Huấn Cao và viên quản ngục là hai nhân vật chính của truyện, thầy thơ lại tuy được nhắc đến rất ít, nhưng lại là chiếc cầu nối, giữa người cho chữ và kẻ xin chữ. Hai nhân vật chính trong truyện đã “tri ngộ” tại nhà tù trong một tình huống hết sức oái oăm, trớ trêu. Huấn Cao, một tử tù, “người đứng đầu bọn phản nghịch” lại là “Người mà vùng tỉnh Sơn vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, còn viên cai ngục, người đại diện trực tiếp cho quyền lực của giai cấp phong kiến lại là người có sở thích cao quý “sở thích chơi chữ”. Ước nguyện thầm kín của quản ngục là: “Một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một câu đối do ông Huấn Cao viết”. Họ gặp nhau giữa chốn ngục tù. Nếu xét về bình diện xã hội thì Huấn Cao và quản ngục là kẻ thù của nhau. Nhưng xét về bình diện nghệ thuật họ lại là đôi bạn tri âm, tri kỷ. Sự “tri ngộ” này đã tạo nên sự thăng hoa của cái đẹp.
Là người “Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền” nên dù sống “Giữa một đống cặn bã”, “Phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt“ nhưng quản ngục vẫn là “Một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Quản ngục biết quý trọng những người có tài, có khí phách và nhân cách như Huấn Cao. Vừa là một nghệ sĩ tài hoa, Huấn Cao còn là một kẻ sĩ có thiên lương trong sáng. Ông luôn trọng nghĩa khí, khinh lợi “Không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Cả đời Huấn Cao mới viết có “Một bức trung đường và hai bộ tứ bình cho ba người bạn thân”. Điều này đã làm cho viên quản ngục ngần ngại không dám xin chữ mà chỉ biết “biệt đãi” ông trong những ngày còn lại. Tính Huấn Cao vốn khoảnh “trừ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ”. Nhưng khi nghe thầy thơ lại nói lên tâm sự và mong muốn của quản ngục thì Huấn Cao vô cùng xúc động. Ông Huấn đã thốt lên “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi” và ông ân hận vì “Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Những tình tiết đó đã dẫn đến cảnh cho chữ trong ngục tối.
Cảnh cho chữ diễn ra ngay tại nhà giam chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián, trong một không khí “Khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”. Nguyễn Tuân gọi đó là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Bởi lẽ, chơi chữ vốn là một thú chơi tao nhã của các nhà nho xưa. Cho nên, việc cho chữ, xin chữ thường diễn ra ở những nơi sang trọng như thư phòng hay tiền sảnh. Vậy mà ở đây cảnh cho chữ lại diễn ra trong ngục tối. Người cho chữ là một tử tù, kẻ xin chữ là một viên quan cai ngục. Trong đêm tối chỉ có ba người: Huấn Cao, quản ngục và thầy thơ lại nhưng Nguyễn Tuân đã tạo nên một không khí hết sức thiêng liêng, trang trọng. Hình ảnh một người tử tù “Cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên nền lụa trắng tinh”, viên quản ngục “Khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ”, thầy thơ lại “Gầy gò run run bưng chậu mực” đã làm đảo lộn trật tự xã hội. Hình tượng Huấn Cao uy nghi, rực rỡ giữa chốn ngục tù. Tưởng rằng, ngày mai người tử tù đầu sẽ rơi, máu sẽ chảy, nhưng người tử tù không chết mà đi vào cõi bất tử. Trong phòng giam ấy, tài năng, khí phách, nhân cách của Huấn Cao đã toả sáng soi rọi tâm hồn viên quản ngục. Người tử tù cúi xuống nâng tâm hồn viên quản ngục lên bằng tài năng, khí phách, thiên lương trong sáng của mình. Viên quản ngục hướng lên cái đẹp với tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”. Sự tương phản giữa tử tù với quản ngục, tấm lụa trắng với sự ẩm ướt, mùi mực thơm với phân chuột, phân gián, ngọn đuốc cháy đỏ rực với bóng tối ngục tù là minh chứng cho cái đẹp thăng hoa, toả sáng giữa chốn lao tù.
Rõ ràng, cảm động trước “Tính cách dịu dàng và lòng biết quý người, biết trọng người ngay thẳng của viên cai ngục” nên Huấn Cao đã phóng bút tạo ra một bức thư hoạ có một không hai ở chốn ngục tù. Trên tấm lụa bạch nổi lên “Những nét chữ vuông vắn tươi tắn” đã nói lên được cái hoài bão tung hoành của một bậc danh sĩ tài cao và giàu khí phách. Mặc dù cổ đeo gông, chân mang xiềng xích nhưng hình ảnh của Huấn Cao vẫn hiện lên uy nghi, lồng lộng, vẫn hiên ngang, không chịu khuất phục bạo lực, cường quyền. Xiềng xích không làm mất đi khí phách của một kẻ sĩ, trái lại nó tôn lên vẻ đạo mạo, ung dung tự tại của ông. Con người Huấn Cao như một vầng hào quang xua tan đi bóng đêm, sự tăm tối trong buồng giam, thắp lên trong tim quản ngục một tia sáng, một sức sống và một niềm tin vào cái đẹp, cái thiện. Giờ khắc Huấn Cao cho chữ, nhà tù tăm tối đã bị mùi mực thơm thanh sạch hoá, cảnh chết chóc bị vùi lấp, giờ chỉ còn tồn tại ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, cái thiện và khí phách.
Nhân cách của Huấn Cao như một thứ ánh sáng soi vào bóng đêm ngục tù có thể làm cháy những tâm hồn u uẩn: “Ta khuyên thầy Quản nên thay đổi chốn ở đi. Ở đây lẫn lộn,… thầy Quản nên tìm về quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi mới nghĩ đến chuyện chơi chữ”. Lời khuyên của Huấn Cao thật chân tình. Huấn Cao khuyên quản ngục bỏ nghề về quê để giữ lấy “thiện lương” cho lành vững. Xúc động trước lời khuyên chân thành của Huấn Cao, quản ngục bái lạy người tử tù một bái mà dòng nước mắt còn rỉ vào trong kẽ miệng làm cho nghẹn ngào “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
Cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục chứng tỏ rằng: cái đẹp có thể nảy sinh trên mảnh đất chết, nơi mà cái ác đang hoành hành ngự trị; cái đẹp luôn tỏa sáng cái ác, cái xấu xa nhơ bẩn; thiện lương chiến thắng tội ác. Cái đẹp làm đảo lộn trật tự xã hội. Người tử tù khuyên bảo, chỉ giáo viên quản ngục, còn viên quản ngục bái lạy người tử tù. Đây không phải là sự bái lạy thấp hèn mà là sự bái lạy trước cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao thượng của con người trong một bức tranh đầy ấn tượng. Khi cái đẹp thăng hoa, bản thân cái đẹp đã tạo nên một bức tranh cảm động!
Tôn vinh cái đẹp ở vị trí cao nhất, Nguyễn Tuân muốn gửi đến người đọc một thông điệp sâu sắc, giàu ý nghĩa nhân văn: Con người luôn mong muốn hướng đến cái đẹp, thụ hưởng và sáng tạo nên cái đẹp. Cái đẹp nâng đỡ tâm hồn, giúp con người sống sang trọng, tinh tế, cao thượng, trong sáng hơn.
Hà Phương