Các tác phẩm tiêu biểu của Chihara: Thơ giao hưởng “Những đám mây” (“Clouds”) viết cho dàn nhạc, “Amatzu Kaze” cho giọng nữ cao và năm nhạc cụ, Concerto cho guitar…
Chihara đã viết nhiều tác phẩm tiên phong cho ballet, gồm Shin-ju (dựa theo vở “Tự sát vì tình ở Sonezaki” của kịch tác gia vĩ đại Chikamatsu), vở ballet dài đầu tiên ở Mỹ – “Giông tố” (“The Tempest”- dựa theo kịch cùng tên của Shakespeare).
Ngoài ra, Chihara đã sáng tác nhạc nền cho hơn 90 bộ phim điện ảnh và phim truyền hình, ông cũng từng là giám sát âm nhạc tại Buena Vista Pictures (Walt Disney Co.). Chihara từng cố vấn và dàn dựng cho nhạc kịch “Những quý bà thời thượng” (“Sophisticated Ladies”) của Duke Ellington, và soạn nhạc cho vở “Shogun” của James Clavell.
Hiện Paul Chihara là Giáo sư Âm nhạc tại đại học California tại Los Angeles.
*Tác giả Paul Chihara giới thiệu về tác phẩm lần đầu công diễn trên thế giới:
Bản Fantasy cho piano và dàn nhạc được viết cho nghệ sĩ trẻ Việt, Nguyễn Quỳnh, và tôi chỉ định cô là người công diễn tác phẩm lần đầu trên thế giới, cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Tôi đã sáng tác bản nhạc từ tháng 1 năm 2019 đến tháng 2 năm 2021 tại New York, đây cũng là một món quà cá nhân và là chân dung âm nhạc của nghệ sĩ độc tấu. Tác phẩm gồm bốn chương, diễn tấu không ngừng nghỉ.
Chương đầu tiên bắt đầu với phần trình bày của dàn nhạc, đưa ra chủ đề chính của bản concerto (do bè violon độc tấu), một âm hình chủ đạo xuyên suốt cả tác phẩm – một giai điệu lấy cảm hứng từ nhạc pop Nam Việt Nam mà tôi đã nghe trên các bản thu âm do những người tị nạn mang đến Los Angeles và những người Sài Gòn sống sót trong chiến tranh. Bè piano tiến vào ngay sau phần trình bày ngắn gọn của dàn nhạc với chủ đề của chương đầu tiên. Chủ đề chính giản dị và duyên dáng, được giới thiệu bởi nghệ sĩ độc tấu, chính là chân dung của chính Quỳnh Nguyễn khi còn là một nghệ sĩ piano trẻ đầy tài năng.
Âm nhạc càng thăng hoa (và biểu lộ cảm xúc nhiều hơn), rồi dẫn dắt ta đến chương sau. Chương thứ hai có âm điệu rất gần với chất nhạc Jazz, tinh nghịch và vô tư, còn các bè violon và clarinet như thể hiện một khúc tình ca.
Nhưng trạng thái bình yên này bị gián đoạn đột ngột bởi tiếng trống lẫy và hồi kèn trumpet từ xa dội lại của chương ba. Chiến tranh đã bủa vây với Hà Nội, thế giới tự nhiên và truyền thống tuyệt đẹp thành ra hỗn loạn và bị bạo lực tàn phá. Chương Scherzo này không mang tính miêu tả, không phải nhạc giao hưởng chiến tranh, mà là khắc hoạ cơn ác mộng vì bạo lực, nỗi hoang mang và niềm kinh hoàng.
Chương thứ tư mở ra bằng một khúc ca nguyện cầu và tạ ơn, với chất liệu trữ tình từ ba chương trước được gợi lại. Cũng có một khoảnh khắc ngắn ác mộng, đe doạ (như những ký ức kinh hoàng về những trận chiến trong quá khứ vẫn còn vang vọng trong tiềm thức). Nhưng khoảnh khắc ấy chỉ thoáng qua, và bản concerto kết thúc với sự tươi mới, vô tư của phần mở đầu, trên tinh thần hòa giải và hy vọng ”.
Paul Chihara, New York
26.12.2021
Tác phẩm được đem tới công chúng lần đầu vào ngày 7 tháng 10 năm 2022, trong buổi Hoà nhạc đặt vé trước số 148 – Kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, với sự trình diễn của nghệ sĩ piano Nguyễn Quỳnh, nhạc trưởng Honna Tetsuji và VNSO.
Tác giả: Mai Hạnh (chuyển ngữ & tổng hợp)