Tôi biết ông đã ngót ba chục năm; không phải từ khi tôi làm ở Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Phú mà trước đó – lúc tôi còn đứng trên bục giảng, làm nghề dạy học!
Những năm ấy đất nước còn khó khăn; cái đói cái nghèo đeo bám, mọi người chỉ mong Tết đến để nghe tiếng chộn rộn của chiều cuối năm; để được rủ nhau đi sắm Tết với “thịt mỡ, dưa hành” và đặc biệt là “câu đối đỏ”! Những câu đối được viết bằng mực Tàu trên giấy hồng điều dường như nhà nào cũng tìm mua cho bằng được, về dán ở hai bên cổng hay cạnh bàn thờ gia tiên để đón chào năm mới; cũng là để xua đuổi “tà khí” mong muốn những điều tốt lành…
Phần lớn các câu đối không ghi tên tác giả nhưng chỉ cần nghe giọng văn là người sành chơi cũng có thể đoán biết được câu đối ấy tác giả là ai; tính cách con người thế nào…
– Phan Chúc đấy! Đây là câu đối của Phan Chúc… – Tôi biết đến ông như thế, “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”!
Năm 1996, tôi về nhận công tác làm phóng viên Thời sự theo dõi Khối văn xã của Đài Phát thanh – truyền hình Vĩnh Phú và từ ấy thường xuyên được tiếp xúc với “nhà giáo, nhà câu đối” Phan Chúc!
Nguyên là nhà giáo nên lúc nào ông và tôi gặp nhau cũng đậm tình như cha và con. Ông kể nhiều về chuyện đời với những kỷ niệm soạn giáo án khi lên lớp; chuyện về “nghề” làm câu đối vừa để bán, vừa để mừng bạn bè mỗi độ Tết đến xuân về… Ông bảo: – Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu; gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị ý chí, quan điểm, tình cảm trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội… Viết câu đối tưởng là dễ nhưng kỳ thực lại khó vô cùng bởi nó có những nguyên tắc về đối ý và đối chữ; về thanh bằng và thanh trắc; về thực tự và hư tự… Chính bởi thế nên người xưa thử tài thách đố nhau chỉ bằng cách ra một vế đối và mời đối phương đối lại!”.
Mặc dù học khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm nhưng tôi cũng biết đôi điều về văn biền ngẫu cũng như luật bằng trắc nhưng quả thật ngồi trước ông tôi chỉ như một học trò nhỏ trong một biển tri thức từ những câu đối!
Nhìn ông lấy những thỏi mực Tàu ra mài, lấy giấy mầu hồng ra chăm chú viết từng nét chữ Hán tôi lại nhớ đến hình ảnh “ông đồ” trong bài thơ của cụ Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”…
Ở Phú Thọ không có nhiều người làm được câu đối như ông Phan Chúc. Với các bút danh như: Thanh Long, Thành Đô, Anh Thu, Song Thanh, Anh Lan – Phan Chúc luôn xuất hiện trên các mặt báo cả Trung ương và địa phương. Với Đài PT&TH Phú Thọ, Phan Chúc là một trong những cộng tác viên “ruột” bởi dường như năm nào ông cũng phối hợp với Đài để làm chương trình câu đối Tết.
“Già trẻ chung tay, quét sạch sành sanh “rác rưởi” vướng quanh đường đón Tết.
Gái trai đua sức, khua tuốt tuồn tuột “tệ tai” luẩn quẩn lối vào Xuân”.
Số chữ trong câu đối có thể nhiều hay ít nhưng phải “chỉnh” cả ý và lời… Trong câu đối trên, tôi thích cách Phan Chúc dùng chữ “sạch sành sanh” và “tuốt tuồn tuột” bởi vừa là nghệ thuật láy, lại nói được cái ý triệt để loại bỏ những “rác rưởi” cùng “ tệ tai” không còn trong xã hội.
Vẫn là chủ đề về Tết, về Xuân nhưng câu đối Phan Chúc không chỉ dừng lại ở một không gian nhỏ hẹp mà mở rộng tới cả biên giới, hải đảo:
“Biên giới cao xanh, nồng hương vị núi rừng; Xuân nồng đượm cả hương vàng vị mứt.
Đào khơi ngời biếc, thắm sắc màu trời biển; Tết thắm tươi thêm sắc quất màu đào”.
Thế mới biết, làm được câu đối hay thì ngoài việc nắm vững về luật bằng trắc còn rất cần có một trí tưởng tượng phong phú như người làm thơ vậy! Đã ở tuổi “bát thập” mà vẫn còn cảm nhận được hương vị “nồng“ của núi rừng và vị mứt; cảm nhận được sắc “thắm” của trời biển và quất đào (trước cả khi Tết đến, Xuân về) thì quả là một tâm hồn thanh khiết, nhạy cảm mà không phải ai cũng có!
Văn cũng là người! Với Phan Chúc, những câu đối Tết phản ánh chân thật con người và tình cảm của ông – nguyên là nhà giáo. Câu chữ dung dị mà gần gũi; ý tứ chân phương mà nhân từ… Từng câu, từng chữ khi ông viết ra đều chứa đựng tình yêu cuộc sống; tình yêu đối với quê hương đất nước; với Đảng và Bác Hồ kính yêu:
“Đảng anh minh định hướng nâng tầm; cả nước tiếp đi lên;
thành công tiếp thành công, Tổ quốc đẹp muôn màu Tết
Bác vĩ đại mở đường dẫn lối; toàn dân cùng vươn tới;
thắng lợi hòa thắng lợi, non sông tươi vạn vẻ Xuân.”
Tôi quý Phan Chúc, không chỉ vì câu đối mà còn vì cách sống nhân từ và độ lượng của ông. Nhớ có lần, trong Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại hội trường Trường THPT Chuyên Hùng Vương ông đã miệt mài viết “thư pháp” gửi tặng cho những người ông yêu quý. Người được ông tặng cho chữ “Nhẫn”, người được chữ “Tâm” hay chữ “Phúc”… Ông bảo:
– Nhẫn nghĩa là nhẫn nhịn; làm người phải biết nhẫn nhịn: Trước hết là “nhẫn” với người, sau là “nhẫn” với mình thì mới có thể kiềm chế được “hỏa khí” mà bình tâm xử trí mọi vấn đề… Trong chữ “nhẫn” (Hán tự) có bộ “đao” nằm trên chữ “ Tâm”: Điều đó có nghĩa là khi thực hành “nhẫn” thì rất đau, rất khó nhưng nếu làm được thì sẽ mang lại hòa khí – Đó chính là một trong những yếu tố xây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp; trong nhà hay ngoài xã hội cũng vậy! Người xưa dạy: “Cái gốc trăm nết, nhẫn nhịn là cao/ Cha con nhẫn nhịn nhau, vẹn toàn đạo lý/ Vợ chồng nhẫn nhịn nhau, con cái khỏi bơ vơ/ Anh em nhẫn nhịn nhau, trong nhà thường êm ấm/ Bạn bè nhẫn nhịn nhau, tình nghĩa chẳng phai mờ/ Tự mình nhẫn nhịn được, ai ai cũng mến yêu/ Người mà chưa biết nhẫn, chưa phải là người hay!”.
Giải nghĩa về chữ “Tâm”, ông nói:
– “Tâm” có nghĩa là tâm trí, là lòng dạ. Trong Hán tự, chữ “Tâm” được biết đến với hình ảnh “một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời”; dụng ý là tâm phải sáng, phải tốt – đây chính là khía cạnh đạo đức của con người! Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”; đại thi hào đã đánh giá rất cao chữ “Tâm” bởi “Mọi sự việc đều do tâm tạo ra” – Theo giáo lý nhà Phật thì “Tâm” là tất cả; tất cả đều do tâm mà ra…! Có câu thơ rằng: Người trí tâm an định; Bất động trước khen chê”. Muốn có tâm tốt, tâm sáng thì nhất định phải “Tu”- nghĩa là chỉnh đốn, luyện rèn. Nếu mỗi người mà đều có được một “Tâm” tốt thì hành động cũng sẽ tốt; ai cũng vậy và ở thời nào cũng vậy…
Tặng cho tôi chữ “Phúc”, ông chia sẻ:
– Người xưa nói: “Có phúc có phần”. Phúc nghĩa là may mắn, vui vẻ, sung sướng, hạnh phúc… Trong Hán tự, chữ “Phúc” gồm “Bộ Thị” đi liền ký tự “Phúc”. “Bộ Thị” vốn là hình vẽ cái bàn thờ; ký tự Phúc (Nhất – khẩu – điền) – Nhất khẩu, nghĩa là toàn thể gia đình; Điền nghĩa là giàu có, dư giả… Suy ra, nhờ kính sợ thần linh, nhờ “Đức lưu phương” từ tổ tiên được con cháu phát huy nên cả nhà bao nhiêu nhân khẩu đều dồi dào vàng bạc, châu báu… Nói như vậy, thì chữ “Phúc” có quan hệ rất biện chứng giữa đạo đức, tinh thần, vật chất và của cải… Muốn có Phúc thì phải có Đức… Biết tin, kính Thần Phật, biết sống có đạo đức thì phúc đẳng hà sa! Câu đối của người xưa viết: “Phúc ấm ngàn đời cây trổ lộc/ Đức lâu muôn thuở nhánh đơm hoa”.
Tết Nguyên đán, mọi người thường treo chữ “Phúc” hay câu đối có chữ “Phúc” trước cửa nhà để mong những điều tốt đẹp, bình an cho gia đình!
Chữ ông Phan Chúc viết cứ như rồng bay phượng múa mà nhiều người gọi đấy là “thư pháp”. Ông bảo:
– Thư pháp, hiểu nôm na là “Nghệ thuật viết chữ đẹp”. Mỗi người một cách viết, không ai bắt chước ai… nhưng hiểu sâu hơn thì qua đó biểu hiện tâm, ý, khí, lực của người dụng bút hoặc cả của người được biếu, tặng. Phải tùy gia cảnh; tùy từng người mà tặng chữ nào phù hợp… Những người xin chữ, được cho chữ là thể hiện sự coi trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là điều may mắn, tài lộc trong năm mới!
Hoa đào đang hé nụ trước sân… Mùa xuân hạnh phúc đang về!
Tôi nhớ Phan Chúc với những câu đối với những thư pháp đầu năm không chỉ là món quà mang ý nghĩa xã hội, mà còn là mối giao lưu văn hóa; hướng chúng ta đi đến với giá trị của Chân – Thiện – Mỹ!
Nguyễn Xuân Ngọc