc mà tôi thấy lại không phải chính các nhà phê bình, mà là các nhà văn, như anh Nguyễn Tuân chẳng hạn. Những bài anh Tuân viết về Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng làm cho người ta thấy được cái hay cái đẹp của con người và tác phẩm của nhà văn đó nhiều hơn các nhà phê bình. Nhà phê bình ngày xưa quá thiên về quan điểm giai cấp, tư tưởng, lập trường phục vụ chính sách khô cứng. Nhà phê bình bây giờ hơn trước, là dám nói thẳng, nói theo lòng mình…”. Rồi ông ra vẻ trầm tư: “Tôi nghĩ các nhà phê bình trước hết phải là người sành thưởng thức. Thưởng thức cái hay cái đẹp, cũng như không bằng lòng cái xấu cái dở. Nhà phê bình không hẳn chỉ là nhà lý luận. Nhà phê bình cũng phải có cái bản lĩnh thưởng thức rất riêng của mình thì bài phê bình viết ra mới có ý vị. Các nhà phê bình thời trước cứ đè người ta ra mà chửi, nâng người ta lên mà khen. Nghe ngóng ý kiến của người khác mà khen hay chê. Ví dụ truyện Con chó xấu xí của tôi nhé, chẳng qua tôi nói một cách thảm hại: Tôi xấu xí xoàng xĩnh nhưng tôi trung thành, trung nghĩa. Chả thế mà có anh đã bảo: “Cái thằng này dại bỏ mẹ, tự ví mình là con chó xấu xí”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nhà văn Kim Lân luôn nhắc tới thế hệ nhà văn tinh hoa như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân… mà theo ông là những người từng viết hay trong cơ chế thị trường. Tác giả Vợ nhặt bảo rằng: “Nếu như bản thân các ông ấy không vượt qua cái cơ chế thị trưòng, thì còn là cái gì? Cơ chế thị trường không hề làm hỏng nhà văn. Vấn đề là anh có tài hay không. Các ông ấy viết văn là để bán nuôi mình, nuôi gia đình đấy chứ! Nhưng vẫn rất hay. Mà càng hay thì càng bán được. Vì độc giả họ chấp nhận, họ bỏ tiền mua. Tất nhiên, cũng phải loại trừ những thứ văn chương… mì ăn liền mà độc giả chóng ngán chóng quên. Còn bây giờ, xoá bỏ bao cấp chuyển qua cơ chế thị trường, mọi sự cứ như rối xoè ra. Hơi một tí là đổ tại cơ chế thị trường. Nhiều anh bán cái linh hồn mình cho tiền quá. Không được, cơ chế nào thì cơ chế, nhà văn cũng phải có thiên chức, có nhận thức về vai trò chính mình”.
Nguồn Văn nghệ