Giáo sư Ngô Văn Thành là nghệ sỹ violin tài danh của nước nhà. Ông lựa chọn dành cả cuộc đời cho âm nhạc và tâm huyết với việc đào tạo ra các thế hệ giảng viên, nghệ sỹ vĩ cầm có tâm, có tài.
Một ngày đầu tháng Chạp, tôi đến thăm giáo sư, tiến sỹ, nghệ sỹ nhân dân Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong căn hộ nhìn ra Hồ Tây lộng gió, ông thong thả kéo đàn violin, người bạn đời trìu mến lắng nghe. Không gian réo rắt tiếng nhạc, tôi cảm thấy dường như không khí mùa Xuân đã về ngập tràn cả căn phòng.
Giáo sư Ngô Văn Thành là nghệ sỹ violin tài danh của nước nhà. Ông cũng là người thầy của nhiều giảng viên, nghệ sỹ vĩ cầm. Nhân dịp Xuân mới, ông đã chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về tình yêu và sự tận hiến của mình đối với âm nhạc.
Quyết định liều lĩnh
Giáo sư Ngô Văn Thành có một người cha rất mê âm nhạc truyền thống, đặc biệt là cải lương. Thuở nhỏ, ông thường theo cha đến rạp hát. Lên 7 tuổi, Ngô Văn Thành được cha cho theo học đàn tranh trong Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia).
Lúc đó, dù “đàn to hơn người” nhưng cậu bé Thành vẫn chăm chỉ, say mê tập luyện. Ban ngày học văn hóa, buổi chiều làm bài tập, tối đến thì tập đàn.
Cũng tại trường nhạc, ông lại “bén duyên” với cây đàn violin và từ đó toàn tâm toàn ý theo đuổi bộ môn này. Như các bạn cùng trang lứa, Thành cũng mê đánh bi, đá bóng nhưng dần dần, âm nhạc thay thế tất cả những thú chơi ấy. Lý do duy nhất chỉ là vì ông mê violin hơn bất cứ thứ gì.
Kể từ khi Ngô Văn Thành thi đỗ vào hệ trung cấp violin của trường, ông được theo học thầy Phan Minh, thầy Nguyễn Đình Quỳ, thầy Bích Ngọc… – những nghệ sỹ violin xuất sắc ở thời kỳ đó.
Tháng 6/1974, khi đang học đại học, chàng sinh viên Ngô Văn Thành được lựa chọn tham gia Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Tchaikovsky cùng một nghệ sỹ trẻ khác là Tôn Nữ Nguyệt Minh (piano).
“Tôi bước vào cuộc thi với sự hồi hộp, lo lắng rất lớn vì đó là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài, đến với một sân chơi quy mô như thế. Nền âm nhạc của nước ta thời đó còn rất non trẻ do hoàn cảnh chiến tranh. Do đó, thầy tôi cũng động viên rằng được góp mặt ở cuộc thi đã là một may mắn, vinh dự rồi,” ông nhớ lại.
Vậy mà ông đã xuất sắc vượt qua vòng đầu tiên. Đến vòng thứ hai, ông gặp phải một thách thức lớn là trình diễn một bản nhạc do ban tổ chức cuộc thi chỉ định mà lại chỉ có 3 ngày để tập luyện. Sau khi hoàn thành phần thi này, các thí sinh sẽ tiếp tục biểu diễn cùng dàn nhạc. Thời điểm đó, Việt Nam còn chưa có dàn nhạc nên cả Ngô Văn Thành và Tôn Nữ Nguyệt Minh hoàn toàn không có kinh nghiệm gì. Họ đều biết rằng mình sẽ phải dừng lại tại đây.
Thật bất ngờ, Hội đồng giám khảo cuộc thi rất ấn tượng với hai thí sinh đầy triển vọng của Việt Nam. Họ được nhận Bằng khen và có cơ hội học tập tại Nhạc viện Tchaikovsky. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám và Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu cũng chấp thuận điều này.
“Lúc đó chúng tôi không suy nghĩ gì nhiều mà liểu lĩnh đồng ý ngay bởi đó là một cơ hội, một vinh dự quá lớn. Nghĩ lại tôi vẫn thấy vô cùng biết ơn các thầy của mình và các bộ trưởng vì đã tạo điều kiện cho chúng tôi học tập ở trong ‘cái nôi’ nghệ thuật lớn nhất thế giới lúc đó,” ông kể.
Từ kế hoạch ban đầu là xa nhà trong vòng một tháng để tham gia cuộc thi, ông đã ở lại Liên Xô 8 năm để học tập.
Từ đó đến nay, ông vẫn luôn trân trọng gìn giữ tấm Bằng khen đã ngả vàng nhưng còn rõ chữ ký của 25 vị giám khảo cuộc thi, họ là những bậc thầy violin thế giới như David Oistrakh, Leonid Kogan, Igor Bezrodny… Nhiều người trong số đó cũng trở thành thầy dạy của ông sau này.
“Tôi may mắn được theo học những giáo sư rất giỏi của cả Việt Nam và Liên Xô. Tôi không chỉ học ở họ âm nhạc mà còn học được cốt cách, sự nhân văn của người nghệ sỹ. Đó là điều quan trọng nhất,” ông chia sẻ.
Nguyện làm “người đưa đò”
Năm 1982, ông đã xuất sắc tốt nghiệp nghiên cứu sinh biểu diễn violin, học vị cao nhất của ngành biểu diễn tại Nhạc viện Tchaikovsky. Về nước, giáo sư Ngô Văn Thành nhận hai nhiệm vụ là giảng dạy tại khoa Dây, Nhạc viện Hà Nội và biểu diễn tại Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia.
Đầu thập niên 1990 cho tới năm 1996, ông là Chủ nhiệm khoa Dây. Năm 1996, ông giữ cương vị Phó Giám đốc Nhạc viện và giai đoạn 2006-2011, ông đảm trách vị trí Giám đốc. Đây cũng là thời điểm quan trọng khi Nhà nước chính thức chuyển Nhạc viện Hà Nội trở thành Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Ông tâm niệm rằng trong âm nhạc, điều quan trọng nhất là làm sao chạm đến trái tim người nghe, bất kể là tác phẩm đó nhỏ hay lớn: “Một bản nhạc ngắn của Beatles vẫn có thể chinh phục hàng triệu trái tim không khác gì một bản concerto dài 30-50 phút. Trừ những thiên tài như Mozart, nghệ sỹ nào cũng phải khổ luyện. Văn hóa và trí tuệ sẽ dẫn đường cho kỹ năng kéo đàn.”
Chính vì vậy, ông lựa chọn con đường thiên về giảng dạy để có thể truyền lửa cho những nghệ sỹ khác, góp phần đào tạo nên những tài năng trẻ cho đất nước. Ông muốn các nghệ sỹ đi theo hướng của một cuộc chơi văn minh, có tổ chức, có giáo dục chứ không phải là một cuộc chơi tuỳ tiện, nghiệp dư.
Với tâm huyết đó, ông đã dìu dắt nhiều học trò trở thành nghệ sỹ nổi tiếng của nền âm nhạc nước nhà như nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Công Thắng, Phó Chủ nhiệm khoa Dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nghệ sỹ Nguyễn Mỹ Hương, Nguyễn Thu Bình, Phan Tố Trinh… và thần đồng violin Đỗ Phương Nhi.
[Nghệ sỹ Việt Nam và Pháp kết hợp trình diễn họa-nhạc tại Hà Nội]
Nghệ sỹ Mỹ Hương luôn biết ơn công lao dạy dỗ tận tâm của giáo sư Ngô Văn Thành từ những năm học trung cấp, đại học rồi đến quá trình đào tạo thạc sỹ. Trong mắt chị, giáo sư Ngô Văn Thành là một người thầy nghiêm khắc và đòi hỏi cao ở các học trò nhưng thầy cũng là người vui tính, hài hước trong các giờ học.
“Tôi rất ấn tượng vì thầy có một siêu trí nhớ, bất kể học trò học tác phẩm khó hay dễ, lớn hay nhỏ, thầy cũng cầm đàn lên thị phạm, chơi mẫu đầy đủ các chi tiết, mặc dù tác phẩm đó thầy đã lâu không chơi và công việc quản lý bận rộn khiến thầy không có nhiều thời gian luyện tay đàn,” nghệ sỹ Mỹ Hương chia sẻ.
Mặc dù giáo sư Ngô Văn Thành đã nghỉ hưu từ năm 2016 nhưng dường như lửa nghề vẫn luôn cháy bỏng trong ông. Nghệ sỹ violin gạo cội vẫn nhiệt thành với công việc giảng dạy, trăn trở với việc đào tạo các thế hệ tiếp nối.
Ở tuổi ngoài 70, ông hạnh phúc vì vẫn được sống với đam mê. Đặc biệt, ông tự hào rằng âm nhạc đã trở thành nét văn hóa trong gia đình. Chị gái giáo sư là tiến sỹ đàn tranh Ngô Bích Vượng, em trai Ngô Văn Thịnh là nghệ sỹ kèn cor trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, các con cháu cũng nhiều người theo đuổi nghệ thuật.
Mỗi dịp Tết đến, các thành viên trong đại gia đình lại tụ hội tại nhà ông, người thì chơi violin, người chơi piano… và cùng quây quần trò chuyện với nhau về âm nhạc. “Năm nay do dịch bệnh, ngôi nhà nhỏ của tôi có lẽ sẽ trở thành một phòng hòa nhạc trực tuyến,” giáo sư cười./.
(Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/)