Chương trình biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu chân dung âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với chủ đề Sống và ước vọng diễn ra tối 26-12 tại Nhà hát TP.HCM để tri ân những cống hiến vô giá của nhạc sĩ cho nghệ thuật nước nhà.
Người thầy của nhiều thế hệ ca sĩ
Với 80 năm tuổi đời và trên 60 năm tuổi nghề, người chiến sĩ – nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã chứng kiến, trải qua và thấu hiểu những thăng trầm của lịch sử; làm nên một gia tài âm nhạc với những giai điệu thiêng liêng khơi dậy tinh thần yêu nước trong mỗi người con đất Việt.
Dặm đường rong ruổi của cuộc kháng chiến khốc liệt đã cho ông bao xúc cảm quý giá để từ đó thoát thai thành những bài ca nồng ấm tình người đi cùng tháng năm.
Ngày đất nước thống nhất, người chiến sĩ ấy vẫn không ngừng cống hiến những giá trị đẹp đẽ cho nghệ thuật nước nhà. Ông là người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ ca sĩ chuyên nghiệp chọn gắn bó cùng dòng nhạc kháng chiến, tiếp tục truyền lửa cho bao thế hệ yêu âm nhạc.
NSND Tạ Minh Tâm chia sẻ về thần tượng – nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “Anh là người anh nhiệt thành trong nghề và sau đó anh trở thành thầy của tôi sau khi ra trường. Sau này, tôi lại có duyên tiếp nối vị trí quản lý của anh tại Nhạc viện TP.HCM.
Những bài hát của anh là giáo trình để tôi hướng dẫn các em sinh viên ca hát có kỹ thuật. Với tôi, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là đàn anh mẫu mực trong công việc, là người thầy tài đức trong học tập và là người nhạc sĩ tài hoa trong lòng mỗi người dân Việt Nam”.
Tại đêm nhạc, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM – phát biểu về người nhạc sĩ tài hoa:
“Sự nghiệp sáng tác Phạm Minh Tuấn không chỉ gắn bó với giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc, mà còn đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Nhiều tác phẩm của ông đã là bài hát nằm lòng của biết bao thế hệ người yêu âm nhạc Việt Nam”.
“Sống” và “Ước vọng”
Chương trình được chia thành hai chương, gồm “Sống” và “Ước vọng”. Danh sách tiết mục được kết nối với nhau như những thước phim chậm đưa khán giả trở về miền ký ức của một thời đạn bom.
Trong đó, “Sống” mang đến những ca khúc được nhạc sĩ sáng tác trong giai đoạn chiến tranh dầu sôi lửa bỏng lẫn thời bình sau ngày thống nhất đất nước như Qua sông (1963), Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn (1968), Bài ca không quên (1981), Dấu chân phía trước (1982), Mùa xuân từ những giếng dầu (1984), Đất nước (1985), Bà mẹ Gạc Ma (2012).
Chương 1 khép lại khi Khánh Ngọc thể hiện “Khoảng lặng”
Chương 2 mở đầu bằng những chia sẻ của ông về quan niệm “sống trên đời thì phải có ích cho đời”. Sau đó, đêm nhạc khép lại bằng hai tiết mục Lối nhỏ vào đời (Quốc Đại) và Khát vọng (Phạm Trang, Quốc Đại, Thành Tâm).
Nhạc sĩ xúc động chia sẻ: “Sống trên đời thì phải có ích cho đời”, ông thổ lộ: “Giai đoạn của chúng tôi là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và giai đoạn hiện nay là xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đời sống hôm nay được hun đúc từ máu xương của những người đi trước, vì vậy trách nhiệm của các bạn đồng nghiệp trẻ cần suy nghĩ là làm thế nào để góp những tác phẩm xứng tầm với thời đại mà chúng ta đang sống”.
Tác giả: Tiến Vũ (Nguồn: https://tuoitre.vn/)