Bác Đinh ơi! Ơi bác Đinh!
Đang nằm nghỉ trưa, gã thò đầu qua cửa sổ nhìn ra. Một phụ nữ ngồi trên chiếc xe Wave tàu, chống chân xuống.
– Đứa nào đấy? Gã hỏi.
– Cháu là Minh! Ở Tân Tiến! Bác gái có nhà không ạ?
– Không! Có việc gì đấy?
– Nhà bác có bán sơn không? Hôm nọ đi qua, cháu gặp bác gái. Bác ấy bảo nhà có mấy sào sơn. Cháu xem rồi, đang mùa bác chưa cắt?
– Ôi dào! Có ai mà cắt?
– Bác gái đâu?
– Đi trông cháu!
– Bác cắt đi, bán cho cháu!
– Ối… Phải tội! Tao còn bao nhiêu là lúa má sắn sảng, rau cỏ, lợn gà ao chuôm. Làm thế đã đủ mệt xác rồi, còn sơn mới chả vẽ!
– Thế bỏ phí đi à bác?
Bác Đinh biết, sơn đang được mùa, được giá. Dạo này xuất sang Nhật nhiều lắm. Cả vùng trồng sơn đang xôn xao cả lên, nhà nào trồng được nhiều, trúng to. Bên Nhật, họ dùng sơn ta, chế ra các loại sơn màu cao cấp. Chất lượng sơn Việt Nam đứng đầu thế giới. Có phải ở đâu, đất nào cũng trồng được! Bỏ đấy nó cũng phí đi, nghĩ mà cũng tiếc công, tiếc của:
– Mày cắt được, đến mà cắt! – Bác Đinh nói với ra.
– Vâng! Thế để cháu cắt cho! Được cháu nửa, bác nửa nhé?
Người phụ nữ nhấc tấm phên ra cho xe vào sân:
– Bác gái đi từ bao giờ bác?
– Ối giời! Con gái đẻ, mấy tháng rồi!
– Còn các anh chị nhà bác?
– Tất Hà Nội!
– Bác ở nhà một mình à?
– Dễ tao ở với ai? Nhà cửa, lợn gà, rau cỏ, cá mú? Tuần nào cũng gửi cho mấy bà con. Đến mệt!
Vùng này trước kia chỉ thuần có người Mường. Sau thêm một số người Dao mãi Mộc Châu hạ sơn, ở khu Châu Hạ. Khu Đinh ở là Mỹ Bằng, còn khu Tân Tiến, đều dân khai hoang, lấy tên quê cũ, đặt cho quê mới. Ăn ở với người dân tộc, Đinh thích nhà sàn giống người dân tộc luôn.
Đinh gầy cao mảnh dẻ, ngỡ thư sinh trói gà không chặt, lao động thì đáng nể. Dầm chân trong dộc bùn, cầm cuốc vươn người bổ một nhát, rồi giật mạnh, tảng bùn lẫn cỏ gốc rạ bật lên, rơi đúng chỗ Đinh định sẵn. Chấp hai người giỏi nhất, cũng không gặt nhanh, bó lúa gọn hơn gã. Lúa chất tận óc quang, gã cất gánh xăm xăm một mạch, từ ruộng lên đường cái nghỉ, thêm một thôi là tới nhà. Khi đập lúa, gã chấp hai đon làm một, vung tay đập xuống chiếc loóng, hạt lúa rơi rào rào. Gã tay mở néo, hất một cái, đọn rơm bay ra tít tận góc sân.
Thu hoạch sắn là cả vấn đề. Đinh xoạc chân, nắm chặt thân cây, lắc lắc rồi nhổ bất một cái. Cây lá, củ cành, rời khỏi đất, chẳng đứt củ nào. Gã chặt ngọn lá mang cho cá, thân bó lại, để giống vụ sau. Quang rổ của Đinh cũng to khiếp, vậy mà gã chất đầy sắn, băng băng xuống đồi. Dạo còn hợp tác xã, giao nộp nghĩa vụ, có lần cân lên, hơn một tạ một gánh.
Việc nặng thế, việc nhẹ Đinh giỏi giang chẳng kém. Dù rau gì gã trồng, cũng hàng lối đẹp mắt, vườn tược tịnh không một cọng cỏ dại. Chuồng lợn, chuồng gà cứ sạch bong, con nào con nấy, trơn da đỏ lông, béo mầm mẫm. Cá dưới ao đêm ngày quẫy um ủm, mỗi năm thu hoạch hàng tấn.
Gã tài hoa lắm! Một khúc bương, một sợi cáp nhỏ, một chiếc ống bơ, chỉ một loáng gã làm xong cây đàn bầu. Trăng thanh gió mát nghe gã gẩy đàn thì… ôi chao mê ly! Ngày Huyện đoàn tổ chức giao lưu văn nghệ, Đinh biểu diễn độc tấu đàn bầu, cả sân vận động lắng đi. Tiếng đàn vừa dứt, tiếng vỗ tay ầm ầm. Đinh ôm giải nhất là một chiếc khăn tay, một cây bút máy, hai cuốn sổ tay bìa da.
Cô thợ may phố huyện mê mệt, nhiều lần lên núi thăm Đinh, bận nào cũng có quà. Cô may cho Đinh bộ quần áo thật đẹp, có dịp đi biểu diễn, mặc lên sân khấu.
Đinh để ý cô gái khu Tân Tiến, ít hơn vài tuổi. Cô này hiền lành, nhỏ người, trắng trẻo, mắt lúc nào cũng ươn ướt, tóc đen dài mượt. Mê tiếng đàn bầu, chẳng mấy ngày không tới. Nếu tinh ý thấy chân cô đi hơi bị chấm phẩy. Nhưng đã yêu, chẳng ý nghĩa gì! Họ rủ nhau lên nương trồng sắn, vào rừng lấy măng. Cùng thích món canh măng chua thịt gà tơ. Chế biến măng chua, ít người sánh được Đinh.
Khi chín muồi, họ xin phép đi lại rồi cưới. Người ta yêu mãnh liệt, kết quả cũng đến mau chóng. Năm năm, ba đứa con, một trai hai gái, theo nhau ra đời. Trẻ ở núi rừng dễ sống lắm, chúng cứ ăn cứ lớn. Nóng sốt, ho hắng chỉ nắm lá dấp tanh, mấy cái hoa đu đủ đực, hấp với mật ong, uống là khỏi. Nhà có gì ăn nấy, củ sắn bắp ngô, củ khoai cũng được, no bụng là lăn ra ngủ, bất cứ chỗ nào. Bố mẹ mải làm ăn, hôm mùa vụ công việc tới khuya, các con ngủ mỗi đứa mỗi góc, muỗi đốt khắp người.
Chịu khó làm lụng, cố gắng cho con học hành. Ba đứa con Đinh, đứa nào cũng vào đại học. Con cả học xong, xin được việc, lấy chồng ở tịt luôn đó. Thằng hai học xong, xin việc đi làm, toàn trái nghề. Cả năm, ngày lễ Tết mới ló mặt về, đàn đúm với đám bạn xong, lại đi biền biệt. Con út thi Đại học Công nghiệp, giỏi toán tin, học lập trình viên. Chưa ra trường, một công ty tới, tuyển thẳng sang Nhật. Hai năm về, mang theo thằng người Nhật đòi cưới.
Ối giời ơi, là giời! Lấy chồng người Việt, nói cùng một thứ tiếng, văn hóa mỗi nơi mỗi khác, đã khó! Giờ rước thằng ngoại quốc, biết sau này thế nào? Thủ tục kết hôn mới phức tạp làm sao. Chạy hết chỗ này chỗ khác, cứ hôm nay chỗ này, hướng dẫn thế này, mai ra chỗ khác, họ lại hướng dẫn kiểu khác. Chạy mãi, cuối cùng Sở Tư pháp cũng cấp giấy chứng nhận. Mệt hết cả người! May có anh bạn quen biết nhiều, chạy vạy giúp, mà vẫn tốn kém thời gian, tiền bạc. Biết thế này, chả cho lấy chồng ngoại quốc, lại nhẹ người!
Con em cưới xong thì con chị đẻ. Thế là phải bố trí cho mẹ xuống chăm. Vợ chồng đành chia nhau ở đôi nơi. Thời buổi này, đến cây chè tít trên đỉnh núi, người ta cũng phun thuốc. Ăn uống chỉ tự cung tự cấp, mới yên tâm. Hàng tuần chở thực phẩm ra thị trấn, gửi xe xuống cho vợ con, đều như vắt chanh.
Con đứa chị vừa cứng chân chắc tay, đứa em lại sinh. Vợ Đinh chuyển nhà con nọ, sang nhà con kia chăm nom. Ở nhà thằng rể Việt, còn nói chuyện được. Ở nhà thằng rể ngoại này, muốn gì chỉ nói với con gái, còn lại như người câm với nhau, chán nẫu ruột! Đáng ra, vợ chồng xa nhau chỉ vài tháng, nay lại bị con gia hạn. Một mẹ già bằng ba con ở, bây giờ mới hai đứa con gái, còn con trai thì sao? Bà phải chăm cháu nội chứ! Cứ đi mãi thế này, ông làm sao cho xuể…?
Con bé Minh đến chịu khó! Dậy từ bao giờ, bốn giờ sáng đã trên nương mé đầu hồi! Tài thật! Chả đèn đóm gì, nó cắt sơn nhoay nhoáy, hết cây này tới cây khác. Hửng sáng, cây nào cũng vỏ trai trai cắm rồi! Xong việc, vào cầu thang ngủ gà ngủ gật, chờ được nhựa đeo nẳn ra chút về. Cân lên bao nhiêu, trả tiền Đinh một nửa.
Nắng còn đỡ, mưa đất đỏ dính chặt vào bánh xe, lết chả nổi. Có hôm nó ướt tuốt từ trong đến ngoài, mưa thì ướt quần ướt áo, mồ hôi ướt thịt ướt da. Mồ hôi gặp nước mưa, chảy vào mắt cay xè, vào miệng mặn chát. Có lúc chán, nó muốn bỏ, nhưng hai đứa con đang đi học, chồng là thợ mộc dựng nhà, chả có mấy việc. Trông cả vào việc cắt sơn, phải cố thôi, biết làm sao bây giờ?
Đinh trạc tuổi bố Minh, hiền lành dễ tính. Minh đánh bạo xin ngủ nhờ dưới gầm sàn, chỗ cái phản ăn cơm. Lúc đầu gã ngại, sau vài bận trời mưa rền rĩ, thương tình, đành cho nó trú tạm.
Con Minh đúng là dạng chân chỉ hạt bột, không cao nhưng chắc đậm, nước da bánh mật khỏe khoắn. Khuôn mặt đậm chất Mường, hơi tròn tròn, rất đôn hậu. Bước chân thoăn thoắt của dân quen đi rừng. Gái hai con, chẳng có vẻ gì là sổ sức, người cứ lăn lẳn. Nó hiền lành thật thà lắm! Cắt được bao nhiêu sơn, nó trả đúng một nửa. Đi vắng vài ba ngày, nhờ nó chăm ao vườn, gà lợn, chả suy xuyển gì.
Anh bạn đận giúp con gái Đinh vụ lấy chồng ngoại quốc, rủ bạn lên chơi. Họ xuống ao, vét mấy con cá chép lên mổ. Đinh bắt con gà tơ, to nhất đàn làm thịt. Minh đến sớm, mang theo một cô bạn. Thấy mọi người đang hì hụi, dân thành phố, toàn nấu điện, nấu ga, gặp bếp củi, lóng ngóng như gà mắc tóc. Minh và bạn xắn tay, sà vào giúp. Chẳng mấy chốc mâm rượu bày ra, mọi người chúc tụng vui vẻ. Trời mát, gặp cảnh gặp người, câu trò câu chuyện dần dần quấn lại. Uống rượu vào nó cứ ngọt ra, uống mãi chẳng say. Canh gà nấu măng chua là món ai cũng khoái khẩu. Uống một ly, múc chút canh cả nước cả cái húp, rượu đi đâu mất. Canh ngon, rượu ngọt hàng can, tha hồ uống. Anh nào anh nấy bung biêng, cứ tưởng rượu không say, mà say ra phết.
Thân rời chỗ đầu tiên, bạn gái Thân dìu lên, vào tấm đệm bông lau trùm chăn lại. Tuấn say khật khừ, lẩy bẩy xỏ giầy không nổi, vịn mép phản bò lại cầu thang, cô bạn Tuấn cũng theo nốt. Chả biết gia đình, vợ chồng, con cái ra sao…? Nghe nói thì biết, thỉnh thoảng họ vẫn đi chơi như thế. Đinh gục đầu xuống tìm dép, mãi không thấy. Ra lúc nãy, gã ném cái xương trúng chiếc dép, con chó tha đi luôn.
Minh cùng bạn dọn dẹp, rửa ráy xong, trở lại thấy Đinh nằm úp mặt xuống tấm phản, vừa ngáy vừa thở. Họ lau mặt cho Đinh, dìu gã lên sàn. Thức ăn nôn ra, lũ chó hàng xóm đã dọn, mùi chua lừng chua nực vấn vương.
Kể từ ngày vợ đi chăm cháu, Đinh chẳng có thời gian. Ăn uống xong nồi niêu bát đĩa, tiện đâu bỏ đó, đến bữa rửa ráy rồi lại đâu vào đấy. Tiễn bạn về, Đinh vào thấy nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ. Bát đĩa úp theo hàng theo lối, cái nào ra cái ấy.
Minh và bạn cô từ trên đồi sơn xuống. Minh giới thiệu lại với Đinh.
– Đây là Đông, bạn cháu! Cùng ở Tân Tiến. Nó lấy chồng bên Á Sơn. Hôm qua về chơi! Để nó nhà không tiện, cháu rủ sang đây cho vui!
– Chào bác! – Đông hơi cúi đầu chào Đinh.
– Chào cháu!
Đinh ngơ ngẩn khi bắt gặp ánh mắt trộm nhìn. Gã vội vã cúi xuống, liếc nhanh quần áo. Vốn tính xuề xòa, ít quan tâm về ăn mặc, nhất là lúc ở một mình. Biết không có gì, gã vẫn chưa yên tâm. Đinh lén quan sát cô gái. So với Minh thì cô này cao ráo trắng trẻo hơn. Mái tóc cắt hơi ngắn, nhưng rất mượt mà. Ăn mặc không đến nỗi quê kệch. Sống mũi thẳng trên cặp môi tươi tắn, lúc nào cũng như sắp nở nụ cười. Khuôn ngực tròn căng cao nhông nhổng, phập phồng, phập phồng. Đôi mắt lá dăm thỉnh thoảng liếc trộm gã. Nhìn cặp chân giang của cô: Sức vóc kia thì… phải biết…! Gã nghĩ thầm.
Tất cả đi rồi, gã vác cuốc, cầm rổ ra vườn rau. Ao nước đục ngầu, vài con cá mới chết trắng bụng, nằm chơi vơi trên mặt nước. Mấy cành rong vứt chỏng gọng mé bờ, gã chẳng quan tâm. Vừa tỉa rau, nhặt cỏ, gã vừa bâng khuâng một điều là lạ. Có lẽ vì…! Gã lao mình xuống nước, vẫy vùng. Tiện thể ném mấy cành rong cho cá lấy chỗ dựa. Gần đứng bóng, gã mang cuốc rau về mó nước rửa. Gã để nước lạnh chảy khắp mình, cho bớt cảm giác ngột ngạt.
Thức ăn còn nhiều, cắm lại nồi cơm cho nóng, ăn xong đi ngủ. Đôi mắt kia lúc thì rõ, lúc lại mờ, không sao ngủ nổi. Vục dậy, gã lấy đàn ra gảy, tiếng đàn khi ngọt ngào, lúc ai oán. Từ trưa tới chiều, gã gảy hết bài này tới bài nọ, có lúc lơ mơ như kẻ mất hồn.
Minh đến như thường lệ, cho xe vào gầm sàn, rồi ra mó nước rửa chân tay. Gã không ngừng tay đàn, mắt hướng ra phía cổng. Minh nhìn quanh một lượt, nhận ra gã chưa ăn cơm chiều.
– Bác chưa ăn cơm ạ?
– À…! Chưa! Mày đến có mình à?
– Vâng ạ!
– Con bạn về rồi à?
– Vâng, nó chơi một hôm thôi, phải về chứ! Nhà có mình nó, bỏ con sao được!
– Thế… chồng nó?
– Nó khổ lắm bác ạ! Vừa đẻ được đứa con, chồng bị khô gan, chạy chữa mãi, tiền hết thì người chết, ở vậy mấy năm rồi. Sơn đang cắt dở, hôm qua nó về chơi, cháu rủ sang đây cho vui!
Nghe con Minh nói, Đinh thấy tai ù ù, gã muốn hỏi chuyện, chả biết bắt đầu như thế nào? Minh hấp lại cơm, hâm thức ăn giúp, miệng nhai cơm mà như ăn cỏ ăn cây vậy. Vớ chai rượu tu một hơi, gã buông bát đũa, uể oải đứng dậy. Sức đàn ông như lũ cuốn, xa vợ lâu ngày, khó ai cưỡng…
*
* *
Dạo này người ta hay xì xầm, chỗ này túm năm, chỗ khác tụm bảy, bàn tán về ông Đinh với con bé cắt sơn. Con bé lợi dụng vợ con ông đi vắng, tối tối đến ngủ, cắt sơn chỉ là cái cớ. Gầy thầy cơm… sức ấy, gặp gái xa chồng như lửa. Ở chung thế, không có chuyện mới lạ!
Một đồn mười, mười đồn trăm, mẹ Đinh sang nhà bóng gió chửi. Minh ngơ ngẩn chả hiểu chuyện gì? Chị em nhà Đinh, gặp Minh đâu cũng nói móc nói máy. Minh dần hiểu, nó nghĩ: Cây ngay không sợ chết đứng, chẳng có gì mà sợ cả! Ai nói gì, Đinh bỏ ngoài tai hết. Họ có là gã đâu mà hiểu, bận gì phải giải thích!
Chủ nhật, vợ con Đinh kéo nhau về. Nhìn nhà cửa tan hoang, mọi thứ trước kia gọn ghẽ, giờ lộn xà lộn xộn, ao vườn, rau cỏ xác xơ. Bếp núc thì… Ôi trời! Rác ngập từ cửa, xong nồi đen nhẻm, linh tinh từ mó nước mà vào. Họ xúm lại sắp xếp, từ chỗ nằm, cái sào phơi, đến tủ quần áo, một loáng là đâu vào đấy. Trong lúc dọn dẹp, con út phát hiện chiếc quần con và chiếc khăn lạ, gọi mẹ và chị xúm lại, xác định xem của ai! Thế là mẹ nó lu lên:
– Chẳng của nó thì ai vào đây? Không có lửa làm sao có khói!
– Mẹ để đấy cho con! Đứa con lớn nói.
– Gọi bố về đây! Phải làm cho ra nhẽ mới được! Con út hùa theo.
– Thì cứ bình tĩnh đã. Có phải chết người đâu mà vội. Không khéo lại…!
– Mày im đi! – Thằng con trai chưa kịp nói hết, con chị quát – Mày chỉ được cái bênh bố!
– Thì cứ đợi bố về hỏi đã!
– Không phải đợi! Tìm con kia, cho nó một trận! Quay xe, đến ngay nhà nó cho tao!
Bốn mẹ con nhằm thẳng khu Tân Tiến. Minh đi cân sơn, tranh thủ phiên chợ, mua sắm đồ ăn thức uống chưa về. Ở nhà chỉ chồng Minh với hai đứa nhỏ. Họ nói thẳng rằng. Đinh và Minh lợi dụng cả nhà đi vắng, có quan hệ. Họ thông báo cho gia đình biết mà giáo dục. Đói xuống thành phố mà kiếm tiền. Bỏ thói tranh vợ cướp chồng người khác đi!
Chồng Minh không tin chuyện đó. Yêu cầu họ giữ mồm, giữ miệng, ảnh hưởng danh dự của Minh. Thế là họ lồng lên, chờ Minh về để xử.
Nhìn thấy vợ Đinh, Minh mừng rỡ, chào hỏi vồn vã. Trái lại mụ sát khí đằng đằng, truy vấn việc mua bán sơn, chuyện quan hệ. Cuối cùng, đưa ra vật chứng, bắt nhận, Minh ngỡ ngàng choáng váng. Họ lao vào, người túm tóc, người giữ tay, đấm đạp, vừa đánh vừa la làng, la nước. Chồng Minh ra sức can ngăn, họ đánh cả anh, tội không biết dạy vợ. Dân làng kéo đến, người thông cảm, người xì xào. Kẻ xúi đánh cho chết, cho chừa. Trông mặt như thế mà ghê thật, ai bảo nó lành đi, cháy nhà mới ra mật chuột nhé!
Chợ về, Đinh không biết mấy mẹ con đi đâu. Gã nấu một bữa ăn thật thịnh soạn. Trong lúc chờ vợ con về, gã mang đàn ra gảy. Hết Trăng thu dạ khúc, Lưu thủy hành vân, đến Người ở đừng về, lại Bèo dạt mây trôi… tiếng đàn réo rắt vọng xa.
Chiếc xe con từ từ qua giữa hai ao cá, đưa bốn mẹ vào sân. Họ mở cửa bước xuống, người nào người nấy, còn mặt tía tai.
Linh cảm thấy điều gì đó, Đinh hỏi thằng con trai:
– Mẹ con mày đi đâu về?
– Đi dạy cho con đĩ một bài học! – Vợ Đinh cướp lời.
Gã chột dạ:
– Con đĩ nào?
– Còn con đĩ nào nữa? Giả vờ không biết à? Tôi vừa xé cho tan nát rồi! Vợ Đinh the thé.
– Này, bà đừng có làm bậy nhé!
– Không bậy bạ gì hết. Bố có để chúng con khỏi xấu hổ với dân làng không? Con cả chen vào.
– Ơ hay! Mấy mẹ con mày…!
– Chả hay chả dở gì hết! Bố thử xem con Minh có bằng tuổi con bố không? Bố quan hệ với nó? Chẳng là con đĩ thì con gì?
Đinh ngã người:
– Trời ơi! Chúng mày mất dạy! Ai bảo chúng mày thế? Để tao gọi nó lên đây, ba mặt một nhời! Chúng mày làm thế bằng giết người ta đấy! Biết không?
– Ông bảo ai giết ai? Chính ông với con đĩ đang giết mẹ con tôi đấy! Đừng cả vú lấp miệng em, vụ này chưa xong đâu. Đừng hòng tôi để yên cho, mà nem với chả chả!
Đinh bực bội hất tung mâm cơm ra ao. Bốn mẹ con cuốn đồ về Hà Nội. Trước khi ra xe còn tuyên bố: Sẽ dạy bảo con kia, nhất thì lành làm gáo, vỡ làm muôi…!
Vợ con đi cả rồi, Đinh ngồi ngẩn người, mắt nhìn dãy núi Lưỡi Hái xa xa. Những ngày sau khi thì vợ, lúc thì con gọi điện về khủng bố. Vợ gã cứ đêm là gọi điện nhắn tin, mắng chửi, dọa sẽ thuê người rạch mặt, chặt tay Minh. Cho ra tòa, nếu gã không rời bỏ con đĩ. Mụ nghĩ ra muôn thứ, đốt đuốc tìm hết đời, gã cũng không thấy. Đầu óc chẳng lúc nào được yên, quay cuồng như người mới đi biển, lại gặp sóng lớn. Đinh suy sụp hẳn, đôi mắt vốn đã sâu, lại càng trũng sâu hơn.
Gã nhớ ngày vợ chồng lấy nhau, vượt bao khó khăn gian khổ, việc lớn việc nhỏ, lúc nào cũng có nhau. Rồi nuôi dạy con cái, cả khu này, nhà ai được như gã. Giờ đứa nào cũng thành đạt, làm ăn được ở Hà Nội đâu phải dễ. Gã thương vợ thương con, mấy ai dám bì. Vậy mà mấy năm nay, con cái thay nhau sinh đẻ. Vợ chồng gần nhau được vài hôm, cũng chỉ như mượn của con của cháu. Hàng tuần cung cấp thức ăn cho chúng. Dù ở dưới ấy có thiếu cái gì?
Tâm lý gã rơi vào khủng hoảng, nhiều lúc cũng muốn buông xuôi. Hay là gọi bà ấy về, giao lại toàn bộ nhà cửa ao vườn, rồi bỏ đi nơi khác? Nhưng nghĩ lại, lại thương con cái, hai đứa gái coi như ổn. Thằng con trai đến giờ, chả thấy đưa đám nào về. Đến lúc nó có bạn, nói sao về bố mẹ? Là người vì gia đình, gã loại bỏ ngay ý nghĩ đó.
Nhìn lên dãy núi Lưỡi Hái gã bần thần. Thương vợ con bao nhiêu, gã lại thương người ta bấy nhiêu, không dưng lại mang tai, mắc tiếng! Gã thầm trách mình cả nể, để bạn đưa phụ nữ tới nhà. Chả biết sau này ăn nói ra sao…? Từ hôm bị đánh ghen, con Minh chẳng đến cắt, nhựa sơn chảy thành vệt đen nhơm nhớm xuống gốc. Dẫu chả được nhiều, cũng đủ tiền mua rượu mua xăng, giờ đành bỏ.
Cứ tưởng rồi cũng xong xuôi, ai ngờ vợ con chẳng chịu buông. Hết vợ đến con hàng ngày truy nã: Mấy năm trời ở nhà một mình, nương đồi vườn ruộng ao chuôm như thế, còn lợn gà rau cỏ. Tiền đi đâu mà không mua sắm được thứ gì? Rồi cái khăn, chiếc quần, tự dưng có cánh mà bay đến nhà này à?…
Lúc đầu Đinh còn trả lời, sau mặc kệ. Vợ con thấy thế, càng ngờ rằng họ đúng. Có sai thì mới không cãi được! Mấy lần vợ về, cứ đến tối là hai vợ chồng lại cãi nhau, đêm mỗi người một góc. Nhiều khi thấy họ lớn tiếng, ngày mai, người thì sưng mặt sưng mày, người thì vết cào đầy cổ, đầy ngực.
Mẹ con quyết đâm đơn ly hôn. Lúc đầu Đinh không chịu, họ bắt ép, họ sỉ nhục trước đông người. Không thể chịu đựng nữa, Đinh chấp nhận. Hôm ra tòa, mấy mẹ con đi ô tô đến trước, gã đi xe máy đến sau. Chả người nào chào gã lấy một câu. Theo phán quyết của Tòa, tài sản chia đều. Phần mình gã hóa giá, mẹ con nhận trả tiền.
Vợ chồng Minh từ ngày bị vợ con Đinh gây sự, chẳng mấy thuận hòa. Bình thường thì không sao, lúc rượu vào, lôi chuyện đó ra cãi cự. Minh cắn răng chịu đựng, bỏ qua chỉ vì con, vì cái… Mong một ngày chồng sẽ hiểu.
*
* *
– Bác Đinh! Bác Đinh phải không?
Đinh đang lúi húi mua xăng, chợt có người phụ nữ gọi tên gã. Ngẩng mặt lên, gã thấy gương mặt quen quen. Người phụ nữ nói:
– Cháu là Đông, đã tới nhà bác cắt sơn cùng Minh đấy!
– À…! Có phải…?
Đinh mơ hồ
nhớ đôi mắt nhìn trộm, làm cho gã bâng khuâng.
Đông nhắc chuyện uống rượu, chuyện gã khi say. Cảm giác ấy hiện về, vừa ấm áp, vừa hạnh phúc.
Đinh mời Đông vào quán uống nước. Người thôn quê ở tận trong rừng, nên gã rất lóng ngóng, vào quán chả biết gọi gì. Cô chủ động gọi hai ly café sữa.
Vừa nhấp một ngụm, gã nhăn mặt:
– Trời! Sao đắng thế?
– Chết. Em… à cháu xin lỗi! Bác không uống được, để gọi thứ khác nhé!
– Không sao, không sao! Ở đây có bia không?
– Có ạ! – Chủ quán nhanh nhảu.
– Cho xin chai bia nhá!
– Vâng ạ!
Gã hỏi thăm về công việc, về gia đình. Ai cũng muốn được chia sẻ điều gì đó. Thỉnh thoảng Đông đưa mắt nhìn trộm, dù đang đối diện. Không còn là cảm giác bâng khuâng nữa, mà nó xao xuyến tận cùng. Chẳng ai muốn rời căn phòng café mát lạnh, gã mời Đông đi ăn trưa.
Bao năm xa vợ con, lần đầu gã có bữa trưa ngon miệng. Uống chẳng nhiều, chỉ gần hết hai chai cổ dụt. Cơm no, rượu ngấm, họ trở lại quán café, nhạc êm ái như ru ngủ. Chủ quán đu đưa cái võng xếp, mắt liu riu. Mắt Đông cũng ríp xuống. Đưa tay che miệng, Đinh ngáp một cái, tưởng sái quai hàm. Bắt gặp cái nhìn Đông, gã xấu hổ quá. Mắt Đinh ríu lại, ở nhà, dù thế nào cũng phải ngủ một giấc.
Đông chủ động:
– Hay là… tìm chỗ nghỉ. Chiều về cho mát, bác?
Đinh chần chừ:
– Ấy…! Mình có đi… đâu!
– Thì có sao ạ! Nghỉ cho khỏe rồi về, có gì mà sợ?
Nói xong, cô đứng dậy thanh toán, hai người đi ra.
Sức trai còn sung mãn, gái không chồng đầy khát khao, bao kìm nén trỗi dậy. Họ chia sẻ tâm tình, càng chuyện trò, họ càng thấy gần gũi, cảm thông nhau hơn. Cái gì phải đến sẽ đến… Cuộc sống vốn luôn công bằng. Người này được đằng này, thì phải thiệt đằng kia.
Sau lần đó, Đinh, Đông thỉnh thoảng hẹn hò, gặp gỡ. Dần dần cảm thấy cần nhau hơn. Họ thuê một ki ốt ngoài thị trấn, Đông bán hoa quả. Đinh ngoài giờ làm bảo vệ mỏ đá, về phụ giúp việc nhà, cơm nước, giặt giũ.
Cứ tưởng ly hôn rồi thì xong! Vợ Đinh biết gây chuyện nhầm người, đến xin lỗi Minh. Song quay lại ra phá Đông. Theo họ, trong những ngày đi vắng, Đinh đã vun vén cho Đông. Thậm chí Đinh còn giấu tiền tiết kiệm, để bây giờ hùn vốn làm ăn.
Chợ huyện lại um xùm, con gái Đinh cầm kéo xông vào cắt tóc, xé quần xé áo Đông ngay giữa chợ. Công an mời tất cả về đồn, mỗi bên đều bị phạt hành chính, vì gây rối an ninh trật tự. Đáng lẽ họ phạt Đinh, Đông về vi phạm luật hôn nhân. Qua điều tra, họ là người tự do, nên miễn truy cứu. Vợ con Đinh được nhắc nhở. Nếu để xảy ra trường hợp tương tự, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, họ lặng lẽ ra về.
Lúc đầu, chỉ định sống với nhau như nhiều người khác. Chẳng cần hôn thú gì mà vẫn hạnh phúc cả đấy! Để cuộc sống yên ổn, Đông Đinh đi làm hôn thú. Cầm tờ Đăng ký kết hôn trên tay, lòng Đinh rất nhiều xáo trộn. Phần mới trải qua tháng ngày bị hắt hủi oan khuất, cô độc. Phần thương vợ con, từ trước đến nay, gia đình có bao giờ sứt mẻ. Phần hạnh phúc bên người vợ mới, trẻ trung, không kém phần xinh đẹp.
Từ ngày xảy ra chuyện, Minh không tới Mỹ Bằng nữa. Đinh đưa Đông tới thăm vợ chồng Minh. Đồng thời cho bạn biết, họ đã kết hôn, hiện ở ngoài thị trấn. Thỉnh thoảng Minh ghé thăm, dù sao Minh cũng rất quý trọng Đinh và thương bạn nửa cuộc đời duyên tình lận đận.
Hai người được nhau, như tìm về bến đỗ. Tuy tuổi tác chênh lệch, nhưng họ yêu thương tôn trọng nhau lắm! Con của Đông rất quý Đinh, chẳng ngần ngại gọi gã là bố. Quầy ki ốt nhỏ hẹp, lúc nào cũng ấm áp. Hàng xóm quây quần bên nhau khi tối lửa tắt đèn. Thực ra ai sinh ra cũng đều tốt cả! Hoàn cảnh đưa đẩy, mỗi người phải tìm cho mình con đường.
Những đêm trăng thanh, Đinh trải chiếu mang đàn bầu ra gảy. Hàng xóm người mang chè thuốc, người ôm hẳn thùng bia kéo tới nghe. Tiếng đàn khi thanh, lúc trầm, ngọt ngào rót vào tai. Sau mỗi bài, tiếng vỗ tay dậy dài, dọc theo phố huyện.
Đông vừa đun nước châm trà, vừa đập nước đá bỏ vào cốc cho họ uống bia. Thỉnh thoảng lại đến ngồi ghé bên chồng nghe đàn, tay cầm quyển sổ bán hàng quạt quạt. Cặp mắt thỉnh thoảng lại liếc xéo vào mặt gã một cái. Gương mặt Đông đỏ ưng ửng. Nếu là người tinh ý, biết ngay đêm nay trời sẽ có động!
Truyện ngắn của ĐẮC PHƯỢNG