(Tiếp theo)
Thư thứ tư: Tự do cá nhân khi xử lý tác phấm
Trong nghề, khả năng đọc hiểu bản nhạc không để sót những chi tiết quy tắc của nhạc lý đã là một thử thách, rồi đưa bản nhạc ấy thành một phiên bản sống bằng âm thanh sinh động có tình cảm sắc thái còn khó hơn. Mỗi nhạc sĩ có một thế giới riêng, mỗi bản nhạc cũng có một thế giới riêng – tất cả các nghệ sĩ biểu diễn đều cố gắng hết sức để bức tranh âm thanh được tạo ra gần với phiên bản gốc.
Tuy luôn tin rằng âm nhạc rất sâu rộng có đủ chỗ cho tất cả chúng ta có một cách cảm nhận riêng, mấy tháng nay khi được làm việc với nhạc sĩ đương đại tôi vẫn mừng hớn hở: phen này bớt phải đoán mò!
Vậy nhưng càng làm việc kỹ lưỡng với tác giả tôi lại càng thấm sâu một điều: cái gọi là authenticity (tính xác thực) trong âm nhạc luôn chỉ là tương đối. Đối với tác giả, cái đích của bản nhạc đạt được là khi họ viết nốt cuối đóng lại bằng double bar line. Cuộc sống của các bản nhạc sau đó sẽ có một hành trình riêng, qua người chơi, trong ký ức âm thanh của người nghe. Do vậy người chơi nhạc cũng nên dũng cảm có một cái tôi sáng tạo để tạo ra thế giới âm thanh sống động trung thực với cách đọc hiểu của mình.
Âm nhạc phần nhiều liên kết với phần subconcious (tiềm thức) không giải thích được bằng lời. Tôi có hỏi tác giả: có một giới hạn nào tôi cần phải luôn chú ý khi chơi nhạc của ông không và câu trả lời luôn là ông không nghĩ vậy. Tự do đối với người nghệ sĩ quan trọng lắm.
Tôi tặng bạn một câu quote của nhà triết học Heidegger: “A boundary is not that at which something stops but, as the Greek recognised, the boundary is that from which something begins its presencing”
Chuẩn bị cho các cuộc biểu diễn cần lưu ý gì
Tôi đã đề cập đến cách làm việc để tìm ra, hiểu được sự liên kết chặt chẽ giữa tổng thể cấu trúc và các ý tưởng âm nhạc của tác phẩm. Giai đoạn này tôi thấy quan trọng nhất. Khi biểu diễn mình như người kể chuyện: không hiểu ý tứ câu chuyện sẽ không thế kể hay và diễn cảm được.
Các tác phẩm chỉ sống được trên sàn diễn khi người biểu diễn sống hết mình với nó. Do vậy lên sân khấu cần sự dài hơi về tâm lý, tư duy âm nhạc, biểu cảm và thể lực (stamina). Muốn được vậy mình phải có các chuẩn bị kỹ càng.
Về tư duy âm nhạc: bạn cần tập không có piano để nghe thấy toàn bộ tác phẩm trong đầu. Khi bạn đóng sách lại và chạy thử trong đầu được toàn bài, lúc ấy mới được.
Về biểu cảm và thể chất: biểu diễn trên sân khấu là một trạng thái hoàn toàn khác khi bạn trả bài. Không chuẩn bị cho tâm lý và thể lực giống như tập bơi trong bể bơi lúc diễn là lần đầu ra biển. Bạn nên diễn thử nhiều lần cho nhau trước để hiểu được sức ép của thời gian từ nốt đầu cho tới nốt cuối. Càng ít kinh nghiệm sân khấu càng phải diễn thử nhiều để hiểu yếu điểm của mình ở đâu và tìm ra cách khắc phục.
Lúc diễn tác phẩm concerto Rachmaninov số 3 lần đầu tiên, tôi phải rèn luyện ghê lắm: khi học đánh xong cadenza là toát mồ hôi – tôi bèn lấy quyết tâm phải đánh được cả bài mà không thấy vất vả. Lúc diễn thử tôi chơi hai lần liên tiếp. Lúc đầu hơi mệt, vài lần sau đơn giản hơn. Về sau tôi có diễn cùng với Beethoven concerto trong một đêm cũng không thấy mệt.
Tuy nhiên, âm nhạc không phải là marathon. Cái đích của nghệ thuật khó nắm bắt hơn nhiều.
Cảm xúc âm nhạc khi thu âm hoặc video
Thường khi quay video hoặc qua hệ thống thu âm, năng lượng biểu cảm ít khi được truyền tải trung thực 100%, kể cả khi thu live trực tiếp. Do vậy muốn có được sức biểu cảm thuyết phục cho các video gửi thi, bạn phải luyện tập rất nhiều việc chuẩn bị tâm lý cho hai việc: thu và diễn.
Thường trong 10 giây đầu tiên những người có kinh nghiệm trong nghề có thể phán đoán được khả năng diễn cảm của bạn thế nào, khi khả năng diễn cảm không thuyết phục, các vấn đề kỹ thuật học thuật đều ít tính thuyết phục hơn. Kiến thức giúp mình hiểu được ngôn ngữ nghệ thuật của tác giả tác phẩm, trong khi đó khả năng diễn cảm là yếu tố hàng đầu trong nghệ thuật biểu diễn.
Từ vị trí người thầy, tôi chỉ giúp các học sinh phân biệt ngôn ngữ của tác giả – tác phẩm (hành khúc của Bach hay của Prokofiev khác biệt thế nào, v.v), tôi tuyệt đối tôn trọng các cảm xúc riêng của học sinh. Từ vị trí người biểu diễn, tôi luyện tập rất nhiều để khi diễn hoặc trong phòng thu tôi có được cảm giác các ngón tay tôi rất nhạy cảm khi chạm vào phím đàn như ngón tay và archet của người chơi violon chạm miết liên tiếp vào dây. Sự liên tưởng này thường lập tức cho tôi một kết nối khăng khít với cây đàn để vượt qua rào cản vật chất (physical) cho thế giới âm thanh được hòa quyện với rung cảm nghệ thuật. Đặc biệt khi thu âm tôi phải cho đi và cố gắng nhiều hơn khi diễn để tránh “góc chết” của mics. Các take của tôi sai nốt tôi vẫn giữ, take sạch sẽ thiếu cảm xúc tôi bỏ.
Muốn có được một chia sẻ cảm xúc trong âm nhạc cần sự chân thành để mở cửa cho âm nhạc chạm vào sâu thẳm trái tim. Muốn chia sẻ những rung động đó cần sự dũng cảm để nói “I feel”.
Học và hành
Khi được hỏi làm nghề gì (bằng tiếng Anh) và được trả lời “tôi là người làm âm nhạc (musician)”, như thế đối với tôi đã quá đầy đủ. Các thầy tôi thường dạy hãy chơi đàn như một musician chứ đừng như một pianist. Cây đàn piano chỉ là công cụ âm thanh, người chơi đàn mới là nhạc cụ chính (you are the instrument). Muốn có một “âm thanh” riêng, các thầy tôi nói người chơi đàn cần có kiến thức sâu rộng và nội tâm mạnh mẽ.
Trong hai môi trường tôi học – cả Nga và Anh – đều rất chú trọng việc đào tạo phần musician as the instrument qua việc học đi đôi với hành. Kiến thức đọc qua sách sẽ trở nên sâu đậm hơn khi học trò được trải nghiệm. Lịch sử âm nhạc đi cùng với môn đệm cho hát và hòa tấu để mở rộng kiến thức học và thực hành cho học sinh piano.
Thí dụ như khi dạy về Impressionism (trường phái Ấn tượng) các thầy cô dạy lịch sử âm nhạc đăc biệt chú trọng về tính chất và ngôn ngữ đột phá của dòng chảy văn hóa này – thì chúng tôi được học Debussy cùng với trải nghiệm thơ của Mallarme, Baudelaire qua các ca phẩm của ông từ vai trò người đệm đàn. Những trải nghiệm nghệ thuật này giúp cho chúng tôi có được sự so sánh xuất phát từ cảm nhận âm nhạc riêng của cá nhân không chỉ qua sách vở khi đặt thế giới âm nhạc của Debussy, Ravel cạnh ngôn ngữ nghệ thuật của Schubert và Goethe hoặc Muller. Horowitz từng nói ông không thể chơi Brahms mà không biết hết các ca phẩm của ông – một ví dụ cho thấy sự đòi hỏi hiểu biết toàn diện cho một musician. Tiếng Việt của tôi ngừng phát triển từ năm 14 tuổi nên thỉnh thoảng tôi bịa từ đấy. Ca phẩm là gì, đúng không hay là ca khúc chính xác hơn cho art song?
Ở Anh, đặc biệt học trò được đòi hỏi viết programme để nêu ra được sự liên quan ảnh hưởng của văn học, hội họa với tác giả – tác phẩm qua nhận định riêng của mình. Thời gian đầu tôi chúi mũi trong thư viện, nhưng sau đó tôi phát hiện học qua sách không sinh động bằng đọc các column của các nhà phê bình nghệ thuật trên báo chí. Sự thẩm thấu văn hóa của họ rất đáng kính phục – một câu viết luôn dựa trên hiểu biết sâu sắc lịch sử văn hóa nghệ thuật, không chỉ qua sách vở mà còn qua chính trải nghiệm nghệ thuật ở môi trường phong phú của các thành phố trung tâm nghệ thuật lớn. Những bài viết của họ giúp tôi khám phá và bổ sung kiến thức trải nghiệm của tôi về âm nhạc, văn học và hội họa có hệ thống, đặc biệt phải biết viết và chơi được từ kinh nghiệm của riêng mình.
Ở Việt Nam ngoài tham khảo ngoài các kênh nghe nhạc, bạn có thể đọc các bài viết về văn hóa của các báo lớn: UK có Guardian (free), Times UK (free few articles mỗi tháng), Independent, Telegraph. Các tờ khác của US như The New Ỵorker, New York Times hoặc Washington Post. Phần lớn các báo trên cần đăng ký để đọc nhưng thỉnh thoảng họ cũng mở free (unlock) một số bài.
Tranh thì phần lớn các bảo tàng lớn như National Gallery, Royal Academy of Art, Tate đều có thế xem online hết.
Bạn nhớ nhé: học đi đôi với hành. Kiến thức chỉ thực sự là của mình khi được thẩm thấu qua các thực hành ấy.
Thư thứ năm: Học đàn là để yêu, quý trọng văn hóa.
Mọi người hay đổ tội cho nhạc Cổ điển là nhạc của người giàu của tầng lớp elite, nhạc ngoại bang: tôi thấy không phải. Các cụ nhạc sĩ họa sĩ nhà văn ngày xưa ngày nay lúc sống mấy khi được vinh danh ghi nhận đầy đủ. Nhạc công cũng vậy. Tôi nghĩ học đàn không chỉ đơn giản là học chơi nhạc cụ. Chúng tôi chơi nhạc vì yêu cái đẹp và xúc động với những sáng tác xuyên thời gian của các cụ và thấy mình được giàu có hơn khi được chạm vào những tuyệt phẩm của nhân loại ấy. Nhất định cảm xúc dạt dào rất khác khi xem “phim tấn” bạo lực nước ngoài (mà chả ai phản đối sính ngoại).
Tôi mong đến lúc về hưu sẽ học thêm nhạc cổ truyền nước mình và nhạc dân tộc các vùng miền tôi thích. Ở Nhật là nước phát triển số một về nhạc Cổ điển phương Tây tại châu Á, cũng là nơi văn hóa bản xứ độc đáo đầy thu hút.
Các phụ huynh có điều kiện nên đầu tư cho con học song song cả nhạc cụ phương Tây và cổ truyền Việt Nam, đừng đợi đến lúc về hưu như tôi nhé!
Nữ nghệ sĩ piano
Những bất ổn và xung đột luôn xảy ra do con người tự gây chia rẽ với tư duy “in group, out group” – sống thiếu sự thấu hiểu, lòng trắc ẩn với nhau.
Trong thế giới âm nhạc Cổ điển phương Tây chuyện bình đẳng nam nữ và sắc tộc xem như đã được xóa ranh giới – tuy nhiên nữ pianist ở châu Á có được long term performing/ recording career rất rất ít.
Bạn nhớ nhé: khi ai đánh giá bạn từ góc độ “cô ấy chơi yếu hơn đàn ông” – kệ họ. Nghệ thuật không phải thể thao: bạn luyện tiếng đàn dầy cho nhiều tầng lớp biểu cảm chứ không phải để compete với ai khác. Khi ai định kiến “Á – Âu”, mặc họ. Bạn đến với nghề này với một tư thế bình đẳng: chuyện học hỏi để hiểu được một nền văn hóa khác sẽ cần thời gian hơn một chút. Khi cái đẹp lung linh của nghệ thuật này chạm vào bạn khiến bạn muốn chia sẻ, những lay động ấy là cái đích lớn hơn của nghệ thuật: nối liền chúng ta bởi những sự hiểu biết lắng sâu của tâm hồn, vượt qua ranh giới thời gian, không gian, địa lý, ngôn ngữ. Ai đối xử với mình không công bằng do định kiến cũng kệ họ. Thế gian luôn có những người khác hiểu biết thương yêu mình. Cứ tự trân trọng mình để thấy mình đầy đủ, để đi con đường mà chỉ bạn mới biết được cái đích của nó ở đâu và làm sao tới được đó. Nhưng nhớ là đi thì phải đến nhé.
Đứng trên vai những người khổng lồ
Tôi rất thích câu nói trên dịch từ tiếng Anh “standing on shoulders of giants”. Nếu một người nhỏ bé được đặt lên vai của người khổng lồ, tầm nhìn của anh ta sẽ còn xa hơn tầm nhìn của người khổng lồ đứng một mình. Câu này theo tôi hiểu nhấn mạnh tầm quan trọng của lịch sử trong quá trình phát triển văn hóa kiến thức của nhân loại. Tất cả chúng ta nhỏ bé đều đứng trên đôi vai khổng lồ của khối kiến thức ấy. Do vậy lúc tôi đi học và cả bây giờ cũng vậy, luôn muốn tìm hiểu gốc rễ và rationale của các tradition trong lịch sử môn ngành mình.
Học để hiểu thời hiện đại với lối sống nhanh tư duy âm nhạc theo phản xạ khác gì với lối sống chậm tư duy dài hơi trong lịch sử chuyên ngành. Học để hiểu quá trình phát triển của cây đàn piano như thế nào và quá trình phát triển nghệ thuật biểu diễn ra sao. Học để hiểu tại sao bình quân luật quan trọng không chỉ cho piano mà đến tất cả các nhạc cụ khác. Học để hiểu tại sao trường phái Nga đòi hỏi bạn biết chơi một etude Hanon gam C đơn giản nhưng sau đó yêu cầu chơi lại trên tất cả 11 key còn lại (!). Học để hiểu gam và arpeggio liên quan mật thiết với hệ thống hòa thanh trong sáng tác thế nào.
Học để hiểu tại sao các cụ ngày xưa có kiến thức về âm nhạc nghệ thuật sâu sắc thế nào, để hiểu được giá trị nghệ thuật không đi song song với sự nổi danh, kỹ thuật đánh bóng huyền ảo của PR stunt và các giải thưởng này nọ.
Cuối cùng, xin giới thiệu với bạn ba cuốn sách rất tuyệt: một cuốn gồm các phỏng vấn của các cụ Golden Age Pianists, một cuốn nói về các cụ, một cuốn so sánh thời các cụ và thời hiện đại. Bạn nhớ tìm đọc nhé!
1. Great Pianists on Piano Playing by James Francis Cooke
2. The Golden Age of Piano by David Dubal
3. After the Golden Age: Romantic Pianism and Modern Performance by Kenneth Hamilton
Tác giả: Bích Trà