1. Thời gian, địa điểm, chương trình Đại hội
1.1. Thời gian: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 26/10/2020 đến ngày 28/10/2020.
1.2. Địa điểm: Tại Hội trường lớn – Trung tâm Hội nghị tỉnh, số 936 phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
1.3. Chương trình Đại hội:
– Ngày 26/10/2020: Đại biểu tập trung và họp phiên trù bị. Buổi sáng: Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Trưởng các Đoàn đại biểu dâng hương tại Đền Hùng; họp các Trưởng Đoàn đại biểu. Buổi chiều: Họp phiên trù bị.
– Ngày 27/10/2020: Đại hội chính thức. Buổi sáng: Khai mạc Đại hội (Truyền hình trực tiếp). Buổi chiều: Đại hội thảo luận văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và dự thảo các văn kiện của Trung ương; Bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Ban Chấp hành họp Hội nghị lần thứ Nhất.
– Ngày 28/10/2020: Tiếp tục các nội dung và bế mạc Đại hội. Buổi sáng: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ra mắt Đại hội; Bầu Đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Buổi chiều: Phiên bế mạc Đại hội (Truyền hình trực tiếp).
2. Chủ đề, phương châm, nội dung Đại hội
2.1. Chủ đề Đại hội: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết, các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
2.2. Phương châm Đại hội: “Đoàn kết – Dân chủ – Đổi mới – Phát triển”.
2.3. Nội dung Đại hội: Thực hiện nội dung theo Chỉ thị 35 – CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị, gồm:
– Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 – 2025.
– Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII.
– Thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
– Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025.
– Bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.
3. Tình hình đại biểu dự Đại hội
3.1. Tổng số đại biểu được triệu tập dự đại hội là: 336 đại biểu, đại diện cho trên 105 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ, trong đó:
– Số đại biểu đương nhiên: 51 đại biểu, chiếm tỷ lệ 15,18%.
– Số đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy: 285 đại biểu, chiếm tỷ lệ 84,82%.
3.2. Cơ cấu đại biểu dự Đại hội, cụ thể:
– Về thời gian vào Đảng: Từ tháng 8/1954 đến tháng 4/1975: 01 đại biểu, chiếm tỷ lệ 0,3%; Từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1986: 08 đại biểu, chiếm tỷ lệ 2,4%; Từ tháng 01/1987 đến nay: 327 đại biểu, chiếm tỷ lệ 97,3%.
– Về độ tuổi: Dưới 35 tuổi: 03 đại biểu. chiếm tỷ lệ 0,9%; Từ 35 đến 40 tuổi: 46 đại biểu, chiếm tỷ lệ 13,7%; Từ 41 đến 50 tuổi: 178 đại biểu, chiếm tỷ lệ 53%; Từ 51 đến 60 tuổi: 108 đại biểu, chiếm tỷ lệ 32,1%; Từ 61 đến 70 tuổi: 01 đại biểu, chiếm tỷ lệ 0,3%. Tuổi bình quân của đại biểu: 47,5 tuổi. Trong đó:
+ Đại biểu có tuổi đời và tuổi Đảng cao nhất là: Đại biểu Lê Quang Đại – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh thuộc Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối các Cơ quan tỉnh; sinh ngày 23/8/1954 (66 tuổi); kết nạp Đảng: 12/12/1972 (48 năm tuổi Đảng).
+ Đại biểu có tuổi đời và tuổi Đảng nhỏ nhất là: Đại biểu Đinh Thị Tuyết Mai – Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn thuộc Đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Tân Sơn; sinh ngày 22/12/1988 (32 tuổi); kết nạp Đảng: 13/01/2014 (06 năm tuổi Đảng).
– Về chất lượng đại biểu:
+ Trình độ học vấn: Trung học cơ sở: Không có; Trung học phổ thông: 336 đại biểu, chiếm tỷ lệ 100%.
+ Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tiến sỹ: 12 đại biểu, chiếm tỷ lệ 3,6%; Thạc sỹ: 178 đại biểu, chiếm tỷ lệ 53%; Đại học: 144 đại biểu, chiếm tỷ lệ 42,8%.
+ Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp: 304 đại biểu, chiếm tỷ lệ 90,5%; Trung cấp: 30 đại biểu, chiếm tỷ lệ 8,9%.
4. Về công tác chuẩn bị Văn kiện Đại hội
Các văn kiện gồm: (1) Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; (2) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021- 2025; (3) Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đến nay các văn kiện Đại hội được chuẩn bị kỹ, đúng với quy định, hướng dẫn của Trung ương, có sự đầu tư trí tuệ, bảo đảm nghiêm túc, là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Tỉnh ủy đã tổ chức 03 hội nghị lấy ý kiến: (1) Hội nghị các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh; (2) Hội nghị đại biểu đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; (3) Hội nghị đại biểu đại diện trí thức, nhà báo và văn nghệ sỹ. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh đã tổ chức hội nghị cấp tỉnh lấy ý kiến tham gia góp ý của cán bộ chủ chốt, đồng thời tổ chức lấy kiến rộng rãi thành viên, đoàn viên, hội viên. Báo Phú Thọ; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh; Cổng Thông tin điện tử tỉnh kịp thời đăng tải các dự thảo văn kiện và các ý kiến góp ý trên các chuyên trang, chuyên mục. Các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chỉ đạo lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX. Ngoài ra, Tỉnh ủy đã gửi xin ý kiến tham gia đóng góp của một số bộ, ngành, Trung ương. Tổng số đã có 12.830 ý kiến đóng góp. Các ý kiến góp ý với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã báo cáo xin ý kiến và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội dung và hoàn thiện Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để chính thức trình tại Đại hội.
5. Về tham luận tại Đại hội
– Số cơ quan, đơn vị đăng ký tham luận là: 49
– Sau khi sàng lọc có 38/49 cơ quan, đơn vị được chuẩn bị tham luận.
– Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thẩm định nội dung lựa chọn 22/49 cơ quan, đơn vị dự kiến tham luận tại Đại hội.
6. Về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội
Về công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Phương hướng nhân sự nhiệm kỳ 2020 – 2025, các đề án nhân sự chuẩn bị đảm bảo tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu, thành phần, số dư… theo đúng quy định tại Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức Trung ương. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thống nhất thông qua phương án nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, cụ thể:
– Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX chuẩn bị số lượng nhân sự là 59 đồng chí, số lượng cần bầu là 53 đồng chí, số dư là 06 đồng chí (chiếm tỷ lệ 10,17%). Trong đó tái cử là 42 đồng chí, chiếm tỷ lệ 79,25%, số lần đầu tham gia cấp ủy là 11 đồng chí, chiếm tỷ lệ 20,75%; cán bộ nữ là 10 đồng chí, chiếm tỷ lệ 16,95% (tăng 02 đồng chí so với khóa trước); cán bộ trẻ là 08 đồng chí, chiếm tỷ lệ 13,56%; cán bộ là người dân tộc thiểu số là 03 đồng chí, chiếm tỷ lệ 5,6% .
– Số lượng Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025: Số lượng nhân sự giới thiệu bầu là 17 đồng chí, số lượng cần bầu là 15 đồng chí, số dư là 02 đồng chí, chiếm tỷ lệ 13,3%. Trong đó, tái cử là 12 đồng chí, chiếm tỷ lệ 80%; lần đầu tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 03 đồng chí, chiếm tỷ lệ 20%. Cán bộ nữ có 01 đồng chí, chiếm tỷ lệ 6.67%.
– Số đại biểu chính thức đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng 22 đồng chí; đại biểu dự khuyết là 02 đồng chí (Theo Thông báo số 962- TB/BTCTW ngày 06/7/2020 của Ban Tổ chức Trung ương phân bổ số lượng đại biểu của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII).
Hồ sơ nhân sự dự kiến ứng cử, đề cử được chuẩn bị đầy đủ. Cho đến thời điểm này, không có đơn thư tố cáo liên quan đến đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nhân sự BCH đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
7. Công tác tổ chức, phục vụ Đại hội
7.1. Công tác tuyên truyền và trang trí khánh tiết
Công tác tuyên truyền, khánh tiết, đã được triển khai đồng bộ, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là tuyên truyền về công tác chuẩn bị Đại hội, phản ánh không khí thi đua của các ngành, các địa phương, đơn vị chào mừng Đại hội; tuyên truyền việc lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ngành Trung ương,… công tác tuyên truyền cổ động trực quan đã và đang được các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai, hoàn thiện.
7.2. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Đại hội
Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Đại hội (hậu cần, kỹ thuật; y tế; bảo vệ, an ninh trật tự…) được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, an toàn, đảm bảo đúng quy định.
8. Những nội dung chủ yếu trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX
8.1. Đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020
Năm năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đứng trong tốp đầu về trình độ phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đạt mục tiêu tổng quát của Nghị quyết đề ra. Việc tổ chức Đại hội cơ sở và trên cơ sở thành công nhất từ trước đến nay. Qua kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII có 19/20 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Kinh tế tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá; quy mô kinh tế tăng gần 1,7 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Bốn khâu đột phá về: Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội then chốt; về phát triển nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính và phát triển du lịch được quan tâm chỉ đạo, phát huy hiệu quả và đạt kết quả rõ nét. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành kế hoạch về xây dựng hệ thống giao thông đối ngoại. Nguồn nhân lực của tỉnh có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Các dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ du lịch được đầu tư đào tạo chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa các loại hình dịch vụ. Đã đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử, vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công, Trung tâm quản lý điều hành đô thị thông minh. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều khởi sắc; là điểm sáng của cả nước trong xã hội hóa về lĩnh vực y tế. Cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức trong các sở, ngành được triển khai tích cực theo hướng tinh gọn, bước đầu ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được củng cố và giữ vững; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị được tăng cường.
Tuy nhiên còn 01/20 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu Đại hội đề ra và một số hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục, nhưng những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định sự đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng, các nghị quyết của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; là động lực quan trọng để Đảng bộ, quân và dân Phú Thọ xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
8.2. Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020 – 2025
– Phương hướng, mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực và uy tín, dám nghĩ, dám làm, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy truyền thống đoàn kết, tính năng động và ý chí tự cường, khát vọng phát triển của nhân dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng; tập trung thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
– Các chỉ tiêu chủ yếu
+ Về kinh tế:
(1). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh) tăng bình quân 7,5%/năm trở lên.
(2). Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 65 triệu đồng.
(3). Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp – xây dựng 40,5%; dịch vụ 41,5%; Nông – lâm nghiệp – thủy sản 18%.
(4). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 160 nghìn tỷ đồng.
(5). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 đạt trên 10 nghìn tỷ đồng.
(6). Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 22% trở lên.
+ Về văn hóa – xã hội:
(7). Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2025 dưới 40%.
(8). Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đến năm 2025 đạt từ 72%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận đạt từ 30% trở lên.
(9). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 0,4% (theo chuẩn nghèo 2016 – 2020).
(10). Đến năm 2025, có 15 Bác sỹ/1 vạn dân và 50 Giường bệnh/1 vạn dân.
(11). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 93% trở lên.
(12). Đến năm 2025, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đạt 45% trở lên (06 đơn vị cấp huyện), 65% số xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao đạt 20% trở lên (26 xã).
+ Về Môi trường:
(13). Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đến năm 2025 đạt 98% trở lên. Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%.
(14). Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung đến năm 2025 đạt trên 70%.
(15). Giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 38,8%.
+ Về xây dựng Đảng:
(16). Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trở lên đạt trên 80%; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng không hoàn thành nhiệm vụ dưới 1%.
(17). Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trở lên đạt trên 80%; tỷ lệ đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ dưới 0,5%.
– Một số nhiệm vụ trọng tâm (6 nhiệm vụ)
(1). Tập trung thực hiện tốt khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng then chốt, các lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng lợi thế; đồng thời, tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ then chốt về đẩy mạnh cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của một số ngành, lĩnh vực trọng điểm và tạo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, để tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững.
(2). Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp chủ yếu tạo chuyển biến rõ nét trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi, bền vững; phát triển công nghiệp hiện đại, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường; đa dạng các loại dịch vụ chất lượng cao; phát triển du lịch theo chiều sâu, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch trọng điểm, giao thông, năng lượng, thông tin truyền thông, cấp thoát nước và xử lý chất thải, các dự án, công trình quan trọng tạo sự lan tỏa, có tính kết nối liên vùng; phát triển đô thị tại thành phố, thị xã và trung tâm các huyện. Tập trung phát triển các thành phần kinh tế, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp tư nhân, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hộ và phát triển liên kết trong sản xuất. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản và kiểm soát chặt chẽ môi trường.
(3). Phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá vùng Đất Tổ, nhất là hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”; bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hoá trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, văn hoá, thể thao. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ; đào tạo có trọng điểm nguồn nhân lực trình độ, kỹ thuật cao theo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
(4). Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và công tác dân vận của Đảng. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, tích cực đi sâu, bám sát cơ sở trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội.
(5). Nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, năng lực, tinh thần tận tụy, trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung hiện đại hóa nền hành chính gắn với hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
(6). Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại.
– Nhiệm vụ cụ thể và giải pháp chủ yếu (8 nhiệm vụ và giải pháp)
(1). Xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế, xã hội.
(2). Tập trung thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, quan tâm phát triển các thành phần kinh tế; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trọng tâm là cơ sở hạ tầng then chốt, các ngành, lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững.
(3). Đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
(4). Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ; phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, nâng cao chất lượng thông tin và văn học nghệ thuật.
(5). Nâng cao chất lượng công tác y tế; giải quyết tốt các vấn đề lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
(6). Tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
(7). Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện.
(8). Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại.