Nhiều năm trước đây, khi nhạc sĩ Văn Dung còn sinh thời, trong những buổi gặp gỡ và chia sẻ với nhạc sĩ – tôi vẫn gọi là “Bố Dung” thì “Bố Dung” đã nhiều lần nói với tôi: “Thằng con trai, khi nào bố mất mày viết điếu văn cho bố…”. Khi nhạc sĩ mất tôi đã thực hiện lới hứa với bài viết: “Nhạc sĩ Văn Dung và những thanh âm cuộc đời” như một điếu văn để chia sẻ với đông đảo công chúng. Còn điếu văn trong tang lễ của nhạc sĩ Văn Dung do nhạc sĩ Lân Cường viết.
Nhạc sỹ Văn Dung, một trong những nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nổi tiếng với nhiều ca khúc viết cho thiếu nhi và viết cho người lớn đã vĩnh biệt chúng ta để về miền cực lạc. Nhạc sĩ Văn Dung đã từ trần vào hồi 20h23 ngày 8/03/2022 tại Hà Nội, để lại nhiều sự tiếc thương cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp và những người yêu nhạc của ông.
Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nhạc sĩ Văn Dung và những dòng hồi ức này như một nén tâm nhang dâng lên hương hồn người nhạc sĩ tài hoa, đức độ với sự thành kính sâu sắc nhất…!
Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15 tháng 1 năm 1936 tại Hà Nội. Năm 1945, Cách mạng tháng 8 thành công, bố của ông là Nguyễn Văn An được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Lâm thời phố Hàng Bột. Nhưng sau 3 năm thì ông Nguyễn Văn An bị ung thư gan và mất, và Mẹ ông đã phải tần tảo nuôi 7 người con, sau đó Mẹ của ông mất khi ông được 26 tuổi.
Vào đầu những năm 1950, Văn Dung đã vào học Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt. Từ năm 1954 đến 1957 ông học Trung học tại trường Chu Văn An. Năm 1958 – 1959, ban ngày ông làm công việc trang trí trong Đoàn kịch nói Trung ương. Những buổi tối không phải kéo phông màn cho sân khấu thì lại tham gia công tác Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa với tư cách là tổ trưởng giáo viên.
Năm 1960, nhạc sĩ Văn Dung theo học lớp báo chí Trung ương do Ban Tuyên giáo tổ chức, thuộc Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1961 ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Một thời gian sau, nhạc sĩ Cầm Phong đã đề nghị nhạc sĩ Văn Dung tham gia làm biên tập âm nhạc. Tháng 5 năm 1993 ông được bổ nhiệm là Chủ nhiệm chương trình Ca nhạc mới Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Tích cực tham gia công tác Đoàn thể của Đài và năm 1963 – 1964 ông là Bí thư Chi đoàn Thanh niên Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1965 – 1968, ông là ủy viên Ban Chấp hàng Công đoàn Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông đã có nhiều đóng góp cho Đài TNVN bằng những chương trình ca nhạc được đông đảo thính giả yêu mến và nhiều ca khúc được thu thanh tại Đài TNVN cho tới ngày nghỉ hưu vào tháng 4 năm 1998.
Công việc Biên tập âm nhạc tại Đài TNVN đòi hỏi sự năng động, cần có chuyên môn sâu về âm nhạc, phông văn hóa rộng để chuyển tải những thông tin, kiến thức âm nhạc và phản ánh thực trạng đời sống nghệ thuật, kết hợp với nghiệp vụ về phát thanh để có được những chương trình sinh động, hấp dẫn các thính giả trên cả nước. Vì vậy, nhạc sĩ Văn Dung đã tự học nhạc qua sách vở bằng tiếng Pháp, tiếng Việt và không ngừng học hỏi từ các nhạc sĩ như nhạc sĩ Hoàng Vân, Ca Lê Thuần, Hồ Bắc, Phạm Tuyên… Trong bối cảnh thời đó đang còn nhiều khó khăn, đất nước ta tiếp tục giải phóng miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhưng đây chính là môi trường thuận lợi để nhạc sĩ Văn Dung có nhiều chuyến đi thực tế tới các công trường xây dựng trên những tuyến lửa của miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,…
Trong những năm từ 1965 đến 1971, nhạc sĩ Văn Dung đã có dịp đi thực tế ở Thanh Hóa, Khe Sanh (Quảng Trị), Đường Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào. Từ đó, ông đã viết: “Giải phóng quân ta ra đi” (1965), “Tiến về Khe Sanh” (1968), “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Bài ca Đường 9 chiến thắng” (1971)… Nhiều ca khúc viết về các ngành nghề và về những vùng miền khác nhau đã ra đời. Về công nghiệp có: “Vinh quang công nhân Việt Nam”, “Trở về Bỉm Sơn”…; về nông nghiệp có: “Hương lúa chiêm xuân”, “Nông trường ta yêu”…; về khai thác than có: “Tình ca đất mỏ”; về môi trường có: “Vì một hành tinh xanh”, “Em với rừng Hoàng Liên”; về biển đảo có: “Chiều xa thành phố cảng”… Nhạc sĩ Văn Dung còn có những ca khúc dành cho thiếu nhi như: “Em đố mẹ em” (1965), “Chim chích bông” (1980).
Ngược lại dòng thời gian, trở lại với những năm tháng làm công tác Biên tập âm nhạc tại Đài TNVN, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có đôi điều cảm nhận về nhạc sĩ Văn Dung như sau: “Trước khi về công tác tại Đài TNVN thì nhạc sĩ Văn Dung là một nhà báo. Nhưng môi trường đó đã tạo cho nhạc sĩ Văn Dung và nhiều nhạc sĩ khác có điều kiện đi thực tế và có những cảm xúc để sáng tác. Với góc nhìn của một nhà báo luôn bám sát những sự kiện thực tế của đất nước để chuyển tải vào bài hát là một trong những bản sắc riêng của nhạc sĩ Văn Dung. Sau mỗi chuyến đi, nhạc sĩ Văn Dung đều để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với anh em và đồng bào, để từ đó nhiều bài hát mới lại ra đời, phản ánh đời sống của nhân dân lúc bấy giờ. Nhạc sĩ Văn Dung có một trí nhớ rất đặc biệt, từ những kỷ niệm với các đồng nghiệp và với đồng bào ông đều ghi nhớ. Đối với nghệ sĩ nói chung thì nhạc sĩ Văn Dung có mối quan hệ rộng rãi, thân thiết và gần gũi…”.
Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều chiến sĩ đồng thời cũng là những nhạc sĩ, nghệ sĩ đã trải dài những bước chân anh dũng vượt qua các tuyến lửa trên đường Trường Sơn – con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trong đó có nhạc sĩ Văn Dung. Ông đã mang trong mình một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, nhưng cũng hết sức giản dị để phác họa lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, những tấm gương anh dũng hy sinh, những cô gái thanh niên xung phong đã sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình vì độc lập dân tộc. Đó là những hình ảnh có thật được ghi lại bằng những cung bậc thanh âm, chuyển hóa thành hình tượng âm nhạc mang tính lịch sử để trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.
Khi còn sinh thời, mỗi lần chia sẻ trải nghiệm của mình với thế hệ trẻ, nhạc sĩ Văn Dung thường nói: “Để có một ngày chúng ta được sống trong thanh bình là phải đổi bằng xương máu của bao anh hùng liệt sĩ. Thời của những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh ấy đối với tôi còn nhiều hơn cả cái gọi là kỷ niệm, nó trở thành một phần đời với nỗi ám ảnh khôn nguôn về sự hy sinh mất mát. Tôi đã thể hiện trong từng cung bậc của các bài hát, giai điệu và hôm nay khán giả còn nhớ được những bài hát ấy, thì với tôi là sự hy sinh của biết bao thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trên những con đường ra trận, con đường Trường Sơn”.
Dường như những ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung là những trang nhật ký sống động, ghi lại những câu chuyện và hình ảnh trong đời sống mà ông đã từng trải nghiệm để chuyển hóa thành hình tượng âm nhạc, lời ca. Một bài hát nữa không thể không nhắc tới, đó là “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”. Đây là một khúc tráng ca về thế hệ thanh niên đầy hào hùng, căng tràn sức sống của tuổi trẻ, nhưng giai điệu, tiết tấu vẫn mang đậm âm hưởng trữ tình. Bài hát này được hoàn thành vào năm 1970, lúc đó Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã phát động phong trào sáng tác ca khúc cho thanh niên, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập Đoàn. Vào thời điểm đó cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, vì vậy các loại hình nghệ thuật đã tập trung phản ánh đề tài này. Khi đó, thế hệ thanh niên đang náo nức lên đường ra trận và xây dựng đất nước, vì vậy, chỉ trong 3 giờ đồng hồ, nhạc sĩ Văn Dung đã hoàn thành bài hát này. Sau đó tác phẩm đã được dàn dựng và trình bày bởi 1.000 học sinh, sinh viên trong lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đoàn được tổ chức vào ngày 26/3/1971 tại Sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội.
Một ca khúc nổi tiếng nữa của nhạc sĩ Văn Dung đã trở nên gần gũi, quen thuộc với công chúng yêu nhạc, đó là “Những bông hoa trong vườn Bác”. Với âm hưởng, lời ca thật sâu lắng, trong đó là những tình cảm thật giản dị, chân thành của nhạc sĩ về Bác Hồ kính yêu. Riêng về phần giai điệu của bài hát này, nhạc sĩ Văn Dung rất tâm đắc và coi đó như một khúc romance xinh xắn nhẹ nhàng.
Đối với nhạc sĩ Văn Dung, trong sáng tác âm nhạc ông luôn quan niệm rằng: “Không có gì là cảm xúc cụ thể, đo đếm ở cung bậc mà chỉ còn lại những điều người ta cảm nhận trước cuộc sống hiện hữu và không hiện hữu”.
Khi còn sinh thời, nhạc sĩ Tân Huyền đã nói về nhạc sĩ Văn Dung: “Anh là người lữ hành không mệt mỏi đi tìm cái hay, cái đẹp, tìm về chính mình trong cõi sâu thẳm của tâm thức thanh âm. Với anh, âm nhạc không đo đếm ở cung bậc, anh chỉ là người ghi chép cuộc sống hiện thực và không hiện thực bằng những âm thanh không biết từ đâu ùa vào, tràn ngập mạnh mẽ và dịu dàng, để còn lại và chẳng còn lại những gì mà anh cứ miệt mài suốt một chặng đường đời”.
Trong kháng chiến, nhạc sĩ là người ghi chép lại hiện thực cuộc sống giàu cảm xúc – hình ảnh của cuộc chiến tranh đầy gian khổ và hy sinh của quân và dân trong cả nước ta. Trong hòa bình dựng xây thì nhạc sĩ lại khai thác những đề tài về cái hay cái đẹp của đời sống.
Có thể nói, những cung bậc tình cảm trong ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung thật đa sắc màu, được tiếp cận ở những góc nhìn về các đề tài khác nhau. Đó là những thanh âm trong tâm thức của người nghệ sĩ tài hoa, có chiều sâu về văn hóa dân tộc, mang nhiều trải nghiệm thực tế với sự hồn nhiên trong tình yêu chân thành để trải lòng với cuộc đời này. Có điều đặc biệt, từ trước đến nay nhạc sĩ Văn Dung chỉ nhận mình là một nhà báo, trong khi đó những ca khúc của ông đã được đông đảo công chúng yêu âm nhạc đón nhận. Đồng thời những ca khúc của ông còn là kho tư liệu quý giá trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Khi nhắc tới nhạc sĩ Văn Dung, nhạc sĩ Cát Vận đã nói: “Nhạc sĩ Văn Dung rất có năng khiếu về mặt âm nhạc. Chính sự nhanh nhạy của một nhà báo đọc nhiều, đi nhiều, hiểu nhiều, có mối quan hệ rộng rãi, đã cho nhạc sĩ một lượng thông tin và cảm xúc nhất định để viết báo và sáng tác âm nhạc”.
Khi còn sinh thời, nhạc sĩ Huy Du cũng đã từng nói: “Nhạc sĩ Văn Dung “chơi” với cả thiên hạ. Làm công tác văn hóa nghệ thuật luôn phản ánh những điều tốt đẹp của quá khứ và hôm nay đã cho thêm năng lực sáng tạo. Những bài báo và ca khúc của nhạc sĩ Văn Dung có tác dụng rất lớn với đời sống thực. Ông thuộc nhiều thể loại văn học nghệ thuật và trong tác phẩm của ông đầy hình tượng cuộc sống, đầy hình tượng thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước. Trong giai điệu có gì đó rất riêng biệt và đa dạng…”.
Trong thời gian nhạc sĩ Văn Dung giữ vai trò Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội từ năm 2014 – 2016, tại đây với những hoạt động sôi nổi đã hội tụ nhiều nhạc sĩ lớn tuổi tham gia. Đó là các chương trình “Giới thiệu tác phẩm mới” được tổ chức vào ngày 15 hàng tháng hoặc trao đổi về con đường âm nhạc của các nhạc sĩ là hội viên, trao đổi những thông tin âm nhạc, tham gia các trại sáng tác hay đi thực tế sáng tác cho nhiều ngành nghề khác nhau. Hội Âm nhạc Hà Nội cũng đẩy mạnh các hoạt động về Lý luận âm nhạc qua các hội thảo về những vấn đề âm nhạc đang diễn ra trong đời sống. Đây là khối lượng công việc lớn và nhiều áp lực so với những nhạc sĩ đã nhiều tuổi. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, tính cách trẻ trung, vui vẻ hòa nhã và đầy trí tuệ đã giúp nhạc sĩ Văn Dung tổ chức thành công các hoạt động đó. Đối với các nhạc sĩ trẻ ông luôn có sự quan tâm và nhiệt tình trong việc trao đổi những kinh nghiệm và cách tiếp cận những vấn đề văn hóa nghệ thuật trong cuộc sống để đưa vào sáng tác ca khúc.
Với những đóng góp cho đời sống xã hội, cho quần chúng nhân dân qua nhiều ca khúc nổi tiếng, nhạc sĩ Văn Dung đã ghi danh tên tuổi của mình một cách xứng đáng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Ông đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001.
Những ai đã từng được gặp gỡ với nhạc sĩ Văn Dung đều có những ấn tượng tốt đẹp. Mỗi lần gặp ông đều có những điều thú vị để cùng chia sẻ. Có thể là một bài hát mới sáng tác, một bài báo, hoặc một tứ thơ mới để đọc, một tác phẩm âm nhạc kinh điển nổi tiếng để cùng bàn luận, hoặc thậm chí là về một người bạn mà ông mới gặp lại… Lúc nào ông cũng bận rộn với nhiều công việc và không bao giờ ngừng lại. Dường như âm nhạc luôn là nguồn sống của ông. Những chiêm nghiệm, những suy tư tình cảm của ông đối với mỗi con người, với thiên nhiên, với vạn vật trong đời sống luôn là những mạch nguồn cho giai điệu âm nhạc, lời ca được hình thành như mầm xanh của cuộc sống vươn lên kỳ diệu.
Nhạc sĩ Văn Dung đã từ biệt chúng ta để chuyển cõi đến vùng cực lạc, nhưng hình ảnh, tài năng, đức độ, sự hồn hậu, lòng bao dung và những cống hiến về âm nhạc của ông đã kết nối được với trái tim của đông đảo công chúng, những tác phẩm của ông sẽ mãi còn vang vọng, có sức sống vượt không gian, vượt thời gian và trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.
Nguyễn Tiến Mạnh
(Hoinhacsi.vn)