Chính vì lẽ đó, nhằm giúp cho học sinh, sinh viên âm nhạc hiểu hơn về chuyên ngành này, thay vì đi sâu giới thiệu khái niệm thuật ngữ, lịch sử môn loại, các nhà dân tộc học nổi tiếng (tuy rất quan trọng), bài viết đề cập tới một trong những phương pháp quan trọng trong nghiên cứu âm nhạc Dân tộc học, đó là nghiên cứu điền dã. Tìm hiểu một chuyên ngành khoa học không gì trực tiếp hơn thông qua phương pháp nghiên cứu. Và trong nghiên cứu âm nhạc Dân tộc học, phương pháp điền dã quan trọng nhất.
Nghiên cứu điền dã hiểu là hoạt động thực hành nghiên cứu diễn ra tại hiện trường – nơi xảy ra sự kiện có liên quan đến đối tượng nghiên cứu. Ví dụ, chúng ta muốn tìm hiểu nhạc lễ đình thì hãy bước chân vào đình những dịp tổ chức lễ hội Kỳ yên với sự tham gia của hoạt động âm nhạc. Hành động này giúp cho người nghiên cứu hiểu rõ đối tượng đặt trong bối cảnh văn hóa liên quan, tránh sa vào suy diễn, võ đoán, thậm chí tưởng tượng. Nó cũng giống như các bạn trẻ đi “phượt” vậy. Nếu bạn nào muốn “săn mây”, hãy chuẩn bị và lên đường. Công tác chuẩn bị bao gồm hành lý, tư trang, phương tiện di chuyển, chọn thời gian, địa điểm, rồi lên đường – tới những địa điểm có tọa độ cao, như vùng núi, thung lũng, nơi tập kết mây ngàn…
“Phượt” là một hoạt động trải nghiệm dấn thân vào thực tế. Nghiên cứu điền dã cũng vậy. Nó không chỉ đòi hỏi người nghiên cứu phải dấn thân vào môi trường điền dã tham gia với tư cách thành viên cộng đồng mà còn đi tìm câu trả lời cho các vấn đề nghiên cứu. Trong quá trình đó, các bạn sẽ trải qua 4 giai đoạn:
1. Xâm nhập
2. Cú “shock” văn hóa
3. Thiết lập mối quan hệ hài hòa
4. Hiểu biết văn hóa
Điền dã Dân tộc học là phương pháp đắc dụng trong tình huống mà người nghiên cứu đến từ bên ngoài cộng đồng văn hóa. Khi chúng ta đóng vai trò “khách thể” nhằm tìm hiểu sự khác biệt về văn hóa, việc cần làm trước tiên là phải xâm nhập cộng đồng đó. Để làm được việc này phải thông qua mối quan hệ trung gian, như tìm kiếm sự giúp đỡ của cư dân bản địa, nhà nghiên cứu đi trước, “Người dẫn đường”… Họ đồng hành với chúng ta qua chặng đường đầu tiên xâm nhập địa bàn nghiên cứu. Cũng giống như đi “phượt” mà có “Thổ địa” dẫn đường, qua đó giúp chinh phục sự khác biệt về địa hình (văn hóa).
Trong quá trình xâm nhập, chúng ta phải tìm hiểu nhiều khía cạnh liên quan thông qua công trình nghiên cứu của người đi trước, như: sách, tạp chí, báo cáo khoa học, tài liệu, tư liệu âm thanh, hình ảnh, thông tin, chỉ dẫn… Bên cạnh đó, có những dự án hợp tác nghiên cứu, địa bàn điền dã nằm ngoài lãnh thổ, chúng ta phải làm dự trù kinh phí, xin cấp visa… Đối với học sinh, sinh viên, các em nên chọn những địa bàn tác nghiệp dễ xâm nhập để từng bước thực hành phương pháp mới.
Về cú “shock” văn hóa hiểu là những phản ứng do mới tiếp xúc với sự khác biệt văn hóa. Điều này chắc chắn xảy ra. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta cần có cách ứng xử thích hợp, đặc biệt là thái độ học hỏi, cầu thị, khiêm tốn, nhẫn nại, mong muốn tiếp nhận tri thức mới… Có những điều tưởng chừng hết sức nghịch lý, nhưng nếu tham gia với tư cách thành viên cộng đồng, chúng ta biết cách tìm kiếm câu trả lời. Ví dụ, tại sao lễ đình phải bắt đầu bằng hiểu lệnh của mõ (Thái bình), trống (Đại cổ), chiêng (Minh chinh)? Tại sao một bản nhạc cứ lặp đi lặp lại? Chẳng lẽ người nghe không cảm thấy nhàm chán sao? Rất nhiều câu hỏi tương tự được đặt ra trong quá trình diền dã và người nghiên cứu phải tìm ra đáp án. Trong hoạt động điền dã, quan sát tham dự vô cùng quan trọng. Quan sát và tham dự vốn là hai yếu tố khác nhau, nhưng nương nhờ, hỗ trợ lẫn nhau, thậm chí có sự mâu thuẫn qua lại. Vì, khi quan sát, khả năng tham dự sẽ suy giảm, thậm chí phải đặt mình ngoài không gian, bối cảnh nghiên cứu mới hoàn thành tốt công việc này, đồng thời khi tham dự, mức độ quan sát sẽ suy giảm. Đây là một tình huống mà nhà nghiên cứu cần hóa giải bằng các thao tác kỹ thuật nhằm giảm thiểu khả năng triệt tiêu lẫn nhau giữa hai kỹ năng quan sát và tham dự. Đặc biệt, trong nghiên cứu điền dã không thể thiếu phương pháp “khảo tả”, hiểu là ghi chép, mô tả đối tượng. Chúng ta phải ghi chép thật cẩn thận, tỉ mỉ… Tất nhiên, ghi chép như thế nào cũng là một bài học phải được chuẩn bị kỹ. Bởi, bước chân vào không gian văn hóa xa lạ, rất nhiều hiện tượng vô cùng mới mẻ, lạ lẫm. Đối với học sinh, sinh viên, người làm nghiên cứu tập sự… thường xuyên vấp phải khó khăn về phương pháp khảo tả. Chúng ta không biết bắt đầu từ đâu, tập trung vào đối tượng nào? Không gian văn hóa vốn rộng, mở với những chiều kích co giãn, khó lường, đối tượng lại ẩn, hiện qua nhiều tầng, lớp văn hóa, mang tính phức hợp, nên rất khó tác nghiệp. Đó là chỉ giới hạn trong phạm vi khảo tả, hiểu là mô tả đối tượng bằng mắt, chứ còn nhiều đối tượng phải huy động thêm các giác quan khác[1]. Trong trường hợp này, cần có những nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn.
Trên thực tế, tham gia và tham dự khác nhau về mức độ. Có nhiều hoạt động chỉ cần tham gia, như tìm hiểu vấn đề tệ nạn xã hội chẳng hạn. Đừng tham dự với tư cách thành viên nhóm xã hội này. Vì, phương pháp tham dự có thể đẩy người làm nghiên cứu lâm vào tình huống rủi ro. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ cần tham gia với tư cách một người quan sát thuần túy, đứng ngoài (nhóm xã hội) cộng đồng văn hóa. Song, có trường hợp, như trong một nghi lễ thổi tai, lễ đặt tên con của đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta hoàn toàn có thể trải lòng mình để tham dự với tư cách một người gia nhập cộng đồng văn hóa đó. Nhiều hiện tượng, dạng thức văn hóa xuất hiện trong môi trường nghi lễ khá xa lạ, nếu không quan sát, tham dự không thể tìm kiếm thông tin, câu trả lời cho vấn đề nghiên cứu. Nhờ quan sát tham dự chúng ta hiểu được bối cảnh văn hóa thông qua từng sự kiện, từ tham gia đến tham dự, người nghiên cứu từng bước dịch chuyển sâu hơn vào cộng đồng văn hóa, hiểu là nhóm xã hội mà chúng ta tìm hiểu thông qua di sản văn hóa, âm nhạc, tín ngưỡng, lễ hội…
Nên nhớ, đối tượng nghiên cứu trong hoạt động điền dã luôn đặt trong bối cảnh văn hóa. Mục đích của chúng ta là ghi chép, mô tả, ghi âm, chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn nhằm phân tích, bóc tách những khía cạnh liên quan để tìm hiểu đối tượng, chứ không di dời ra khỏi bối cảnh văn hóa. Rất nhiều trường hợp áp dụng phương pháp điền dã Dân tộc học, nhưng nhằm tiện lợi cho công việc nghiên cứu, người nghiên cứu mời nghệ nhân về khách sạn thu âm… rồi về nhà viết báo cáo theo cảm hứng Dân tộc học! Việc làm này vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, đồng thời bỏ sót nhiều dữ liệu liên quan đến đối tượng nghiên cứu. Có những chi tiết chỉ thực sự hiện lên khi nằm trong bối cảnh văn hóa chung. Như trong lễ cúng lúa mới của người Stiêng Bù lơ, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước chẳng hạn. Sau khi nghi lễ kết thúc, già làng đích thân lên núi, nơi có một khoảnh ruộng nương chừa lại để làm lễ vật cúng Yàng. Trên đường lên núi, già làng ngắt một ống lồ ô (tre nhỏ), ngắn khoảng hơn một gang tay thổi lên mấy tiếng.
Trước tình huống kỳ lạ đó, tôi bạo gan hỏi: “già thổi mấy tiếng như vậy làm gì”?
“Để mời thần về dự lễ”. Già làng trả lời.
“Làm sao biết được thần về dự lễ hay không”? Tôi hỏi tiếp.
“Lát nữa trời đổ mưa, chứng tỏ thần đã về”! Già làng trả lời.
Tình huống trên phát sinh ngoài nơi tổ chức sự kiện (hiện trường diễn ra lễ cúng lúa mới), nhưng vẫn nằm trong không gian, bối cảnh văn hóa chung. Nếu không tham dự, quan sát nghi thức, nó dường như chưa từng tồn tại, đồng thời nằm ngoài không gian nghi lễ. Bởi vậy, một trong những đòi hỏi trong phương pháp nghiên cứu điền dã là “quan sát tham dự”, đi kèm với nó là các biện pháp tìm kiếm dữ liệu, thông tin…
Trong quá trình nghiên cứu, cú “shock” văn hóa với cường độ mạnh – nhẹ thường xuyên tác động đến người nghiên cứu. Chúng ta phải đủ kiên nhẫn để tìm ra câu trả lời cho vấn đề đặt ra. Trên thực tế, nghiên cứu Dân tộc học đòi hỏi người tham gia nhiều phẩm chất, từ kỹ năng giao tiếp, tinh thần cầu thị, thái độ khiêm cung cho đến việc thường xuyên rèn luyện phương pháp, biến thao tác kỹ thuật thành kỹ năng, rồi nâng cấp lên thành nghệ thuật. Có những vấn đề tưởng nhỏ, nhưng không hề nhỏ, có thể ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu, đồng thời tác động đến kết quả nghiên cứu, như: thái độ, diễn ngôn của người nghiên cứu. Chẳng hạn, nếu chúng ta tìm hiểu về hát Bả trạo. Trong khi tiếp cận cộng đồng ngư dân ở những Vạn chài ven biển, nên hiểu tất cả những gì liên quan đến đối tượng thờ tự là thần Nam Hải đều mang thuộc tính chất thiêng. Vị thần này thực chất là cá voi. Nhưng, trong môi trường văn hóa xứ sở, chúng ta nhớ phải xưng danh bằng Ông. Cá voi chết gọi là Ông lụy. Khu mộ cá voi gọi là Thánh địa… Lời lẽ, cử chỉ, thái độ của người nghiên cứu ảnh hưởng đáng kể đến quá trình nghiên cứu. Đừng xem thường. Cú shock văn hóa với cường độ mạnh nhẹ khác nhau tùy thuộc vào sự hiểu biết, thái độ, lời nói, cử chỉ của người nghiên cứu. Cùng với sự trưởng thành về các phương diện kể trên, mức độ va chạm qua các cú shock sẽ giảm dần, thậm chí triệt tiêu, từ đó chúng ta bước vào giai đoạn thứ 3: Thiết lập mối quan hệ hài hòa, thân thiết với người dân bản địa.
Đối với làm nghiên cứu Dân tộc học, sự trưởng thành dường như theo cùng với hoạt động điền dã, khả năng thích nghi hoàn cảnh, ứng phó tình huống, đặc biệt là kỹ năng tương tác, trao đổi, trò chuyện với cư dân sở tại… tất cả đều có khả năng đo lường trình độ nghiên cứu. Trong hoạt động điền dã, có rất nhiều công việc liên quan “bên lề”, nhưng vô cùng quan trọng, như việc trò chuyện với đối tượng tìm hiểu, trình bày rõ mục đích, dộng cơ nghiên cứu, xây dựng lòng tin giữa hai bên… Trò chuyện với người trong cuộc không chỉ là một kỹ năng mà còn là một nghệ thuật. Vì, có nhiều người, chúng ta hỏi đông họ trả lời tây. Phương thức ứng xử của người khác văn hóa rất khác biệt khiến người làm nghiên cứu phải biết ứng xử linh hoạt, hóa giải tình huống lúng túng thường xuyên xảy ra, chưa kể nếu không cẩn trọng, có thể xảy ra sự va chạm, xung đột văn hóa, nhất là nghiên cứu những lĩnh vực “nhạy cảm”, như tôn giáo, tín ngưỡng…
Sau trải qua những va vấp trong quá trình nghiên cứu, chúng ta dần trưởng thành, tự tin hơn bằng thái độ khiêm tốn trí tuệ, hiểu là bước lên một cảnh giới cao hơn nhờ hiểu biết. Chúng ta cần thiết lập, duy trì mối quan hệ với cư dân địa phương. Điều này không chỉ củng cố cho mối quan hệ hài hòa, mật thiết giữa hai bên mà còn cho thấy những vấn đề liên quan đã được xem xét. Vì, mọi việc chưa chắc đã dừng lại. Trong nghiên cứu Nhân học, một ngành khoa học kế thừa cả Dân tộc học và Xã hội học, nhà nghiên cứu còn phải có trách nhiệm “trả ơn” cộng đồng văn hóa. Hãy thử tưởng tượng, chúng ta đến và lấy đi của họ rất nhiều thứ, trong đó có những thứ làm nên thành tựu, tên tuổi của nhà nghiên cứu, song lại thiếu trách nhiệm hồi đáp, dù chỉ bằng mối quan hệ! Nhiều nhà nghiên cứu thông qua tầm ảnh hưởng của mình và bằng những công trình nghiên cứu cụ thể giúp gia tăng uy tín, tiềm năng của cộng đồng, như: nhà dân tộc người Pháp Georges Condominas đối với người M’nông, Jacques Dournes đối với người Jarai, Jean Boulbet đối với người Mạ, Từ Chi đối với người Mường, Huỳnh Ngọc Trảng đối với văn hóa dân gian Nam Bộ…
Cuối cùng là hiểu biết về văn hóa. Trên tiến trình nghiên cứu điền dã Dân tộc học phải đi đến cái đích này. Nhiều người làm nghiên cứu âm nhạc thường hay nhầm lẫn giữa phương pháp, tư duy và mục đích nghiên cứu. Khi áp dụng phương pháp Dân tộc học, đích cuối cùng là những hiểu biết về văn hóa, tránh tình trạng sử dụng phương nghiên cứu một đằng, đưa ra kết quả một nẻo. Giống như nhiều người làm âm nhạc quen với cách nghiên cứu trong cơ sở giáo dục, hễ cứ nghiên cứu âm nhạc là nhắm đến “thang âm, điệu thức”. Thang âm, điệu thức tuy cần thiết, nhưng nếu không trả lời cho những câu hỏi liên quan đến văn hóa, đặc biệt là sự khác biệt văn hóa với những phân tích, mô tả đối tượng thì không nhất thiết phải triển khai. Nói tóm lại, phương pháp nghiên cứu Dân tộc học không tách rời hoạt động điền dã. “Phượt” là một hoạt động trải nghiệm. Nghiên cứu điền dã dân tộc học vừa đòi hỏi sự dấn thân, trải nghiệm của người làm nghiên cứu, vừa tiến tới tìm hiểu sâu hơn những vấn đề liên quan đến văn hóa.
[1] Trong phương pháp quan sát tham dự, dường như chúng ta mới chỉ tập trung, nhấn mạnh phương diện tiếp cận đối tượng bằng mắt. Trên thực tế, quan sát cần mở rộng chiều kích, sử dụng thêm các giác quan khác, đơn giản như âm thanh đòi hỏi phải “quan sát” bằng thính giác, tìm hiểu nghệ thuật âm thực phải sử dụng khứu giác, vị giác… Nói chung, đối tượng nghiên cứu trong môi trường văn hóa mang tính phức hợp đòi hỏi huy động tối đa sự tham gia của các giác quan.