Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ bao đời nay vẫn lưu truyền câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm!”.
Đến thời đại Hồ Chí Minh đã khẳng định “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trong hệ giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam thì tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên thể hiện qua nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Hội Đền Hùng là nét tín ngưỡng đặc trưng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đó là cùng thờ cúng Ông Tổ chung khai sinh ra dân tộc Việt Nam. Qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước tín ngưỡng ấy đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể lưu truyền từ đời này sang đời khác và ngày nay đã trở thành truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây” của các thế hệ người Việt Nam và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ tín ngưỡng của một quốc gia dân tộc đã trở thành tín ngưỡng của cả nhân loại là cả một quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của di sản từ làng đến nước ra đến thế giới. Di sản văn hóa ấy đã trở thành đại diện của hệ giá trị tín ngưỡng, tâm linh của văn hóa Việt Nam trước nhân loại và nhân loại cũng đã công nhận những giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với văn hóa của các dân tộc trên toàn thế giới! Cùng với những giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thì Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng và Lễ hội Đền Hùng là những thực thể không thể thiếu được để thực hành tín ngưỡng thờ cúng trong những không gian thiêng và trong những thời gian linh ứng của một năm theo âm lịch. Trong giá trị của văn hóa Việt Nam suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước thì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn được xếp hạng đầu trong hệ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên ông bà và luôn được các triều đại Phong kiến coi trọng và giành những sự quan tâm đặc biệt như cấp ruộng cho dân làng Cổ Tích canh tác lấy thóc dùng cho việc hương khói; hàng năm tổ chức Lễ hội đều do cấp tỉnh và cấp Trung Ương có mặt để tiến hành nghi lễ tại Đền Thượng v.v…
Có thể nói, từ thuở hồng hoang với tín ngưỡng nguyên thủy đến tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên trong mỗi gia đình, dòng họ vùng trung du đất Tổ đã hun đúc nên Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và ngày nay đã trở thành bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam đã được tổ chức UNESCO thừa nhận. Tín ngưỡng ấy đã được các thế hệ người dân Phú Thọ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung bảo tồn và lưu giữ qua bao thời gian cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử tạo nên giá trị như: “Ngọc càng mài càng trong; vàng càng luyện càng sáng” để đến hôm nay trở thành giá trị đặc biệt trong hệ giá trị văn hóa của người Việt sinh sống trên dải đất hình chữ S. Hệ giá trị ấy được biểu hiện qua các hoạt động trong Lễ hội Đền Hùng vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Dân gian gọi chung là Lễ hội Đền Hùng hay Hội Đền Hùng để chỉ một hoạt động văn hóa dân gian bao gồm hai nội dung đó là phần nghi thức tế lễ truyền thống các Vua Hùng đã có công dựng nước và phần Hội bao gồm các hoạt động vui chơi, giải trí, các trò chơi dân gian như: cờ người, đánh đu, đấu vật, chọi gà v.v… tạo không khí vui tươi phấn khởi cho người đi hội. Ngày nay, Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của vùng trung du đất Tổ thu hút đông đảo du khách đến thăm viếng từ trong nước và khách quốc tế với nhiều nội dung và hình thức phong phú, bên cạnh những hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đương đại cũng được tổ chức như hội trại, hội diễn, liên hoan văn nghệ, tổ chức thi người đẹp; thi đấu bóng chuyền; hội thi gói nấu bánh chưng và giã bánh giầy v.v… Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trong đó có Lễ hội Đền Hùng (Hội Đền Hùng) từ xưa đến nay, luôn được nhà nước phong kiến và nhân dân địa phương cũng như trên phạm vi cả nước duy trì nghi lễ thờ cúng với một ý thức cao nhất, trọng thể nhất, thể hiện sự biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng. Nghi thức ấy chính là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà ngày nay đã được thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và trở thành hệ giá trị đặc trưng của hệ giá trị văn hóa Việt Nam và trở thành như một hằng số tinh thần bất biến trong suốt lịch sử quá trình dựng nước và giữ nước từ trước tới nay và từ nay về sau sẽ mãi mãi là điểm tựa tâm linh; là sức mạnh tinh thần làm nên động lực vượt qua mọi gian khổ, sóng gió khó khăn, binh lửa để vươn lên mà phát triển qua mọi thời đại. Bởi đó chính là hệ giá trị văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc truyền thống Việt Nam.
Ngày nay, Lễ hội Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bảo tồn và phát huy giá trị với một tầm cao mới của hệ giá trị văn hóa Việt Nam với một vị thế đỉnh cao hơn bao giờ hết của tâm thức Việt Nam. Lễ hội Đền Hùng cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn luôn được tỏa sáng trong hệ giá trị văn hóa của dân tộc và ngày càng khẳng định sức mạnh trường tồn của hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trước văn minh của nhân loại với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được thế giới tôn vinh! Tại hội thảo khoa học tháng 11 năm 2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Bộ VH, TT&DL, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ trì tổ chức tại Hà Nội đã khẳng định “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” đã khẳng định “Văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong những điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt, nổi bật là những cuộc đấu tranh vĩ đại để dựng nước và giữ nước, là sự lao động kiên cường để trụ vững và phát triển, là những cuộc chiến đấu kiên trì vô song để chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa, đồng thời nó tồn tại trong nhiều thế kỷ của chế độ phong kiến từ buổi đầu phát triển cho đến giữa thế kỷ 19. Nền văn hóa ấy đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam trong quá khứ, cả trong hiện tại và tương lai. Với nhận định quan trọng ấy cũng đã đề cập đến khái niệm mới của hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đó coi tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của dân tộc Việt Nam là nền tảng của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” mà Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đỉnh cao của hệ giá trị văn hóa tâm linh Việt Nam. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được hun đúc và thử thách qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử để tồn tại và khẳng định vị trí quan trọng của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong hệ giá trị tâm linh của dân tộc Việt Nam. Đó chính là giá trị trường tồn của một tín ngưỡng đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thể hiện sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công lập nên quốc gia, dân tộc mà các Vua Hùng là các bậc vua đầu tiên đã có công khai sáng ra bình minh của lịch sử dân tộc đã được nhân dân tôn kính phụng thờ.
Hiện nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là căn cứ thực tiễn và là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tuyên truyền quảng bá Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ra thế giới cho nhân loại tiếp cận và hiểu biết sâu hơn về một di sản mang đậm bản sắc của hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Đồng thời cũng là dịp tuyên truyền quảng bá cho một sản phẩm du lịch tâm linh của dân tộc Việt Nam đối với du khách quốc tế để họ tìm kiếm cơ hội đi tham quan du lịch, tìm hiểu, trải nghiệm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch góp phần phát triển tăng trưởng kinh tế của tỉnh Phú Thọ nói riêng và của cả nước nói chung, trên cơ sở đó làm cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách bền vững hơn bao giờ hết trong đời sống tinh thần của người Việt, phục vụ cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước ngày càng phồn thịnh, sánh vai với các nước trên thế giới để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ – Việt Nam mãi mãi tỏa sáng trong nền văn minh của nhân loại.
Đặng Đình Thuận