“Lội ngược dòng” hồi sinh nghệ thuật dân tộc
Ca trù là loại hình nghệ thuật đã có từ lâu đời, rất độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Gắn liền với văn hóa, phong tục tập quán cũng như triết lý sống của người Việt, trước kia, nghệ thuật Ca trù được biểu diễn trong không gian đình làng, đền thờ, nhà tổ nghề… Và rồi, vật đổi sao dời, đã từng có một thời gian dài Ca trù gần như bị lãng quên. Tuy nhiên, chính vì sự độc đáo và riêng biệt vốn có của mình, nghệ thuật Ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với sự hứng khởi về mặt danh hiệu, những năm gần đây, Ca trù khôi phục và phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều nghệ nhân tên tuổi, cùng với đó, nhiều câu lạc bộ Ca trù được khai sinh ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Từ một loại hình nghệ thuật có nguy cơ biến mất khỏi đời sống cộng đồng, Ca trù đã “lội ngược dòng” ngoạn mục, với sự lớn mạnh không ngừng của các giáo phường, câu lạc bộ bảo tồn di sản, địa chỉ giao lưu, trình diễn… Theo Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh, tại Hà Nội – nơi được coi là trung tâm Ca trù lớn nhất của cả nước, đã có những khởi sắc đáng kể so với giai đoạn trước, thể hiện qua mức độ thực hành di sản được duy trì thường xuyên, sự mở rộng về số lượng người tham gia và các câu lạc bộ hoạt động. Hiện toàn thành phố đã có tới gần 20 câu lạc bộ, giáo phường thực hành truyền dạy, quảng bá Ca trù với gần 300 hội viên… Các câu lạc bộ Ca trù duy trì hoạt động thường xuyên theo lịch cố định tại nhiều địa chỉ như: Đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc), đền Quan Đế (phố Hàng Buồm), Bích Câu đạo quán… thu hút không ít người dân và du khách du lịch đến thưởng thức. Bên cạnh đó, các lớp truyền dạy đàn hát Ca trù, các làn điệu thể cách được thực hành với số lượng nhiều hơn, khó hơn đã và đang được tổ chức.
Bên cạnh việc học nghề, ca nương, kép đàn ngày nay còn biết xây dựng chương trình và liên hệ tổ chức, tạo ra không gian diễn xướng hát Ca trù để trình diễn, phân tích, giới thiệu, quảng bá trong và ngoài nước, như câu lạc bộ Ca trù Thái Hà đã quảng bá Ca trù tới các nước và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật; truyền dạy Ca trù bằng hình thức trực tuyến…
Lan tỏa hồn phách, tinh hoa dân tộc
Ngoài duy trì xuất hiện tại những không gian quen thuộc, loại hình nghệ thuật này còn được lan tỏa tại nhiều chương trình định kỳ hay điểm trình diễn, sự kiện văn hóa của Nhà nước và các đơn vị tư nhân, như Phố đi bộ Trịnh Công Sơn; Cao Sơn trà quán (phố Khâm Thiên, Hà Nội, nơi xưa kia có nhiều ca quán hoạt động); Đêm Ả đào tại Bụt trà quán (Vinhome Ocean Park – Gia Lâm, Hà Nội)… Tháng 5 vừa qua, chương trình “Không gian văn hóa nghệ thuật Hải Phòng” diễn ra tại khuôn viên Nhà trưng bày Triển lãm thành phố đã giới thiệu Ca trù cùng với các loại hình nghệ thuật dân gian như Múa rối, Hát xẩm… để quảng bá văn hóa dân tộc tới công chúng. Điều đó cũng cho thấy những thay đổi nhất định về nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của di sản trong giai đoạn hiện nay.
Đáng chú ý, các Đêm Ả đào được tổ chức vào tối Chủ nhật cách tuần tại Đào – cocktail & tapas bar (Hà Nội), với niềm tin mãnh liệt rằng ngày càng có nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, quan tâm và yêu thích nghệ thuật Ca trù, mặc dù không hề dễ hiểu, nhưng đó là hồn phách, là tinh hoa của dân tộc. Ca trù đã xuất hiện trong không gian hoàn toàn khác biệt, nơi chỉ có những tiếng hát sâu lắng, cuốn hút với những bản nhạc cổ xưa bất hủ dẫn dắt du khách qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Chăm chú và say sưa với những lời hát, câu thơ, tiếng tơ, nhịp phách đến hết đêm diễn, bạn Phùng Khánh Vân chia sẻ: “Mình chỉ biết đến Ca trù như là một loại hình nghệ thuật dân gian của Việt Nam, không tìm hiểu quá nhiều mà chỉ gọi là biết ở mức cơ bản. Hôm nay, một người bạn có rủ mình cùng đi nghe hát Ca trù. Mình nghĩ chắc sẽ ngồi ở một không gian nào đó mang tính truyền thống, nên lúc tới đây và nghe hát mình khá bất ngờ vì lại được thưởng thức Ca trù trong quán bar. Đối với mình thì đây là một trải nghiệm khá thú vị”.
Trong không gian lạ ấy, Đêm Ả đào hôm nay đã diễn ra với rất nhiều cảm xúc, sự trân trọng, tinh tế từ khách nghe đến ca nương, kép đàn, quan viên… Những tuyệt kỹ của môn nghệ thuật này nhờ vậy lại trở nên tinh tế và tỏa sáng hơn bao giờ hết. Và tuyệt vời hơn là phần lớn khách đến thưởng thức đều là những người trẻ. “Thông qua buổi diễn, tôi như được chứng kiến giai đoạn lịch sử Ca trù rực rỡ vốn đã từng bị lãng quên nay đang tái hiện trước mắt… Quả thực, đúng như lời mà ca nương đã diễn đêm đó chia sẻ, “đào đã lan tỏa văn hóa Ca trù tới những thính giả trẻ một cách hết sức văn minh và đáng khen ngợi”, khán giả Đỗ Công Khánh bày tỏ.
Tác giả: Ngọc Minh (Nguồn: http://baovanhoa.vn/)