Một hạt giống tốt khi được gieo trồng trên mảnh đất, môi trường thuận lợi, phù hợp sẽ đơm hoa thơm, kết trái ngọt dâng đời. Và Tống Ngọc Hân, người con đất trung du đã bén duyên với mảnh đất Tây Bắc đầy duyên nợ như hạt mầm gieo đúng đất lành. Mảnh đất Tây Bắc ngồn ngộn chất liệu nghệ thuật, thế nhưng văn học Tây Bắc lúc nào cũng đói tác phẩm hay để song hành cùng nền văn nghệ nước nhà. Cái thời “Vợ chồng A Phủ”, “Người lái đò sông Đà”, “Tiếng hát con tầu”… đã qua rất lâu nhưng thế hệ tác giả “măng mọc” vẫn chưa có những tác phẩm kế cận tương xứng khi thế hệ “tre” đã già.
Sau mấy chục năm trầm lắng, khoảng 10 năm trở lại đây dòng văn học về đề tài dân tộc và miền núi Tây Bắc đã hồi sinh đầy mạnh mẽ khi có nhiều tác phẩm hay xuất hiện dày đặc trên các tạp chí văn nghệ chuyên ngành khắp trong Nam ngoài Bắc, trên sóng phát thanh, truyền hình cả Trung ương và địa phương, có những tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim, ca khúc… Một hiện tượng được giới nghiên cứu lý luận phê bình văn học cũng như độc giả, thính giả đón nhận rất mạnh mẽ đó là tác giả Tống Ngọc Hân.
Tống Ngọc Hân có lối viết riêng, độc đáo khác lạ khi đi vào những cốt truyện rất mới mẻ, lạ lẫm, hấp dẫn với độc giả nhưng lại rất gần gũi với đời sống của người dân vùng cao. Chị có sức viết mạnh mẽ, đến nay đã ấn hành được 15 tựa sách chất lượng. Trong đó bộ ba tiểu thuyết viết về vùng đất Lưỡng Giang (nằm giữa hai con sông lớn của Tây Bắc) được độc giả có nhiều lời khen, phản hồi tích cực: “Âm binh và lá ngón”; “Huyết ngọc”; “Động rừng”.
Tống Ngọc Hân gây ấn tượng với người đọc ngay từ cái tên của tác phẩm “Âm binh và lá ngón”. Nó khiến người ta hoang mang hồ nghi câu chuyện sẽ kể về những điều huyền bí, thế giới siêu thực nào đó ở vùng cao, một thế giới ma mị với bùa ngải, ma quỷ vẫn còn tồn tại nơi văn hóa lẫn hủ tục của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều ẩn số với độc giả đa số.
Tiểu thuyết mở đầu với bối cảnh mùa xuân đang về trên rẻo cao biên giới Mùa Sán. Nhưng đó là mùa xuân của những hoang mang, lo lắng khi “Mỷ – vợ Chinh mất tích cả tháng rồi” (tr.5) mà chưa có tung tích gì. Mỷ mất tích một cách bí ẩn khi đi chợ Ngải Thầu một mình và không thấy về nữa. Sự việc Mỷ mất tích làm dấy lên những nỗi lo sợ cho các gia đình trong bản, trong xã. Phụ nữ không còn dám ra đường, lên nương một mình. Sau đó việc vợ của Đái phát hiện ra xác chết không đầu của mo Dính trên núi Plâu càng làm cho dư luận trong dân tình hoang mang. Không dừng lại ở đó, vợ Đái ốm nặng. Thầy Lẩu bảo “vợ Đái lên núi Plâu đúng vào hôm âm binh mở đại tiệc trên núi, chúng thấy gái đẹp thì bắt lấy hồn vía mang đi trình cấp trên” (tr.192). Sự việc lại càng khiến người dân tin vào âm binh, ma quỷ hại người. “Từ hôm cả bản Mùa Sán biết việc bộ xương khô trên núi Plâu, từ trai đến gái, từ già đến trẻ không ai dám mon men, bén mảng đến đó nữa” (tr.193). Đái mất 10 đồng bạc để Lẩu cúng gọi âm binh về đuổi ma nhưng vợ mãi vẫn không khỏi. Vợ Đái lăn ra chết khiến dân tình lại càng hoang mang hơn. Màu sắc huyền bí trong tiểu thuyết còn được phủ lên bởi sự linh thiêng của núi Plâu, nước độc của suối Na Lúc, hơi độc của hang Đùng Đeng. Và ở vùng đất biên giới này có “ngàn vạn âm binh. Những âm binh luôn theo sát và hỗ trợ đời sống của đồng bào mình” (tr.126) – là điều mà người Mông khắp vùng Ngải Thầu luôn nhất nhất tin tưởng.“Âm binh và lá ngón” từ đó được cả người dân lẫn cán bộ xã coi là nguyên nhân lý giải cho mọi sự chết chóc bất thường. “Ở vùng này, có hai kẻ giết người lạnh lùng mà công an dù biết cũng không thể bắt nó cúi đầu chịu tội trước pháp luật. Đó là âm binh và lá ngón. Chừng nào còn mo, còn thầy cúng thì âm binh còn đất, còn trời để sống. Chừng nào còn rừng, còn núi, còn nước, thì cây lá ngón còn mọc. Âm binh thì không ai biết mặt, nhưng lá ngón thì không biết trước rồi biết sau, khi nào muốn chết, cần chết thì người ta sẽ tự biết cái mặt lá ngón thôi” (tr.255).
Song hành với những đồn đoán huyền bí đầy uổn khúc trói buộc tinh thần con người. Tiểu thuyết “Âm binh và lá ngón” chảy dòng tự sự thứ hai là những mờ ám trong làm ăn của một số người dân Ngải Thầu với những người Kiều A từ bên kia biên giới. Chinh có phần thấy an ủi việc vợ mất tích khi làm ăn được thuận lợi bởi trưởng bản Thào Chớ nhường mối cho.“Đôi lúc Chinh lại nghĩ, nếu Mỷ chưa bị mất tích, mọi sự làm ăn đâu có thuận thế. Thôi thì đen thứ này đỏ thứ kia” (tr.16). Không biết buôn pin đèn lãi được bao nhiêu tiền, nhưng khi khách từ bên Kiều A về khỏi nhà, Chinh “buông màn ngồi trong giường làm cái việc rất lạ, ấy là bóc từng quả pin còn mới tinh ra, cứ như trẻ con nghịch pin cũ ý” (tr.16). Với người dân Ngải Thầu, khách Kiều A sang thu mua đủ mọi thứ từ rắn, ếch, ba ba, cây thuốc, ớt đến móng trâu, râu ngô non, phấn lúa nếp… rất nhiều trong đó là hàng tâm lý chiến.
Hai dòng chảy cốt truyện cứ song song đan cài cuốn hút người đọc. Để rồi khi khép lại trang cuối của cuốn sách. Mọi sự suy huyền bí hay siêu thực đều biến mất khi những bức màn hủ tục bị lật tẩy và phơi bày trước ánh sáng. Không có ba vạn âm binh hay ba mươi vạn âm binh nào cả. Không có con ma nào ăn gan, ăn ruột, ăn tim khiến người ốm chết. Cũng không thể cúng bái mà chữa khỏi được bệnh. Cũng chẳng có oan hồn trả thù. Chỉ có những hủ tục trói buộc con người trong cái vòng luổn quẩn đói nghèo, ít học, ngu dốt, lạc hậu, tảo hôn, gia trưởng, nghiện hút dẫn đến những cái chết oan uổng.
Sự ám ảnh của cái đói, cái nghèo, cái khó khăn vất vả, thiếu nước, tăm tối, những hủ tục truyền kiếp bủa vây thân phận con người cứ nhói đau, cắn rứt. Mỷ được giải cứu từ động mại dâm trở về. Chinh ra đầu thú, những viên pin mà Chinh buôn không thể thắp sáng đèn, bởi trong ruột là ma túy. Cái đầu lâu của mo Dính không phải bị ai giết người chặt đầu mà do Chinh lấy từ bộ xương khô với mục đích đòi Lẩu – con trai ông Dính chuộc bạc. Tên thầy cúng Lẩu chuyên lừa đảo âm binh để moi tiền cúng bái của người dân và buôn người bị bắt giữ chính tại nơi hắn đã giết chết bố mình vì cuồng ghen. Tay trưởng bản Thào Chớ với tham vọng làm vua, mưu đồ thành lập vương quốc riêng đã bị bắt quả tang ngay chính tại ngôi nhà của mình cùng đầy đủ tang chứng, vật chứng và đồng bọn. Một vụ án chính trị có mối liên quan với người Kiều A bên kia biên giới với thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt bị bóc gỡ thành công. Nhiều sự thật được sáng rõ. Những uẩn khúc được thanh minh. Bản Mùa Sán đang được làm đường giao thông và mắc điện lưới. Đời sống của bà con nơi đây sẽ có những đổi thay tươi sáng khi văn minh về.
* “Động rừng” – cuộc chiến chống tham nhũng
Khi mới đọc những chương đầu tiên của “Động rừng”, độc giả bị cuốn hút bởi mối cừu thù của hai gia đình, hai dòng họ từ thời cải cách ruộng đất. Đó là dòng họ Trần địa chủ và dòng họ Đinh bần cố nông. Hai gia đình cùng sống với nhau trong một làng ở vùng Trung du. Khi cải cách ruộng đất, người đàn ông Đinh Công Dỡ trong gia đình bần cố nông đã mạnh mẽ lên lễ đài đấu tố người chủ gia đình địa chủ Trần Dinh. Ông Dinh bị hành hình, ông Dỡ được chia một dãy nhà ngang của ông Dinh. Sau đó một thời gian, trong vùng âm thầm có hiện tượng các gia đình bần cố nông bị gia đình địa chủ trả thù. Sống trong nơm nớp lo sợ. Gia đình bần cố nông đã trốn chạy lên vùng thâm sơn cùng cốc Lưỡng Giang để mong làm lại cuộc đời. Oán thù đời trước chưa giải quyết được, oan nghiệt đời sau lại ập tới. Cùng đêm gia đình ông Dỡ bỏ trốn, cô Hạ, em gái út của ông Trần Dinh trong cơn bực tức bị hủy hôn đã ra tay “thiêu gia” – đốt gian nhà của gia đình đã chia cho Đinh Công Dỡ. Quá hoảng loạn tưởng đã thiêu chết cả gia đình ông Dỡ, cô Hạ ngược sông Thao lên thượng nguồn vùng Lưỡng Giang để chạy trốn. Thế rồi số phận éo le cứ đan bện hai dòng họ vào nhau với những mối quan hệ phức tạp. Hoàn (con cô Hạ) sau này lại là bồ và có con riêng với ông Đại (con ông Dỡ). Vợ ông Đại là Lệ Xoan lại là người yêu cũ của ông Chung (con Trần Dinh, cháu cô Hạ). Ông Chung và Ngát lên vùng Lưỡng Giang công tác ngoài vấn đề việc làm còn là để thực hiện tâm nguyện của gia đình tìm tung tích của cô Hạ. Các anh em ông Đại chui lủi một đời nhưng lúc nào cũng cố gắng làm giàu hòng“khao khát rửa mối nhục hèn kém bần cố nông bao đời của tổ tiên cha ông” (tr.28) để rồi ông Đại trở thành trùm xã hội đen núp bóng doanh nhân gây ra bao tội ác. Những ngày tuổi già ông Đại sống trong tù tội. Cô đồng Đúc em ông Đại hóa rồ khi có âm mưu giết chết bà Hạ không thành. Mối ân oán cừu thù đó đã đẩy hai gia đình, hai dòng họ phải sống trong ly tán, lo lắng, sợ hãi, day dứt và sau là tù tội, ân hận…
Thế nhưng cốt truyện thứ hai của “Động rừng” lại đem đến cho người đọc ý nghĩa khác. Đó là cuộc chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác. “Động rừng” là cuốn tiểu thuyết để lại cho tôi nhiều xót xa khi tác giả viết lại một giai đoạn con người đã đối xử tàn ác với tự nhiên. Đó là khoảng thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Ở Tây Bắc lúc đó nạn phá rừng diễn ra nhức nhối, lâm tặc tận diệt những cánh rừng hàng trăm năm tuổi khi chặt cây, khai thác thuốc quý, săn bắt muông thú, đào đãi khoáng sản… cứ cái gì kiếm được tiền từ rừng là người ta tận diệt. Nghĩ mà xót xa, trong khi sau bao nhiêu năm thực dân Pháp, đế quốc Mĩ xâm lược “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” đầy ân huệ. Vậy mà chỉ khoảng hai thập kỷ sau khi Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, rừng bị tàn phá nặng nề không thương tiếc. Đáng lên án hơn, kẻ tiếp tay cho những hành động tàn nhẫn với tự nhiên đó lại chính là những cán bộ có trách nhiệm trong hệ thống công quyền. Cuộc đấu tranh của bên đại diện cho cái tốt, công lý là cán bộ công an Dũng, ông Chung kiểm lâm với bên tội phạm là ông Đại dưới sự tiếp tay của ông Lẫy cứ dai dẳng, kéo dài hàng chục năm mới tới hồi kết. Để xóa đi “một thời Lưỡng Giang nhộm nhoạm lắm, cướp bóc, trộm cắp, cờ bạc, phiện sái, lừa đảo tít mù” (tr.195). Để bây giờ, “tới lúc này đây, thành phố hiện ra trong một diện mạo mới hứa hẹn những sự phát triển vượt trội so với khu vực” (tr.178). Và “Lưỡng Giang được như ngày hôm nay là do hồng phúc của dân tộc, còn có những người lãnh đạo tốt” (tr.194).
Tạm khép lại những ân oán kéo dài hơn nửa thế kỷ, Tống Ngọc Hân đã khéo léo lồng vào câu chuyện những triết lý nhân sinh giác ngộ. Ông Dỡ gan ruột căn dặn con cái “sống phải có chỗ cho ăn năn hối cải” (tr.28). Quán khi chăm sóc người vợ điên nhận ra rằng“nếu không có những biến cố lớn trong cuộc đời, chẳng ai nhận ra cái chân giá trị đang tồn tại trong mỗi con người. Đấy là sự tha thứ” (tr.212). Và thường thì con người sống quá lụy tình, vì tình thân mà con người có thể lầm lỡ, phạm tội với người khác. “Ở đời có những điều rất khó hiểu hiển nhiên tồn tại. Con người ta, dẫu có thể nhận ra tốt xấu. Dẫu có thể phân biệt đúng sai, nhưng người ta không thể lên tiếng. Nếu như cái xấu ấy, cái ác ấy, cái sai trái ấy thuộc về thân tình máu mủ” (tr.212). Với những ân oán “Giá như con người ta có thể tha thứ, có thể quên thì tốt biết mấy” (tr.218). Bởi lẽ, “Cuộc sống này, chả cần tinh ý thì cũng thấy, nó đã vốn ẩn chứa những quy định bất di bất dịch, mà ai đó nâng lên thành Nhân, Quả thì cũng đúng thôi” (tr.218). Và sự tự thức tỉnh, tự sám hối, tự sửa sai là quy luật phát triển của loài người, chẳng ai có thể giáo huấn áp đặt nếu bản thân người lầm lỗi không tự giác. “Tại sao người ta lại gọi nhà giam là trại cải tạo? Đúng ra, nhà giam là nơi tự cải tạo. Con người, nếu không tự nhận ra tội lỗi, không thức tỉnh lương tri, không tự hướng thiện thì mọi giáo huấn áp đặt của kẻ khác chỉ như nước đổ lá khoai” (tr.220). Vậy nên việc Hoàng Lẫy hạ cánh an toàn có thể chưa bị pháp luật xử lý nhưng tòa án lương tâm và Nhân – Quả sẽ soi xét cuộc sống và gia đình ông những ngày cuối đời.
Có thể cảm nhận, đọc “Động rừng” rất thấm bởi cuốn tiểu thuyết tuy không dày dặn về quy mô nhưng lại đan cài nhiều tầng nấc ý nghĩa. Những triết lý nhân sinh được gửi gắm tinh vi qua những kiếp người, số phận đầy sâu sắc. Nó khiến cho người đọc hướng thiện, thôi thúc hành động tử tế, lối sống đẹp.
* “Huyết ngọc” – một xã hội tranh tối tranh sáng chuyển mình hướng sáng
“Người ta vẫn gọi đoạn đường từ chân cầu treo xuống bến sông là phố. Phố Ắc Quy. Con phố lươn lươn, thoai thoải, dài năm chục mét là hết cỡ. Phố Ắc Quy có mười hai hộ tất cả. Mỗi bên đường sáu hộ” (tr.5). Tính từ trên đỉnh dốc là quán của cụ Bưởi, “bày bán những thứ hàng khá đơn giản như thuốc lào, chè bồm, kẹo lạc, bánh rán, mấy buộc bánh gai, mấy cầu bánh nướng và trầu tươi, cau khô… dây thừng, lạt giang và mấy cái chổi chít do cụ tự làm” (tr.5); “Phía đối diện với nhà cụ Bưởi là nhà cô Thoan thợ may. Gọi là thợ may cho oai chứ thực ra cô Thoan may thì ít mà vá nhiều… Chủ yếu người ta thuê cô vá đít quần, bích kê đầu gối, những chỗ rách do phải mài mòn lâu ngày hay do gai góc, cây cối xé toạc” (tr.5). “Ngay bên dưới nhà cụ Bưởi là một dãy liền tù tì bốn hộ làm quán Ắc Quy. Tức là bán, mua, sửa, đổi, sạc, súc, đổ a xít ắc quy. Cái nghề ắc quy phát đạt lắm. Chẳng thế cái phố này có tên là phố Ắc Quy” (tr.6): “Trường Ắc Quy”, “Ắc Quy Chom”, “Khi sạc Ắc Quy”, Ắc Quy Đê”; “Đối diện bốn hộ ắc quy là bốn gia đình thu mua, buôn bán nhôm đồng nát, ni lông, túi tải, lông gà, lông vịt…” (tr.8); Ở Cuối cùng dãy nhà cô Thoan là gia đình Bốc – Duyên, “là một hộ làm nghề vớt xác” (tr.9). Họ còn làm tất cả những thủ tục trọn gói khác như tắm rửa, chôn cất, khâm liệm theo yêu cầu” (tr.9). Ngoài ra, họ còn vớt củ, gỗ trôi sông; Hộ cuối cùng dãy nhà cụ Bưởi là nhà lang Tuý làm nghề bốc thuốc, cấp cứu người chết đuối. Ắc Quy là “phố không có số nhà, nhà không có bìa đỏ, vì toàn dân tứ chiếng và đất đó không trong diện cấp sổ đỏ”. Trên phố Ắc Quy là phố Hai Cầu. Dưới là phố Mặt Sông. Đây cũng là bến đò tấp nập người mỗi ngày chợ phiên.
Tống Ngọc Hân đã mở đầu tiểu thuyết bằng màn giới thiệu về phố Ắc Quy chín người mười làng đầy ấn tượng. Giọng văn có phần hài hước, bông đùa tạo cảm giác bình yên cho người đọc. Nhưng những trang văn bình yên mở đầu đó là khoảng lặng trước bão chuẩn bị cho những cơn sóng gió dữ dội, thanh trừng, toan tính, lòng tham, giết chóc về sau. Tất cả đều bắt nguồn từ vật báu mang tên “Huyết ngọc”.
Huyết ngọc là cặp báu vật bằng đá rubi đỏ của một dòng họ người Tày vùng Lưỡng Giang. Năm đó, do cảnh giặc giã mà nhân dân trong bản vô cùng đói khổ. Cái nạn thiếu muối hoành hành khiến người ta chết dần chết mòn trong dịch bệnh. “Già làng là một vị cao nhân người Tày đã đem báu vật của tiên tổ là cặp Huyết ngọc ra đổi lấy những bao muối để cứu dân” (tr.81). Đó là cặp ngọc đặc biệt, ở chúng có những tia máu lấp lánh nhỏ li ti. “Già làng bảo, khi những người thân trong dòng họ có mệnh hệ gì liên quan đến tính mạng thì máu trong viên ngọc sẽ sôi lên” (tr.81). “Huyết ngọc sống bằng gạo nếp rang. Để gạo nếp rang vào một cái khay nhỏ, sau đó thả ngọc vào. Ba tháng một lần, khi số gạo bị Huyết ngọc nghiền nhỏ thành bột thì lại tiếp tục cho ăn gạo mới” (tr.82).
Việc làm nhân đức của cao nhân người Tày khi đổi cặp báu vật của tổ tiên cho tay thổ ti đại gian đại ác và tham lam vô chừng Hoàng Trọng Mịch đã là khởi đầu bi thương cho cuộc tàn sát cả dòng họ. Hoàng Trọng Mịch “đã cho người lần lượt ám sát từng người trong nhà vị trưởng lão kia để chiêm ngưỡng viên ngọc sôi máu” (tr.82). Khi Hoàng Trọng Tôn (con trai của Hoàng Trọng Mịch) được giao cho việc gìn giữ Huyết ngọc, hắn khát khao được nhìn ngọc sôi máu nên cho người dò tìm thân nhân của gã cao nhân người Tày. Khi truyền nhân duy nhất còn lại của Huyết ngọc được đưa về. “Thay vì tra tấn bằng đòn roi và giết hại người con gái đó để chứng kiến ngọc sôi máu, gã quan gian ác kia đã nhốt cô gái xinh đẹp ấy vào một phòng tối. Hãm hiếp cô đến chết mới là mục đích của hắn, để hắn vừa được thoả mãn dục vọng và sở thích giết người. Cô gái trẻ chưa kịp chết thì đã mang thai” (tr.151). Khi được giao nhiệm vụ giết chết cô gái sau khi sinh con, gã người Hoa – Tào Tuyết Đường trong nhà quan lang đã “đánh cắp đứa trẻ và cùng cô ta trốn thoát” (tr.151) – Người con gái đó là Bưởi. Ba năm sau, vào thời điểm cách mạng bùng nổ. Hoàng Trọng Tôn và thế lực bị bắt và tiêu diệt. Chế độ quan lang miền núi chấm dứt. Hai người Bưởi và Tào Tuyết Đường quay lại nhà quan lang. Tay họ Tào đã bí mật chiếm đoạt hai viên Huyết ngọc. Để suốt bao nhiêu năm sau đó cụ Bưởi luôn đau đáu với câu hỏi: “Huyết ngọc ở đâu? Luôn là bài toán mà người đàn bà đưa con trai theo vào cõi giang hồ để kiếm tìm. Bà sẽ huỷ diệt nó nếu được một lần nữa chạm tay vào nó để kết thúc những cảnh đổ máu, tai ương” (tr.152). Vậy là hành trình của Huyết ngọc lại bước sang chuyến đò mới đầy bí ẩn gắn với những toan tính, mưu mô, chết chóc, thanh trừng, hỗn loạn.
Sau hơn 60 năm chìm nổi giang hồ tìm Huyết ngọc, “người thiếu nữ tuổi mười bảy đẹp như trăng rằm” (tr.151) ngày nào giờ đã thành bà lão ngoài 80 tuổi. Cụ Bưởi chuyển về phố Ắc Quy sống vì đã tính toán được Huyết ngọc đang ở vùng Lưỡng Giang và sắp có những giao dịch. Thoan cô gái xinh đẹp nức tiếng, hậu duệ đời thứ tư của Hoàng Trọng Mịch, luôn tâm niệm mình chính là người thừa kế chính đáng của Huyết ngọc nên cũng chuyển về phố Ắc Quy chờ cơ hội. Lang Tuý là một kẻ trí thức cũng bị câu chuyện li kì bậc nhất Lưỡng Giang cuốn hút và chuyển đến sống ở phố Ắc Quy ước mong sở hữu Huyết ngọc. Khánh, bạn của Thản (con cụ Bưởi) vốn chỉ là tay buôn bán lâm thổ sản, sau một lần mua đá của Trấn (chồng Thoan) chỉ thời gian ngắn bán có lãi cao mua đươc mấy cái công nông cũng bị cuốn vào vòng tham lam khi nghĩ đầu tư vào Huyết ngọc sẽ lãi lớn. Tào Tuyết Đường sau nhiều năm cải trang ở ẩn, giấu ngọc trong làng Vành, đến khi về già muốn bán ngọc thu tiền về… Câu chuyện Huyết ngọc được đan cài chằng buộc vào những biến cố lịch sử, những chuyển mình, những mất mát, sự thay đổi của một vùng đất vốn tươi đẹp, trù phú được thiên nhiên ưu đãi nhiều tài nguyên bị lòng tham vô đáy của con người tàn sát, đào bới, chặt hạ, huỷ hoại, vơ vét. Tất cả xã hội điên đảo đó được thu nhỏ, diễn đạt đầy đủ trong những kiếp người ở “cái phố ngắn củn ấy mà đến lắm hảo hán” (tr.276). “Thằng chuyên vớt củi gỗ xác chết. Thằng thì chuyên chữa lậu, giang mai cho đội quân chơi gái. Thằng thì trùm cờ bạc, thằng thì trùm tài nguyên, thằm trùm nông lâm sản, con trùm đĩ bợm, bà trùm giang hồ… Nói chung chín người mười làng, đếch thằng nào sợ thằng nào” (tr.276). Còn nói như Thoan thì Ắc Quy là “một con phố rác rưởi, bẩn thỉu và tệ hại nhất cái gầm trời này” (tr.269).
Vậy mà tất cả cái mớ bòng bong hỗn loạn đó đều bắt đầu hoặc kết thúc có liên quan đến Thoan. Giống như tất cả đàn ông ở phố Ắc Quy đều thèm khát và yêu quý Thoan. Thoan đẹp đến duy mĩ cả trong những hoàn cảnh éo le nhất. Trải qua bao nỗi tủi nhục bị cha dượng hãm hiếp, đánh đập, nổi chìm từ bãi đá đỏ đến chốn làng chơi Hạnh Tiên mà Thoan vẫn xinh đẹp không tì vết. Đặt cô vào mối quan hệ với Huyết ngọc – hai viên ngọc quý hiếm nhất. Nó như một sự éo le đầy duyên nợ. Khiến cô được người yêu cũng lắm mà người ghen, kẻ ghét cũng nhiều.
Khi Thoan có thai với Bốc sau chuyến đi thành phố về. Trùng thời gian đó Thản quay lại phố Ắc Quy tình cờ ngủ với Thoan. Cô bóng gió cái thai trong bụng là có với Thản – con cụ Bưởi để nhử Huyết ngọc cũng là lúc mọi ân oán bắt đầu vòng luân hồi mới. Tào Tuyết Đường muốn giết Thoan để giết chết đứa trẻ trong bụng cho giao dịch ngọc mới với Khánh. Thoan có võ do Phấn dạy khi còn ở Hạnh Tiên nên cô không chết. Nhưng cụ Bưởi nhân cơ hội đó dùng một đòn hại cái thai trong bụng Thoan để không còn truyền nhân của Huyết ngọc, do cụ tưởng cái thai đó là con của Thản. Thoan, Bốc từ đó hận cụ Bưởi. Tào bật đèn để Duyên (vợ Bốc) thuê Thản giết Trấn, chồng Thoan (do Duyên nghĩ Trấn đã giết em trai mình ở bãi đá đỏ khi trước) để gây thêm thù hằn giữa Thoan và Thản. Sau khi Thản quay lại Hai Cầu lần nữa, Khánh biết Thản gặp khó khăn về tiền bạc nhưng không giúp đỡ, lại kích động, xui Thản xuống chỗ Duyên vợ Bốc đòi thêm tiền từ vụ giết Trấn. Thoan muốn giết Thản vì hắn đã hại đời chị em cô và giết chồng cô. Duyên cho rằng Thản tráo trở, lật mặt, khi dám đến đòi thêm tiền nên đã hẹn Thoan cùng xử lý hắn. Nhưng cả hai phát đạn từ hai khẩu súng để hạ Thản đều do Duyên bắn, vì Duyên phút ấy Duyên không muốn chia tội cho Thoan, cũng một phần vì Duyên đã gián tiếp giết chồng Thoan. Biết không thể chối tội, Duyên tự tử để 3 đứa con có lý lịch sáng sủa không có mẹ bị đi tù. Giao dịch thứ nhất thành công mà không ai khác, người mua ngọc chính là Khánh. Khánh đã đẩy bạn thân vào chỗ chết (tráo trở với Duyên đồng nghĩa là chết, vì Duyên là dân giang hồ) để nhân cơ hội ấy dùng tiền chiếm hữu ngọc quý. Cụ Bưởi một mình, bí mật, tự tay đào huyệt chôn cất con trai trong đau đớn tận cùng.
Thản là con cụ Bưởi và Hoàng Trọng Tôn, hắn di truyền cái ác của dòng họ thổ ti. “Tội ác cũng hoài thai, sinh sôi hệt như lòng thiện. Vì thế mà cuộc đấu tranh mãi mãi không bao giờ kết thúc” (tr.202). Hắn theo đuổi Huyết ngọc bằng chữ “Báo đáp” đầy xấu xa. “Hai chữ báo đáp hắn nguyện sở hữu cho dù phải đổi bằng máu. Báo đáp ai? Hắn không báo đáp mẹ hay tổ tiên trong nỗ lực quy hồi ngọc quý mà báo đáp lòng tham. Lòng tham như một thứ tín ngưỡng đã ngự trị trong con người hắn từ thuở lọt lòng. Nó như là có từ trong máu” (tr.194). Thản “Hắn chỉ đòi lại những gì mà lẽ ra hắn được thừa kế” (tr.194).
Khi có Huyết ngọc, lòng tham ngày càng lớn, Khánh muốn chiếm nhiều thứ ở phố Ắc Quy, muốn bá chủ và nhổ những cái gai trong mắt nên hắn tố cáo để cơ quan chức năng sờ đến phố Ắc Quy. Trường nhận án tù 15 năm vì buôn ma tuý. Khi nhận án 2,5 năm vì tội tổ chức đánh bạc. Tào Tuyết Đường thất bại trong giao dịch thứ hai bị bắt, đi tù 20 năm với nhiều tội danh. Cụ Bưởi nhân cơ hội Tào bị bắt đã vào làng Vành lấy được một viên Huyết ngọc, phóng thích xuống giữa lòng hồ thuỷ điện: “Con thuyền đã tới giữa hồ. Hồ điệp trùng mấy nghìn hòn đảo lớn nhỏ. Trong mưa, hồ nước càng như không có giới hạn, bờ bến. Ấy thế mà cụ Bưởi biết, nơi này, chỗ hòn đảo này là vị trí trung tâm của hồ. Cụ dừng tay chèo, lần tay vào túi áo. Con thuyền chòng chành. Viên Huyết ngọc đã ở trên tay cụ. Nó hiền lành, ngoan ngoãn, mát rượi như một sinh linh bị cầm tù đang chờ đợi được phóng thích. Cụ Bưởi nghiêng người, khẽ thả viên Huyết ngọc xuống nước. Viên ngọc xoay tít trong một cái xoáy nước đỏ ối… nước hồ xanh miên man, như chưa từng nhận vào lòng một báu vật mà con người suốt trăm năm đảo điên vì nó” (tr.214).
Lang Tuý – một khi trí thức đã đổ đốn thì ác vô cùng. Hắn muốn có Huyết ngọc bằng mọi giá nên không từ thủ đoạn. Để không bị vợ ngáng chân. Hắn đẩy vợ xuống sông khi vợ doạ tự tử. Sau đó hắn nhảy xuống cứu nhưng lại dìm vợ, doạ vợ trên thuyền để sau đó vợ hắn phát điên. Hắn gieo vào lòng Bốc hận thù việc cụ Bưởi phá hoại giọt máu của hắn với Thoan. Để Bốc tham gia vào vụ mua bán Huyết ngọc với Khánh như một công cụ. Bốc đảm nhận trách nhiệm giết cụ Bưởi để trả thù cho con, mà không biết, thực ra là để thử ngọc giúp lang Túy. Sau khi giao dịch không thành, do Phấn giải cứu cụ Bưởi, Khánh bị Phấn trói lên thuyền. Chính lang Tuý cắt dây neo thuyền có trói Bốc trên đó để thuyền trôi đi, mong hại chết Bốc. Cũng chính lang Tuý đầu độc Khánh lúc chia tiền.
Mạc, Phấn đã giúp cụ Bưởi và Thoan sắp đặt thành công trong vụ giao dịch ngọc thứ hai. Mạc dùng tiền của mình để mua viên Huyết ngọc còn lại từ Khánh với mục đích sẽ phóng thích, tiễu trừ hậu họa. “Mạc đã bỏ ra số tiền không nhỏ cho phi vụ này” (tr.294). Sau đó Mạc đưa Thoan đi phóng thích ngọc. Khi ra đến giữa hồ, “Mạc cầm viên ngọc đặt vào tay Thoan. Thoan cầm viên ngọc. Đôi mắt ánh lên tinh quái “Tôi không phải là con ngốc… Tôi không thể tát cạn cái hồ thuỷ điện này để vớt Huyết ngọc lên thì phải chịu. Chứ anh thừa biết, sẽ không có chuyện tôi thả viên còn lại xuống đây… chân Thoan giơ lên đạp mạnh vào ngực Mạc. Mạc chới với ngã ngửa xuống hồ, đúng chỗ cái hút nước đang xoáy một cách cuồng nhiệt” (tr.296). “Chừng nào Huyết ngọc còn tồn tại, con người con đau đớn vì nó” (tr.215). Đến cuối cùng Thoan, được Mạc tin tưởng, cho cô tự tay phóng thích ngọc, nhưng Thoan không chiến thắng được lòng tham, để vuột mất những cơ hội hạnh phúc.
Cô đã được ưu ái quá nhiều từ những người đàn ông hết lòng vì cô: “Trấn làm cho Thoan kính trọng, nhưng Trấn đã bỏ rơi cô. Bốc khiến Thoan thấy mình còn chút gì đó của người đàn bà bình thường. Phấn cho cô một chỗ dựa yên ổn. Và Mạc là người khiến cô chênh vênh nhất, hoang mang nhất nhưng cô lại luôn nghĩ về Mạc” (tr.271). Bởi Mạc cho Thoan lý tưởng sống: “Hạnh phúc sẽ đến khi Thoan kiếm tiền bằng hay bàn tay và không để đồng tiền của kẻ khác chi phối…“ (tr.274). Vậy mà cô đã đánh đổi hạnh phúc với Mạc vì lòng tham. Sau khi đạp Mạc xuống hồ, Thoan tìm đến cụ Bưởi (đang ốm) mong một lần ân oán rạch ròi. Cụ Bưởi tưởng Mạc và Thoan đã hoàn thành xứ mệnh phóng thích viên ngọc còn lại nên rất mừng. Tuy nhiên, khi thấy Thoan móc ra viên ngọc thứ hai và tuyên bố cô xứng đáng giữ nó, cụ Bưởi đã thật sự sốc và đột tử. Đây là lần đầu tiên Thoan “giết người”. Cái người cô từng yêu quý, tin cậy, gọi bằng mẹ. Nhưng cô lại không thể tha thứ cho hành vi cụ Bưởi hại chết con mình.
Thoan soi lại đời mình “Xét ra, đã có khi nào Thoan cùng đường đâu? Vậy đến nông nỗi này, có ngày hôm nay là do Thoan, chứ không phải do dượng hay cái cách lý giải hồng nhan bạc mệnh của người đời” (tr.274). Khi mang Huyết ngọc quay về phố Ắc Quy rủ Phấn bỏ đi cùng mình, Thoan bị từ trối. Cô đi tìm Bốc và cứu Bốc, người đàn ông cuối cùng có thể mang lại cho cô hạnh phúc. Nhưng Bốc, trong dòng nước xiết, bị ám ảnh bởi cụ Bưởi, người Bốc từng ra tay định giết, Bốc nhầm Thoan là cụ Bưởi nên đã dìm Thoan xuống và bơi vào bờ. Nhưng Thoan không chết. Và Mạc cũng không chết. Vì họ đều là những con rái cá ở vùng sông nước.
Huyết ngọc kết thúc đẹp bằng sự sám hối, muốn sống đẹp của Trường, Khi sau thời gian cải tạo ở trong tù. Của Phấn, trùm khoáng sản khi muốn trả lại sự yên bình cho dòng sông “cơ chế bây giờ cũng thay đổi. Càng ngày con người ta càng hướng tới văn minh. Văn minh trong lối sống đã đành, văn minh cả trong cách kiếm tiền nữa chứ” (tr.266). Bởi Phấn nghiệm ra “chạm vào cái ngưỡng của sự tha hoá tệ hại nhất. Nếu ta dừng lại, ta còn có thể có chút tự trọng mà ngẩng đầu. Nếu ta bước dấn thêm một bước, coi như ta tự trói chân mình… Một ngày cầm tù cũng là nhục, là thân bại danh liệt, là bôi nhọ lên tổ tông, cội rễ” (tr.266). Phấn quyết định “rửa tay gác kiếm” (tr.267).
Cuối cùng, “Sau một hồi ngắm nghía viên Huyết ngọc trên tay, Thoan ném nó xuống dòng nước” (tr.306). Bởi cô hiểu “khi con người ta cởi bỏ được lòng tham là khi nhẹ nhàng nhất” (tr.188).
* Kết luận
Bộ ba tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Tống Ngọc Hân viết về đề tài an ninh trật tự ở vùng đất Lưỡng Giang nhưng có 3 góc khai thác khác nhau. Mỗi góc độ khai thác đều mang lại cho độc giả những giá trị, sự hấp dẫn nhất định. Nếu như “Âm binh và lá ngón” đi sâu khai thác sự đấu tranh chống lại những hủ tục lạc hậu đeo đẳng, trói buộc tinh thần, kìm hãm sự phát triển của người dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới. Thì “Động rừng” lại đi vào vấn đề nỏng bỏng nhất hiện nay đó là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra rất mạnh mẽ ở nước ta. Còn “Huyết ngọc” đậm chất tự sự nhất khi từ thế giới điên đảo của tội ác, lừa đảo, chém giết, phiện sái, tàn phá thiên nhiên để thức tỉnh lương tri con người với những triết lý sâu xa về việc giũ bỏ lòng tham.
Bên cạnh sự hấp dẫn về nội dung cốt truyện, bộ ba tiểu thuyết của Tống Ngọc Hân còn cuốn hút người đọc bởi ngồn ngộn tri thức phong phú về sắc mầu văn hóa, phong tục tập quán, cảnh đẹp của vùng núi Tây Bắc.
Khép trang sách lại, những cái kết mở ra cho độc giả rất nhiều nghĩ suy về thế thái, nhân tình, về tốt xấu, đúng sai, phải trái, trắng đen. Để mỗi người thấy cần phải sống tốt, sống đẹp hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng và với chính bản thân mình. Tôi gọi những trang sách của Tống Ngọc Hân là những trang sách thức tỉnh.
TRƯƠNG HUY