“Mãi sau này, khi Trịnh Công Sơn đã quá nổi tiếng, người ta mới nhắc đến việc ông từng có một thời gian sống ở B’Lao, chứ trước đây rất ít người để ý. Vì thế, những dấu ấn của Trịnh Công Sơn để lại trên đất B’Lao trong thời kỳ đó, khá là mờ nhạt”, ông Trần Xuân Thụy, một người sinh tại B’Lao, chia sẻ như vậy, khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn tìm lại dấu xưa Trịnh Công Sơn trên đất B’Lao.
Một người B’Lao khác, bà Cao Thị Mỹ Thanh, cũng thừa nhận: “Quả có chuyện Trịnh Công Sơn từng sống, dạy học, rồi sáng tác âm nhạc tại B’Lao. Nhưng cụ thể là ông đã ở đâu trên đất B’Lao thì chúng tôi chỉ biết rất mù mờ. Bởi ngôi trường xưa, nay đã bị san phẳng, căn nhà cũ cũng không còn dấu tích”.
Ông Trần Văn Ngọc, người cùng dạy học với Trịnh Công Sơn ở Trường Sơ học Bảo An, cho hay: “Thời đó, chúng tôi nghe một số người nói rằng, thầy Trịnh Công Sơn đưa triết học vào trong ca khúc của mình. Nhưng khi nghe ca khúc của thầy Sơn, thú thật là tôi không hiểu gì cả. Giờ già rồi, nghiền ngẫm kỹ mới thấm thía những điều thầy Trịnh Công Sơn đã nói trong ca khúc Một cõi đi về, Ngủ ngon mùa đông”.
Theo ông Ngọc, khu đất xưa có Trường Sơ học Bảo An đóng chân, giờ thuộc đường Đinh Tiên Hoàng, Phường II, TP Bảo Lộc. Trịnh Công Sơn thuê nhà của bà Trần Thị Phi để trọ. Ông ở chung phòng với người bạn học cùng Trường Sư phạm Quy Nhơn, rồi cùng lên B’Lao dạy học – thầy giáo Nguyễn Văn Tỳ (sau này gọi là Nguyễn Thanh Ty, hiện đang định cư tại Mỹ).
Trong ấn tượng của ông Ngọc, Trịnh Công Sơn là con người nho nhã, ăn nói nhỏ nhẹ, sống nghiêm ngắn và hiền lành, dường như không biết nổi giận. Tuy giữ chức Trưởng giáo, tương đương Hiệu trưởng bây giờ, nhưng ông giáo Sơn lại rất ít khi phát biểu. “Thầy Trịnh Công Sơn có dáng người cao, gầy, đeo kính trắng, trông rất trí thức. Chúng tôi nể phục thầy Sơn lắm. Bởi thầy Trịnh Công Sơn được đào tạo bài bản ở Trường Sư phạm Quy Nhơn. Thầy Sơn không biết và không thích đùa giỡn nên nhiều lúc chúng tôi phải dè chừng. Về sau, chúng tôi hiểu, thầy Trịnh Công Sơn không bao giờ đùa giỡn là vì tôn trọng đồng nghiệp”, ông Ngọc nhớ lại.
Theo ông Ngọc, Trường Sơ học Bảo An thời điểm đó chỉ có 3 lớp, từ lớp 1 đến lớp 3. Ông giáo Sơn dạy lớp 3. Tuy vậy, ông giáo Sơn thường bỏ bê công việc dạy học, có những lần bỏ dạy 1 – 2 tuần lễ, khiến những đồng nghiệp như ông cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. May mắn là Ty trưởng Lê Cao Lợi rất tốt với giáo viên. “Ty trưởng chỉ cảnh cáo thầy Trịnh Công Sơn sơ bộ, nói rằng: “Từ rày về sau, đừng bỏ trường nữa”. Nếu đưa ra hình phạt nặng, rất có thể thầy Sơn đã bị buộc thôi việc”, ông Ngọc cho biết.
Cũng theo ông Ngọc, có lẽ do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trịnh Công Sơn mới chọn nghề giáo viên, để có tiền phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học, chứ đam mê của Trịnh phải là âm nhạc. “Dạo ấy, nghề giáo viên là một nghề có lương rất cao, một tháng lĩnh 5.200 – 5.400 đồng. Trong khi đó, vật giá lại rất rẻ. Chúng tôi đi ăn cơm tháng ở tiệm cơm Lộc Sơn, nay là tiệm Mắt kính Sài Gòn, số 96 Lê Hồng Phong, Phường I, TP Bảo Lộc, chỉ có 600 đồng”, ông Ngọc nói rõ.
Nhà thơ Nguyễn Minh Phúc, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, kể ông yêu mến âm nhạc Trịnh trước hết là bởi những câu thơ mênh mang phận người trong ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Tôi hễ gặp một cô gái, một thiếu phụ có dáng người gầy gầy, ánh mắt buồn buồn, mái tóc dài dài là lập tức nghĩ đến Trịnh, với “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi”.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn hay là ở chỗ đó, thoát khỏi phạm trù ca khúc để đi vào đời sống và sống trong đời sống”, ông Phúc nhìn nhận và nói thêm: “Người đời thường nói nhiều đến địa danh Đà Lạt, Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn, Hà Nội… khi nhắc về Trịnh, nhưng sẽ là một bức tranh không hoàn chỉnh, nếu thiếu vắng mảnh ghép B’Lao”.
Quả vậy, B’Lao, nơi “anh ngỡ là mình vừa mang một bản án treo đày về một hoang đảo” (Trịnh Công Sơn viết cho Ngô Vũ Giao Ánh), chính là nơi khơi gợi cho Trịnh Công Sơn những suy nghĩ, cảm nhận thật rõ về thân phận kiếp người để sau này trở thành một triết nhân trong âm nhạc, một nghệ sĩ của thời đại, dẫu rằng Trịnh chỉ sống ở đấy chưa đầy 3 năm (từ năm 1964 đến năm 1967)”.
Trong một lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, nói: Bảo Lộc đang tính đến việc đặt tên Trịnh Công Sơn cho một ngôi trường, hoặc một con đường mang tên Trịnh Công Sơn. Những di sản Trịnh Công Sơn để lại tại B’Lao là niềm tự hào của người dân TP Bảo Lộc.
(Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/)
Tác giả: Triều Ka