Mỗi xã là một đơn vị hành chính thấp nhất của triều đình.
Văn hóa làng là những đơn vị cơ sở của văn hóa Việt Nam. Văn hóa làng chi phối cả văn hóa kinh kỳ Kẻ Chợ, vì khi xưa những nhóm người cùng làng ra lập phố, họ thường lấy tên làng mình đặt tên cho phố. Họ xây đình, miếu rồi về lấy chân nhang đình làng đem ra phố thờ cúng. Ngày Tết người thành thị đóng cửa hàng cửa hiệu rồng rắn đưa nhau về ăn tết ở quê vì thế tết ở thành phố, thị xã không đông vui bằng tết ở nhà quê.
Thời phong kiến, những người khá giả ở thành thị thường đem tiền về tậu ruộng ở làng để kinh doanh và để thêm phần gắn chặt với quê hương cho con cháu khỏi mất gốc – nghĩa là giữ lấy truyền thống văn hóa dân tộc. Với mỗi người Việt Nam thì truyền thống ấy chính là văn hóa làng ở quê cha đất Tổ của mình.
Khi một ông quan đại thần có công với dân với nước sẽ được nhà Vua ban phong tước, cấp ruộng đất để kiến ấp ngay ở thôn quê. Tước nhỏ được ít ruộng. Tước cao được nhiều ruộng. Có khi được cấp để lập điền trang thái ấp ở cả một vùng rộng lớn có nhiều làng.
Những người đi lính được hưởng lương bằng những xuất ruộng “phần lính” ở làng… Tóm lại người ta có thể thoát li đi làm việc cho triều đình nhưng người nào cũng ràng buộc với làng quê nếu không phải là ruộng đất thì cũng vì mồ mả tổ tiên, anh em họ mạc… Do vậy không dứt bỏ hẳn với văn hóa làng”.
Dân ta có câu: “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Các làng Việt cổ phần nhiều đều có những cái chung rất giống nhau: “Cây đa, giếng nước, sân đình”… và có nhiều cái giống khác làm nên diện mạo chung cho những làng Việt, khác hẳn với làng Tây, làng Tàu. Tuy thế, mỗi làng đều có những phong tục riêng, cốt cách riêng. Các làng ở liền nhau vẫn có làng này được lập lên trước, làng kia ra đời sau. Mặc dù đều phải có bộ máy tổ chức làng xã, đều thực hành lễ hội, phải bán ngôi bán thứ để lấy quỹ kiến thiết làng nhưng mỗi làng làm một kiểu, không bao giờ làng ra đời sau chịu làm theo để bị mang tiếng bắt chước làng cũ. Dù có phải xin chân nhang, duệ hiệu vị thần của làng khác về thờ ở đình làng mình, nhưng cũng không vì thế mà họ chịu giống nhau về mọi mặt, mặc dù họ có thể kết chạ tôn nhau là dân anh, nhận mình là dân em.
Là cư dân nông nghiệp lúa nước, các làng đều có tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội làng. Làng nào cũng cầu đinh nhưng làng này thì cầu thờ sinh thực khí, làng kia là trò cướp cầu hoặc cướp giải, hoặc bằng trò trai gái ôm nhau thi bắt chạch trong chum v.v… Trong lễ hội nông nghiệp, nếu làng này rước bông lúa thần thì làng kia rước nhân mã hoặc rước nước v.v…
Họ quyết phải khác nhau vừa vì lòng kiêu hãnh vừa để cho dân lân bang đến xem mà khâm phục thích thú bởi những nghi lễ, trò diễn, trò vui khác lạ của làng mình.
Làng nào cũng có ngôi thứ phân hạng người cao thấp danh giá. Nhưng làng này gọi ngôi cao là lý cạn thì làng kia là lý quyên, hoặc quan viên trung đình, chùm, trưởng v.v… Mua ngôi ấy có làng chỉ phải nộp tiền vọng, có làng còn phải khao cả dân, làng khác chỉ vọng, không khao, hoặc chỉ phải khao hàng chức dịch sau khi đã nộp đủ tiền vọng.
Nói chung các làng Việt đều có truyền thống hiếu học, vì thế mà thờ đức Khổng Tử, được tôn là thánh sư đạo học nho. Tuy thế nơi thờ tự ấy làng này thì gọi là miếu, làng kia gọi là sở, có làng xây từ chỉ, có làng chỉ xây đàn lộ thiên gọi là văn chỉ.
Chính sự cố ý khác nhau ấy đã làm cho mọi thành viên cộng đồng làng thêm gắn bó, tự hào với quê hương của mình. Do lòng tự hào ấy mà các làng thì đua nhau: Ai ai cũng muốn làng mình có nhiều người đỗ đạt làm quan to, muốn giàu có, bề thế hơn làng khác. Hội hè đình đám của làng mình cũng phải có nhiều trò diễn hay hơn, trò chơi vui hơn. Khi hai làng thi thố nhau bơi chải, kéo co… thì ai cũng muốn phần thắng về làng mình.
Loại trừ tư tưởng bè cánh, cục bộ, địa phương chủ nghĩa ra thì tâm lý quyết thắng ấy lại có mặt tích cực kích thích mọi người về lòng tự hào yêu quê hương xứ sở và tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng làng xã.
Ngày xưa ai cũng coi làng là của ta, của chúng ta. Vì thế cái gì của làng cũng đều là của ta, như: làng ta, chợ ta, đình làng ta, cánh đồng làng ta, thậm chí con đê của cả nước đi qua làng cũng gọi là đê làng ta, bên đò làng ta v.v… Do vậy người làng khác nói xấu làng mình cũng là nói xấu mình. Thậm chí còn hơn cả nói xấu cha mình. Vì thế mới có câu “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Khi có người bỏ giọng mình, nói giọng người bị dân làng coi là kẻ mất gốc, rởm đời. Văn hóa làng nhờ vậy mà được duy trì, phát triển. Khi một dân tộc có bản lĩnh văn hóa thì không thể bị đồng hóa vào nền văn hóa khác. Các bậc thức giả dù sống giữa một quốc gia khác họ vẫn giữ được cốt cách văn hóa của dân tộc mình. Nếu văn hóa thấp thì ở ngay làng mình, nước mình nhưng vẫn bị mất gốc. Chỉ có bản lĩnh văn hóa người ta mới đủ lòng tự tin để dám chấp nhận di sản văn hóa nước ngoài làm giầu có cho văn hóa dân tộc như cha ông ta đã dám chọn lọc để đưa các đạo Phật, Nho, Lão vào nước mình. Nếu không có bản lĩnh, không đủ tự tin thì chỉ lo bế quan tỏa cảng, cấm đoán bắt bớ làm nghèo nàn văn hóa dân tộc.
Khi xưa một trong những yếu tố để phát triển văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa dân tộc phát triển mạnh phong phú đó là sự phát triển rất khác nhau của các đơn vị văn hóa làng. Đó là điều cần quan tâm trong công cuộc đưa nông thôn lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trước mắt là việc xây dựng làng văn hóa hiện nay.
Phải chăng nên gọi là “phát triển văn hóa làng xã” thay cho “xây dựng làng văn hóa” vì xây dựng là làm từ không đến có. Nói “Phát triển văn hóa làng xã” đã thấy bao hàm trong đó nội dung kế thừa di sản văn hóa làng truyền thống và loại bỏ đi những nội dung văn hóa cũ không còn thích hợp với thời đại văn minh công nghiệp. Nói “xây dựng làng văn hóa” người ta thường nghĩ đấy là nhiệm vụ của riêng ngành văn hóa. Văn hóa theo nghĩa rộng là toàn bộ những giá trị vật thể và phi vật thể do loài người sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử. Nói cụ thể hơn: Văn hóa bao gồm mọi hoạt động cho sự tiến bộ của con người từ giải quyết mối quan hệ sản xuất, cách thức quản lý kinh tế, quản lý xã hội, từ tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, từ lo đến ăn, ở, học hành, tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động để thỏa mãn mọi nhu cầu về vui chơi, giải trí của quần chúng… “Phát triển văn hóa làng xã” tức là phát triển mọi mặt của đời sống vừa có tính dân tộc vừa có tính hiện đại. Với công cuộc lớn lao ấy, ngành văn hóa ở mỗi làng chỉ có thể đóng vai trò là người đề xuất, thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền ở địa phương. Xây dựng làng văn hóa chỉ có nghĩa hẹp là hoạt động các nội dung văn hóa nhà nước như văn nghệ thể thao, câu lạc bộ, thư viện, nếp sống mới v.v… Đấy mới chỉ là công việc của riêng ngành văn hóa.
Phát triển văn hóa làng xã tức là đưa vào cái nền văn hóa làng truyền thống có bổ sung thêm những nội dung mới thích hợp với nông thôn công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Nội dung của văn hóa làng là to lớn, phải do Đảng, chính quyền xã chủ trì, cán bộ văn hóa và các đoàn thể khác hướng dẫn tổ chức nhân dân thực hiện. Muốn thực hiện được công cuộc to lớn trên mỗi làng xã trước hết cần thảo luận xác định các giá trị văn hóa làng truyền thống của quê hương mình. Đặc biệt là bản sắc riêng, những nét độc đáo do cha ông đã dày công sáng tạo và vun đắp lên.
Sự khác nhau của các đơn vị văn hóa làng chính là bài học quý báu cho hôm nay. Nên từ những sự khác nhau ấy, tức là từ những sắc thái văn hóa riêng của mỗi làng mà phát huy, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
NGUYỄN HỮU NHÀN