Tác phẩm: Tứ tấu dây số 3 giọng Fa trưởng, Op. 73
Thời gian sáng tác: năm 1946
Công diễn lần đầu: tháng 12/1946 tại Moscow, do nhóm tứ tấu Beethoven trình diễn
Thời lượng: khoảng 33 phút
Đề tặng: nhóm tứ tấu Beethoven
Tác phẩm có 5 chương:
I. Allegretto
II. Moderato con moto
III. Allegro non troppo
IV. Adagio
V. Moderato
Tứ tấu đàn dây No. 3, giọng Fa trưởng, Op. 73, được viết sau chiến tranh vệ quốc, một tác phẩm của những cảm xúc trái ngược. Sự say mê cuộc sống, niềm vui giản đơn bình dị và nỗi sầu khổ từ những mất mát không gì bù đắp nổi liên kết chặt chẽ trong mọi trái tim con người ở mọi nơi trên khắp đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Những con người bình thường cùng những mong ước giản đơn được biểu đạt qua hai chủ đề của chương đầu – Allegretto. Hai chủ đề với giai điệu phổ thông dễ nắm bắt, kề nhau như hai mặt của cuộc sống hàng ngày, chủ đề một với tiết tấu nhanh, nhịp nhàng và đều đặn như lao động và những hoạt động sống, chủ đề hai trầm lắng như những phút nghỉ ngơi, có tính đối chọi lại.
Bản thân Shostakovich xem tứ tấu số 3 này là một trong những sáng tác thành công nhất. Vào năm 1950, ông đã nói với Edison Denisov (một sinh viên môn sáng tác do Shostakovich hướng dẫn): “khi anh nhìn sâu vào nó, anh sẽ thấy tại sao chương đầu phải được chơi một cách đáng yêu, chứ không phải là giận dữ”. Sau phần trình bày hai chủ đề và nhắc lại chúng, Shostakovich thay phần phát triển truyền thống bằng một đoạn fugue phức tạp chứa những nhân tố của chủ đề đầu tiên và để chủ đề thứ hai xen vào giữa phần fugue cao trào như đối chọi lại và làm giảm tốc độ của fugue. Việc đưa đoạn fugue vào không chỉ phô diễn được kỹ thuật và tài khéo của nhạc sĩ, mà quan trong hơn – Shostakovich coi hình thức fugue là đại diện tối cao của những nỗ lực trí tuệ con người đổ ra trên cánh đồng âm nhạc. Theo cách này ông muốn làm cao thượng hóa chủ đề đơn giản và cùng với điều chúng đại diện, là cuộc sống bình dị của con người.
Chương II. Moderato con molto được mở đầu bằng sự tấn công của hợp âm chùm 3 nốt vỡ nát, được nhắc đi nhắc lại một cách khó chịu và ám ảnh, bên trên là những âm thanh lanh lảnh và sắc nhọn của violin. Sự tương phản âm thanh đồng thời này như thể hiện những trạng thái hay quan điểm khác biệt, mô tả tiến trình cuộc sống bám đuổi con người cùng những khó nhọc triền miên và căng thẳng… âm thanh dần uể oải và đơn sắc, mệt mỏi rồi tắt hẳn. Đoạn kết chương hai tạo tương phản với chương III (Allegro non troppo) ngay từ những hợp âm đầu tiên cũng như toàn bộ nét tổng thể, những nét nhấn rành rọt mở màn cho một cơn lốc âm thanh, một chương nhạc với sức mạnh bạo liệt mù quáng của cái hỗn mang, một biểu đạt có chủ tâm về một sức mạnh ảnh hưởng tới cuộc sống. Giai điệu với nhịp độ căng thẳng, sắc nhọn và ở đoạn giữa được tăng cường thêm các hợp âm gõ. Chủ đề cấu thành toàn bộ giai điệu của chương này được xem như nhại lại kiểu đi chân ngỗng của những tay quân phiệt người Phổ cùng với những thứ nghi thức long trọng mang nét đặc thù của chúng. Mặc dù mối liên hệ của chi tiết này với nội dung chung của tác phẩm chưa thực sự rõ ràng, nhưng đây là một chương hấp dẫn và lôi cuốn bởi sự đan xen của những tuyến giai điệu, những âm thanh dày và chắc, bện chặt nhau lại tạo nên một tổ hợp nhiều tầng lớp. Chuyển động cuồn cuộn với sức mạnh cuốn trôi mọi thứ…
Chương IV Adagio – mang dáng vẻ một khúc requiem với những lời than khóc khôn nguôi tuôn trào trên bề mặt. Dàn dây chơi những hợp âm quãng tám ở giọng trầm, tấu lên giai điệu bi thương, violin 1 thêm vào đó bài điếu ca tê tái. Chủ đề mở đầu được nhắc lại 7 lần ở các tầng âm khác nhau, khi xa, khi gần như muốn chạm tới mọi chiều sâu của cảm xúc, về một nỗi đau luôn hiện hữu, một hiện thực bi thảm. Chủ đề được nhắc đi nhắc lại này có tính chất của khúc nhạc kinh thánh do đàn ống chơi mà tiếng cộng hưởng của nó vang vọng khắp giáo đường… khúc requiem dần dần mệt mỏi, mờ dần đi và chìm vào hư không.
Từ trong bóng tối, chương V – Moderato tiếp nối không nghỉ, xuất hiện cùng những nét giai điệu bình thản hơn, trôi chầm chậm như để lấy lại cân bằng sau những đau thương của chương trước. Âm nhạc dần quay lại vẻ hoạt bát từ đầu tác phẩm, những giai điệu trước đó như rít lên sắc nhọn nay trở về với đường nét mềm mại hơn. Chủ đề thứ 3 xuất hiện là một giai điệu phổ thông gần giống với chương I. Ở giữa chương nhạc, chủ đề requiem xâm nhập trở lại như nhắc nhở, chơi forte mạnh nhưng tình cảm hơn trước. Ở đoạn kết, nhịp độ bình thản ở đầu chương lại dần được lấy lại, các chủ đề với giai điệu giản dị được nhắc lại trong một Adagio mơ hồ, huyền ảo đi tới kết chương nhạc.
Shostakovich đã dành tặng Tứ tấu số 3 cho Beethoven Quartet, nhóm nhạc mà ông rất thân thiết từ thành công của buổi công diễn Piano Quintet vào năm 1940. Tứ tấu số 3, ra mắt công chúng vào ngày 16/12/1946, mang lại nhiều ngạc nhiên, một tác phẩm phản ánh cuộc sống theo chủ nghĩa tự nhiên, gắn với hình thức âm nhạc đầy lôi cuốn.
Lê Long (Nguồn: nhaccodien.info)