Trước khi về hưu, tôi có 10 năm công tác trong ngành Dầu khí tại cụm Công nghiệp Khí – Ðiện – Ðạm Cà Mau (PV Power CaMau). Làm nhiệm vụ truyền thông và giao tiếp, công việc đòi hỏi tôi phải nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, khí hậu, thời tiết, địa hình thổ nhưỡng, rừng biển của vùng đất này. Lần nọ, tôi đưa đoàn khách tham quan Ðất Mũi, họ thích thú khám phá mũi đất cuối trời của Tổ quốc, có người còn hốt nhúm đất và sỏi nhỏ đem về Hà Nội làm kỷ niệm. Tôi chợt nhớ lời dặn của Bác Hồ: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”; “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”…
Vậy là một tứ nhạc, tứ thơ hiện ra trong tâm trí tôi: “Như nét bút lông, vẽ trên biển Ðông đẫm màu Mắm Ðước. Bao la thân thuộc Mũi Cà Mau con cháu Tiên Rồng”. Và tôi đã viết những câu kết như vầy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước muôn đời lời Bác khắc ghi. Giữ nước muôn đời lời Bác mãi trong tim. Cho mũi tàu Tổ quốc vươn khơi”. Ca khúc “Mũi Cà Mau khắc ghi lời Người” ra đời trong cảm xúc như thế.
Với nhạc sĩ, việc sáng tác ca khúc chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” dễ hay khó và làm sao để ca khúc được lan tỏa?
– Những đóng góp của Lãnh tụ Hồ Chí Minh cho đất nước và con người Việt Nam bao la và vĩ đại lắm! Nhưng cái riêng, nét đặc biệt ở Người là tâm hồn, đạo lý và tình yêu dành cho con người. Ðiều đó rất cụ thể, chi tiết và gần gũi như “sữa để em thơ, lụa tặng già” mà nhà thơ Tố Hữu từng viết.
Ðể sáng tác về chủ đề này, tác giả phải có tâm huyết, cảm xúc và trân trọng di sản của Người để lại thì tác phẩm sẽ có sức lan tỏa, được công chúng đón nhận. Tất nhiên, một tác phẩm hời hợt, nông cạn thành “hô khẩu hiệu” thì sẽ dễ bị quên lãng.
Vốn là một nhà giáo, cơ duyên nào đưa nhạc sĩ đến với âm nhạc và âm nhạc mang lại cho ông điều gì?
– Khoảng 9 tuổi tôi đã được học nhạc tại Cung Thiếu nhi TP Nam Ðịnh. Lớn lên, dù tôi theo ngành nghề khác nhưng âm nhạc vẫn là đam mê cháy bỏng. Hồi sinh viên, những năm 1980, chúng tôi tham gia phong trào thanh niên xung kích, đàn hát sôi nổi lắm và tôi luôn là giọng hát chủ lực của Ðoàn trường.
Do tỉnh Hà Nam Ninh khi đó kết nghĩa với tỉnh Minh Hải nên tôi được tăng cường vào Cà Mau. Viết về dấu ấn này, tôi sáng tác ca khúc “Về Cà Mau”: “Cà Mau ơi chưa hẹn mà gặp! Cà Mau ơi xa lắm mà gần! Ðể chiều nay anh đến bên em, đến bên em rồi…”. Ca khúc này được sử dụng trong 10 tập phim “Cà Mau quê tôi” của đạo diễn Võ Ðắc Danh. Tôi có vợ người Cà Mau nên ở lại và nơi đây trở thành quê hương thứ hai của mình.
Năm 2002, tôi là Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Thới Bình. Thời điểm đó có chủ trương thay sách giáo khoa và thực tế là giáo viên âm nhạc ở địa phương rất thiếu nên tôi đã kiến nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau, UBND huyện Thới Bình cho đào tạo một lớp trung cấp sư phạm âm nhạc. Bản thân tôi cũng theo học khóa đào tạo này.
Ngoài niềm đam mê, âm nhạc còn cho tôi rất nhiều điều tốt đẹp: Rèn luyện thêm ý thức tự học; được đi đây đó và có nhiều bạn bè trong giới văn học nghệ thuật, báo chí; biết lắng nghe và quan sát nhiều hơn cuộc sống… Nhưng hơn cả, âm nhạc cho tôi cuộc sống thêm ý nghĩa.
Thị trường âm nhạc Việt Nam hiện rất đa dạng, phong phú nhưng trong số đó có nhiều sáng tác dễ dãi, dễ nghe và dễ quên. Nhạc sĩ nghĩ gì về điều này?
– Văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng là sinh hoạt của con người, diễn tả tư tưởng cảm xúc bên trong của chúng ta một cách khéo léo, tài tình. Khi âm nhạc đạt tới giá trị chân – thiện – mỹ đích thực, nó sẽ trở thành món ăn tinh thần và là phương tiện truyền thông đầy sức mạnh, hiệu quả.
Như vậy, nếu tác giả âm nhạc không lao tâm khổ tứ, không lao động, sáng tạo nghiêm túc hết mình thì tác phẩm âm nhạc của họ cũng rất khó tiếp cận với những giá trị đích thực. Hệ quả là tác phẩm đó không được công chúng chào đón và không sống được với thời gian.
Cuối cùng, nhạc sĩ có thể chia sẻ một vài cảm nhận về đời sống âm nhạc ÐBSCL hiện nay?
– ÐBSCL có trên 20 triệu dân, là vùng đất giàu bản sắc, quê hương của Ðờn ca tài tử Nam Bộ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận, lĩnh vực âm nhạc còn khá khiêm tốn so với các vùng, miền khác trong cả nước. Thực trạng này cần được thay đổi. Việc đầu tư đồng bộ, bài bản về mọi mặt, trong đó có văn học nghệ thuật cho vùng đất này là đòi hỏi bức thiết nhưng phải mang tầm nhìn chiến lược, tính khả thi cao, thiết thực và hiệu quả.
Tôi luôn tin rằng, với phẩm chất và bản lĩnh của người miền Tây: bình dị, thủy chung, nghĩa hiệp, can trường… nếu có chiến lược đầu tư bài bản, đúng hướng thì âm nhạc nói riêng, văn hóa xã hội, kinh tế, du lịch… nói chung sẽ thực sự khởi sắc.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Tác giả: Ðặng Huỳnh (thực hiện)
(Nguồn: https://baocantho.com.vn/)