Ngày 05/5/1903, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định chuyển lỵ sở của tỉnh Hưng Hóa từ làng Trúc Phê, tổng Thượng Nông, huyện Tam Nông về làng Phú Thọ. Giữ vai trò là tỉnh lỵ và trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Thọ trong gần sáu thập kỷ, với vị trí địa lý thuận lợi, người dân có truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, dũng cảm, quật cường trước các thế lực ngoại xâm, áp bức, bóc lột, xuyên suốt 120 năm hình thành và phát triển, thị xã Phú Thọ luôn là lá cờ đầu, điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ và xây dựng quê hương…
Truyền thống vẻ vang
Theo các thư tịch cổ còn lưu giữ được, làng Phú Thọ xưa vốn là một làng Việt cổ thuần nông, dân cư thưa thớt, tập trung ở ba khu vực gọi là các động, gồm: Động Tiên (phường Phong Châu ngày nay); động Cờ (phường Hùng Vương ngày nay) và động Cao (khu Cao Bang, phường Trường Thịnh cũ – nay là xã Thanh Minh).
Vào thời Vua Hùng Vương thứ 18, người con trưởng của Bảo Quốc Công Đại tướng Ma Khê đã đưa một bộ phận cư dân họ Ma từ núi Đọi (Cẩm Khê) sang cư trú và lập thành động riêng, sau đó hợp nhất với các động của làng, gọi chung là động Phú An. Qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, tên gọi Phú An vẫn được giữ nguyên; khi thì gọi là Phú An Bộ, khi thì gọi là Phú An xã hay làng Phú An. Theo cuốn Đồng Khánh địa dư chí, những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XIX, làng Phú An đổi tên thành làng Phú Thọ, nằm trong tổng Phú Thọ.
Ngày 05/5/1903, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển lỵ sở tỉnh Hưng Hóa về làng Phú Thọ và đổi tên tỉnh Hưng Hóa thành tỉnh Phú Thọ. Vị trí trung tâm tỉnh lỵ của thị xã Phú Thọ được thực dân Pháp duy trì và củng cố suốt 42 năm, từ khi thành lập cho đến năm 1945.
Sống dưới ách áp bức bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến, người dân làng Phú Thọ đã liên tục đứng lên tham gia các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh giành tự do độc lập cho Tổ quốc, giành lại quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của mình. Mặc dù đều bị đàn áp, dìm trong biển máu nhưng phong trào đấu tranh yêu nước ở thị xã Phú Thọ thời kỳ này đã minh chứng cho tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường trước kẻ thù xâm lược, tạo tiền đề cho những thắng lợi của phong trào cách mạng sau này.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc Việt Nam.Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân thị xã Phú Thọ đã cùng cả nước trải qua 15 năm đấu tranh kiên cường để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày Quốc tế lao động năm 1940, lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm xuất hiện ở thị xã, trên Cây đa lịch sử ở phường Âu Cơ ngày nay, truyền đơn cách mạng được rải trên các phố đánh dấu một bước chuyển mình mới của phong trào đấu tranh của Nhân dân nơi đây. Ngày 25/8/1945, cùng với Nhân dân các địa phương trong tỉnh, Nhân dân thị xã Phú Thọ khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Ngay sau khi chi bộ Đảng thị xã ra đời (04/11/1946), cùng với sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Phú Thọ, Nhân dân thị xã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc xây dựng, bảo vệ chế độ mới trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, thử thách. Thực hiện Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, Nhân dân thị xã tích cực đóng góp “sức người, sức của” với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với việc tích cực chuẩn bị về mọi mặt, tiến hành đào hào đắp luỹ, rào làng kháng chiến, đánh địch nhảy dù tại địa phương, quân và dân thị xã còn tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại các chiến trường, phối hợp chặt chẽ với các mặt trận, các chiến dịch: Sông Lô (1947), sông Đà (1949), góp phần đập tan cuộc hành quân Ôđian, Pô Môn của thực dân Pháp, bảo vệ vững chắc vùng tự do của tỉnh Phú Thọ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, hoà bình lập lại, thị xã được tái lập, cấp uỷ đã lãnh đạo Nhân dân thị xã bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; đồng thời vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hoá của tỉnh, trong hai cuộc chiến tranh phá hoại, thị xã Phú Thọ là một trong những mục tiêu của không quân Mỹ với nhiều lần đánh phá ác liệt, gây tổn thất lớn về người và của. Quân, dân thị xã đã tích cực xây dựng trận địa và phối hợp với các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn, anh dũng chiến đấu chống trả quyết liệt các đợt oanh tạc của máy bay Mỹ, cùng với quân và dân miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn của cả nước.
Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong vòng 15 năm (1961 – 1975), 1.828 người con ưu tú của thị xã Phú Thọ đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở các chiến trường, trong đó có nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc; Nhân dân thị xã đóng góp 1.224 tấn lương thực, chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tính chung trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, thị xã Phú Thọ có hơn 5.000 thanh niên nhập ngũ và tham gia phục vụ chiến trường, 875 liệt sỹ, các thương, bệnh binh, 53 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Với truyền thống vẻ vang cùng những thành tích tự hào đã và đang tạo nền tảng, động lực vững chắc, nhân lên niềm tin và sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền. Nhân dân thị xã tập trung nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức vững bước trên con đường đổi mới để xây dựng thị xã Phú Thọ phát triển toàn diện, bền vững, theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.
* *
*
Thị xã Phú Thọ thời kỳ đổi mới
Thị xã Phú Thọ phát triển từ một làng Việt cổ mang tên Phú An, từ sáu phố, hai khu; đến nay thị xã đã có 09 đơn vị hành chính (04 phường, 05 xã) và 62 khu dân cư; diện tích 6.520,16ha; thị xã Phú Thọ ra đời giữ vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Thọ trong gần sáu thập niên. Cùng với tiến trình lịch sử hình thành và phát triển hào hùng của dân tộc và của tỉnh Phú Thọ, thị xã Phú Thọ đã vững bước vươn lên tạo nên những chuyển biến cơ bản và toàn diện.
Sau 120 năm xây dựng và phát triển, trong đó có 37 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thị xã Phú Thọ hôm nay đã và đang bắt nhịp cùng sự phát triển đi lên của tỉnh và của đất nước. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành của tỉnh, thị xã Phú Thọ đã chủ động vận dụng một cách linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của địa phương và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, xứng đáng tầm vóc của một thị xã Anh hùng.
Những năm gần đây, tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2010 – 2015), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020 – 2025), thị xã Phú Thọ đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kiên định mục tiêu lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng. Những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đều đạt và hoàn thành vượt mức.
Xác định rõ những tiềm năng, lợi thế, với quyết tâm tạo sự chuyển biến về quan điểm, nhận thức, lựa chọn những khâu then chốt quyết định sự phát triển của một đô thị trung tâm, Đảng bộ thị xã đã đề ra nhiều chủ trương, định hướng sát với từng lĩnh vực. Do vậy, kinh tế của thị xã phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng mạnh qua từng năm. Tính chung cả giai đoạn 2010 – 2021, thu ngân sách tăng bình quân khoảng 18,5%/năm. Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thị xã Phú Thọ đã nỗ lực thực hiện đạt và vượt 11/11 chỉ tiêu kinh tế – xã hội và công tác xây dựng Đảng. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch, như: Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.397 tỷ đồng, bằng 267,7% kế hoạch, tăng 86,3% so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước của thị xã Phú Thọ vượt ngưỡng trên 1.000 tỷ đồng.
Là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, Đảng bộ thị xã Phú Thọ tích cực lãnh đạo phát triển công nghiệp và dịch vụ đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành động lực phát triển kinh tế của thị xã. Thực hiện mạnh mẽ việc cải thiện môi trường đầu tư nên thị xã đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc thu hút đầu tư, hạ tầng giao thông được đầu tư tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu, trao đổi liên kết vùng và các địa phương lân cận; hạ tầng đô thị và các xã xây dựng nông thôn mới được đầu tư đồng bộ mang lại diện mạo sáng, xanh, sạch, đẹp. Các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng các khu đô thị và hạ tầng khu – cụm công nghiệp… được quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, đổi mới của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài trong công tác giải phóng mặt bằng đã được giải quyết dứt điểm và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, như: Khu công nghiệp Phú Hà (tính đến hết năm 2022, khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 với quy mô là 350ha, hiện tại có 26 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 569 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động trong và ngoài thị xã); cụm công nghiệp Thanh Minh thu hút 11 nhà đầu tư thứ cấp, với tổng số vốn đăng ký của các dự án là 390,74 tỷ đồng, trong đó có 05 nhà máy đã đi vào hoạt động, với tổng số 160 lao động, 01 dự án đang xây dựng chuẩn bị đi vào hoạt động, 05 dự án đang hoàn thiện thủ tục dự kiến tháng 9/2023 sẽ triển khai xây dựng… Bám sát vào định hướng của tỉnh, ngành công nghiệp (chế tạo, sản xuất có hàm lượng công nghệ cao) tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng trong sự phát triển kinh tế của thị xã, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động và tạo dấu ấn rõ nét trong xác định vị thế của một trung tâm công nghiệp phía Tây và Tây Bắc của tỉnh.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được thị xã quan tâm và thực hiện đúng quy định. Trong năm 2022, thị xã đã triển khai lập Quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thị xã Phú Thọ đến năm 2040, phối hợp xây dựng phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng, hạ tầng xã hội thị xã thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp Quy hoạch chung của tỉnh; đề xuất quy hoạch xây dựng trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước tại quỹ đất tiếp nhận từ trường Đại học Hùng Vương.
Từ một thị xã hạ tầng, giao thông còn khó khăn, chưa đồng bộ, thị xã Phú Thọ đã có nhiều đổi thay trong xây dựng đô thị văn minh, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển.
Hạ tầng giao thông phát triển đột phá, các tuyến đường giao thông đối ngoại hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả: đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 2D, tiến tới là Cao tốc Phú Thọ – Tuyên Quang. Các tuyến đường được xây dựng, cải tạo, nâng cấp hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo kết nối thị xã với đường trục quốc gia, thuận lợi trong giao lưu, trao đổi liên kết vùng phía Tây, Tây Bắc của tỉnh và với Thủ đô Hà Nội. Các tuyến đường liên huyện, nội thị được quan tâm đầu tư tạo kết nối giao thương: tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh đến Tỉnh lộ 320C đi Đông Thành, huyện Thanh Ba; cải tạo đường Hùng Vương và nhánh rẽ ra nút giao IC9; nâng cấp, cải tạo đường Trường Chinh kết hợp cải tạo cảnh quan hồ Đình Tối; Nâng cấp cải tạo đường 325B đi đường Hồ Chí Minh qua cầu Ngọc Tháp và đường sơ tán dân cứu hộ, cứu nạn; trình tỉnh phê duyệt chủ trương thực hiện dự án tuyến đường vành đai phía bắc thị xã Phú Thọ…
Hạ tầng đô thị và các xã xây dựng nông thôn mới được đầu tư đồng bộ mang lại diện mạo mới cho thị xã sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, như: nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông nội thị, hệ thống thoát nước thải tập trung, điện chiếu sáng, điện trang trí, trung tâm thương mại, dịch vụ (Trung tâm thương mại Vincom, siêu thị, trung tâm bán lẻ, siêu thị điện máy, khách sạn và dịch vụ giải trí,…). Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình phục vụ hoạt động công cộng góp phần nâng cao hơn đời sống tinh thần của Nhân dân như: Nhà thi đấu thị xã, Nhà Văn hóa, Quảng trường Bình Minh, Vườn hoa Trung tâm, Vườn hoa Tuổi trẻ; hạ tầng các khu đô thị mới dần được hình thành, như: Khu đô thị Âu Cơ, khu đô thị Thanh Minh, khu nhà ở đô thị Hà Lộc, khu đô thị mới Phú Lợi, khu nhà ở đô thị Phú Hà… Góp phần quan trọng mở rộng không gian đô thị, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế của thị xã.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được thị xã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ. Từ cuối năm 2018, 5/5 xã của thị xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã về đích trước 2 năm so mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã đề ra, Năm 2019, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Năm 2021, xã Thanh Minh được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, thị xã Phú Thọ có 2 khu dân cư xã Phú Hộ (khu 11,12) đạt tiêu chí khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu.
Văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục toàn diện duy trì vững chắc, giáo dục mũi nhọn trong nhiều năm gần đây luôn duy trì vị trí đứng thứ 3 trở lên trong tỉnh; công tác quốc phòng – an ninh đạt kết quả tốt, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách được thực hiện hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần quan trọng tăng cường sự đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ thị xã tiếp tục được tăng cường, Đảng bộ thị xã nhiều năm được đánh giá là đơn vị trong sạch vững mạnh.
Những đóng góp to lớn thấm đậm mồ hôi, công sức và cả máu xương của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã đối với Tổ quốc đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; 02 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 01 Huân chương Kháng chiến hạng Hai; 03 Huân chương Độc lập; 15 Huân chương Lao động (Riêng trong năm 2020, thị xã được đón nhận 01 Huân chương Lao động hạng Nhất và 01 Huân chương Lao động hạng Ba); 7 Cờ thưởng thi đua của Chính phủ, 176 Bảng vàng Danh dự, 1.363 Bảng Gia đình vẻ vang, 05 Cờ thưởng luân lưu của Chính phủ… Trong dịp kỷ niệm 120 năm thị xã Phú Thọ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
Đây là những dấu son trong bảng vàng truyền thống đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Phú Thọ, thiết thực chào mừng kỷ niệm 120 năm thị xã Phú Thọ xây dựng và phát triển. Những thành tựu trên là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, thống nhất ý chí và hành động, không ngừng đổi mới và sáng tạo của Đảng bộ và Nhân dân thị xã; sự tâm huyết, trách nhiệm của các thế hệ cán bộ lãnh đạo đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chủ động đề ra những chủ trương, nghị quyết, giải pháp phù hợp.
Đây cũng là tiền đề, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Phú Thọ tiếp tục gặt hái những thành công tiếp nối, trước mắt là tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Phú Thọ lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đã đề ra: “Đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại”.
Tập trung thực hiện hai khâu đột phá: “Tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào công nghiệp, đô thị, dịch vụ” và “Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; nâng cao trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao”. Gắn phát triển kinh tế với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xây dựng và thực hiện tốt văn hóa, văn minh đô thị; bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tập trung hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn 2020 – 2025 đó là: “Xây dựng thị xã đạt các tiêu chí của đô thị loại hai. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa ở các xã; phấn đấu xây dựng hai xã Thanh Minh và Văn Lung đạt các tiêu chí thành lập phường; 02 xã Hà Lộc và Phú Hộ cơ bản đạt tiêu chí của phường; tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…”
Nhìn lại chặng đường đã qua với những thành quả đã đạt được, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Phú Thọ thêm tự hào về sự khởi sắc của quê hương với bề dày lịch sử trên 120 năm xây dựng và phát triển. Từ những thành tựu đã đạt được trong 120 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Phú Thọ vững tin bước vào giai đoạn mới, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân; tranh thủ thời cơ, phát huy các nguồn lực để tiếp tục tập trung chỉ đạo cụ thể hóa các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Từ đó, để thị xã Phú Thọ tạo sức bật phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế phía Tây và Tây Bắc của tỉnh; là một trong 4 vùng động lực kinh tế trọng điểm của tỉnh Phú Thọ, trở thành một điểm sáng góp phần thúc đẩy thực hiện thành công khát vọng xây dựng tỉnh Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Nguyễn Minh Xuyên
Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Phú Thọ