Biết tiếng tăm làm câu đối, viết ca dao của nhà giáo Phan Chúc từ nhiều năm trước đó, nhưng ngày cuối năm 1978, tôi mới có dịp gặp gỡ khi ông đến Tòa soạn ở phố Long Châu Sa, gửi dăm đôi câu đối cho báo Vĩnh Phú số Tết Mậu Ngọ. Khi ấy ông 41 tuổi, nhìn thoáng người gầy, da hơi xanh, đúng cái tạng “ông giáo thời bao cấp”, thiếu thốn đủ bề. Tôi vẫn nhớ chất giọng nằng nặng của người miền Tây Thanh Hóa khi ông nhắc đến câu đồng dao mọi người hay đọc những năm đó như một lời ta thán: “Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà đài/ Bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo” để chia sẻ sự đồng cảm về những công việc mà người ta gọi chung một khái niệm về nghề… cạo giấy!
Lần gặp gỡ ấy, ông bộc bạch một cách vắn tắt hoàn cảnh hiện tại: – Mình vào nghề dạy học và gắn bó với Phú Thọ từ năm 1959. Giờ hai vợ chồng cùng ở trường cấp II Lý Tự Trọng – Việt Trì, có 7 con cả trai lẫn gái, các cháu vẫn đang học phổ thông!
Được chia sẻ về gia cảnh đông con của hai vợ chồng giáo viên, nhân viên trường học, tôi hiểu cuộc sống của gia đình ông khi ấy vất vả như thế nào. Nhưng nỗi lo áo cơm thường nhật cho một gia đình 9 miệng ăn không hề làm nhà giáo Phan Chúc vơi cạn nỗi đam mê văn chương, đặc biệt là đam mê câu đối.
Ông kể: – Khi còn nhỏ ở quê, tôi rất thích nghe các mẹ, các chị hát ru và được đắm mình trong các làn điệu dân ca Thanh – Nghệ – Tĩnh. Từ cái nôi ấy, lớn lên, qua từng trang sách, tôi càng yêu văn học, trong đó hai thể loại khiến tôi say đắm là ca dao và câu đối. Vào nghề dạy học, tôi bắt đầu cộng tác với các báo: Người giáo viên nhân dân, Thiếu niên tiền phong, rồi Đường sắt Việt Nam, Báo Phú Thọ… cũng ở hai thể loại sở trường này. Khi luyện bút đã vững vàng, tôi cộng tác thêm với các Báo: Nhân Dân, Cứu quốc, Tiền phong, Lao động, Pháp luật… Được ban biên tập các báo động viên khích lệ, tôi mạnh dạn gửi bài và thường xuyên có ca dao được đăng; báo Tết hàng năm thì có câu đối. Hôm nay, tôi xin gửi báo Đảng tỉnh nhà mấy đôi câu đối mừng xuân Mậu Ngọ…
Ngày ấy chưa có máy tính, tin bài bạn đọc cộng tác với báo đa số viết tay, họa hoằn lắm mới có bản thảo được đánh máy. Câu đối của Phan Chúc toàn viết mực tím, trên giấy học sinh; đôi chỗ ông còn vẽ thêm vài họa tiết, nhìn khá vui mắt. Tôi vẫn thuộc lòng đôi câu đối có tầm “chiến lược” ông gửi báo Vĩnh Phú Tết năm ấy, khi nước nhà vừa thoát khỏi chiến tranh, mới hòa bình, thống nhất được ba năm: “Xóa sạch vết bom, tô điểm non sông ngàn Tết đẹp; Xua tan khói súng, dựng xây đất nước vạn Xuân vui”.
Gần bốn chục năm làm Báo Vĩnh Phú, rồi Báo Phú Thọ, gắn bó nhiều nhất với tôi là công việc ở phòng biên tập. Cũng có hiểu biết vài điều về văn chương, tôi được ông coi như người bạn vong niên, luôn trân trọng và tin cậy. Báo Tết chuẩn bị lên trang mà trong tập bản thảo chưa có câu đối, ca dao hay thơ của Phan Chúc là tôi chủ động gọi điện cho ông. Nếu rảnh thì chỉ sau vài chục phút là ông có mặt ở tòa soạn, nếu bận việc gì đó thì ông hỏi hạn nộp bài cuối cùng là ngày nào, nếu sắp “khóa sổ” nhận bài thì ông thúc giục ngược lại: – Mang giấy bút ra đi, tớ đọc, cậu ghi giúp nhé! Lời nói thật thân tình!
Năm đầu chia tách tỉnh Vĩnh Phú, cả Báo Phú Thọ và Báo Vĩnh Phúc đều thiếu nhân lực. Ban biên tập chủ trương hợp đồng lao động với ông Phan Chúc và hai cây bút đang độ sung sức là Nguyễn Hùng Sơn và Phùng Phương Quý cùng chúng tôi làm Báo Phú Thọ cuối tuần. Mùa hè năm 1998 hay 1999 gì đó, khi ông cùng đi nghỉ mát với anh em tòa soạn ở miền Trung, chúng tôi có nhiều cơ hội trò chuyện về thể loại câu đối. Đó là thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Từ “đối” có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi. Từ xưa, câu đối được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán, bởi người Trung Quốc quan niệm: “Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”. Đối ngẫu vốn là thói quen của người phương Đông xưa, thường dùng để thử tài uyên bác của nhau trong những áng văn chương. Vì thế, chỉ những bậc am hiểu chữ nghĩa, học vấn uyên thâm mới có thể làm câu đối, và chỉ những người có một vốn văn hóa nhất định thì mới có thể thưởng thức câu đối một cách đầy đủ nhất. Xưa, nước ta có những thi nhân là những tác giả câu đối nổi tiếng như Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Phạm Thái (tức Chiêu Lỳ), Cao Bá Quát, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tú Xương… Thời nay, cả nội dung và hình thức, câu đối có tính phổ thông hơn nhưng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản là phải đối ý, đối thanh. Không chỉ người cao tuổi, lớp trẻ cũng có không ít người yêu nghệ thuật câu đối và làm câu đối, cũng như thư pháp, coi đó như là một thú chơi tao nhã, nhất là vào những dịp Tết đến, Xuân về.
Đêm Sầm Sơn, trong ầm ào sóng biển xô bờ, ông Phan Chúc đọc cho tôi nghe rất nhiều đôi câu đối mà ông tâm đắc, cẩn thận hơn, hôm sau ông dậy sớm, lấy mấy tờ giấy trong kẹp để trên bàn trong phòng nghỉ, chép tặng tôi vài câu đối gan ruột của mình.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Xương là bậc đàn anh của ông Phan Chúc, từng nhận xét: “Câu đối Phan Chúc không chỉ ở các báo Tết mà đi vào đời sống, đến với các ngành, các giới; không chỉ với mùa xuân mà đến với cả bốn mùa với đủ ngóc ngách của đời sống xã hội, các khía cạnh sáng- tối đời thường!”
Câu đối và ca dao là hai thể loại ông Phan Chúc tâm đắc nhất – điều đó là khẳng định vì nó làm nên “thương hiệu Phan Chúc”. Nhưng trên đường trường nhân sinh hơn nửa thế kỷ, sau bốn tập ca dao in chung: Quê xanh (1960), Sóng vàng, sóng xanh (1975), Cốm chẳng phụ hồng (1980), Vui buồn hạnh phúc (1990); ông đủ sức in riêng cho mình những sáng tác, mở đầu là Tuyển tập câu đối Phan Chúc (1999), Lửa phượng – thơ (2000), Những cánh thơ bay – thơ thư pháp (2010), Hồn Tổ quốc – thơ (2015). Cùng với tập thơ Hồn chữ, từ năm 2015 đến nay, khi Cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh được triển khai, tác giả Phan Chúc lần lượt được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành 4 tập thơ cùng tên “Bác giữa đời thường” là những câu chuyện về Bác được kể bằng thơ; Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc cho ra mắt “Những bài thơ, những bài ca dâng Bác” gồm 41 bài thơ của ông được nhạc sĩ Vũ Văn Viết sử dụng làm ca từ cho 41 ca khúc về Người. Điều đáng nói là, cùng với giành Giải thưởng 5 năm của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh (năm 2020), “Bác giữa đời thường” đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen và giải Khuyến khích (tập 1) và Giải C cho (tập 3)…
Hơn nửa thế kỷ nay, nhà giáo Phan Chúc sâu nặng duyên nợ với thể văn biền ngẫu này để trở thành “nhà câu đối” được nhiều người biết đến. Ngoài các câu đối phục vụ cổ động, tuyên truyền, ông còn làm câu đối tặng bạn bè văn chương, báo chí, như những nét chân dung phác thảo. Chẳng hạn đôi câu đối tặng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương: “Tám lăm năm nối nghiệp thi thư, bút mòn còn tre núi Tản; Muôn vạn dặm trường theo đường kinh sử, mực hao có nước sông Đà”. Hay đôi câu đối tặng nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn – nhà văn của nhiều tác phẩm viết về nông thôn và nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh – tác giả tập thơ “Trước cổng trời”: “Hữu Nhàn chửa thanh nhàn, văn nghiệp còn mê, mê dấn bút; Đình Ảnh không ảo ảnh, thi đàn vẫn mải, mải say trời”.
Năm 2022, nhân ông sinh nhật lần thứ 85, Câu lạc bộ hội viên nhà báo Người cao tuổi thuộc Hội Nhà báo Phú Thọ, tổ chức họp mặt mừng thọ các hội viên tuổi tròn nhưng vì bệnh trọng, phải đi điều trị ở bệnh viên nên ông không có mặt. Biết tin ông mới được ra viện, về tĩnh dưỡng ở nhà, mấy anh em chúng tôi đến thăm và trao quà của Câu lạc bộ tặng bậc cao niên. Khó có thể tưởng tượng, chỉ sau một đợt bệnh mà ông xuống sức đến thế, người gầy, da xanh xao, vẻ mệt nhọc hằn sâu nơi đáy mắt. Lại nhớ, mấy mươi năm qua, tết nào ông cũng làm câu đối. Lúc khó khăn thì “cày” câu đối để có thêm đồng nhuận bút hẻo nuôi đàn con “trứng gà trứng vịt” qua thời “gạo trâu củi quế”, đôi chục năm nay, rảnh rang hơn, ông “chơi” câu đối cho đời thảnh thơi. Mới chỉ vài tháng trước thôi, còn trò chuyện sôi nổi với mấy cô phóng viên đến phỏng vấn cho số báo xuân Nhâm Dần, mà nay vừa nói ông vừa thở một cách mệt nhọc. Các con ông, trai có vợ, gái có chồng, đều ra ở riêng. Hai ông bà sống cùng nhau trong căn nhà nhỏ, ngay sát nhà anh con cả. Trên tường nhà, ông dán rất nhiều câu đối, nếu tinh ý khi đọc, khách có thể hiểu gia cảnh hiện tại của nhà giáo quê xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông đã nghĩ tới những năm cuối của đời người:
– “Mừng bà 80 xuân càng thắm; Chúc ông 85 tuổi trí thông minh”.
– “Ông bà khang thọ vinh gia quyến/ Con cháu thảo hiền vượng tổ tông”.
– “Con hiếu thảo yêu thương, chăm bố mẹ/ Cháu khôn ngoan quý trọng, nhớ ông bà”.
– “Gái ngoan toàn tâm phụng dưỡng song thân khi đời xế bóng; Dâu hiếu tận tình chăm nom cha mẹ lúc tuổi về già”.
Đôi câu đối: “Phan Ngọc Kim Toàn, Quốc Tử Giám lưu danh khoa bảng; Thượng thư lưỡng bộ, Vương triều Lê phong tước Quận công” có thể biết ông xuất thân từ một gia đình có truyền thống nho học. Ông là hậu duệ của Tiến sĩ Lê Khiết (bên ngoại) và Thượng thư Phan Kim Toàn (bên nội), có bia ghi danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Cháu, con ông không ai làm “quan” nhưng cũng tạm gọi là thành đạt. Gia cảnh không còn gieo neo, nên lòng người già thanh thản, trước mắt vẫn thấy: “Đời đẹp như Xuân, hạnh phúc nở hoa từ khối óc; Lòng vui hơn Tết, tương lai tỏa nắng tự con tim”.
Cũng trên mặt tường “hoa chữ” trong nhà, ông Phan Chúc còn dán bức thư pháp chép bài thơ “Xuân ước” ông viết trong chiều tất niên Tân Sửu: “Nuôi con khổ cực bao thời/ Chiến tranh, bom đạn, ngậm ngùi thở than/ Bây giờ hơi kiệt sức tàn/ Ốm đau ước được vấn an kịp thời/ Dẫu không miếng ngọt, miếng bùi/ Cũng cho ấm giọng, êm lời, nhẹ tâm/ Đừng như nước chảy qua sân/ Người dưng qua ngõ, nhãng chân, quay đầu/ Sống cho nghĩa nặng, tình sâu/ Tốt đời đẹp đạo, trước sau vẹn toàn/ Xứng là con hiếu, cháu ngoan/ An vui lòng mẹ, nở nang dạ bà…”. Đó không chỉ là ước vọng của ông mà là khát khao chung của người cao tuổi.
Cách đây vài ngày, nhà thơ Vũ Thanh Thủy – viết trên trang cá nhân của mình về câu chuyện của chị với nhà giáo Phan Chúc: “Ngoài trời giờ này đèn đường đã tắt dần. Cái ánh vàng heo hắt lẩn vào hơi rét vớt vát của tháng Ba, ngồi trước Latop mà đầu tôi lại hiện ra hình ảnh của chú. Cuộc điện thoại gấp gáp trong hơi thở mệt mỏi hôm qua làm tôi không thể nấn ná. Tôi tìm xuống nhà chú. Dường như chú sợ mình không còn có thể chờ đợi. Khi tôi đến ngã tư vào con ngõ nhỏ thì đã thấy một cụ già xọm xẹm ngồi dưới gốc cây bên chiếc xe đạp cũ với đôi mắt hướng ra phía đường như đợi chờ ai đó? Linh tính, tôi xuống xe nhích lại gần mới vỡ òa: Chú Phan Chúc đây ư?”. Chú thay đổi khủng khiếp. Những nét nhanh nhẹn ngày nào biến mất, đôi mắt chú vàng ệch đượm nỗi niềm. Rồi chú đưa tôi tập bản thảo với lời dặn dò: “Hãy làm giúp chú lần cuối, nhà xuất bản nào cũng được. Nếu kịp cháu chuyển về cho chú vài chục cuốn, còn đâu đưa cho thầy Vũ Văn Viết. Đây là tập sách chú in chung với thầy ấy làm lưu niệm trước khi nếu phải rời khỏi đời này”. Trước mặt bản thảo “Bác giữa đời thường” tập 5 và tấm chân dung của chú, tôi tự nhủ lòng sẽ làm cố gắng hết sức mong sao chú còn kịp nhìn thấy đứa con tinh thần út ít của mình nếu chẳng may…!!
Nhớ lại buổi đầu xuân năm nay, khi chúng tôi đến thăm, ông Phan Chúc cứ nhắc đi nhắc lại: Nếu không có thầy thuốc giỏi, có con chăm nom thì đận này tôi khó mà qua khỏi. Nhìn lên tường, tôi đọc đôi câu đối: “Phúc đáo gia hưng/ Lộc tăng nhân vượng”, như lời chúc đầu xuân, mong ông mau bình phục. Báo Tết năm sau vẫn đợi chờ ông những đôi câu đối mang đậm hơi thở thời cuộc; bạn đọc yêu quý vẫn nóng lòng chờ đón “Bác giữa đời thường” tập 5…
NGUYỄN SẢN